Phật pháp ứng dụng
Những Lời Dạy Của HT Tuyên Hóa
18/03/2010 23:01 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Dĩ nhiên chúng ta đều khôn ngoan hơn sau khi chuyện đã xảy ra. Nhưng tôi đã cần một thời gian dài để đúc kết được những bài học tôi học được vào mùa hè năm đó. Bài học đã được Hòa Thượng chỉ dạy, nhưng không phải sự chỉ dạy ban đầu nào cũng được ý thức đầy đủ cho đến khi sự thật hiển nhiên dần được thực tế minh định đến kinh ngạc. Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

Như vào thời điểm năm 1968 khi năm người chúng tôi sắp hàng lạy Hòa Thượng những lạy cuối cùng trước khi đi Đài Loan để trở thành những tăng ni thọ cụ túc giới. Chúng tôi đồng loạt lạy ngài, nhưng sau đó Hòa Thượng làm chúng tôi kinh ngạc khi ngài bảo chúng tôi lạy lẫn nhau. Ngài hướng dẫn bảo bốn người chúng tôi đứng phía sau lạy vị tăng đứng đầu trong hàng, sau đó ba chúng tôi lạy hai vị tăng đứng đầu. Chúng tôi hai vị ni lạy ba vị tăng, và cuối cùng tôi là người đứng cuối hàng lạy bốn người trước tôi. Hòa Thượng nhẹ nhàng mỉm cười và nói lời huấn thị khi chúng tôi lạy. Tôi nhớ rõ ràng khi ngài vừa nói vừa đi ngang qua tôi, lời nói gần như là thì thầm "Người cuối cùng là kẻ đầu tiên.” Vào lúc đó, tôi liên hệ lời nói của Hòa Thượng với sự quan sát của Ngài trong những khóa thiền về việc chúng tôi đi thành vòng tròn để không có người nào thật sự là đầu tiên hay cuối cùng. Và tôi nghĩ đó là bài học hay để mang theo bên mình.

Cho đến khoảng mười lăm năm sau, khi bốn người kia mà tôi đã đảnh lễ vào ngày hôm đó, vì những lý do nào đó họ đã quyết định không làm tu sĩ nữa, lúc đó câu nói đó mới mang một ý nghĩa khác mà trước đây vào lúc câu đó được nói ra tôi không hiểu được ý nghĩa .

Mùa xuân trước mùa hè đặc biệt đó vào đầu thập niên 80 thật tuyệt hảo. Thời tiết hoàn hảo tràn ngập với những ngày đầy ánh nắng, những buổi chiều với cơn gió nhẹ, cứ khoảng mười ngày lại có cơn mưa thật tuyệt diệu, và những buổi tối với ánh trăng thanh mát. Ngồi trong văn phòng trong tòa nhà ngoài cùng phía đông nam khuôn viên Vạn Phật Thánh Thành, trong lúc lắng nghe tiếng nước róc rách qua những khe đá nhẵn trơn, tôi quyết định xây dựng một khu vườn. Ngoài tôi ra, không ai biết về quyết định này. Bây giờ hồi tưởng lại, tôi lại thấy khác.

Điều đầu tiên tôi nên đề cập là khi tôi đang thu dọn các nhánh cây và rác rến trên mảnh đất tôi chọn để làm khu vườn của tôi, thì một Sư Cô tình cờ đi đến. Sư Cô là Sư Cô Tri Khách, và một phần phận sự của vị Tri Khách là thị giả của Hòa Thượng về một phương diện nào đó. Nhưng vào lúc đó tôi chưa thấy được mối liên hệ. Sư Cô khơi chuyện nhẹ nhàng mà tôi chỉ cho là sự biểu lộ của sự tò mò.

"Cô định làm một cái vườn sao?” Sư Cô hỏi.

"Đúng!”, tôi tự tin trả lời.

"Ồ! Chúng ta có thật sự cần thêm một khu vườn nữa không?” Sư Cô nói một cách nhẹ nhàng, dường như là một sự tự hỏi thành lời.

"Hai cái vườn cộng đồng lớn đã khởi sự rồi và chúng ta đang thiếu người.” Cô ta nêu lên với một giọng nhẹ nhàng.

Tôi gật đầu, nhưng tiếp tục làm việc và không ý kiến gì cả.

Sau khi ngừng một lúc, Cô ta đề nghị một cách thẳng thắn hơn: "Cô có thể giúp những khu vườn kia, thay vì làm thêm cái nữa!”

Tôi vẫn giữ im lặng và không trả lời, bận rộn với công việc tự chỉ định của mình.

Cuối cùng Sư Cô gật đầu chào và bước đi, để lại tôi một mình như cũ.

Tôi không quan tâm về cuộc nói chuyện này. Chỉ rất lâu về sau tôi mới nghĩ rằng rất có thể Sư Cô được Hòa Thượng gọi đến để cố gắng chỉ ra cho tôi một chọn lựa tốt đẹp hơn là sự lựa chọn tôi đang làm, mà không có vẻ như là ý kiến của Hòa Thượng.

Khoảng một vài ngày sau, tôi mượn một chiếc xe kéo lớn cùng với lưỡi bừa từ văn phòng và phá vỡ đất bằng đường bừa đầu tiên. Ngồi tuốt trên cao và điều khiển chiếc máy nặng nề, tôi hiển nhiên cảm thấy nhiều hơn là một chút kiêu hãnh. Tuy nhiên, sự tự mãn đó bị hoen ố rất nhanh chóng khi miếng thép cứng của lưỡi cày cán vào một con rắn, tàn nhẫn lột miếng thịt ra khỏi lưng nó. Tôi xoay mình trên ghế ngồi và thấy con rắn rên siết trong ánh nắng ban mai – thịt phơi bày ra, điên cuồng và hẳn nhiên đau đớn cực độ. Tôi toát mồ hôi lạnh!

Nhưng tôi vẫn tiếp tục. Lúc chạy đường bừa thứ nhì qua mảnh đất, tôi đẩy một con cóc nhảy ngay vào đường của lưỡi bừa và bị chết ngay vì lưỡi bừa cán vào. Hai tay tôi run rẩy khi tôi nhả cần số xuống và cố gắng làm chậm lại cái máy sát sanh do tôi điều khiển. Tuy nhiên, tôi đã hoàn tất công việc.

Chẳng bao lâu sau đó tôi sám hối về hai cái chết kể trên trong Phật Điện, trước Hòa Thượng và đại chúng. "Một con rắn và một con cóc ?” Hòa Thượng lập lại với một chút không vui, theo sau một tiếng “Ồ!” miễn cưỡng và có vẻ buồn.

Tôi đã được huấn luyện để phiên dịch. Đó là công việc chính của tôi hoặc đúng ra nên là như vậy. Thuở đó có rất ít kinh điển Phật Giáo bằng tiếng Anh và Hòa Thượng muốn xuất bản thêm nhiều kinh sách và càng sớm càng tốt. Tôi đã nhận phần công việc và tôi biết cần phải bắt kịp với công việc của mình để có thể chuyển giao cho ban kế tiếp của Hội Phiên Dịch Kinh Điển đúng thời hạn.

Nhưng dự án về khu vườn của tôi trở thành rất tốn thời gian, đặc biệt vì đó không phải là khu vườn “chính thức”. Có nghĩa rằng những người cư trú tại Vạn Phật Thánh Thành thay phiên làm việc trong các khu vườn cộng đồng, không phải trong khu vườn tôi tạo nên. Tôi cố gắng duy trì khu vườn của mình với một Sư Cô già nói một thứ tiếng mà không ai trong khuôn viên Chùa có thể hiểu được, có lẽ vì vậy Sư Cô già đã không biết đuợc khu vườn cộng đồng thực sự ở đâu, do đó đã đến để giúp tôi. Hồi tưởng lại, tôi nhận thức ra rằng Sư Cô già đó đã nghĩ là mình làm đúng, cũng giống như tôi đã tự thuyết phục mình. Niềm hãnh diện của tôi lớn dần với khu vườn sum sê.

Vì ngày nào cũng đầy ắp với các công việc như tỉa cây, trồng trọt, bón phân , tưới nước....và sau đó là thu hoạch, tôi bắt đầu cảm thấy tất cả bộn bề đó đưa đến việc cố gắng làm công việc phiên dịch vào buổi tối.

Sau khi tụng xong phần chú buổi tối, tôi thường đi thẳng về tòa nhà phía đông nam đó, mở đèn lên để tìm lối đi về văn phòng của mình, sau đó làm việc đến khuya. Đèn thường tắt hết vào lúc 10 giờ rưỡi tối, nhưng tôi thường phá giờ giới nghiêm này và thức tiếp để làm việc. Một hôm nọ, Hòa Thượng bắt đầu phê bình công khai trong một lớp học của Ngài (mà mọi người trong Chùa đều tham dự) về việc phi phạm điện và sự phô trương. Ngài đang nói về tôi! Ngài công bố rằng tôi đang tìm cách làm ngài chú ý, biểu diễn từ xa rằng tôi là một người phiên dịch tận tâm, làm việc cả vào buổi tối. Ngài than phiền sự thiếu tiết kiệm, vì chỉ một người làm việc mà mở nhiều ngọn đèn . Chỗ ở của ngài và lớp học trong tòa nhà này nhìn thẳng ra khu nhà chỗ tôi làm việc, sự toả ánh đèn buổi tối làm ngài khó chịu . Khi Hòa Thượng than phiền thì bản ngã cứng đầu của tôi thầm lặng phản đối sự phê bình đó,: "Điều đó thật quá đáng! Tôi chỉ mở ngọn đèn cổng trước cho đến khi tôi mở đèn văn phòng và sau đó đi trở lại tắt ngọn đèn ngoài cổng . Tôi không bao giờ nghĩ Hòa Thượng thấy đèn tôi mở khi tôi làm việc vào buổi tối. Tôi thật sự quá nhiều việc kia mà!". Cái tôi (bản ngã) của tôi lên tiếng ồn ào trong đầu, làm tôi hoàn toàn bỏ sót thông điệp trong những lời dạy của Ngài. Kết cục vào cuối buổi học Ngài thông báo tòa nhà phía đông nam vào buổi tối là không ai được đến . Bản ngã của tôi được dịp gặm nhấm nỗi buồn!

Mùa hè trôi qua nhanh chóng, và tôi chạy đua để bắt kịp với những đòi hỏi của vụ mùa đang chín tới, những cây cỏ dại cứng đầu, và mùa thu hoạch sắp đến. Công việc phiên dịch bị ảnh hưởng và niềm hãnh diện của tôi tăng lên khi tôi bắt đầu thâu hoạch những cây trái đầu tiên. Ngay vào lúc đó, cũng vị Sư Cô trước đây đi đến. Sư Cô lần này đến có chủ đích chứ không phải đi ngang qua, mà đi thẳng đến tôi. "Tôi đến để nói lại lời nhắn của Hòa Thượng,” Sư Cô nói chắc nịch. Tôi đứng lặng yên, chờ đợi.

"Ngài muốn tôi nói với Sư Cô rằng ngài sẽ không ăn một miếng rau cải nào từ khu vườn nầy.”

Ái da! Dĩ nhiên, tôi đã thâu hoạch những hạt đậu ngọt đầu tiên và những rau cải tươi mọng với ý nghĩ về Thầy tôi ở trong đầu. Cô ta chỉ nói như thế. Không mỉm cười. Không một lời khuyến khích. Chỉ lời nhắn thẳng thừng như thế!

Không chỉ vậy, lúc thời điểm thu hoạch lên đến cao điểm, nhà bếp cộng đồng đầy ắp với rau cái từ vườn nhiều hơn khả năng mọi người có thể ăn và bảo tồn để khỏi hư. Hồi tưởng lại, tôi nghĩ rằng số lượng thu hoạch phụ trội đó có lẽ bằng với số rau cải tôi thu hoạch được từ khu vườn ích kỷ của tôi.

Phải mất một thời gian tôi mới hấp thu bài học được trọn vẹn. Về sau tôi thấy rất rõ rằng việc làm khu vườn theo định kiến bản ngã của tôi đã khiến cho Hòa Thượng hao phí thời giờ và năng lực quý báu của Ngài để chỉ dạy cho tôi những bài học mà đúng ra tôi phải biết ngay từ đầu:

1. Tham gia hòa đồng với công việc của cộng đồng , không tạo ra một đề án theo suy nghĩ bản ngã cá nhân.

2. Cứ nhất định làm theo cách riêng của mình làm cho tôi tạo nên trọng nghiệp.

3. Làm công việc tôi đã được huấn luyện để làm, giữ chí nguyện của mình và làm đúng thời hạn.

4. Trong khi làm bất cứ việc gì, đừng phô trương hay biểu lộ phong thái đặc biệt.

5. Và đau lòng thay thành quả của bản ngã không xứng đáng để nuôi dưỡng thân thể , và cũng chẳng nuôi dưỡng được tâm linh.

6. Sau cùng không kém phần quan trọng, chia sẻ công việc với cộng đồng tạo nên sự hòa điệu nhịp nhàng, đó chính là phần thưởng, chưa nói đến sẽ giúp làm giảm đi bản ngã cứng đầu của mình.

Tỳ Kheo Ni Hằng Trì *
Vajra Bodhi Sea, June 2005, pp. 28 – 31

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch