Phật pháp ứng dụng
Sự ứng dụng Phật giáo vào đời
Uông Trí Biểu
23/04/2010 03:44 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong Phật giáo có hai danh từ thường bị người ta hiểu lầm rồi căn cứ vào đó mà cho Phật giáo là chủ nghĩa chán đời. Đó là hai danh từ: “Xuất thế” và Liễu sinh tử”.

Cái mà ta gọi là “đời” tức là thời gian, cho nên nói: Quá khứ, hiện tại và vị lai là ba đời. Còn cái gọi là “Xuất thế” tức là vượt ra ngoài sự ràng buộc thời gian.

Thời gian do đâu mà có? Do niệm niệm sinh, diệt kế tiếp mà có.

Nếu niệm nhiều thì ta thấy thới gian dài, mà niệm ít thì ta thấy thời gian ngắn. Thí dụ lúc ta chờ đợi ai, thì cái niệm trông mong người ấy đến luôn luôn kế tiếp nhau, ta đợi chưa được 10 phút mà tựa hồ như đã quá nửa giờ. Nhưng khi ta thanh thản, nhàn hạ lặng lẽ ngồi yên, không nghĩ ngợi gì, thì lúc đó ta thấy thời gian trôi qua rất mau.

Nếu không có niệm niệm sinh, diệt thì không có thời gian ngắn, dài mà xa lìa hẳn cái giả tướng sinh, diệt thì không còn bị thời gian ràng buộc, thì gọi là “xuất thế” chứ không phải có nghĩa là chán đời hay lánh đời.

Bởi thế trong kinh Phật dạy: “Không xa lìa các Pháp thế gian mà tu đạo xuất thế gian”. Lại nói:  “Phật pháp ở trong thế gian, không ngoài thế gian mà có, nếu xa lìa thế gian để tìm đạo Bồ Đề thì không khác gì đi tìm lông rùa sừng thỏ”. Như vậy là căn bản của Phật pháp không ngoài thế gian.

Nay nói “Nhập thế” là chỉ sự tham gia các công tác xã hội chứ thực không có “xuất” hay “nhập”. Còn cái gọi là “sinh”, “tử” tức có nghĩa là sinh, diệt, và “Liễu sinh tử” là chỉ sự thoát ly hẳn cái vọng niệm và giả tướng sinh, diệt. Có nhiều người vì không thấu suốt được ý nghĩa ấy liền cho Phật giáo là sợ chết, trốn sống.

Phật giáo vốn thích hợp với cái học thực dụng của nhân sinh, có lý luận, có ứng dụng cũng như khoa học; nhưng khác với một số tôn giáo chỉ có cái dụng nhỏ nhặt mà không có lý luận, lại cũng không giống với các triết học khác, chỉ có lý luận mà không có thực dụng.

GIẢI THÍCH RÕ RÀNG HAI CHỮ PHỤC VỤ

Trong Phật giáo hai chữ “phục vụ” có nghĩa là cứu độ chúng sinh. Xem như nguyện thứ nhất: “Bao nhiêu chúng sinh nguyện xin độ hết” trong bốn nguyện lớn, và nguyện “Hằng thuận chúng sinh” của Bồ Tát Phổ Hiền thì thấy rằng Phật giáo là một tôn giáo tích cực vì nhân loại mà phục vụ chứ không đòi hỏi một điều kiện gì cả. Phật giáo tích cực phục vụ là vì mục đích muốn cứu cho hết thảy chúng sinh thoát khổ, thể nhập bản thể bình đẳng như nhất, độ người tức là độ mình, cứu người túc là cứu mình.

Trong kinh Kim Cương, Đức Phật dạy: “Diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sinh như thế, mà thực không có một chúng sinh nào được diệt độ cả. Là vì sao? Ông Tu Bồ Đề, vì nếu Bồ Tát còn có tướng ta, tướng người, tướng chúng sinh, tướng thọ giả, thì không phải là Bồ Tát”.

Vì người với ta đều cùng một bản thể, tuy vì người mà phục vụ nhưng không tưởng đó là mình phục vụ. Phật giáo dạy không những đừng tưởng đó là mình phục vụ mà còn phải coi đó là mình đền ơn, vì hết thảy chúng sinh đều là ân nhân của mình. Nếu có người bảo: Nhận cha mẹ và sư trưởng, là ân nhân thì có thể được, chứ như nhận hết thảy chúng sinh là ân nhân, thì không khỏi thái quá.

Tôi xin thưa : Đó là sự thật,chứ không phải lời nói lập dị, làm cho người đời ngạc nhiên. Chúng ta chỉ cần xét đến những nhu cầu như ăn mặc, đi lại hằng ngày của mỗi người chúng ta, cũng chứng minh được câu nói đó là đúng.

Thí dụ chúng ta mặc các thứ áo như: Vải, lụa hoặc lông do thợ may khâu, cắt mà có. Nguyên liệu máy áo như: vải, lụa lại do nguời hàng tấm bán; người hàng tấm lại phải mua vải, lụa từ hãng dệt; nguyên liệu của vải lại do xưởng kéo sợi cung cấp, nguyên liệu của sợi lại do người trồng bông mang lại; nguyên liệu của lụa do xưởng tơ cung cấp, tơ lụa phải nhờ người chăn tằm mới có, thức ăn của tằm lại phải nhờ người trồng dâu mới có.

Đó  chỉ mới nói đến hệ thống trực tiếp thôi mà đã liên quan đến tất cả các giới: nông, công, thương rồi nếu lại nói đến những người gián tiếp giúp đỡ, chẳng hạn, nông sản phẩm thì phải cần đến những công cụ vận chuyển như: xe hơi, xe lửa, thuyền máy, phi cơ hoặc như cổ thời thì dùng ghe, thuyền, lừa, ngựa v.v… mà tất cả các công cụ đó đều phải có người duy trì điều khiển, và để bổ sung các công cụ đó phải cần sự hợp tác  của các công xưởng mới xong.

Khi những nông sản phẩm ấy được vận chuyển đến các xưởng sợi, xưởng tơ rồi, lại phải trải qua một thời kỳ chế tạo mà những máy móc chế tạo đó lại do các kỹ sư nghĩ ra và sử dụng. Các kỹ sư lại phải theo học tại các đại học đường và kiến thức của họ là nhờ các giáo sư các khoa học chỉ dạy mới có. Tất cả các xưởng công, thương và các cơ quan giáo dục đều phải nhờ sự giúp đỡ của chính phủ và sự bảo vệ của quân đội, mới trình bày sơ luợc mà cũng đã không biết bao nhiêu người góp sức lao công rồi.

Những người đó bao gồm các giới nông, công, thương, quân, dân chính, không phân già trẻ, gái, trai, tất cả… đều vì có một chiếc áo mà phải hợp tác làm lụng để chế tạo. Riêng có một việc mặc mà đã như thế, thì việc ăn ở, đi lại và các nhu cầu tinh thần còn nhiều không thể kể hết được. Nói tóm lại, trên thế giới không ai là không giúp đỡ ta một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Ta có nên cảm tạ ơn đức của họ không?

Tuy nhiên tôi chỉ mới nói  đến những việc mà giá trị tương đương thôi, còn nhiều việc mà giá trị rất quý báu nữa, thí dụ ta bỏ ra mấy chục bạc mua một cuốn sách  mà tinh thần trong cuốn sách đó rất có giá trị đối với ta thì tiền bạc không thể thay cho giá trị ấy được.

Hơn nữa, tiền của chúng ta đôi khi nhờ sự may mắn mà có, không phải phí một chút tâm lực nào, cũng có khi là của vô nghĩa, dùng phương pháp lừa gạt mà được. Nếu chúng ta dùng tiền của chân chính mà đổi chác lấy những vật có giá trị tương đương thì chính xác lắm rồi, nhưng vạn nhất mà bao nhiêu người khác không hợp tác với ta, thì ta sẽ ra sao? Nếu họ chịu hợp tác với ta, thì tức là họ có ơn nghĩa đối với ta; có tiền mà không mua được những vật cần dùng, chúng ta ai cũng đã từng trải kinh nghiệm đau khổ của sự bất hạnh ấy.

Do đó chúng ta biết rằng những vật mà chúng ta thụ hưởng  đây không phải của một đấng Vạn năng hay Thiên thần nào ban cho cả, chúng ta không cần phải cám ơn các ngài ấy, mà chúng ta phải cám ơn mọi người trên toàn thế giới. Bởi thế chúng ta phải bắt chước cái tinh thần của 141 nguyện trong Phẩm Tịnh Hạnh của Kinh Hoa Nghiêm, trong sự sinh hoạt hằng ngày, làm việc gì cũng là vì toàn thể nhân loại mà cầu phúc, đừng có hướng về một đấng Vạn Năng hoặc Thiên thần nào để cầu phúc báo cho bản thân ta. Chúng ta phải nổ lực theo đưổi một chức nghiệp chính đáng và một sự nghiệp có lợi cho nhân quần xã hội để đền đáp ân nghĩa của toàn thể nhân loại; đó mới là phục vụ xã hội một cách chân chính.

TÂM TRÁCH NHIỆM THÀNH THẬT

Ai cũng biết rằng muốn phục vụ xã hội, trước hết phải có tâm trách nhiệm, nhưng thế nào gọi là tâm trách nhiệm? Nghĩa là người này vì một người khác hay một đoàn thể nào mà làm một việc gì, hoặc đảm nhiệm một trách vụ thì mình phải hết lòng, hết sức mà làm, giả sử làm không đến nơi đến chốn thì phải chịu sự trách phạt của họ, nếu người ta không trách phạt thì mình cố sức làm lại cho được hoàn hảo, mỹ mãn, nếu dụng tâm như thế thì gọi là “tâm trách nhiệm”.

Chúng ta hãy phân tích như sau đây thì biết cái động cơ của tâm trách nhiệm đó cũng không khác mấy tí với cái tâm lý của một con trâu hay con ngựa sợ bị chủ đánh đập mà phải cố gắng. Nếu có người nói: “Không, đó là sợ cái lương tâm của chính mình trách phạt, chứ không phải sợ người ta trách phạt”, tôi xin hỏi: “Như thế là lương tâm của bạn đã lừa dối bạn, như tôi đã nói ở trên, nó cũng có thể trách bạn tại sao không làm ác. Giả sử lương tâm của bạn thật biết trách bạn chăng nữa, thì bạn trở thành vật gì? Chắc rằng trong lòng bạn, có hai cái tâm, một cái lương, một cái bất lương?”.

Hiện nay, trong xã hội ai mà không nhận mình có lương tâm, có tâm trách nhiệm nhưng đại đa số không chịu gánh trách nhiệm, chuyên tìm việc xấu mà làm, cái đạo lý đó ra sao? Phật giáo không nói thế, trong kinh Phật không có cái danh từ hàm hồ gọi là lương tâm ấy. Nếu cứ theo đúng giáo lý của Phật giáo mà làm việc, thì thật có thể là cái trách nhiệm tuyệt đối, nhưng vì thuận theo thế tục nên phải tạm gọi là “tâm trách nhiệm chân thật”.

Cái tâm này là do tâm bình đẳng, tâm từ bi, tâm báo ân, tâm minh nhân quả hoà hợp lại mà phát sinh, cho nên khi y theo Phật giáo mà làm việc thì đối với người trên không cho là người có thể trách phạt, đối với người dưới thì không cho là người bị trách phạt, không có tâm sợ hãi, không sinh tâm kiêu mạn, tâm đó là tâm bình đẳng?

Người dưới có yêu cầu việc gì, người trên phải cho được như ý, ở vào cảnh khốn khổ phải cứu giúp, đó là tâm từ bi. Người trên chỉ bảo ta phương châm làm việc, người dưới giúp ta để hoàn tất, đều là ân nhân của ta, ân ấy phải được đền đáp, đó là tâm báo ân.

Làm thiện thì được phúc báo, làm ác phải chịu ác báo, nhân quả rõ ràng, như hình với bóng, nếu ta tham nhũng, ăn của đút lót, ta đã phạm giới ăn cắp rồi, nếu ta lười biếng, ta đã phạm giới dông dỡ, nếu ta thô bạo ta đã phạm giới sân, nếu ta vô lễ ta đã phạm giới kiêu mạn, phạm là phải chịu báo không sót mảy may, đó là tâm minh nhân quả. Hợp bốn thứ tâm ấy lại mà làm việc, thì có thể nào không gánh vác được trách nhiệm không? Thế gọi là “tâm trách nhiệm” chân thật.

Nếu không hiểu rõ Phật lý, thì sẽ nịnh hót người trên khinh mạn kẻ dưới; nguời trên có sai khiến việc gì thì giao cho kẻ dưới làm; kẻ dưới có yêu cầu việc gì thì lại đổ trách nhiệm cho người trên; việc gì có lợi cho mình thì đón lấy làm, chỉ sợ không đủ sức, ai có điều gì gây oán cho mình, thì chỉ chăm báo thù, nhưng ai làm lợi cho mình, thì quên không trả ơn, danh lợi, địa vị thì cho là những điều chân thật, còn nhân quả báo ứng thì cho là toàn việc dối người.

Những hạng người như thế khi bị người trên trách phạt thì còn có thể tìm cách chống chế, trốn thoát, chứ khi luật nhân quả mà báo ứng thì đành phải khoanh tay mà chịu mọi tội khổ.

SỨC PHÁN ĐOÁN CHÍNH XÁC

Ở đời, muốn làm việc lớn thì cần phải có tài lẫn đức mới có thể thành tựu được  sự nghiệp vĩ đại. Trên đây chỉ mới nói được chữ “đức” thôi, đến như chữ “tài” thì bao gồm cả học vấn, kỹ thuật, và trí tuệ. Thông thường thì nói là sức phán đoán. Học vấn và kỹ thuật không đủ thì còn có thể nhờ cậy ở người khác giúp chứ sức phán đoán của người chủ động không thể thiếu được. Nếu muốn có sức phán đoán đó thì trước hết phải thông suốt sự, lý, hiểu rõ thế thái nhân tình mới có thể phán đoán được một cách chính xác.

Nhưng thông suốt được sự lý không phải dễ; dưới nhãn quang của Phật giáo, sự lý của thế tục thường nói, không phải là sự lý chân thực. Nếu hiểu rõ được giáo lý của Phật giáo rồi đem sự hiểu biết ấy mà xét các việc thì mới có thể thấy được chân lý. Vì Phật giáo rất tôn trọng khách quan, bất cứ việc gì không phải đứng trên lập trường riêng của mình  để xét đoán, mà thường lấy tâm của chúng sinh làm tâm của mình, đi sâu vào lòng của mỗi người, cho nên, đối với việc gì và cả thế thái nhân tình đều thấy rõ hết.

Sau khi hiểu rõ được đối tượng rối mà phán đoán thì sự phán đoán ấy tự nhiên phải chính xác. Người đời vì không thể thông suốt được sự lý là vì quá cố chấp cái “ta”, không biết rằng mình bị phiền não, hoặc nghiệp che lấp, tâm bị ngăn ngại rồi sinh sợ hãi, bối rối, nếu dùng cái tâm ấy mà phân biêt sự vật thì dĩ nhiên không thể thấy được chân tướng.

Thí dụ khi một sĩ quan chỉ huy ra trận, trong đám quân của mình khởi lên lời đồn đại về khí thế của địch quân như trúc chẻ ngói tan, sĩ quan ấy sẽ nghĩ đến tính mệnh của mình, vợ con và tài sản của mình, tự nhiên thấy sợ hãi, bạn có thể nói viên sĩ quan ấy còn có đủ sức phán đoán chính xác không?

HIện giờ ta thấy vô số người vì bị tham, sân, si che lấp, mất sức phán đoán, mà tự chuốc lấy hoạ vào mình. Cho nên tôi dám nói rằng, chỉ cò người hiểu giáo lý của Phật giáo một cách chân chính mới cò sức phán đoán chân chính mà thôi. Có sức phán đoán chân chính rồi mới có thể thành tựu được những sự nghiệp vĩ đại.

NGHỊ LỰC KIÊN NHẪN

Ở đời phàm làm việc gì dù lớn hay nhỏ đều phải có nghị lực mới có thể vượt qua mọi nỗi khó khăn mà đến chỗ thành công. Nếu vừa gặp một nỗi khó khăn mà đã nãn lòng, thoái chí, thì dù việc nhỏ cũng sẽ thất bại, chứ đừng nói đến việc lớn. Nghị lực đó do học thức và tu dưỡng mà có, có học thức mới có dũng khí, có tu dưỡng mới nhẫn nại, hợp cả hai đức tính ấy lại mới có được nghị lực kiên nhẫn. Vì nghị lực do học thức và tu dưỡng mà có nên khác hẳn với sự cứng cõi, ương ngạnh. Người bướng bỉnh ương ngạnh là người thiếu học thức và tu dưỡng.

Thiếu học thức thì không thấy rõ lý, thiếu tu dưỡng thì hung hăng ngang ngược. Người đời thường hiểu lầm nghị lực là sự bướng bỉnh rồi hung hăng làm càn có khi đến chết mà không tỉnh ngộ. Người thật có nghị lực thì quyết không bao giờ làm  như thế.

Phật giáo không nói nghị lực nhưng nói ‘nhẫn”. Ý nghĩa của chữ nhẫn thật là đầy đủ. Không những khi gặp nghịch cảnh, cần nhẫn nại cho ý chí khỏi bị xao động, mà ngay khi gặp thuận cảnh, như người ta tán dương cung kính mình v.v…, cũng cần phải kiềm chế, không để cho cái tâm hiếu danh, kiêu mạn phát khởi, phải coi người ta tán dương cung kính một người khác trước mặt mình vậy.

Cho đến những sự lợi, hại, dèm chê, khen ngợi, vui, buồn, sướng , khổ, không làm cho tâm hồn mình lay động, xáo trộn, được như thế là cái công phu tu dưỡng đã có kết quả. Phật giáo phân tích chữ “nhẫn” rất tỷ mỉ, có nhiều thứ nhẫn, như: Giới nhẫn, định nhẫn, vô tướng nhẫn, v.v… danh từ rất nhiều không thể kể ra đây được. Bồ tát tu pháp lục độ đặt hạnh nhẫn nhục vào hàng thứ ba, để đối trị lòng kiêu mạn.

Xem thế đủ biết Phật giáo coi hạnh “nhẫn” vô cùng trọng yếu.

Chúng ta còn là phàm phu, chưa trừ được ngã chấp, thì tất nhiên còn có ngã mạn, càng có tài lại càng kiêu mạn. Không tin mời các bạn hãy để ý đến các cuộc hội nghị quan trọng công cộng, khi tranh luận về một đề án nào, người có tài biện bác không bao giờ chịu thua, nếu đối phương cũng lại tỏ ra không kém, không chịu khuất phục, thì thường thường bầu không khí trong hội truờng trở nên gay gắt, rồi từ đề mục công cuộc tranh luận sẽ chuyển sang đời sống tư; chỉ trích cá nhân.

Những người có công tu dưỡng theo Phật giáo thì không bao giờ như thế, ví phỏng có việc gì hoằng đạo mà quên mình không để lòng kiêu mạn tăng thêm, cũng không để cho tâm cáu giận bộc phát mà công kích cá nhân. Có thể vượt qua mọi nỗi khó khăn, thoát được cái mối danh lợi, không bị dục vọng dắt dẫn, nhiên hậu công việc làm mới có thể phát triễn được một cách thuận lợi.

THÁI ĐỘ THÀNH KHẨN

Có nhìn cử chỉ dâng hương, lạy Phật của tín đồ Phật giáo ta mới thấy được lòng chí thành khẩn thiết của họ. Lại khi đến các chùa cảnh nghe chư Tăng tụng niệm, tiếng chuông, tiếng mõ, khiến chúng ta không thể không nghĩ đến bầu không khí trang nghiêm, kính cẩn. Lại như nhìn vào quy củ trong các trai đường và trật tự trên các hội giảng kinh, thì ta có thể nói rằng trong cái hoàn cảnh kỷ luật lỏng lẻo của xã hội Trung Hoa hiện nay, ta không thể tìm đâu ra một lệ ngoại thứ hai.

Bất cứ tại một cuộc hội họp nào, hay một nơi công cộng  nào, ta đếu thấy người mình (Trung Hoa) biểu diễn sự vô kỷ luật vô trật tự, đó là một sự thật khó che dấu. Duy có lễ nghi của giới Phật giáo là có thể để cho người ngoại quốc xem xét mà không thấy hổ thẹn. Cũng như người Trung Hoa mà lại có hành động sai khác như thế, thật ta không thể không ngạc nhiên và thán phục sức cảm hóa của nền giáo dục vĩ đại của Phật giáo.

Cho nên hai nhà đại Nho đời Tống là Trình Y Xuyên và Chu Hối Am, sau khi xem xét những quy củ và lễ nghi trong chùa, khi bước ra, cất tiếng than rằng: “Ôi! Tất cả lễ nhạc của ba đời Hạ, Thương, Chu đều thấy ở đây vậy”!

Tôi còn nhớ trong một cuộc hội nghị, vị Tổng giám đốc một cơ quan nọ, nói: “Bất cứ một đoàn thể nào khi ăn uống đều nói năng om sòm, duy chỉ trong các Chùa là người ta chưa từng nghe tiếng ồn ào trong các bữa ăn”. Đó là nhờ ở giới luật Phật giáo vậy. Theo giới luật thì không những động chân cất bước đều phải có quy củ, mà ngay khi khởi một ý nghĩ trong lòng không được phóng túng nghĩ bậy, nếu có điều lỗi lầm, phải đối trước Đức Phật chí thành sám hối.

Sự thành kính của Nho Giáo còn kém xa sự thành khẩn của Phật giáo. Ngũ thường của nhà Nho có tính cách trừu tượng, người ta khó thực hành, chứ Ngũ giới của Phật giáo rất cụ thể, giải thích rõ ràng, dạy người noi theo một cách dễ dàng. Nhưng bàn về thực chất thì Ngũ thường và Ngũ giới là một: Không giết hại là nhân, không ăn trộm là nghĩa, không tà dâm là lễ, không nói dối là tín, không uống rượu là trí. Phật giáo thiên về sự thực nhưng cũng trọng lý luận để khiến người ta làm theo,hiểu được thế nào làm theo thế ấy. Bởi vậy nhất cử, nhất động, nhất vật, nhất sự trong Phật gáio đếu căn cứ trên lý luận, đều nói rõ tại sao mà có hoặc do đâu mà đến. Vậy có thể nói Phật giáo là mê tín được không?

Thái độ chí thành khẩn thiết của Phật giáo đồ, nếu phân tích tỉ mỉ thì do bốn thành phần trong giáo lý Phật giáo tổ hợp thành: 1) Lòng tin, 2) Lòng thẳng thắn, 3) Lòng nhu hòa, 4) Lòng cung kính.

1) Lòng tin  là tin rằng hết thảy chúng sinh và tất cả các pháp đều bình đẳng, cho nên đối với người không yêu, không ghét, không nịnh, không kiêu, không ngờ vực, không ghen tỵ.

2) Lòng thẳng thắn  là khi bàn việc gì với người, chỉ dựa vào sự thật, không dối trá, không cong queo, không hiểu lệch lạc, tà vạy hay tư túi.

3) Lòng nhu hòa là thường xem đối phương muốn gì, nghi ngờ gì, sợ hãi gì, để giúp đỡ, cởi mở mối nghi ngờ, lo sợ làm cho họ yên lòng, nói lời nhã nhặn, khiến người ta vui vẻ.

4) Lòng cung kính là coi người như một ân nhân, như thiện trí thức, như cha mẹ, anh chị của mình, nên phải cung kình, không vì lợi ích riệng tư.

Do bốn điều kể trên phát ra ngoài mà có được thái độ thành khẩn. Lấy thái độ ấy đối với người, thì có những hiệu quả sau đây: 1)Được người ta tin cậy, 2) Gần gủi vui vẻ, 3) Kính mến mình.

Nếu ta dùng thái độ ấy mà làm chính trị thì sẽ hết lòng vì dân, vì nước, không nịnh hót, tâng bốc cấp trên, không đè ép, khinh thường cấp dưới, làm việc, buôn bán kinh doanh, thì không dối trá, gian xảo, không lũng đoạn, bóc lột; sửa trị việc nhà, thì nhà có hòa khí; đối với bạn bè thì tình bằng hữu bền chặt. Nói tóm lại, dùng thái độ ấy mà xử thế, tiếp vật thì không việc gì là không thành quả mỹ mãn.

Bất cứ trong cơ quan đoàn thể nào mà nhiều người có được thái độ ấy, thì pháp luật nghiêm minh, trật tự chặt chẽ, mà trở nên một cơ cấu hùng cường.

Đức Khổng Tử nói: “Thành là đạo của trời, chí thành là đạo của người”. Nhà Nho đối với công phu chí thành rất chú trọng. Họ nói: “Chí thành có thể cảm đến trời đất”. Cái hiệu lực của sự chí thành lớn lao biết mấy!

Các pháp môn tu trì trong Phật giáo đều lấy sự chí thành làm đầu, chẳng hạn thuyết pháp cho người ta nghe, cũng phải thành khẩn, nếu không thì thuyết pháp sẽ thành lý luận, chẳng có ích lợi gì cho người nghe cũng như người nói./.

Thích Tuệ Đăng (dịch)

Trích từ sách Nhìn Phật giáo qua khoa học

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch