Có lẽ tất cả mọi người đều đã biết, thuộc lòng câu tục ngữ
rất đơn giản này: "No mất ngon, giận mất khôn".
Bụng đã no ứ rồi, thì dầu có con tôm xuất khẩu giá trên hai chục ngàn
đồng một con ăn vào cũng chẳng thấy ngon lành gì! Cũng vậy, khi cơn
giận nổi lên thì người dầu đã già trên bảy mươi, hay có các bằng cấp đại
học, trên đại học, cũng dễ trở nên người... ngu như thường! ("mất khôn"
có nghĩa là ngu si, ám muội, vô minh rồi!).
Đức Phật cũng đã chỉ dạy: "Sự sân giận là ngọn lửa thiêu đốt hết
cả mọi công đức!". Và "Người nào ngăn được cơn giận dữ nổi lên
như dừng được chiếc xe đang chạy mạnh, mới là kẻ chế ngự giỏi; ngoài ra
chỉ là kẻ cầm cương hờ" (1).
Tục ngữ phương Tây cũng có câu: "Sự giận dữ là cơn gió lớn làm tắt
ngọn đèn thông minh".
Ngày xưa, vợ chồng chủ một hiệu bán bánh bất hòa, cãi nhau- từ nhỏ
tiếng đến to tiếng.
Người ta nghe tiếng chị vợ hét lên:
-Anh đòi giết tôi hả? Tôi không sợ anh đâu!
Tiếng người chồng:
- Được rồi, tui nhất định sẽ giết bà!
Ông già bên hàng xóm chạy sang khuyên can họ:
- Này hai bác ơi, làm gì mà đòi giết nhau dữ vậy? Có việc gì khhông
nên, không phải hai bác hãy bình tĩnh mà chỉ bảo nhau, chứ đừng nên làm
thế người ta chê cười - làm sao mà dạy bảo con cháu được ?
Họ không thèm nghe lời ông già. Người vợ lại to tiếng hơn:
- Cứ giết tôi đi! Tôi thách anh đó...
Người chồng cũng chẳng nhịn:
- Hôm nay tôi nhất định sẽ giết bà!
Ông già liền đến các sạp bánh của họ, thu hết tất cả các loại
bánh,đem phân phát cho những người đang bu lại xem họ cãi cọ, đánh nhau.
Hai vợ chồng thấy thế, lập tức không đánh nhau nữa, vội chạy ra hỏi:
- Ô kìa! Ông làm cái gì vậy? Nhà người ta buôn bán sao tự nhiên ông
lại đem lấy của chúng tôi cho không mọi người?
Họ trừng mắt nhìn ông già, hấp tấp ngăn cản.
Ông già thản nhiên nói:
- Vừa rồi, bác trai nói nhất định giết bác gái; tôi nghĩ, bác gái mất
rồi, thì bác trai cũng sẽ không sống được, vì hối hận và buồn. Vậy cả
hai người đều chết, và tiệm bánh này cũng sẽ vô dụng, nên tôi đem bố thí
để gây chút công đức, tiếng thơm cho hai bác đấy chứ! Làm người khó
được, mà chết như thế thì không biết đến kiếp nào được làm lại người
đây?
- Không được, nếu ông đem cho hết thì ngày mai chúng tôi lấy gì mà ăn
đây?
Thôi chúng tôi không cãi cọ, đánh nhau nữa...(2)
"Cơn gió lớn" thổi tắt đi ngọn đèn thông minh, làm cho tâm địa con
người tối tăm, không còn trí khôn, sự sáng suốt, để hướng dẫn hành động:
dễ xảy ra bao việc đáng buồn, đáng tiếc; đang và sẽ nổi lên trong lòng
mọi người...
Vậy có cách gì ngăn trở, dập tắt "Cơn gió lớn" hung ác, gây bất hạnh
cho nhiều gia đình, tạo sự bất an, rối loạn trong xã hội hay không?
Có nhiều phương cách để hóa giải, tiêu trừ "Cơn gió lớn" (hay ngọn
lửa) nguy hại ấy; nhưng tựu trung cũng bắt nguồn từ bốn tâm lớn : Từ,
Bi, Hỷ, Xả. Người đã có bốn tâm vô lượng diệu kỳ ấy rồi, thì mọi trận
cuồng phong cũng sẽ tiêu tan.
Ngày xưa, Thầy tôi có dạy : "Khi cảm nhận có điều bất bình, không
được như ý, có thể đem lại sự sân giận; con hãy nhớ, đọc ngay câu này :
"Nói là ngu, im lặng là khôn"... Đó là đức nhẫn nhục rất cao quý sẽ
mang lại cho ta cho người sự an bình, hạnh phúc...".
Thầy giảng dạy cho tôi về giá trị to lớn của chữ "Nhẫn nhục": Tục ngữ
cũng có câu "Một câu nhịn, chín câu lành". Người có đức tính "nhẫn
nhục" là người có tâm hồn rộng lớn, có tình thương yêu chân chính, bao
la. Đức hạnh "nhẫn nhục" là hạnh thứ 3 trong 6 hạnh mà Chư Bồ Tát luôn
hành trì để tế độ (lục độ) cho mình cho người.
Và Thầy đã kể cho tôi nghe về sự tích của câu "Bách nhẫn hóa thiên
kim" (100 nhẫn hóa ngàn vàng) : Ngày xưa, ở làng nọ, có ông lão nổi
tiếng về đức "nhẫn nhục". Cả huyện ai ai cũng mến phục. Bữa nọ, trong
ngày làm lễ thành hôn cho cậu con trai út, có một ông già hành khất, đến
ăn xin. Ông không chịu ngồi ăn chung với quan khách, cũng chẳng chịu
ngồi ăn riêng một cỗ, mà lại đòi ngồi ăn trong bàn họ.
Ông lão gia chủ cũng vui vẻ chấp thuận sau khi xin phép hai họ. Buổi
chiều , tiễn họ về, quan khách đã vắng; ông già khất thực chưa chịu ra
đi! Lão gia chủ vui vẻ dọn cơm. Đến tối, ông già đòi ngủ lại. Lão ta sốt
sắn cho người nhà dọn riêng một phòng tươm tất. Ông già không chịu ngủ ở
phòng ấy, lại đòi vào ngủ ở phòng "tân hôn" được trang hoàng lộng lẫy!
Lão gia chủ đưa con sang phòng khác, dành phòng "tân hôn" cho ông ta
theo ý muốn của ông.
Hơn 8 giờ sáng chưa thấy ông già khất thực dậy ăn điểm tâm, lão gia
chủ khẽ đẩy cửa bước vào: không thấy ông già xin ăn đâu cả, mà lại thấy
nguyên một pho tượng bằng vàng ròng óng ánh! (3)
"Cơn gió lớn" sẽ nổi dậy trong ta bất cứ lúc nào, vì điều bất như ý
luôn luôn xảy ra trong đời sống thường nhật. (Mà có cuộc sống nào luôn
suôn sẻ, "Vạn sự như ý" đâu?). Sự im lặng trước mọi nghịch cảnh, nghịch
lý, là điều vô cùng cần thiết, để ta đủ thông minh, sáng suốt, có thể
quyết định chính xác, đúng đắn; tránh được mọi suy nghĩ chủ quan, dẹp
được cái "ngã" tự cao mù quáng - sẽ đem lại nhiều an vui, lợi ích thiết
thực cho ta và cho người. Chỉ trong phút chốc giận dữ, ngọn lửa hung bạo
sẽ thiêu đốt hết mọi công đức tích chứa nhiều tháng năm, thậm chí đến
nhiều kiếp.
Vậy luôn tỉnh giác, xin đừng bao giờ để cho "Cơn gió lớn thổi tắt
ngọn đèn thông minh" vốn có trong ta nhé!.
(1) Câu 222- Phẩm Phẩn Nộ, Kinh Pháp cú.
(2) Theo truyện cổ Phật giáo
(3) Theo truyện cổ Việt Nam