Phật pháp ứng dụng
Tạo ra Hạnh Phúc
28/11/2013 08:38 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


ajahnbrahm[1].jpg
Không lo lắng

Buông bỏ “người điều khiển”, tiếp xúc nhiều hơn với giây phút hiện tại và sẵn sàng hơn đối với sự bất định của tương lai giải phóng cho chúng ta khỏi nhà tù của sợ lo sợ. Nó giúp chúng ta đáp ứng với những thách thức của cuộc đời với tuệ giác sẵn có của mình, và đưa chúng ta ra khỏi tình huống khó khăn một cách an toàn. 
Có lần tôi đang đứng giữa một trong sáu dòng người xếp hàng trước thanh chắn của bộ phận quản lý nhập cảnh tại sân bay Perth. Lúc ấy tôi vừa trở về từ Sri Lanka quá cảnh Singapore. Dòng người di chuyển một cách chậm chạp ; rõ ràng là người ta đang kiểm tra gắt gao. Một nhân viên hải quan chợt xuất hiện từ cánh cửa bên của hành lang, dẫn theo một con chó nghiệp vụ được huấn luyện để tìm ma túy. Các hành khách vừa đến mỉm cười một cách hồi hộp khi nhân viên hải quan dẫn con chó đi lên đi xuống dọc theo dòng người. Mặc dầu họ không mang ma túy nhưng sau khi con chó dừng lại ngửi rồi bỏ đi ai cũng thở phào nhẹ nhõm. 
Khi con chó nhỏ đi đến sát tôi và ngửi, nó dừng lại, rúc cái mõm nhỏ xíu của nó vào lưng áo của tôi và vẫy đuôi thành vòng tròn. Viên sĩ quan phải giật mạnh sợi dây để lôi nó đi nơi khác. Người hành khách đứng trước tôi trong hàng trước đây có vẻ thân thiện bây giờ bước lên một bước tránh xa ra. Và tôi biết chắc hai người ở phía sau tôi cũng bước lui một bước.
Sau đó năm phút, khi tôi đứng gần quầy kiểm tra hơn thì người ta lại dẫn con chó đi lên một vòng nữa. Con chó đi lên, đi xuống dọc theo hàng người, dừng lại trước từng hành khách, ngửi ngửi, rồi bỏ đi. Khi nó đến sát bên tôi nó lại dừng lại, rúc đầu vào áo của tôi và vẫy đuôi lia lịa. Người nhân viên hải quan lại phải giật mạnh sợi dây để lôi nó đi. Tôi thấy mọi cặp mắt đều đổ dồn vào tôi. Mặc dầu trong tình huống như vậy nhiều người có thể đâm ra lo lắng, nhưng tôi thì vẫn thản nhiên. Nếu tôi phải vào nhà giam thì cũng được, ở đó tôi có nhiều bạn bè và họ có thể cho mình ăn ngon hơn ở tu viện ! Khi tôi đến quầy kiểm soát họ kiểm tra tôi rất kỹ. Tôi không có ma túy, nhà sư cả rượu cũng không uống kia mà. Họ không bắt tôi cởi áo tôi đoán vì tôi không tỏ ra lo lắng. Họ chỉ hỏi tôi rằng tại sao con chó lại chỉ dừng lại bên tôi. Tôi nói các nhà sư có tình thương đối với mọi loài súc vật và có lẽ đó là cái mà con chó đánh hơi thấy; hay có thể trong kiếp trước, con chó này là một nhà sư. Sau đó họ để cho tôi đi qua. 
Một lần khác tôi suýt bị đấm vào mặt bởi một anh chàng người Úc to cao lúc ấy đang nổi giận và hơi say. Sự không sợ hãi đã cứu nguy cho tình thế và cái mũi của tôi.
Chúng tôi vừa mới chuyển đến tu viện mới trong thành phố về phía bắc của Perth. Chúng tôi sắp sửa tổ chức một buổi lễ khánh thành, và có một điều ngạc nhiên thú vị là thống đốc bang Tây Úc lúc đó là Sir Gorden Reid cùng với phu nhân đã nhận lời mời của chúng tôi, hứa sẽ đến dự. Tôi được giao nhiệm vụ lo thuê rạp và ghế cho quan khách. Thầy trị sự dặn dò tôi phải kiếm cho được thứ tốt nhất và sắp xếp cho thật đàng hoàng. 
Sau một hồi tìm kiếm tôi tìm ra một công ty cho thuê đồ rất đắt tiền. Nó ở trong khu ngoại ô giàu có phía tây của Perth và cho thuê rạp cho những bữa tiệc ngoài trời của các triệu phú. Tôi giải thích ý định và lý do vì sao phải thuê đồ tốt nhất. Người phụ nữ tiếp chúng tôi nói hiểu rồi, và thế là chúng tôi đặt hàng. 
Khi rạp và ghế được chở đến vào chiều tối thứ sáu, thì tôi lại bận giúp đỡ người khác ở sân sau tu viện. Khi tôi ra trước để kiểm tra thì chiếc xe tải và nhân viên của họ đã đi rồi. Nhìn tình trạng của chiếc rạp tôi không thể tin vào mắt mình. Nó lấm lem đất đỏ. Tôi lấy làm thất vọng, nhưng vấn đề vẫn có thể được giải quyết. Chúng tôi bắt đầu lấy vòi nước xịt thật sạch. Rồi tôi kiểm tra ghế dành cho khách - chúng cũng dơ bẩn như thế. Thế là chúng tôi phải tìm giẻ và nhiều tình nguyện viên xúm vào giúp lau chùi. Tôi nhìn những ghế cho khách VIP. Chúng rất đặc biệt: không có ghế nào có chân bằng nhau! Ngồi lên là lắc lư, nghiêng ngã. 
Thật không thể tin được. Như vậy là quá đáng. Tôi chạy đến điện thoại, gọi cho công ty cho thuê và gặp ngay người phụ nữ sắp sửa ra về để nghỉ cuối tuần. Tôi giải thích tình hình, và nhấn mạnh rằng không thể để ông thống đốc bang Tây Úc ngồi lắc lư trên một chiếc ghế gập ghềnh suốt buổi lễ như thế được. Lỡ ông ta ngã thì sao ? Bà ta nói hiểu rồi, xin lỗi, và hứa sẽ thay ghế trong vòng một tiếng đồng hồ. 
Lần này thì tôi đứng chờ chiếc xe tải giao hàng. Tôi thấy nó chạy vào con đường dẫn đến tu viện. Chạy chưa được nửa đường, còn cách tu viện khoảng sáu mươi mét, một người đàn ông nhảy ào xuống và chạy đến phía tôi, mắt đỏ lừ và tay nắm lại. 
“Tay phụ trách ở đâu ?” y la hét. “Tôi muốn gặp tay phụ trách ở đây.” 
Sau này tôi mới biết chuyến giao hàng đầu tiên cho chúng tôi là chuyến giao hàng cuối cùng của họ trong tuần. Sau khi giao hàng, họ đã dọn dẹp và đi vào quán rượu để bắt đầu nghỉ cuối tuần. Họ đã uống khá nhiều rồi khi viên quản lý đi vào quán và ra lệnh cho họ quay về làm việc. Các nhà sư Phật giáo muốn họ đổi ghế. 
Tôi bước đến gần anh chàng ấy và nói nhẹ nhàng, “Tôi là tay phụ trách đây, tôi có thể giúp gì được cho ông đây ?” 
Y chồm mặt sát với mặt của tôi, bàn tay phải vẫn nắm chặt, đưa gần sát mũi của tôi. Mắt y ngầu đỏ vì giận dữ. Tôi ngửi thấy mùi bia trong miệng y nồng nặc xông ra, chỉ cách tôi vài xăng ti mét. Tôi không cảm thấy sợ hãi, cũng không tự kiêu. Tôi cứ thản nhiên. 
Những đạo hữu dừng tay lau chùi để xem. Không ai chạy đến giúp tôi cả. Cám ơn các bạn. 
Sự đối đầu xảy ra chỉ trong vài phút. Tôi cảm thấy rất thú vị về những gì xảy ra. Trước phản ứng của tôi, gã công nhân nóng giận này đờ người ra. Ắt hẳn y chờ đợi một thái độ sợ hãi hoặc gây hấn chống lại. Đầu óc y không biết phản ứng ra sao trước một người vẫn thản nhiên khi nắm đấm của y đã đưa lên gần lỗ mũi người đó. Tôi biết y không thể nào đấm tôi, cũng không thể bỏ tay xuống được. Thái độ không sợ hãi của tôi đã làm y bối rối. 
Trong mấy phút đó, chiếc xe đã đỗ lại và người chủ bước xuống, đi về phía chúng tôi. Ông ta đặt tay lên vai của gã công nhân đang đứng ngẩn người và nói, “Nào, hãy bốc dỡ ghế xuống.” Mệnh lệnh này gỡ cho y ra khỏi tình trạng bế tắc. 
Tôi nói, “Được rồi, tôi sẽ giúp một tay.” Và chúng tôi cùng nhau mang ghế xuống.

Nụ cười với hai ngón tay

Lời khen tiết kiệm được tiền bạc cho chúng ta, làm giàu có các mối quan hệ, và tạo ra niềm vui. Chúng ta cần ban phát cho xung quanh nhiều lời khen hơn nữa.
Người khó khen ngợi nhất là chính chúng ta. Tôi được dạy dỗ để tin rằng người nào tự khen mình sẽ trở thành tự cao tự đại. Không phải thế đâu. Họ trở thành người tốt bụng. Khen ngợi những phẩm chất tốt của mình cũng là tích cực cổ vũ những phẩm chất ấy.
Khi tôi còn là sinh viên, thiền sư đầu tiên của tôi đã cho tôi những lời khuyên rất thực tế. Thầy bắt đầu bằng cách hỏi tôi làm việc gì đầu tiên sau khi thức dậy.
Tôi trả lời, “Dạ đi vào phòng tắm.”
Thầy hỏi tiếp, “Trong phòng có gương soi không?”
“Dạ có.”
“Tốt.” Thầy nói, “Vậy thì, từ nay, mỗi buổi sáng trước khi đánh răng hãy nhìn vào gương và cười với mình.”
“Thưa thầy.” Tôi bắt đầu phản đối. “Con là một sinh viên. Đôi khi con đi ngủ rất khuya, và khi ngủ dậy người con rất uể oải, Có những buổi sáng con nhìn con trong gương còn thấy sợ, huống chi là mỉm cười.”
Thầy cười, rồi nhìn vào mắt tôi thầy nói, “Nếu con không cười được một nụ cười tự nhiên thì con đưa hai ngón tay trỏ vào hai khóe môi, chống lên như thế này.” Và thầy biểu diễn cho tôi xem.
Thầy trông hài hước không thể tưởng. Tôi bật cười. Thầy lệnh cho tôi phải làm. Và tôi làm theo.
Sáng hôm sau, tôi lê người ra khỏi giường và lảo đảo đi vào phòng tắm. Tôi nhìn tôi trong gương. “Ờ” Không được đẹp cho lắm. Một nụ cười tự nhiên là không thể được. Thế nên tôi đưa hai ngón trỏ vào hai khóe môi rồi đẩy lên. Tôi thấy một khuôn mặt ngốc nghếch đang làm một trò điên khùng và tôi không nín được cười. Khi có một nụ cười tự nhiên rồi tôi thấy một chàng thanh niên đang mỉm cười với mình. Và tôi cười lại. Chàng thanh niên trong gương tiếp tục mỉm cười. Thế là chúng tôi cùng cười phá lên.
Tôi tiếp tục thực tập mỉm cười trong suốt hai năm. Cứ mỗi buổi sáng dù tâm trạng thế nào khi bước ra khỏi giường thì chốc lát sau tôi đã mỉm cười với mình trong gương, thường thường là bằng cách dùng hai ngón tay. Những người xung quanh nói dạo này tôi hay cười. Có lẽ những cơ bắp xung quanh môi đã quen với tư thế ấy rồi.
Chúng ta có thể thực tập chiêu cười với hai ngón tay trỏ bất cứ lúc nào trong ngày. Nó đặc biệt có hiệu quả khi chúng ta cảm thấy chán ngán, nản chí, hay phiền muộn. Người ta đã chứng minh rằng tiếng cười làm tiết ra chất endorphin vào trong dòng máu của chúng ta, mà chất này lại làm tăng cường hệ miễn dịch và làm cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Nó giúp chúng ta nhìn thấy 998 viên gạch tốt trong bức tường của chúng ta, chứ không phải chỉ nhìn thấy hai viên gạch xấu. Và nụ cười làm cho chúng ta trông đẹp hơn.
Đó là lý do đôi lúc tôi gọi tu viện Phật giáo Perth là “Thẩm mỹ viện Ajahn Brahm”


Ajahn Brahm

Theo Thư Viện Hoa Sen

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch