Khi nghe một điều gì về Phật giáo trong bản tin tức hàng ngày,
bạn thường nghĩ đến một tôn giáo thờ nhiều hình tượng to lớn, có
các thầy tu áo vàng, với không khí dày đặc mùi khói nhang. Bạn có cảm
giác tôn giáo nầy không phải dành cho bạn, ngoại trừ có thể đấy chỉ
là một buổi trình diễn ly kỳ, hấp dẫn.
Tuy nhiên, chẳng lẽ Phật giáo chỉ có thế
thôi? Các tân nhiếp ảnh gia không chụp được các ảnh thật sự về Phật giáo
hay sao? Báo chí trình bày cho bạn thấy những hào nhoáng của tôn giáo
đó, hay đó chỉ là cái dáng vẻ bề ngoài?
Chúng ta hãy nhìn rõ xem Phật giáo thật sự là gì, Phật giáo được
trình bày rành rẽ tận gốc rễ, vì Phật giáo vẫn hiện hữu ngay cả
dưới các trang sức bên ngoài. Mặc dù Phật giáo, thông thường được
xem là một tôn giáo, căn bản của Phật giáo là trau dồi, rèn luyện
tâm. Thật sự thì với truyền thống của tu viện và những yếu tố về
mặt đạo đức, Phật giáo sở hữu nhiều đặc điểm với ngoại hình mà
người Âu Mỹ thường cho là thuộc về tôn giáo. Tuy vậy, Phật giáo không
tin vào một đấng thượng đế, vì Phật giáo cho rằng vũ trụ được hình
thành và chuyển vận bằng những định luật không có chủ thể, vũ trụ
không phải là sáng tạo của một đấng trời nào; Phật giáo không chủ
trương cầu xin, vì đức Phật là một vị thầy, không phải là thượng đế,
và Phật giáo xem việc thờ cúng không phải là một điều luật bắt
buộc, nhưng đó là cách để bày tỏ sự biết ơn đối với đức Phật và
là phương thức để trau dồi, phát triển thân tâm. Vì thế, với những
nhận xét như nói ở đây, Phật giáo không phải là một tôn giáo.
Lại nữa, Phật giáo hiểu rằng niềm tin không thể chỉ gói gọn trong sự
tin tưởng vào lời chỉ dạy của đức Phật. Một người Phật tử không
được tin vào bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy được đức Phật nói ra,
hoặc vì đó là điều được ghi trong sách cổ, hoặc vì điều ấy được
truyền xuống từ những bậc cha ông, hoặc vì có nhiều người tin vào
điều ấy. Phật tử có thể xem lời dạy của đức Phật như một giả
thuyết, và truy cứu về điều ấy, nếu đúng thì Phật tử hãy tin
tưởng; người Phật tử không nên chấp nhận bất cứ điều gì nếu như
thấy nó không đúng lý lẽ. Điều nầy không có nghĩa là mọi thứ
đều phải được trình bày một cách hợp lý, vì có những nhận thức
nằm xa khung kính tri thức và chỉ có thể nhận biết bởi sự phát
triển về mặt tâm linh. Nhưng yếu tố chánh vẫn là không nên mù quáng
tin về mọi điều trong lời dạy của đức Phật.
Phật giáo là cách sống dựa trên việc rèn luyện tâm. Mục đích cao
nhất là để đi trên con đường giải thoát khỏi đau khổ, và đạt đến
Niết Bàn, một trạng thái xa hẳn cấp bậc của một tâm trí thông
thường, chưa được rèn luyện. Mục tiêu tức thời là đánh ngay vào
những gốc rễ của đau khổ trong cuộc sống hàng ngày.
Mọi hoạt động của con người được chỉ dẫn, ngay đó hay xa hơn, để
tiến đến hạnh phúc bằng cách này hay cách khác; hoặc giả để bày tỏ
một việc bằng những chữ tiêu cực, tất cả hoạt động của con người
được chỉ dẫn để đạt giải thoát, vượt qua những việc bất như ý,
không hài lòng. Bất như ý, có thể được xem như khởi điểm của hoạt
động con người, và hạnh phúc là mục đích cao cả nhất.
Bất mãn hay bất như ý, khởi điểm hoạt động con người, là điểm xuất
phát trong Phật giáo; và điểm này được bày tỏ bằng công thức của
Bốn Câu Căn Bản, yếu tố của sự bất mãn được chỉ rõ, nguyên nhân,
cách chữa, và phương thức để chữa .
Câu Căn Bản Thứ Nhất như sau: Trong Đời Sống con người không thể
tránh được sự bất mãn.
Nguồn gốc ý nghĩa của câu nầy, chữ “bất mãn” thường được dịch là
“đau khổ”, bao gồm ý nghĩa không chỉ là nỗi đau, buồn phiền, và bất
mãn, nhưng mọi thứ đều là không như ý, từ nỗi đau đớn thể xác và sự
khổ não về tâm bệnh, cho đến mệt mỏi chút ít, chán nản hay chỉ một
chút thất vọng.
Đôi khi lại chỉ cho sự “bất mãn” hoặc “bất như ý”; trong vài bài pháp
có thể những từ nầy được dùng một cách chính xác, và ở lúc khác
từ “đau khổ” lại được sử dụng. Vì lẽ nầy, chúng tôi sẽ dùng
cả hai từ “đau khổ” và “bất mãn” hay “bất như ý” tuỳ vào nội dung
của bài pháp thoại.
Trong vài bài dịch từ bản gốc, thì sanh là khổ, bệnh là khổ, già
là khổ, và sung sướng là khổ. Trong bản tiếng Anh, câu cuối cùng
không có nghĩa gì; nhưng nếu chúng ta sửa lại là “sự thỏa mãn không
được như ý” thì có lẽ dễ hiểu hơn, vì mọi thỏa mãn đều vô thường,
và mặt trái của sự sung sướng, thỏa mãn thường là đau khổ, và từ nhận
thức nầy, chữ không được như ý có lẽ đúng lý hơn.
Bây giờ đức Phật dạy rằng sự bất mãn hoặc đau khổ là việc không thể
tránh khỏi, trong đời sống con người có cái “ngã”; và “đời sống có
cái ngã” cần được giải thích. Tóm lại, kinh điển dạy rằng bản ngã
được xem là một linh hồn cố định, bất biến, đây là một điều không có
thực.
Trung tâm cốt lõi của mỗi sinh vật không phải là một linh hồn bất
biến, mà là dòng sông cuộc sống, một nguồn năng lượng luôn thay đổi,
và phút giây kế tiếp không bao giờ giống như phút giây vừa trôi qua.
Cái ngã, được xem như một linh hồn bất diệt, và đây là ảo tưởng của
bản ngã, nỗi đau khổ nhất bắt nguồn từ nơi đây. Cuối cùng khi cái
ảo tưởng về Tôi được chuyển hoá thì đấy là sự giác ngộ, trạng
thái nầy cao nhất, và nằm xa hơn cái vũ trụ tương đối mà chúng ta
biết. Nơi trạng thái cao nhất này, đau khổ bị dập tắt; khi bất cứ
một cái gì về “ngã” còn tồn tại, cho dù chỉ là một ảo tưởng nhỏ,
đau khổ vẫn còn hiện diện.
Vì vậy, chúng ta phải hiểu rằng Câu Căn Bản Thứ Nhất không có nghĩa
là đau khổ không thể tránh được; nó chỉ có nghĩa là trong cuộc sống
nơi cái ngã ngự trị, ta không thể tránh khỏi đau khổ, và nếu như
ảo tưởng cái ngã còn, thì đau khổ vẫn tiếp diễn.
Bây giờ chúng ta nói đến Câu Căn Bản Thứ hai, như sau: Nguyên nhân
của đau khổ (bất như ý) là ham muốn.
Nếu bạn trợt té trên sàn nhà trơn ướt và bị bầm mình, bạn nói
nguyên nhân cái đau mà bạn đang phải chịu đựng là vì sàn nhà trơn
trợt. Điều nầy đúng, và nếu nói vết bầm của bạn là do ham muốn mà
ra thì chắc là không đúng rồi.
Nhưng câu hai không nói đến trường hợp cá nhân, hoặc nguyên nhân tức
thời. Câu hai muốn nói đến sức mạnh hợp nhất để gìn giữ nguồn
sống là sự ham muốn cho chính bản thân; vì nguồn sống nầy – ảo
tưởng về cái ngã – chứa đựng những điều kiện cho đau khổ, trong khi
sàn nhà trơn trợt chỉ là một cơ hội cho đau khổ xuất hiện.
Vì bản chất của thế giới mà chúng ta đang sống, thật là điều không
tưởng khi muốn chữa đau khổ bằng cách loại bỏ hết những cơ hội có
thể mang lại đau khổ; cũng như không thể đánh vào nguyên nhân hay cơ sở
chánh của cái khổ.
Vì thế Câu Ba căn bản là: Giải thoát sẽ đạt được bằng cách tiêu
diệt ham muốn.
Sự ham muốn của cái ngã là giữ chặt lấy đời sống; dòng sông ý thức
hiện hữu mà chúng ta gọi là ngã; và chỉ vì cái si mê của ngã mà
sự bất như ý và đau khổ xuất hiện. Khi diệt trừ được sự nắm
giữ si mê về ngã, gốc rễ của đau khổ cũng bị tiêu diệt.
Mục đích cao nhất của thực tập trong Phật giáo là để tiêu diệt bản
ngã. Chính ngay nơi nầy sự hiểu lầm xuất hiện, và đó là điều tự
nhiên; nhưng một khi nhận thấy rằng tiêu diệt cái ngã là huỷ diệt si
mê thì sự hiểu lầm nầy sẽ biến mất. Khi si mê được tẩy trừ, thực
tại xuất hiện; như vậy tiêu diệt si mê là để thực tại hiển hiện. Khi
si mê về cái ngã vẫn tiếp tục che tối thực tại thì ta không tài nào
tìm thấy nó.
Giờ đây khi si mê bị tiêu diệt thì thực tại nầy là gì. Thực
tại cao tột là Không Duyên Khởi, cũng được gọi là Không Sanh, Không
Cội Nguồn, Không Pha Lẫn. Với cách thức diễn đạt không đầy đủ, không
chính xác, chúng ta có thể tạm diễn tả nó như một trạng thái khả
quan tích cực. Đó là nơi có hạnh phúc và tự do, hoàn toàn thoát
khỏi đau khổ và nó rất khác biệt với trạng thái hiện hữu tầm
thường và không thể nào được diễn tả bằng lời nói. Trạng thái Không
Duyên Khởi có thể được chỉ dẫn – để đạt đến điểm cao tột – chỉ
bằng cách nói về những điều mà trạng thái đó không có.
Trong các bài pháp Phật giáo, Không Duyên Khởi thường được giải thích
là tâm không còn tham, sân, si. Đây cũng nói đến sự hoàn hảo của
các cá tính đối nghịch, vị tha, từ bi, và trí tuệ.
Đạt đến trạng thái Không Duyên Khởi là mục đích cao tột của tất cả
thực tập nơi Phật giáo, và cũng tương đương như sự giải thoát rốt
ráo khỏi đau khổ và sự bất như ý. Sự việc nầy đưa
chúng ta đến với câu cuối cùng của bốn Câu Nói Căn Bản.
Câu Căn Bản Thứ Tư: Con đường giải thoát là Bát Chính Đạo.
Con đường có tám yếu tố sau đây:
- Hiểu biết đúng, sự
hiểu biết về bản chất chân thật của hiện hữu
- Suy nghĩ đúng, ý nghĩ
không còn vướng vào nhục dục, sự xấu xa, và độc ác.
- Nói lời chân thật,
không bịa đặt, nói xấu, nói lời cộc cằn thô lỗ, và không nói nhảm.
- Hành động chân chính,
tránh việc sát hại, trộm cắp, và tà dâm.
- Cuộc sống chân chính,
nghề nghiệp không làm hại đến các chúng sinh.
- Cố gắng chân chính,
hoặc cố gắng tiêu diệt kiết sử nơi tâm thức và nuôi dưỡng những phẩm chất
tốt đẹp.
- Tâm thức chân chính,
sự hoàn hảo của chánh niệm.
- Tư duy chân chính,
nuôi dưỡng tâm thức qua việc thiền định.
Bây giờ bạn thấy trong Con đường Bát Chính Đạo,
quan trọng là nó không có tính chất tôn giáo; nó giống như khoa tâm lý đạo đức.
Nhưng con người ở phương Đông cũng như ở phương Tây, nói chung, giống như sự
đòi hỏi phiến diện bằng cách này hay cách khác – ít nhất ở mặt bên ngoài –
những cái không quan trọng lại được xem là cần thiết.
Trong khi những đặc điểm phiến diện trong thực tập Phật giáo cần được thay đổi
tùy vào hoàn cảnh xung quanh, những đặc tính quan trọng, không thay đổi của
thực tập được tóm tắt trong bảng chỉ dẫn của Bát Chính Đạo, đức Phật đã dạy về
Trung Đạo, con đường trung dung giữa những trạng thái cực đoan.
Mặc dù thật bất tiện khi nói về những khía cạnh khác của Bát Chính Đạo như là
tám cấp bậc, không nên xem đó là những cấp bậc riêng biệt, phải làm từng chặng.
Ngược lại, mỗi cấp bậc phải được thực tập cùng lúc với những cấp bậc khác, và
có lẽ sẽ tốt hơn nếu ta nhìn nó như tám lằn ranh của một con đường hơn là tám
cấp bậc nối tiếp nhau.
Bước thứ nhất của con đường, hiểu biết đúng, quan trọng nhất là thấy mọi việc
như nó là – hoặc ít nhất, thử làm mọi việc với tính cách không trốn tránh, hoặc
tự lừa dối. Nghĩa là, hiểu biết đúng bắt đầu bằng sự yêu thích trí tuệ,
yêu bản chất tự nhiên của sự hiện hữu, và như thế đấy được coi như là bước đầu
của con đường thực tập; nhưng khi đã đến cuối con đường, sẽ đạt được tình
thương và trí tuệ.
Trong khi Chánh Kiến có thể được xem như sự thấu hiểu hoàn hảo nơi Phật Pháp,
nó dựa vào sự hiểu biết ba đặc điểm chánh yếu trong thế giới tương đối của vũ
trụ, thời gian, hình thể và vật chất. Ba đặc điểm này có thể tóm tắt như
sau:
Vô thường: Tất cả mọi thứ trong thế giới tương đối này luôn thay đổi liên tục.
Bất như ý: Trong một mức độ nào đó của đau khổ và bất như ý dính liền với cuộc
sống “có bản ngã”, hoặc liên hệ tới những giới hạn kinh nghiệm cá nhân trong thế
giới tương đối.
Vô ngã: Không có thực thể - không là con người hay bất cứ chúng sanh nào -
không sở hữu một linh hồn hay bản ngã thường hằng, không thay đổi. Mỗi một
chúng sanh có một dòng sinh lực luôn thay đổi, sự thay đổi tùy thuộc vào hiện
tượng tinh thần và vật chất, giống như một dòng sông luôn trôi chảy và không
bao giờ đứng yên một chỗ dù chỉ trong tích tắc.
Như vậy, bản ngã, không phải là một thực thể tĩnh
lặng mà là một dòng thay đổi liên tục. Khái niệm năng động về sự hiện hữu là
một ý nghĩ sâu xa tiêu biểu trong Phật giáo; trong cuộc sống không có bất cứ
vật gì là tĩnh lặng, cuộc sống là một dòng trôi chảy liên tục mà ta cần phải
học để biết cách bơi theo dòng.
Một khái niệm khác của Chánh kiến là nhận thức
rằng vũ trụ có tiến trình của nó với nền tảng nhân và quả, với hành động và sự
phản kháng, liên tục không cố định và nó đều giống nhau trong thế giới đạo đức,
tinh thần và vật chất. Tùy vào hành động tốt mà người tạo tác có lúc hưởng được
sự sung sướng, và có lúc vì hành động xấu ác mà kẻ tạo tác phải chịu đau khổ.
Các ảnh hưởng tốt hay xấu – nghĩa là, hạnh phúc và
đau khổ là kết quả của những hành động đã tạo tác – thông thường kết quả không
theo liền sau nhân tạo tác; thường có sự chậm trễ trong vấn đề thời gian, kết
quả của hạnh phúc và đau khổ chỉ xuất hiện khi nhân duyên đầy đủ. Kết quả có
thể không xuất hiện trong hiện tại. Và như vậy, cái chết thông thường là một sự
thăng bằng về mặt “hưởng phước”, nếu như quả tốt chưa xuất hiện kịp thời; và
đồng thời cũng là một sự thăng bằng về mặt “chịu khổ”, nếu như đau khổ là kết
quả không thể tránh khỏi.
Sau khi chết, thân thể tan hoại, dĩ nhiên, dòng
sinh lực vẫn còn tiếp tục, không phải trong dạng của một linh hồn bất biến, mà
là trong dạng của dòng năng lực luôn thay đổi. Tức thời sau khi chết, một chúng
sinh mới bắt đầu cuộc sống trong dòng đời; nhưng chúng sinh này không nhất
thiết phải là một người, và trong tích tắc sự đầu thai có thể xảy ra ở một tầng
hiện hữu khác. Tuy vậy, chúng sinh mới hiện hữu đó vẫn phải chịu đựng một ảnh
hưởng trực tiếp từ chúng sinh vừa mới qua đời.
Như vậy, chúng sinh mới này hiện hữu là sự tiếp
tục không ngừng nghỉ của chúng sinh kia, mà dòng đời vừa đứt đoạn. Chúng sinh
mới thừa hưởng phần phước đức còn lại của chúng sinh đã chết, và như vậy, phần
phước đó sẽ mang lại cho chúng sinh mới này sự sung sướng trong tương lai. Đồng
thời, chúng sinh này cũng phải chịu luôn phần ác báo còn lại của kẻ kia, và như
vậy, sẽ phải chịu đựng sự đau khổ nào đó trong tương lai.
Tóm lại, trong ý nghĩa của sự liên tục, chúng sinh
mới giống như chúng sinh đã chết. Cũng như vậy – chỉ trong ý nghĩa của sự liên
tục – một ông già không khác với cậu thanh niên lúc trẻ, cậu thanh niên không
khác với đứa bé con lúc trước, và đứa bé con không khác với đứa bé mới sanh khi
xưa đó. Cá tính của ông già với cậu thanh niên, với đứa bé con, và đứa trẻ sơ
sanh, chỉ là một sự liên tục ; không có cá tính nào khác.
Tất cả mọi vật trong vũ trụ thay đổi ngày này sang
ngày khác, từ phút này tới phút khác, như vậy một chúng sinh lúc này chỉ khác
với chúng sinh lúc sau chút xíu thôi ; Cá tính duy nhất là sự liên tục. Cũng
như vậy, một chúng sinh được tái sinh thì khác với chúng sinh vừa chết kia;
nhưng do sự liên tục mà cá tính hôm nay vẫn không khác cá tính lúc trước.
Những lời giảng dạy này là điều căn bản của phật
pháp – bản chất thật về bản ngã là một ảo giác, quy luật nhân quả trong phạm vi
đạo đức, và sự tái sinh của những năng lượng trong đời sống – nhưng không cần
mọi người phải chấp nhận bất cứ điều gì nếu cảm thấy không đúng lý với bản
thân. Chấp nhận bất cứ lời giảng dạy nào cũng không quan trọng; quan trọng là
sự cố gắng không ngừng nghỉ để nhận thấy mọi vật như nó là, không trốn tránh,
không tự lừa dối.
Dàn bài ngắn gọn của bài pháp coi như khá đầy đủ với Chánh kiến dẫn đầu. Bước
kế tiếp, suy nghĩ hoặc mục đích chân chính, giải thoát các khả năng tri thức
khỏi những yếu tố xúc cảm có hại, như tham dục, ác ý, và hành động bạo tàn, làm
bất lợi cho những quyết định sáng suốt, không thiên vị.
Chánh ngữ, Chánh mạng, và Chánh nghiệp tạo nên một
phần của con đường đạo đức, chúng giúp cho những nhiễm ô của tâm thức bị nằm
dưới sự điều khiển và không cho nó trồi lên để tạo thành những hành động có
hại. Tuy vậy, những nhiễm ô này không thể bị tiêu diệt hoàn toàn chỉ nhờ vào sự
đạo đức, và như vậy những bước khác của con đường cần được áp dụng để tẩy rửa những
nhiễm ô của tâm thức một cách sạch sẽ hoàn toàn.
Bây giờ bước kế tiếp – Chánh tinh tiến – chúng ta
bước vào phạm vi của tâm lý thực tiễn, Chánh tinh tiến trong bài này nghĩa là
sự cố gắng của ý chí. Cũng có nghĩa là, bước thứ sáu trên con đường trau dồi
bản thân, luyện tập ý chí để phòng ngừa và khắc phục những trạng thái tâm thức
có thể làm cản trở sự phát triển tâm linh, và bồi dưỡng cũng như khuyến khích
những trạng thái tâm thức có thể mang lại sự phát triển về tinh thần.
Bước thứ bảy trên đường cũng là môn tâm lý thực
tiễn; bước này gọi là Chánh niệm, và nó bao gồm sự phát triển tối đa nơi khả
năng bình thường của sự chú tâm. Sự phát triển về mặt chú tâm – sự hiểu biết
lan rộng và mạnh mẽ -- tâm thức dần dà có thể phân biệt mọi vật và thấy rõ mọi
vật như nó là.
Hoạt động cơ bản của bước thứ bảy, Chánh niệm, là
phát triển sự chú tâm về bản chất không thực của bản ngã. Tuy vậy, cần phải
liên tục cải thiện khả năng chú tâm bình thường, và như vậy, tâm thức được
trang bị tốt hơn để đối diện với những vấn đề căng thẳng trong sinh hoạt hằng
ngày nơi thế gian.
Phương cách của đức Phật, sự chú tâm bao gồm sự
phát triển về khả năng tập trung, để tạo nên chánh niệm liên tục trong tất cả
những ý nghĩ chợt xuất hiện, tất cả những chữ đã được thốt ra, tất cả những
hành động đã làm, với cái nhìn buông xả, không tham đắm, không thiên vị, và
không mê lầm.
Chánh niệm có nhiều cách áp dụng trong sinh hoạt
hằng ngày. Thí dụ, chánh niệm có thể được sử dụng để có một cái nhìn thấu đáo,
sự hiểu biết rõ ràng, của những động lực nằm sau các hoạt động, và sự hiểu biết
rõ ràng về động lực này là một điều thật quan trọng.
Chánh định, bước cuối cùng trong tám cấp bậc, trau
dồi tâm thức ở những trạng thái cao hơn – đến lúc hấp thụ mọi thứ trong chánh
niệm – những trạng thái tâm thức cao tột này được sử dụng để thống nhất, thanh
tịnh hoá, và làm mạnh mẽ tâm thức để đạt đến sự giải thoát, sáng suốt.
Khi đạt được giải thoát thì ảo giác về bản ngã,
với những tham đắm, đau khổ cũng được chuyển hoá và bị dập tắt hoàn toàn.
Sự hiểu biết xuyên suốt là mục đích tối hậu của
tất cả các thực tập Phật giáo, và với sự sáng suốt đó, sự hiểu biết về bản chất
thực của đời sống cũng sẽ hiện diện, tột bậc của sự hiểu biết về Không Duyên
Khởi. Không Duyên Khởi là sự dập tắt bản ngã, không hẳn là không hiện hữu hoặc
hủy diệt, bởi vì sự tiêu diệt bản ngã chỉ là sự tiêu diệt si mê. Mỗi sự miêu tả
về Không Duyên Khởi đều thất bại, bởi vì nó nằm xa hẳn thế giới chữ nghĩa, và ý
nghĩ; và cách duy nhất để biết về Không Duyên Khởi là thực hành Bát Chánh Đạo
từ đầu đến cuối.
Như vậy, đây là nguyên gốc của Phật giáo; đây là
Phật giáo của Bát Chánh Đạo, của con đường đưa đến giải thoát, thoát khỏi bản
ngã và đạt đến sự hiểu biết thấu đáo về thực tại.
Leonard A. Bullen là một trong những nhà tiên
phong về hoạt động Phật giáo tại Úc. Ông là chủ tịch đầu tiên của Hội Phật Học
Victoria, được thành lập vào năm 1953, và ông là người đầu tiên trong Ban Điều
Hành của Hội Đoàn Phật giáo Úc. Ông cũng là phó chủ bút của tờ Phật giáo Metta.
Ông mất vào năm 1984, hưởng thọ 76 tuổi.
Những sách báo của ông được Buddhist Publication Society xuất bản:
- Kỹ thuật Sống (A Technique of Living – Wheel No.
226/230) và Hành Động & Phản ứng trong Phật pháp -trong Nghiệp và Quả
(Action and Reaction in Buddhist Teaching - in Kamma and Its Fruit - Wheel No.
221/224).
Người dịch: Mỹ Thanh
(Theo Buddhist Publication Society (BPS) Bodhi Leaves BL 42)
Nguồn: Đạo Phật Ngày Nay