Bây giờ hoặc không bao giờ
Nhiều năm thăng trầm trong cuộc đời, phần lớn chúng
ta đều ý thức rằng những hấp dẫn lực bên ngoài sớm muộn gì cũng sẽ vỡ
tan, chỉ có một cõi lòng bình an và hạnh phúc với chính nó mới đích thực
là nhu yếu sâu sắc nhất của con người. Cho nên trong truyền thống Phật
giáo hay nói đến từ an lạc. Bình an sẽ đưa đến hạnh phúc. Bình an càng
lớn thì hạnh phúc càng lớn. Bình an là sự dừng lại mọi mong cầu và chống
đối, nó chấp nhận mọi điều kiện đang diễn ra trong thực tại một cách tự
nhiên, đầy bao dung và hiểu biết. Hạnh phúc mà không có bình an là hạnh
phúc giả tạm, nó chỉ là một sự thỏa mãn nhất thời, nhưng để lại tàn dư
là nỗi cô đơn day dứt.
Có nhiều khi ta thấy lòng mình thật bình an và hạnh
phúc, nhưng ta hãy nhìn kỹ lại có phải mình đang sống trong những điều
kiện quá thuận lợi như công việc ổn định, những người thân rất hiểu và
rất thương, không có bất cứ sự tấn công hay tổn thất nào, cũng chẳng có
một điều gì đáng phải bận tâm giải quyết nữa. Tuy ta đang bằng lòng với
thực tại nhưng ta vẫn đứng trên nền tảng của sự vay mượn, chỉ khi nào ta
sống trong những nghịch cảnh mà vẫn vui vẻ chấp nhận vì ta không còn
đòi hỏi gì ở bên ngoài nữa thì lúc ấy cái bình an và hạnh phúc kia mới
thực sự là của ta.
Đó là cái an lạc chân thật, và chỉ có nó mới chứa
đựng tính chất thảnh thơi. Không có an lạc thì không có thảnh thơi, an
lạc càng lớn thì thảnh thơi càng lớn. Trong vài truyền thống hay nói đến
từ "giải thoát" hoặc "tự do" theo nghĩa là ta đã vượt thoát khỏi sự
khống chế ràng buộc của một đối tượng hay hoàn cảnh nào đó, có khi phải
lìa xa cả thế giới này mới giải thoát được. Trong khi "thảnh thơi" thì
không cần chạy đi đâu cả, cũng không cần xua đuổi đối tượng hay hoàn
cảnh nào cả, ta vẫn sống ung dung tự tại giữa khó khăn ràng buộc bởi vì
những phiền não mong cầu và chống đối trong ta đã rơi rụng. Lòng ta giờ
nhẹ như mây trôi mãi giữa không gian vô tận mà không có gì có thể ngăn
ngại được.
Nếu ta nói rằng bây giờ ta đâu có rảnh rang, còn quá
nhiều việc phải làm, phải đối đầu với ngàn muôn áp lực thì làm sao thảnh
thơi cho được. Nói như thế là ta chỉ có khái niệm về thảnh thơi chứ
chưa thật sự cảm nhận trực tiếp hương vị của sự thảnh thơi. Làm sao ta
tin chắc rằng khi ta giải quyết xong những hoàn cảnh khó khăn trước mắt,
hoàn thành những dự án kế hoạch, đạt được những tâm nguyện là ta sẽ
được thảnh thơi? Ta đã tập dượt cho mình thói quen căng thẳng lo lắng,
suy tưởng mông lung, bỏ hình bắt bóng, đứng ngồi không yên… thì dù hoàn
cảnh đã lắng dịu rồi ta cũng không tài nào lắng dịu nổi, cũng lại kiếm
chuyện để lăng xăng.
Vấn đề là ta phải có ý thức giữ tâm chứ không giữ
cảnh thì ta mới có thể chạm tới sự thảnh thơi được. Tuy ta còn cần tới
vài điều kiện tiện nghi bên ngoài, nhưng nó chỉ là phương tiện tạm thời
chứ không phải là mục đích chính của cuộc đời ta. Mà cái chính yếu ta
không tiếp xúc được ngay bây giờ, ta cứ hẹn lần hẹn lữa ở tương lai, thì
chừng nào ta mới tiếp xúc được? Còn đùn đẩy cho tương lai là ta chưa ý
thức sâu sắc về bản chất của sự thảnh thơi, ta vẫn còn nghĩ thảnh thơi
thuộc về sự thuận lợi của hoàn cảnh bên ngoài chứ không phải chính nơi
tâm mình.
Vì vậy ta có thể nói thảnh thơi là bây giờ hoặc không
bao giờ. Bây giờ mà ta không biết cách thảnh thơi, vẫn bị hoàn cảnh lôi
kéo và khống chế, dù đó là hoàn cảnh đặc biệt cỡ nào thì ta sẽ không
bao giờ nắm được sự thảnh thơi trọn vẹn. Dĩ nhiên nếu ta chưa đủ giỏi,
chưa gạn lọc sạch hết những cấu bẩn phiền não thì sự thảnh thơi cũng có
giới hạn, sẽ khi đầy khi vơi, nhưng bắt buộc ta phải đang đứng trên con
đường thảnh thơi chứ không phải đứng trên con đường khác. Nghĩa là thảnh
thơi phải luôn có mặt trong từng bước đi chứ không phải nằm ở cuối con
đường. Tại vì sự thật không có con đường nào đưa tới sự thảnh thơi mà
bản thân nó không thảnh thơi.
Phương tiện là cứu cánh
"Rủ nhau đi cấy đi cày/Bây giờ khó nhọc có ngày
phong lưu". Chắc ai trong chúng ta cũng quen thuộc câu ca dao này.
Chữ "phong lưu" có nghĩa đen là gió cuốn trôi, tức là phải nhẹ lắm thì
gió mới cuốn đi được; còn nghĩa bóng là sự sung sướng, thoải mái, không
phải lo toan gì nữa. Vì ta thấy mình còn thiếu thốn nhiều thứ, ta không
tin rằng với bấy nhiêu điều kiện mà mình đang sở hữu là có thể hạnh
phúc, nên ta cứ tự nhủ thôi ráng "cày bừa" cực khổ đi rồi ngày mai sẽ
hưởng. Ngày mai mình sẽ hưởng cái gì? Có kho thóc vàng thì mình sẽ ăn
sung mặc sướng, nhưng liệu nó có đủ trang trải hết những nhu cầu về hạnh
phúc của con người không? Nó có giải quyết nổi những buồn tủi, cô đơn,
phản bội hay tuyệt vọng không?
Đó là chưa nói khi no ấm rồi thì ta lại hay sanh tật,
trong điều kiện thuận lợi con người thường hay dễ dãi với chính mình,
tự mình thưởng cho công lao làm việc khó nhọc của mình bằng những chuyến
đi hoang bất tận. Trong khi "cực" không nhất thiết phải đưa tới "khổ".
Nếu mình chấp nhận được cái cực nhọc đó vì mình ý thức rằng muốn hưởng
thì phải làm, không có cái sung sướng bền vững nào từ trên trời rớt
xuống cả, cái cực nhọc sẽ tôi luyện cho thể chất và tinh thần mình vững
chắc nên mình sẽ không than van, không trả giá hay không tìm cách tránh
né nó. Cái khổ thường có là do mình không thích nó, mình muốn nó đừng có
mặt mà nó vẫn tới.
Nhưng hai câu ca dao sau thật hay và giá trị: "Trên
đồng cạn, dưới đồng sâu/Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa". Khung
cảnh có chồng có vợ cùng san sẻ gian lao trên từng cánh đồng cạn hay
dưới đồng sâu, rồi có thêm con trâu bầu bạn thì chẳng phải là điều kiện
của hạnh phúc sao? Có phải ta đã từng thấm thía rằng cái vất vả gian lao
thể xác không là gì so với cái chia lìa mất mát không? Có kho thóc vàng
thì điều kiện hưởng thụ sẽ cao hơn, nhưng nó cũng không phải là mục
đích tối hậu của con người. Vậy nên, không vì bất cứ lý do gì mà ta đánh
mất giá trị an lạc và thảnh thơi của mình, dù công việc hay hoàn cảnh
kia có đặc biệt như thế nào thì ta cũng quyết không để mình tiếp tục
trôi dạt vào những cơn hôn mê cảm xúc.
Người ta hay nói "an cư lạc nghiệp", tức là mình cần
phải có cơ ngơi ổn định, tiện nghi vật chất kha khá, thì mới có thể tạo
dựng một cuộc sống hạnh phúc được. Cái quan điểm này gạt gẫm không biết
bao nhiêu lớp người rồi. Vì ngay khi họ đang sống trong những điều kiện
của hạnh phúc nhưng họ không dám tận hưởng hay không dám tin mình làm
như vậy là đúng, phải phấn đấu không ngừng, phấn đấu đến khi nào thấy
không còn thua sút hay có thể ngẩng cao đầu nhìn người khác thì họ mới
an tâm. Thật ra, chữ "an cư" nghĩa là mình đã thật sự dừng lại, không
chạy ngược chạy xuôi nữa, ta bằng lòng với những gì mình đang có thì gọi
là an cư. "An" ở đây không phải là do hoàn cảnh ổn định, mà chính những
mộng tưởng đảo điên đã không còn có lãng đãng trong tâm ta nữa.
Vậy thì khi tâm an thì ở đâu hay lúc nào mình cũng
thảnh thơi được cả. Ngày mai có kho thóc vàng hay không, có thêm những
điều kiện tiện nghi nữa hay không thì nó không thay đổi lẽ sống của mình
được. Phương tiện không thể làm hư hại mục đích, và mình phải xem
phương tiện cũng chính là mục đích. Mình có thể cắt đời sống mình ra
thành từng mảnh nhỏ, mỗi giây phút mỗi công việc mình đang tiếp xúc là
một cơ hội để mình sống sâu sắc và nhận diện ra sự có mặt của thực tại
mầu nhiệm đang không ngừng nuôi dưỡng ta. Ta sẽ không còn mơ mộng tương
lai nữa, không chạy đi tìm cái gì nữa, không còn nôn nóng vội vàng nữa,
vì tất cả những gì làm nên một đời sống đúng nghĩa đã có sẵn ở đây cả
rồi.
Sống như người biết sống
Cách đây vài thập niên người ta còn quan niệm ai sống
thảnh thơi là người đó đã biết cách điều hợp cuộc sống, đã thành công.
Bây giờ nếu ta nói ta đang tận hưởng những giây phút của hiện tại, ta
không có gì quan trọng phải làm, thì mọi người sẽ nhìn ta sửng sốt. Ta
phải nói ta luôn bận rộn thì ta mới biết sống, ta mới có giá trị. Ở Mỹ,
người ta không nói công ty đắt khách hàng mà họ nói công ty rất bận rộn.
Người trẻ còn muốn tăng thêm mức bận rộn nữa, bận rộn tới mức quay
cuồng thì họ mới chịu, thà quay cuồng mà có tiền xài thì cũng không sao.
Chung quanh ta ai cũng lao tới phía trước như điên,
thậm chí có kẻ bất chấp cả những phương tiện tồi tệ nhất, nên ta cũng
không dám chậm chân. Đôi khi lại bị những người thân thúc đẩy là nếu đi
chậm như vậy thì lấy gì sống, tương lai sẽ đi về đâu, nên ta hốt hoảng
rồi thả mình trôi theo dòng chảy của xã hội. Ai sao ta vậy, ta khó có
được chánh kiến hay bản lĩnh để tự tách mình ra khỏi sức hút mãnh liệt
ấy. Nhưng ta hãy làm thử đi, ta có tài năng chinh phục kẻ khác để làm gì
mà ta không thể thiết kế đời sống thảnh thơi cho mình được. Có thể ban
đầu ta cảm thấy lạc lõng, nhưng dần dần ta sẽ tìm thấy được chính mình,
tìm thấy được cái tâm vốn rất an lạc và thảnh thơi mà ta đã lạc mất từ
những ngày chập chững bước vào dòng đời.
Không phải trở thành một nhà tâm linh thì ta mới có
thể thảnh thơi được, tại vì có nhiều nhà tâm linh vẫn còn đầy dẫy những
khắc khoải mong cầu, vẫn chưa chấp nhận thực tại một cách tuyệt đối. Họ
nhân danh những công tác cao cả mà đánh mất khả năng sống thảnh thơi của
mình thì làm sao có thể dẫn dắt kẻ khác đến nơi bình yên chân thật
được.
Do vậy, nếu ta biết luôn quay về để nhận diện và
chuyển hóa những phiền não của chính mình, dừng lại cuộc truy đuổi theo
những đối tượng khác. Tâm tham cầu và tâm chống đối càng bị triệt tiêu
thì cảnh giới an lạc và thảnh thơi sẽ hiện ra lập tức. Mỗi khi ta suy
tư, nói năng hay hành động điều gì thì ta hãy tự hỏi ta có thảnh thơi
không, ta có đang nắm giữ mục đích cao cả của kiếp người không? Nếu
không, ta hãy can đảm buông bỏ nó đi. Buông bỏ những ưu tư phiền muộn để
giữ gìn tâm bình an phải cần đến một sự luyện tập nhất định nào đó chứ
không chỉ có ý chí mà làm được. Dù vậy, ta vẫn tin chắc một điều là an
lạc và thảnh thơi luôn có sẵn trong ta, chỉ cần biết cách và đủ can đảm
để sắp xếp lại guồng máy hoạt động tâm thức của mình sao cho thuận với
nguyên tắc của vũ trụ. Nguyên tắc ấy là vô ngã, không có cái tồn tại
biệt lập đáng để tự hào, kiêu ngạo hay thù hận.
Ngồi yên trong thảnh thơi
Tiếp xúc với mây trời
Buông cái tôi bé nhỏ
Thấy mình hiện muôn nơi.