Bạn hãy thử hỏi lại mình:
- Có khi nào
bạn cảm thấy mình thật nhỏ nhen, ích kỷ không?
- Có khi nào
bạn tự trách mình vì lỗi lầm của kẻ khác không?
- Có khi nào
bạn chạnh lòng thương xót, sẻ chia với một kẻ xin ăn tật nguyền, khốn khổ hay
chưa?
- Có khi nào
bạn thật sự cảm thông với một kẻ điên khùng, ăn mặc nhếch nhác, đầu tóc rũ
rượi, khóc, cười… mà không giễu cười chế nhạo, coi khinh họ không?
- Có khi nào
bạn sẵn sàng giúp đỡ một ai đó, dù chính mình đang là kẻ gặp phải những khó
khăn?
- Có khi nào bạn có thể mở lòng tha thứ cho kẻ đã
hại mình không?
- Có khi nào
bạn nhắc nhở, khuyên lơn người khác không nên đi vào vết xe đổ của mình chưa?
- Có khi nào bạn có thể thương yêu một loài vật
như một người thân yêu, dẫu biết rằng đó
không phải là đồng loại của mình?
- Có khi nào
bạn cảm thấy rất run sợ trước những hiểm nguy bất ngờ gặp phải khi đi cùng
người khác, mà vẫn tỏ ra bình tĩnh, trấn an họ và sẵn sàng bảo vệ họ trước mọi
khó khăn có thể xảy ra, thay vì ngược lại không?
- Có khi nào
bạn vẫn có thể ôn tồn, nhẹ nhàng trước những cử chỉ thô bạo và xúc phạm mình
không?
…
Có thể đến
lúc này, bạn vẫn chưa làm được một vài điều trên. Nhưng nếu một lần chiêm
nghiệm những lời dạy của Đức Thế Tôn về Tứ nhiếp pháp, bạn sẽ cảm thấy mình
không khó lắm để làm được chúng. Hãy mở rộng tấm lòng, thế chỗ sự tham lam, ích
kỷ, hẹp hòi bằng những mầm vị tha, nhân ái bạn sẽ không ngờ rằng những việc làm
đó có thể mang lại cho mình những lợi ích vô biên. Bạn trở nên khoan dung khi
có thể tha thứ những điều mà tưởng chừng như không thể. Khi bạn có thể yêu
thương loài vật thì bạn sẽ dễ dàng đón nhận, thương yêu đồng loại của mình hơn.
Bạn trở nên gần gũi hơn khi san sẻ, cảm thông trước nỗi đau của kẻ khác và được
nhận lại tình yêu thương, lòng cảm mến của mọi người. Dám xả thân vì một nghĩa
cử cao đẹp để bạn mãi là một tấm gương dũng cảm. Khuyên lơn người khác cũng là
cách mà bạn nhắc lại bài học cho mình, thêm một lần để nhớ. Bạn trở nên chín
chắn hơn khi biết suy xét lại mình, đó cũng là cách hoàn thiện mình hơn. Vượt
qua những thị hiếu tầm thường, khoan dung, hỷ xả trước những hỷ nộ ái ố của kẻ
khác cũng là cách bạn bảo vệ mối quan hệ của bạn trong gia đình, bạn bè và xã
hội ngày một vững bền và tốt đẹp hơn.
Làm được
những điều này, chắc chắn rằng bạn là người rất hạnh phúc, vì bạn tự giúp mình
trở nên thanh cao, đáng quý và đáng được trân trọng. Quan trọng là tâm hồn của
bạn lúc nào cũng an lạc, hoan hỷ, ngập tràn niềm vui và hạnh phúc. Và đời sống
của chính bạn khiến cho mọi người ấn tượng tốt đẹp, tin tưởng vào Chánh pháp.
Tất cả những việc làm trên đều là những bài thực tập đơn giản của Tứ nhiếp
pháp.
Tứ nhiếp pháp
là bốn phương pháp nhiếp hóa người khác hướng thiện, gồm có: Bố thí nhiếp, Ái
ngữ nhiếp, Lợi hành nhiếp và Đồng sự nhiếp. Thoạt nghe thì ngắn gọn, dễ nhớ,
song bao hàm trong mỗi phương pháp là cách chuyển hóa những nguyên nhân sản
sinh ra mâu thuẫn trong các mối quan hệ xã hội, quyết định giữa cái tốt hay
xấu. Tứ nhiếp pháp còn là những bài học sâu xa để rèn luyện đạo đức, nhân phẩm con
người, thể hiện trách nhiệm của một công dân trong xã hội.
Bố thí nhiếp
gồm có tài thí, pháp thí và vô úy thí. Tài thí là sự sẻ chia về vật chất, thể
hiện tinh thần tương thân tương ái. Pháp thí là đem những lời dạy của Đức Phật,
các bậc Thánh Hiền Tăng giảng dạy cho chúng sanh. Pháp thí còn mang ý nghĩa
chia sẻ những bài học, kiến thức, kinh nghiệm quý báu có được trong cuộc sống
này để giúp ích cho mọi người. Vô úy thí, trước hết tự thân ta vượt qua nỗi sợ
hãi khi đối mặt với những khó khăn nguy hiểm, sau đó là giúp người vượt qua mọi
sự sợ hãi. Bố thí chính là sự cho đi nhưng thực chất là nhận lại rất nhiều.
Chưa hẳn những điều mình làm cho người đã nhiều bằng những gì ta nhận lại từ
người. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của sự thí xả và hơn thế nữa là sự yêu
thương, kính nể, trân trọng của mọi người. Khi mọi người đã có cảm tình tốt
đẹp, ta có thể khuyến hóa họ hướng về nẻo thiện, bỏ ác làm lành… Đấy chính là
mục đích và ý nghĩa của Bố thí nhiếp.
Ái ngữ nhiếp
là nói lời yêu thương để dìu dắt người sống lương thiện, hỷ xả, nhẹ nhàng. “Lời
nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Một ngày chúng ta chỉ
ăn ba bữa, mặc hai hoặc ba bộ quần áo, làm một số công việc nhưng giao tiếp cần
dùng đến lời nói thì nhiều vô kể. Trong những mối quan hệ gia đình, quan hệ xã
hội… ta đều phải dùng đến lời nói. Lời
nói ra thì dễ nhưng lấy lại thì khó. Vì vậy, mỗi người cần phải làm chủ được
lời nói của mình. Nói những lời hay, ý đẹp bằng tất cả lòng chân thành tràn đầy
yêu thương nhất. Thuật nói dối một cách trong sáng có thể mang lại niềm vui,
lợi ích cho người khác cũng nên dùng đến. Một người biết nói chân thật, yêu
thương có thể làm người khác an vui, hạnh phúc, gieo vào lòng người một hạt mầm
tinh thần hướng thiện đáng quý để họ có thêm nghị lực đứng lên đối mặt với
những khó khăn, chướng ngại trong cuộc đời.
Lợi hành
nhiếp là cùng mang đến lợi ích cho mình và người để dẫn đắt họ trở về với Chánh
pháp. Tôi từng được biết những câu nói rất hay: “Hãy chăm sóc tâm ý của bạn vì
chúng sẽ trở thành lời nói và hành động của bạn. Hãy chăm sóc hành động của bạn
vì chúng có thể trở thành thói quen của bạn. Hãy chăm sóc thói quen của bạn vì
chúng sẽ hình thành bản tánh của bạn. Hãy chăm sóc bản tánh của bạn vì chúng sẽ
hình thành định mệnh của bạn. Và định mệnh của bạn sẽ là cuộc đời của bạn”. Hãy
nuôi dưỡng tâm ý, từ đó hình thành nên lời nói, hành động, bản tánh, định mệnh
của cuộc đời mình. Không nên đổ lỗi cho số phận mà cố gắng làm việc thật tốt để
giúp mình và giúp đời. Chỉ cần mang đến lợi ích cho người thì chúng ta sẽ dễ
dàng nhiếp hóa họ sống lương thiện theo Chánh pháp.
- Đồng sự
nhiếp là cùng đồng cam cộng khổ, chung lưng đấu cật gánh vác trách nhiệm cũng
như sẻ chia quyền lợi, nhờ đó nhiếp hóa được người khác thông qua hành động cụ
thể. Một người quản lý giỏi phải là tấm gương sáng để cấp dưới nể trọng, phục
tùng và học hỏi. Và người đó phải biết chăm sóc, biết dung hòa với nhân viên.
Được như thế thì nội bộ cơ quan hay công ty đó sẽ có mối quan hệ tốt đẹp, có sự
đoàn kết tốt. Mọi người biết quan tâm và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, thi đua
phấn đấu một cách công bằng chắc chắn công ty ấy sẽ phồn thịnh, phát triển vững
bền. Ngược lại, nếu nội bộ không đoàn kết, mọi người tranh giành, hãm hại lẫn
nhau, người này giẫm đạp lên thành quả của kẻ khác để đi đến thành công thì
công ty đó, dù có thành công, sớm muộn cũng sẽ đổ vỡ. Thế mới thấy tầm quan
trọng của Đồng sự nhiếp.
Những mâu
thuẫn, bất đồng trong đời sống xã hội đều phát xuất từ lòng ích kỷ, tham lam
của con người. Và con người cũng chính là nguyên nhân làm cho xã hội trở nên
hỗn loạn, bất công, nảy sinh tệ nạn, cái ác, cái xấu… Trong thời hiện đại, lòng
người càng tha hóa trước những danh vọng, tiền tài, chỉ biết mưu cầu tư lợi mà
dần mất đi thiện tánh trong mình, thay vào đó là sự thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau
của kẻ khác. Cái ác, cái xấu thừa cơ sinh sôi nảy nở đồng thời mầm thiện, mầm
lành dần tàn lụi, héo khô vì người ta ngày càng xa rời chân tâm, Phật tánh của
mình. Đức Phật đã khẳng định rằng: “Mỗi chúng sanh đều có Phật tánh”. Con người
may mắn hơn các loại chúng sanh khác là có ý thức và thuận lợi hơn trong việc
tu hành giác ngộ. Song, biển khổ luân hồi vẫn đêm ngày dìm nhấn những kẻ u mê
không nhận chân được những lời dạy của Ngài. Những tập khí xấu xa, ác độc, tham
sân si đã ăn sâu vào trái tim, khối óc của họ nên cần được Chánh pháp soi rạng
qua tinh thần thực tập Tứ nhiếp pháp của những người con Phật.
Cái thiện,
cái đẹp như hạt ngọc giữa sa mạc cát mênh mông, như ngọn đuốc giữa màn đêm u
tối và như bông hoa sen giữa bùn lầy. Âu cũng nhờ vậy mà viên ngọc kia trở nên
lấp lánh, ngọn đuốc kia thêm rạng ngời, bông hoa kia mãi ngát hương. Vậy sao ta
lại không dưỡng nuôi Phật tánh trong ta và trong mọi người để được thơm ngát
như hoa, được đẹp như ngọc, được lung linh tỏa sáng như ngọn đuốc. Tuy Đức Phật
đã giảng dạy giáo pháp trong một hoàn cảnh xã hội khác rất nhiều so với hoàn
cảnh thực tế của xã hội hiện nay. Song việc áp dụng những triết lý của Tứ nhiếp
pháp vẫn không bao giờ bị cũ đi, lạc lõng hay xa rời thực tế mà rất khoa học,
phù hợp với mọi hoàn cảnh trong mọi thời đại. Việc giải quyết mâu thuẫn trước
tiên là tìm ra nguyên nhân nảy sinh ra nó, rồi từng bước tìm ra chiếc chìa khóa
để tháo gỡ những mối xung đột, những vấn đề nan giải của xã hội phải được bắt
đầu chính từ sự chuyển hóa tham sân si nơi con người. Tinh thần Tứ nhiếp pháp
nếu được áp dụng trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức, nhân phẩm ở nhà trường
cũng như tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội thì lợi ích mà nó mang lại là rất
lớn. Nếu ai cũng hiểu được những giá trị nhân văn của Tài thí, Pháp thí và Vô
úy thí trong Bố thí nhiếp, cái hay của Ái ngữ nhiếp, cái lợi của Lợi hành nhiếp
và cái hòa của Đồng sự nhiếp mà thực hành, cảm hóa người khác sống thiện lành
thì xã hội sẽ bớt đi những tệ nạn, bất công, tội lỗi và khổ đau, con người sẽ
được sống trong thịnh vượng, hòa bình.
Chúc Tâm Ánh (GNO)