Cuộc sống vốn có nhiều lửa. Nào là những cơn sân ngút trời của con
người. Nào là những nghi kỵ, ganh ghét, đua chen, đặt điều, tham lam,
dối trá… Những thứ lửa ấy thiêu đốt con người, nếu lòng người không vững
chãi, tâm người lay động thì sẽ dễ đốt thành tro ngay. Thứ lửa sân, lửa
của những nghi kỵ ấy có thể tưới tẩm cho những ngọn lửa sân giận, nghi
kỵ… tưởng chừng đã ngủ yên trong tâm một ai đó, nếu người ấy không vững
chãi. Và người đó sẽ bị “đồng hóa” kiểu như ai đó nổi sân tát mình một
tai và mình cũng nổi sân rồi tát họ một tai mạnh hơn cái mình nhận.
2. Bụt dạy về chữ nhẫn (忍), với chữ đao ở trên chữ tâm (theo Hán tự) để
miêu tả cho sự chịu đựng ngay cả đó là điều đau đớn nhất như là đao
kiếm đâm vào tâm can. Chữ nhẫn của đạo Bụt không có nghĩa là “quân tử trả thù mười năm chưa muộn” mà là chịu và đựng (trong đó có chấp nhận và tha thứ). Chấp nhận vì có thể mình đã từng tạo tác những nỗi khổ niềm đau cho ai đó (nhân) thì nay nhận lại (quả), đó là cái lý-lẽ đương nhiên! Tha thứ vì mình có tình thương (họ đang gieo nhân không lành nên chắc sẽ có lúc gặt quả bất thiện) và vì mình hiểu biết (nếu mình không thứ tha, nuôi lớn cơn giận, hận, thù… thì mình sẽ khổ, sẽ tiếp tục rượt đuổi nhau trong sinh tử luân hồi).
Đao chém vào tâm mà chịu & đựng được = nhẫn!
Chữ nhẫn của đạo Bụt dạy con người ta sức chịu đựng bởi đó là điều
kiện để giúp người ta ngộ ra tự tánh và là sức mạnh đủ để thu phục lòng
người. Sức mạnh ấy đôi khi được biểu hiện dưới dạng “im lặng hùng tráng”
và có khi là bằng tiếng niệm Bụt trong tư thế chắp tay hình búp sen,
ngồi tĩnh tọa trên mặt đất hoặc trên bồ đoàn. Tất cả đều chỉ có một niệm
là thương yêu và tha thứ, mong cho người bớt khổ, thấy được nẻo vô
sinh… Những giá trị ấy cơ bản và tuyệt nhiên trở thành thứ kim cương
trong tâm của những ai có sự thực tập đi vào bản thể.
Mà phải thực tập mới có thể nhận diện sự có mặt của nó, như là phải
đốt đèn lên thì mới thấy được sự hiện hữu của nhiều thứ mà nếu chỉ nhìn
bằng mắt thường ta chỉ thấy mỗi một màu đen.
Cái thấy của mỗi người là một sự đơn nhất. Xê dịch một chút trong góc
nhìn, điểm nhìn, thời điểm… là mình đã thấy khác người, thậm chí khác
với chính mình trước đó. Vì sao vậy, vì những cái thấy về hình tướng thì
luôn vô thường, bởi bản thân “sở hữu tướng” đã vô thường (giai thị hư vọng)
thì làm sao mình thấy không vô thường được? Mình của năm phút trước
người ta nhìn khác mình của năm phút sau. Năm phút trước mình có thể
cười rất dễ thương nhưng năm phút sau có thể mình đã trở thành người
nhăn nhó, khó ưa. Do đó, đánh giá về sự dễ thương hay chưa dễ thương của
con người cần phải bình tĩnh, nhìn sâu, nhìn đa chiều.
Ở đây tôi muốn nói đến sự vô thường là một điều hiển nhiên trong vạn
vật có tướng, và còn bị chi phối bởi trần cảnh. Sự vô thường cũng là một
trong những điều… đốt mãi chẳng thành tro!
3. Còn rất nhiều điều khác nữa, như là với cái thân
này, với tên họ này thì mình chính là con của ba mẹ mình. Điều đó là
không thể đổi thay và bạn không thể chối từ. Ấy vậy mà có những người cố
chối bỏ, “đốt” những điều hiển nhiên đó để rồi trở thành người bất
hiếu.
Hơi thở, chất liệu của sự sống và bằng an
… Như là đã sinh ra là người (mà không chỉ là người, còn có cả những chúng sinh khác nằm trong lục đạo - sáu nẻo luân hồi) thì phải có sanh-trụ-dị-diệt.
Hễ chấp nhận sanh diệt để mà sống tốt, tốt nhứt có thể thì mình sẽ đứng
về chiến tuyến thiện lành và ngược lại. Có những người cứ đi tìm kiếm
bất tử ở đâu đâu nên mãi hoang phí và mãi khổ đau.
Thở một hơi thở có chất liệu của hiện tại, mỉm cười thật an lạc, đó
là phương pháp chế tác năng lượng an lạc, hạnh phúc mà đôi khi ta dửng
dưng, thậm chí xem thường nó. Và chúng ta đã rong chơi, đã để cho mình
loay hoay mãi với những điều xa xôi đâu đó!
Mạnh Khôi (GNO)