Phật pháp ứng dụng
Tịnh hóa ba nghiệp
12/02/2010 03:25 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tất cả mọi hành vi tốt hay xấu của một con người đều xuất phát từ ba cửa ngõ là thân, khẩu, ý. Đạo Phật gọi là ba nghiệp. Thuyết đạo đức của Phật giáo căn cứ vào vào diễn tiến của ba nghiệp thân, khẩu, ý để khảo sát, xác lập và đánh giá phẩm chất đạo đức và hạnh phúc của con người hay cuộc sống nói chung theo tiêu chí thiện ác.

Đạo Phật là con đường chuyển hoá nhân tính từ xấu thành tốt, từ ác sang thiện, cũng đồng nghĩa là đường hướng xây dựng đạo đức và hạnh phúc cho tự thân và cho cuộc đời – cơ bản là sự chuyển hoá hay tịnh hoá ba nghiệp thân, khẩu, ý. Do đó đạo Phật còn được gọi là đạo chuyển nghiệp hay con đường hạnh phúc an lạc, lợi mình, lợi người.

Cách thức chuyển nghiệp được nói đến trong đạo Phật thật đơn giản. Đức Phật khuyên mỗi người chúng ta phải biết thương mình thương người bằng cách thường xuyên theo dõi, cân nhắc và phản tỉnh thật kỹ các biểu hiện của ba nghiệp thân, khẩu, ý của tự thân, xem chúng là thiện hay bất thiện để từ đó nỗ lực thực hành hoặc chuyển hoá chúng từ xấu thành tốt, từ ác sang thiện.

Ngài dạy mỗi người phải soi xét các hành vi của chính mình – mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm – để có thái độ hành xử đúng đắn. Mỗi mỗi hành vi cần phải được cân nhắc, phản tỉnh nhiều lần trước khi thực hiện, trong khi thực hiện và sau khi thực hiện. Hành vi nào là ác, bất thiện, có hại cho mình và có hại cho người thì nhất quyết không làm, hoặc nếu đã lỡ làm thì sinh tâm ăn năn và nỗ lực từ bỏ. Hành vi nào là tốt, là thiện, có lợi cho mình và cho người thì dốc tâm thực hành và phát triển chúng. Sống và hành động theo cách trên, đạo Phật gọi là Chính tinh tấn (Sammà vàyàma).

Như vậy, cứ theo lời Phật dạy mà sống và hành động thì bất kỳ việc làm hay dự án nào con người muốn thực hiện cũng đưa đến kết quả tốt đẹp, không để lại hậu quả đáng tiếc. Người con Phật được dạy suy xét thận trọng trong mỗi ý nghĩ, lời nói và việc làm nên mọi việc lớn hay nhỏ họ làm chỉ có lợi cho đời, không bao giờ gây hậu quả tai hại.

Sau đây là lời Phật khuyên dạy Tôn giả Ràhula, cũng đồng thời là lời khuyên Ngài dành cho chúng ta về cách thức hành động hay tịnh hoá ba nghiệp:

“Này Ràhula, con nghĩ thế nào, mục đích của cái gương là gì?

- Bạch Thế Tôn, mục đích là để phản tỉnh.

- Cũng vậy, này Ràhula, sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành thân nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành khẩu nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành ý nghiệp.

Này Ràhula, khi con muốn làm một thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp gì, hãy phản tỉnh thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp ấy như sau:

“Thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này ta muốn làm. Thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này của ta có thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ”.

Này Ràhula, nếu trong khi phản tỉnh, con biết: “Thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này ta muốn làm. Thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này của ta có thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ”.

Một thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp như vậy, này Ràhula, con nhất định chớ có làm. Này Ràhula, nếu sau khi phản tỉnh, con biết: “Thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này ta muốn làm. Thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này của ta không có thể đưa đến tự hại, không có thể đưa đến hại người, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc”.

Một thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp như vậy, này Ràhula, con nên làm.

Này Ràhula, khi con đang làm một thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp, con cần phải phản tỉnh thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp ấy như sau: “Thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này ta đang làm. thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ; đem đến quả báo đau khổ”.

Này Ràhula, nếu trong khi phản tỉnh, con biết: “Thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này ta đang làm. Thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đưa đến quả báo đau khổ”.

Này Ràhula, con hãy từ bỏ một thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp như vậy. Nhưng nếu, này Ràhula, trong khi phản tỉnh, con biết như sau: “Thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này ta đang làm. Thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này của ta không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc”.

Thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp như vậy, này Ràhula, con cần phải tiếp tục làm.

Sau khi con làm xong một thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp, này Ràhula, con cần phải phản tỉnh thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp ấy như sau: “Thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này ta đã làm. Thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ”.

Nếu trong khi phản tỉnh, này Ràhula, con biết như sau: “Thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này ta đã làm. Thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này là bất thiện đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ”.

Một thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp như vậy, này Ràhula, con cần phải thưa lên, cần phải tỏ lộ, cần phải trình bày trước các vị Đạo sư, hay trước các vị đồng Phạm hạnh có trí. Sau khi đã thưa lên, tỏ lộ, trình bày, cần phải phòng hộ trong tương lai. Nếu trong khi phản tỉnh, này Ràhula, con biết như sau:

“Thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này ta đã làm. Thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp, hay khẩu nghiệp, hay ý nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc”.

Do vậy, này Ràhula, con phải an trú trong niềm hoan hỷ tự mình tiếp tục tu học ngày đêm trong các thiện pháp”.

Tâm Đạo (Theo Văn hóa Phật giáo)

 

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch