Phật pháp ứng dụng
Đối Phó Với Giận Hờn và Thù Hận
Nguyên tác Anh ngữ: Ngài Dalai Lama XIV Việt dịch: Chân Huyền
18/12/2010 01:39 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

      Giận và thù là hai người bạn thân thiết nhất của ta. Khi tôi còn nhỏ tuổi, tôi có liên hệ khá mật thiết với cái giận. Rồi cuối cùng tôi thấy nhiều điều không đồng ý với nó. Dùng lẽ phải thông thường, thêm lòng từ bi và trí khôn, ngày nay tôi có những lý lẽ mạnh mẽ để thắng được sự giận dữ. 


      Theo kinh nghiệm riêng, rõ ràng là ai cũng có thể thay đổi nếu chịu cố gắng. Dĩ nhiên sự chuyển hóa không xảy ra tức thời, nó cần nhiều thời gian. Để có thể thay đổi và đối phó với các cảm xúc, điều quan trọng nhất là ta phải biết phân tích coi những cảm nghĩ nào có hữu ích, có tính cách xây dựng và đem lợi lạc tới cho ta. Tôi muốn nói tới những ý nghĩ mang lại sự thoải mái và bình an, những thứ giúp cho tâm trí ta được an bình, trái ngược với những cảm nghĩ làm cho ta khó chịu, sợ hãi hay thất vọng. Sự phân tích này cũng tương tự như khi ta phân loại sự vật bên ngoài, như các loại cây cối chẳng hạn. Có những loại cây, hoa hay trái tốt nên chúng ta ăn và trồng chúng. Những loài cây độc và có hại, ta cần học để nhận diện và đôi khi phải triệt hạ chúng. 

      Thế giới nội tâm cũng giống vậy. Nếu chỉ nói về thân và tâm thì quá sức giản dị. Trong cơ thể, trong thân ta có hàng tỷ thành tố khác nhau. Tâm cũng vậy, có biết bao loại tư tưởng, tương ứng với vô số những trạng thái tâm của mình. Chúng ta cần nhìn sâu vào tâm thức mình để phân biệt được những trạng thái tâm khác nhau, thứ nào có hại, thứ nào có ích lợi cho ta. Khi nhận diện được giá trị của các tâm thiện lành, bạn có thể nuôi dưỡng chúng và làm cho chúng tăng thêm lên. 

      Bụt dạy các nguyên tắc căn bản của giáo pháp, là Tứ Diệu Đế. Diệu đế thứ ba là sự ngừng bặt. Theo ngài Long Thọ (Nagarjuna), ngừng bặt đây là nói về trạng thái tâm diệt bỏ được tất cả các cảm xúc tiêu cực, do sự cố gắng tu tập của chúng ta. Ngài Long Thọ định nghĩa sự ngừng bặt đích thực là trạng thái của tâm thức hoàn toàn tự do, không còn bị các vọng tâm phiền não ảnh hưởng chi nữa. Sự ngừng bặt (diệt khổ) thật sự đó chính là Phật Pháp tinh nguyên, mà mọi người Phật tử đều mong đạt tới. Bụt là chỗ nương tựa cho mọi người vì ngài đã đạt tới trạng thái đó. Vậy nên người ta sùng kính Bụt, hoặc nương tựa vào Bụt,không phải vì ngài sanh ra là một nhân vật đặc biệt, mà chính vì ngài đã đạt tới trạng thái diệt khổ thật sự. Người ta cũng nương tựa vào Tăng đoàn vì đó cũng là một cộng đồng gồm nhiều cá nhân đã hay đang đi trên con đường diệt khổ. 

      Chúng tôi thấy rằng Diệt khổ là một trạng thái tâm thức tự do, không bị vướng bận vào những cảm xúc và tư tưởng tiêu cực, nhờ áp dụng những lực đối kháng lại chúng. Các thành tố đưa tới trạng thái Diệt khổ cũng là những vận hành của tâm. Sự thanh lọc tâm thức cũng xảy ra trong chuỗi liên tục của các thức. Vậy nên trong đạo Phật. hiểu được bản chất của tâm là điều quan trọng nhất. Nói như thế, tôi không có ý cho rằng mọi sự đều chỉ là một hình ảnh hay phóng chiếu của tâm, ngoài ra không có gì khác. Nhưng sự hiểu biết về tâm là điều rất quan trọng trong Phật giáo nên người ta thường mô tả Phật giáo như là một khoa học về tâm. 

      Đại cương trong Phật giáo, một cảm nghĩ bất thiện được định nghĩa là một trạng thái tâm gây phiền não cho trí óc con người. Những cảm nghĩ tiêu cực đó gây ra khổ não, phiền trược trong chúng ta. Cảm xúc bình thường không nhất thiết đều có tính cách tiêu cực. Trong một hội nghị khoa học với các tâm lý gia và khoa học gia chuyên về thần kinh, mọi người kết luận rằng Bụt là người có cảm xúc - theo định nghiã của danh từ này trong nhiều bộ môn khoa học. Vậy nên Từ Bi cũng là một thứ xúc cảm. 

      Dĩ nhiên các cảm thọ có thể tích cực hay tiêu cực. Nhưng khi nói về cái giận vv... chúng ta nói tới những cảm xúc tiêu cực hay bất thiện. Đó là thứ cảm thọ gây ra một thứ phiền não, đau khổ và trong đường dài, nó dẫn ta tới những hành động làm hại người khác, và từ đó, mang đau khổ cho ta thêm nữa. Cảm thọ tiêu cực có nghĩa như vậy. 

      Có hai loại tâm hờn giận. Một loại có thể biến thành ra một cảm thọ tích cực. Tỷ dụ một người có lòng từ bi và quan tâm tới người khác đang hành xử bất cần để ý tới ai. Trường hợp này, người tử tế kia có thể biến cái giận của mình thành ra hành động ngăn cản người khác làm sai. Pháp tu Mật tông giúp chúng ta các phương pháp thiền quán để chuyển đổi cái tâm hờn giận thành ra năng lượng hành động tích cực. Tuy nhiên, thường sự hờn giận hay đưa chúng ta tới thù hận, một cảm thọ bất thiện. Thù hận tạo ra những ý tưởng xấu xa.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch