Toàn bộ Chính Pháp của Ðạo Phật nhằm mục đích chỉ rõ cái khổ của cuộc
đời, nguyên nhân gây ra đau khổ, tiếp theo chỉ rõ cảnh giới niết bàn tịch diệt
và con đường dẫn chúng ta đến cảnh giới an lạc đó.
Trong kinh sách gọi đó là "Tứ Diệu Ðế", gồm có: khổ, tập,
diệt, đạo.
Ðó chính là cách Ðức Phật cứu độ chúng sinh, ban phúc cho chúng sinh
vậy.
Do đó, chúng ta hãy tìm hiểu: Tứ Diệu Ðế là gì? Ðức Phật đã giác ngộ
điều gì và giải thoát như thế nào?
Ðiều trước tiên Ðức Phật giác ngộ: cuộc
đời là khổ. Thực vậy, chúng ta ai ai cũng đều công nhận cuộc đời "khổ
nhiều vui ít". Những niềm vui trong cuộc sống thực là hiếm hoi. Trái lại,
những điều phiền não, đau khổ, bất trắc, bất như ý, bất toại nguyện thì quá
nhiều.
Ngoài cái khổ vì thiếu ăn, thiếu mặc của những người nghèo đói do thiếu
phúc báo, cái khổ đến với mọi người trên khắp thế gian, không phân biệt già,
trẻ, lớn, bé, nam phụ lão ấu, địa vị, học thức, giàu nghèo, địa phương, sắc
tộc, tôn giáo, vua chúa hay thường dân, đời này hay đời trước. Cái khổ chung
của tất cả mọi người trên thế gian đó là những gì?
Ðó chính là chúng ta khổ vì: sinh, già, bệnh, chết. Chúng ta khổ vì
sinh ra trong cuộc đời dẫy đầy những chuyện bất như ý, khó khăn, đấu tranh,
sóng gió và gian nan, vì tuổi già sức yếu, đi đứng khó khăn, vì bệnh hoạn đau
đớn triền miên, vì cái chết đến bất ngờ, không như ý. Chúng ta muốn được luôn
luôn bình an, trẻ mãi không già, khỏe mãi không đau, sống mãi không chết, nhưng
nào có ai được như vậy đâu?
Chẳng những chúng ta khổ vì sinh, già, bệnh, chết, chúng ta còn khổ vì
xa lìa người thân thương, vì gặp những người không ưa, những kẻ oán thù, vì cầu
nguyện, van xin nhiều quá, mà chẳng được gì, vì ngũ ấm xí thạnh, nghĩa là cái
thân xác ngày một to béo nặng nề một cách khổ sở, và quan trọng hơn, chúng ta
khổ vì cái vọng tâm điên đảo đảo điên, cái vọng tưởng lăng xăng lộn xộn, thay
đổi từng giây từng phút, không lúc nào ngừng nghỉ, ví như con vượn chuyền cây,
như con ngựa chạy rong, như con trâu giẫm đạp lúa mạ của người.
Cái tâm ý điên đảo đảo điên, cái vọng tưởng lăng xăng lộn xộn, tạo tội
tạo nghiệp này, là nguyên nhân chính dẫn chúng ta vào vòng sinh tử luân hồi.
Làm sao hàng phục và an trụ được cái tâm ý này chính là trọng tâm của
đạo Phật.
Ðạo Phật nhận định cuộc đời là
biển khổ, nhưng không đưa tới quan niệm tiêu cực, bi quan, yếm thế, chán đời. Ðức Phật dạy chúng ta nhận định như vậy để thức tỉnh, để tìm phương
cách giải thoát, không còn chìm đắm trong những cơn vui giả tạm, ngắn ngủi,
những danh vọng, quyền tước, vật chất của thế gian. Cũng như một vị thầy thuốc
chẩn bệnh, định bệnh để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và tìm cách chữa trị. Cho
nên, ngay sau đó, Ðức Phật chỉ rõ nguyên nhân gây ra khổ đau.
Trong Kinh Viên Giác, Ðức Phật có dạy:
"Con người vì vô minh cho nên có hai thứ chấp: chấp ngã và chấp
pháp.
Ðó là hai nguyên nhân chính gây ra phiền não và khổ đau của cuộc đời".
Khi nào hiểu được một cách rõ ràng và phá trừ được hai nguyên nhân
chính gây ra khổ đau, chúng ta sẽ tìm được an lạc hạnh phúc thực sự trong cuộc
sống hiện tại.
Thế nào là "chấp ngã"? Chấp ngã có hai phần: vật chất và tinh thần. Về vật chất, chúng ta chấp
cái thân xác tứ đại mấy chục ký lô này là "mình". Về tinh thần, chúng
ta chấp cái tâm suy nghĩ, tính toán, suy lường là chính "mình". Nếu
có người hỏi: chúng ta là ai? Chúng ta liền chỉ vào thân mình và trả lời: Tôi
đây nè! Thực ra, cái xác thân tứ đại giả tạm này đâu phải là "mình".
Cái xác thân tứ đại bao gồm những chất: đất, nước, gió, lửa, tụ hội với
nhau trong một thời gian, từ khi cha mẹ sinh ra, cho đến khi chúng ta thở ra,
mà không muốn hít vào nữa, thì ô hô tử vong! Thời gian đó ít năm, nhiều năm,
ngắn dài tùy theo nghiệp duyên của mỗi người. Người đời thường gọi đó là: số
mạng, định mạng, hay số mệnh, định mệnh.
Có người được vài chục năm. Có người chỉ trong hơi thở! Lúc đó, hơi thở
trở về với gió, hơi ấm trở về với vũ trụ, các chất lỏng như máu, mủ, nước tiểu
trở về với nước, các chất cứng như thịt, xương trở về với đất. Cái gì là
"mình" đây? Còn lại chỉ là cái xác không hồn, cái tử thi bất động.
Cái xác thân tứ đại của chúng ta tan rã, trở về với tứ đại của vũ trụ. Nói nôm
na là: cát bụi trở về với cát bụi.
Thậm chí, ngay khi còn sống hiện nay, nếu chúng ta không vay mượn tứ
đại bên ngoài để bồi bổ từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây, thì chúng ta
đâu tồn tại được. Luôn luôn mượn không khí thở ra hít vào, lát lát mượn ly
nước, ngày ngày mượn vài ba chén cơm.
Cái thân tứ đại muốn khỏe thì khỏe, muốn đau yếu thì đau yếu, chúng ta
không thể làm chủ nó như ý muốn của chúng ta được. Vậy mà chúng ta cứ chấp chặt
cái thân xác tứ đại là "mình", chúng ta dành trọn cuộc đời để yêu
mến, cung phụng, săn sóc nó, thì quả là chúng ta quá mê muội, đang sống trong
mộng tưởng, trong cơn mê, mà không biết đó thôi.
Chúng ta đã hiểu cái thân xác tứ đại không phải là mình, vậy còn cái
tâm suy nghĩ, tính toán, suy lường có phải là mình chăng? Thực ra, cái tâm đó
cũng không phải là "mình". Tại sao vậy? Bởi vì, có lúc chúng ta suy
nghĩ rất hiền lành, thánh thiện, muốn giúp đỡ mọi người, muốn bố thí cúng dường,
muốn trở thành người hoàn toàn tốt.
Nhưng cũng có nhiều lúc, chúng ta tính toán, suy lường, muốn hơn người
khác cho thỏa lòng ganh tị, đố kỵ, muốn thấy người khác suy sụp, gặp nạn cho
thỏa lòng hơn thua, ganh ghét, tị hiềm. Vậy thử hỏi chúng ta là người thiện hay
bất thiện? Chúng ta là một hay là hai?
Dù là khởi tâm thiện, hay khởi tâm bất thiện, chúng ta cũng khổ đau.
Lúc tâm thiện khởi lên, muốn làm người tốt, muốn giúp đỡ người khác mà không
được, thí dụ chúng ta muốn cứu người thân bị bệnh nan y, thầy thuốc đã bó tay,
chúng ta sẽ đau khổ. Lúc tâm bất thiện khởi lên, muốn thấy người khác khổ đau,
nguy nan, khốn đốn, mà họ vẫn cứ bình an, chúng ta sẽ đau khổ. Ðàng nào chúng
ta cũng đau khổ cả! Lòng tự ái cao là một dạng của tâm chấp ngã. Do tâm tham
ái, chấp ngã một cách mù quáng, chúng ta đã, đang và sẽ tạo tội tạo nghiệp
không biết bao nhiêu trong nhiều đời nhiều kiếp. Ðó là nguyên nhân dẫn dắt
chúng ta vào vòng sinh tử luân hồi.
Thế nào là "chấp pháp"? Chấp pháp cũng có hai phần: vật chất và tinh thần. Về vật chất, chúng
ta chấp mọi thứ có hình tướng như cái nhà này, cái xe này là của mình. Về tinh
thần, chúng ta chấp mọi thứ, mọi việc, mình làm, mình nói, mình nghĩ, cái gì
của mình cũng là đúng, là nhất.
Về phương diện vật chất, chúng ta đang sống trong mộng tưởng, cho là
cuộc đời này sẽ vĩnh viễn trường tồn, cho là những người thân sẽ mãi mãi ở bên
mình, cho là những của cải vật chất như nhà cửa, xe cộ, vàng bạc, cơ nghiệp
luôn luôn thuộc về mình. Cho nên, nếu người thân có ra đi, hoặc có mệnh hệ nào,
nếu của cải vật chất có bị mất mát hư hao, thì chúng ta sẽ đau khổ!
Về phương diện tinh thần, chúng ta thường chấp chặt ý kiến của mình là
đúng, việc mình làm là đúng, ai có ý kiến khác, ai làm khác là không đúng, là
sai. Chúng ta thường cho là người khác lúc nào cũng phải suy nghĩ giống như
mình, nên khi có người phát biểu khác đi, chúng ta khó chấp nhận được. Chúng ta
không thấy những lỗi lầm, sai trái của mình, cho nên đau khổ, bực bội, vì chỉ
thấy lỗi lầm của người.
Thí dụ trong gia đình, nếu người cha không nhận thấy lỗi của mình, chỉ
biết la mắng con cái vì chúng không theo ý muốn của mình, bất chấp ý kiến của
chúng, thì người cha đó chắc chắn sẽ phiền não đau khổ và làm cho mọi người
trong gia đình cũng phiền não đau khổ theo.
Chúng ta nên biết hai thế hệ khác nhau thì ý kiến, sự suy nghĩ, cảm
giác đều khác nhau. Hơn nữa, chúng ta đừng chấp chặt các quan niệm xa xưa, cổ
lổ, lạc hậu, không còn hợp thời nữa. Cứ chấp chặt như vậy chỉ đưa đến phiền não
và khổ đau mà thôi. Chuyện vợ chồng cũng vậy. Chuyện cộng đồng cũng vậy. Chuyện
quốc gia xã hội, cho đến chuyện thế giới, cũng không khác, chỉ vậy thôi. Khi
bất cứ chuyện gì xảy ra, người nào, bên nào cũng có một phần lỗi, không nhiều
thì ít, không bên nào vẹn toàn, không người nào toàn vẹn. Hiểu được như vậy,
làm được như vậy, chúng ta sẽ bớt khổ đau nhiều lắm.
Trong cuộc sống gia đình cũng như ngoài xã hội, điều quan trọng là
chúng ta phải biết quên mình vì người, thì mới có an lạc và hạnh phúc. Còn nếu
tâm ý quá ích kỷ, chỉ biết có mình, gia đình mình, đoàn thể mình, tôn giáo
mình, cái gì cũng vì mình hết trơn, thì chỉ có phiền não và khổ đau mà thôi.
Muốn có một gia đình hạnh phúc, người cha phải biết hy sinh, lo lắng mọi nhu
cầu vật chất lẫn tinh thần cho cả gia đình, người mẹ cũng phải biết hy sinh
những vui thích cá nhân, hòa hợp với nhịp sống chung của gia đình, con cái phải
biết nhớ ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, phải biết nghe lời dạy dỗ, phải
biết báo hiếu.
Chúng ta thường mơ ước, cầu nguyện cho cuộc đời được bình an, không
sóng gió. Nhưng làm sao có thể như vậy được? Thực ra, cuộc đời cũng giống như
mặt biển cả, sóng gió triền miên, khi nhiều sóng khi ít sóng, ít khi sóng lặng
gió yên, cơn sóng này qua đi, thì cơn sóng khác lại đến. Việc này chưa xong,
thì việc khác lại xảy đến.
Ðiều quan trọng hơn cả là chúng ta cần nên biết áp dụng Chính Pháp, để
ứng xử mọi sự mọi việc, với tâm thiền định, bình tĩnh, thản nhiên, chấp nhận,
thì chúng ta sẽ giảm bớt khổ đau. Do tâm tham ái, chấp pháp một cách mù quáng,
chúng ta đã, đang và sẽ tạo tội tạo nghiệp không biết bao nhiêu, trong nhiều
đời nhiều kiếp. Ðó là nguyên nhân dẫn dắt chúng ta vào vòng sinh tử luân hồi.
Sau khi chỉ rõ nguyên nhân của sự
khổ đau, của sinh tử luân hồi, Ðức Phật chỉ bày cảnh giới niết bàn, thường hằng, tịch diệt, bình yên, thanh tịnh, an lạc và hạnh phúc cho
những ai biết áp dụng Chính Pháp vào đời sống hằng ngày.
Trong Kinh Ðại Bát Niết Bàn, Ðức Phật có dạy:
Chư hành vô thường.
Thị sinh diệt pháp.
Sinh diệt diệt dĩ.
Tịch diệt vi lạc.
Nghĩa là mọi sự mọi việc trên đời đều vô thường, không có gì tồn tại
vĩnh viễn, gọi là pháp sinh diệt. Tất cả mọi sự mọi việc sinh ra, rồi cũng sẽ
diệt đi, không có gì là vĩnh cửu, chuyện vui có tới rồi cũng đi, chuyện buồn có
đến rồi cũng qua, thời gian sẽ xóa tan tất cả mọi sự mọi việc. Chuyện vui hay
buồn đều làm tâm của chúng ta loạn động và bất an. Tâm của chúng ta dù khởi
niệm từ bi, hay khởi niệm sân hận, rồi cũng lặng đi, tất cả đều là các tâm niệm
sinh diệt. Chỉ có khi nào các tâm niệm sinh diệt như vậy diệt đi rồi, lặng mất
rồi, không còn nữa, chúng ta sẽ được sống trong cảnh giới an lạc hạnh phúc,
cảnh giới tịch diệt vi diệu.
Cảnh giới tịch diệt an lạc đó không dành riêng cho bất cứ ai, không
thuộc bất cứ tôn giáo nào, không thuộc bất cứ sắc dân nào, không thuộc bất cứ
thời đại nào. Bất cứ ai dẹp được một phần các tâm niệm sinh diệt, thì người đó
sống được một phần trong cảnh giới an lạc tịch diệt.
Cảnh giới này không thể nghĩ bàn, không thể dùng lời lẽ của thế gian để
diễn tả trọn vẹn được, ai thực hiện được, sống được trong cảnh giới đó, thì tự
người đó biết, cũng như người uống nước, nóng lạnh tự biết. Cảnh giới này còn
gọi là "đạo".
Ðến đây, Ðức Phật chỉ dạy những
phương pháp, những pháp môn để đạt được "đạo", tức là đạt được cảnh giới niết bàn tịch diệt đó. Vấn đề hiện giờ là:
làm sao để các tâm niệm sinh diệt đó không còn khởi lên nữa, hoặc các tâm niệm
sinh diệt đó có khởi lên, làm sao cho nó lắng xuống, tiêu mất? Nói cách khác:
Làm sao hàng phục và an trụ được cái tâm ý này chính là trọng tâm của đạo Phật.
Toàn bộ giáo pháp của đạo Phật, chia ra 37 phẩm, gồm có: tứ niệm xứ, tứ
như ý túc, tứ chính cần, ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần và bát chính đạo.
Chính Pháp gồm 37 phẩm này giúp chúng ta đạt được "đạo" bằng trí tuệ,
bằng sự quán chiếu, nhận thức được chân lý chứ không phải chỉ bằng niềm tin đơn
giản mà thôi.
"Tứ Niệm Xứ" là bốn
chỗ cần quán niệm luôn luôn. Quán thân bất tịnh, nghĩa là luôn luôn nhớ rằng
thân xác tứ đại này chứa toàn những thứ nhơ nhớp, những thứ bất tịnh bên trong.
Quán thọ thị khổ, nghĩa là luôn luôn nhớ rằng thọ nhận nhiều cảm giác, nhiều tự
ái, ai nói gì cũng chấp chặt, thì tức nhiên là khổ. Quán tâm vô thường, nghĩa
là luôn luôn nhớ rằng tâm ý con người đổi thay vô chừng, không cố định, nay vầy
mai khác, chớ có chấp chặt làm chi cho khổ! Quán pháp vô ngã, nghĩa là luôn luôn
nhớ rằng mọi sự mọi việc trên thế gian đều không nhất định, không cố định. Thí
dụ những quan niệm chồng chúa vợ tôi, trọng nam khinh nữ, chỉ đúng ở thời đại
nào đó mà thôi, không có thực thể cố định, không đúng với mọi thời gian, không
đúng với mọi không gian.
"Tứ chính cần" là bốn việc luôn luôn chuyên cần, chăm chỉ thực hành một cách chân
chính. Ðối với việc bất thiện đã sinh, phải trừ dứt hẳn, đối với việc bất thiện
chưa sinh, đừng cho sinh ra, đối với việc thiện chưa sinh, làm cho sinh ra, đối
với việc thiện đã sinh, làm cho tăng trưởng.
"Tứ như ý túc" là bốn pháp thiền định, hay là bốn phương tiện đưa chúng ta đến chỗ như
ý muốn, thành tựu viên mãn. Ðó là: dục, cần, tâm, quán. Nghĩa là: chúng ta phải
có lòng thiết tha mong muốn, tìm cầu sự giải thoát, chúng ta phải chuyên cần,
tinh tấn học hiểu giáo lý, chúng ta phải khắc chế tâm niệm đến chỗ bất loạn,
chúng ta phải biết cách quán chiếu để giác ngộ chân lý, thấu hiểu lẽ thực.
"Ngũ căn" là năm pháp căn bản sinh ra các việc thiện. Ðó là: tín, tấn, niệm,
định, tuệ. Nghĩa là: chúng ta phải có niềm tin sâu xa, vững chắc nơi Chính Pháp
vô thượng, tinh tấn tu tâm dưỡng tính không hề biết mệt mỏi, luôn luôn có tâm
niệm hiền thiện, từ bi hỷ xả, luôn luôn giữ sự bình thản, tỉnh thức, thiền
định, bất loạn và luôn luôn dùng trí tuệ để suy xét mọi sự mọi việc, không tin
tưởng bừa bãi, không mê tín dị đoan.
"Ngũ lực" là năm sức mạnh do năm pháp căn bản nói trên thành tựu được. Nghĩa là
do tín lực chúng ta có niềm tin kiên cố, mạnh mẽ nơi Chính Pháp, do tấn lực chúng
ta có sức mạnh tinh thần bất thối chuyển, san bằng những trở ngại trên đường tu
tập, do niệm lực chúng ta luôn luôn ghi nhớ những thiện pháp, do định lực chúng
ta có được sự tập trung tư tưởng, và do tuệ lực chúng ta giác ngộ được con
đường giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.
"Thất bồ đề phần", còn gọi là "thất giác chi", là bảy phần hiểu biết, bảy điều
dẫn đến chỗ giác ngộ. Ðó là: trạch pháp, tinh tấn, hoan hỷ, khinh an, niệm,
định, xã. Trạch pháp là dùng trí tuệ chọn lựa sự thực hư, chơn giả của tất cả các
pháp. Tinh tấn là tâm mạnh mẽ dứt trừ tất cả các nghiệp bất thiện, thực hành
tất cả các nghiệp thiện.
Hoan hỷ là tâm luôn luôn vui vẻ với mọi người, với mọi việc trên thế
gian, không phân biệt gì cả, để tất cả chúng sinh đều hỷ kiến. Khinh an là tâm
nhẹ nhàng, an lạc khi dứt trừ các phiền não, các cố chấp nặng nề, thoát ra
ngoài vòng tục lụy của thế gian. Niệm là tâm luôn luôn nhớ nghĩ đến chư Phật,
đến tất cả chúng sinh, vì tâm từ bi hỷ xả mà hành trì giới luật, làm các việc
phúc thiện.
Ðịnh là tâm luôn luôn bình thản, không tán loạn, an nhiên, tự tại. Xã
là tâm buông bỏ tất cả những hệ lụy của cuộc đời, tất cả những thành kiến, định
kiến, thiên kiến, biên kiến, tà kiến, ác kiến, thường kiến, đoạn kiến, không
chấp chặt những tư tưởng chật hẹp, ích kỷ.
"Bát chính đạo" là con đường gồm tám điều chân chính, dẫn đến mục đích cứu kính của
đạo Phật: giác ngộ và giải thoát. Ðó là: chính kiến, chính tư duy, chính ngữ,
chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm, chính định.
1) Chính kiến là sự hiểu biết chân chính, chẳng hạn như hiểu biết về lý
nhân quả, lý nhân duyên, lý duyên khởi, trùng trùng duyên khởi. Sự hiểu biết
này không bị chi phối bởi thành kiến, định kiến, tà kiến, ác kiến, thiên kiến,
biên kiến, đoạn kiến, thường kiến. Người có chính kiến là người thấy mọi sự mọi
việc "đúng như thực".
2) Chính tư duy là sự suy nghĩ chân chính, theo đúng lẽ thực, không lợi
mình hại người. Sự suy nghĩ này không bị chi phối bởi thành kiến, định kiến,
thiên kiến, biên kiến, tà kiến, ác kiến, đoạn kiến, thường kiến.
3) Chính ngữ là lời nói chân chính, không lợi mình hại người, không
thêu dệt, gây hiềm khích giữa các cá nhân hay tập thể, không xu nịnh, không
trái lẽ thực, không thiên vị. Lời nói này dễ nghe, đem lại niềm vui cho kẻ
khác, không bị chi phối bởi ác kiến, thành kiến, biên kiến, đoạn kiến, thường
kiến. Người có chính ngữ là người không nói những lời khiến kẻ khác đau khổ,
phải xức dầu cù là, phải uống thuốc nhức đầu, dù cho họ là người thân hay kẻ
thù hoặc bất cứ ai chăng nữa! Người có chính ngữ là người biết giữ chữ tín,
được lòng tin yêu của mọi người. Khi cần nói, chỉ nói pháp vô sinh, không nói
pháp sinh diệt, thị phi.
4) Chính nghiệp là hành động tạo nghiệp chân chính, không mưu cầu lợi
mình hại người. Dù cho người có hành động không tốt đối với mình, chúng ta cũng
không có hành động trả đủa, vì làm như vậy chúng ta đâu có khác gì hơn người.
Người ta viết báo chửi bới, vu cáo, bôi lọ, nhục mạ, phỉ báng. Chúng ta biết đó
là hành động không chân chính, thì chúng ta đừng làm y như vậy đối với người.
5) Chính mạng là mạng sống, cuộc sống chân chính. Nghĩa là chúng ta chỉ
làm những nghề chân chính, không xâm phạm mạng người, tổn hại mạng vật để sinh
sống. Người có chính mạng là người sống cuộc đời có ý nghĩa, lợi mình lợi
người, không lường gạt ai, không ăn không ngồi rồi, không sống bám vào kẻ khác,
không sống bám vào xã hội, luôn luôn có tâm niệm phục vụ chúng sinh là cúng
dường chư Phật.
6) Chính tinh tấn là sự siêng năng, chuyên cần, chăm chỉ chân chính,
tức là làm tất cả những việc thiện và tránh tất cả việc bất thiện, luôn luôn tu
tâm dưỡng tính, không lúc nào ngơi nghỉ, mệt mõi, buông lung hay thối tâm.
7) Chính niệm là luôn luôn khắc chế tâm niệm bên trong, bên ngoài luôn
luôn tránh sự đấu tranh, cãi vã. Chư Tổ có dạy:
"Nội cần khắc niệm chi công.
Ngoại hoằng bất tranh chi đức".
Nghĩa là con người có công phu tu tập, cố gắng dẹp bỏ tạp niệm trong
tâm, con người có đức độ bên ngoài luôn luôn từ tốn, lễ độ, nhã nhặn, hiền hòa.
Người có chính niệm là người luôn luôn biết rõ ràng mình đang làm gì, đang nói
gì, đang nghĩ gì, luôn luôn sống trong tỉnh thức, nhận biết ngay mỗi khi vọng
niệm dấy khởi và không theo, luôn luôn nhớ và sống theo lời Phật dạy, luôn luôn
sống với Chân Tâm Phật Tính, tức là với Bản Tâm Thanh Tịnh.
8) Chính định là sự bình tỉnh sáng suốt, do tam nghiệp thanh tịnh, do
quán tâm từ bi để dẹp trừ lòng sân hận, mở rộng tình thương, do quán thân bất
tịnh để dẹp trừ lòng tham ái, do quán lý nhân duyên để dẹp trừ lòng si mê, ngã
chấp và pháp chấp, do quán giới phân biệt để khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần,
không khởi sáu thức, không sinh vọng niệm và do quán sổ tức, đếm hơi thở ra thở
vào, để dẹp trừ tâm loạn động, tâm lăng xăng lộn xộn.
Người có chính định do giữ gìn giới luật, sẽ phát sinh trí tuệ bát nhã,
đưa đến giác ngộ và giải thoát. Ðó là tam vô lậu học "Giới-Ðịnh-Tuệ".
Ngoài ra, chúng ta cũng đã biết dù khởi niệm thiện hay bất thiện cũng đều dẫn
đến khổ đau, bởi vì vẫn còn kẹt hai bên, tức là nhị biên, người đời gọi là hai
thái cực. Cho nên, Ðức Phật dạy "Pháp Môn Bất Nhị", giúp chúng ta
lặng hết những tâm niệm dù thiện hay bất thiện, để không còn phiền não và khổ
đau, để được an lạc và hạnh phúc, để được về cõi tây phương cực lạc, để được
giác ngộ và giải thoát.
* * *
Tóm lại, chúng ta biết những điều Ðức Phật chứng ngộ và giảng dạy, được
gọi là Chính Pháp ghi trong các kinh điển, ví như các bản đồ giúp nhân loại
biết phương pháp tu tập, để được giác ngộ và giải thoát, để được cuộc sống an
lạc và hạnh phúc hiện đời. Chính Pháp không dành riêng cho bất cứ ai, dù là
Phật Tử hay không, dù là tu sĩ xuất gia hay cư sĩ tại gia. Mặc dù có người thờ
phượng Ðức Phật, tin tưởng Ðức Phật mà không học hiểu Chính Pháp, không áp dụng
Chính Pháp, thì cũng không ích lợi gì hiện đời cả.
Chính Trực.