Phật pháp ứng dụng
Năm Pháp Có Thể Đưa Đến Khổ Đau Hay Hạnh Phúc
Thích Đức Thắng
30/09/2011 14:05 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Khổ đau hay hạnh phúc đều là những hậu quả tất yếu mà những hành động trước đó chúng ta đã tạo ra; dù là đồng thời hay dị thời đi nữa, thì chúng cũng bị lệ thuộc vào sự chi phối của luật tắt Nhân quả đứng về mặt hiện tượng. Do đó vấn đề Nhân quả ở mặt nào đó, chúng được coi như là nhân tố quyết định cho mọi giá trị đánh giá về cuộc sống, mà đức Đạo sư khi còn tại thế thường dạy cho đệ tử xuất gia cũng như tại gia của Ngài, theo đó cuộc sống được thể hiện qua khổ đau hay hạnh phúc đều do hành động của chính chúng ta mang lại ngay trong hiện tại hay trong tương lai. Cũng vì vậy cho nên Tôn giả Ma-ha Mục-kiền-liên, khi còn ở đời Ngài đã lấy những lời dạy về năm pháp này của đức Phật để triển khai rộng ra trong A-tỳ-đạt-ma pháp uẩn túc luận[1][1]. Theo đó năm pháp này được Tôn giả liên hệ duyên khởi với ba độc tham, sân, si qua sự thể hiện nhân quả của ba nghiệp thân, khẩu, và ý, trong việc tự mình đem lại đau khổ cho chính mình, nếu phạm vào năm pháp này, và khuyên người khác phạm vào năm pháp này. Ngược lại tự mình muốn đem lại hạnh phúc cho chính mình thì bằng cách xa lìa năm pháp này, và khuyên kẻ khác cũng xa lìa năm pháp này nếu họ muốn có hạnh phúc. Theo Tôn giả, thì đức Phật đã dạy năm pháp này như sau:[2][2]

“Khi đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, trong rừng Thệ-đa[3][3], tại Thất-la-phiệt[4][4], thì bấy giờ Thế Tôn bảo các Bí-sô:

“Nếu những ai chưa dứt bặt hết được năm điều tội oán đáng sợ này, thì đối với đời sống hiện tại họ sẽ bị các vị Hiền thánh cùng quở trách, chán ghét; được gọi là những kẻ phạm giới, tự làm tổn thương mình, mắc tội, nên bị chê cười, phát sinh nhiều điều phi phước;[5][5] khi thân hoại mạng chung sẽ đọa vào đường hiểm ác, sinh vào trong địa ngục.

“Những gì là năm? Đó là:

“Sát sinh; do nhân duyên sát sinh nên sanh ra tội oán sợ hãi. Không tránh xa sát sinh, đó gọi là (tội oán) thứ nhất.

“Lấy của không được cho; do nhân duyên trộm cắp nên sanh ra tội oán sợ hãi. Không tránh xa trộm cắp, đó gọi là (tội oán) thứ hai.

“Dục tà hạnh; do nhân duyên tà hạnh nên sanh ra tội oán sợ hãi. Không tránh xa tà hạnh, đó gọi là (tội oán) thứ ba.

“Lời nói hư dối, do nhân duyên lời nói hư dối nên sanh ra tội oán sợ hãi; không tránh xa lời nói hư dối, đó gọi là (tội oán) thứ bốn.

“Uống nếm các loại rượu, các trường hợp say sưa, phóng dật; do nhân duyên uống, nếm các loại rượu, các trường hợp say sưa, phóng dật[6][6] nên sanh ra tội oán sợ hãi; không tránh xa sự uống, nếm các loại rượu, các trường hợp say sưa, phóng dật, đó gọi là (tội oán) thứ năm.

“Ai chưa dứt hết được năm điều tội oán đáng sợ hãi như vậy, thì đối với đời sống hiện tại, họ sẽ bị các vị Hiền thánh cùng quở trách, chán ghét; được gọi là những kẻ phạm giới, tự làm tổn thương mình, mắc tội, nên bị chê cười, phát sinh nhiều điều phi phước; khi thân hoại mạng chung sẽ rơi vào đường hiểm ác, sinh vào trong địa ngục.

“Những ai có khả năng dứt bặt hết năm điều tội oán đáng sợ hãi này, thì đối với đời sống hiện tại, họ sẽ được các vị Hiền thánh cùng khâm phục khen ngợi; được gọi là những người trì giới, tự phòng hộ chính mình, không có tội, không bị chê cười; phát sinh nhiều điều phước thù thắng, khi thân hoại mạng chung được lên cõi an lành, sanh về cõi Thiên trung[7][7]. Những gì là năm? Đó là:

“Tránh sát sinh, do nhân duyên tránh sát sinh nên diệt được tội oán sợ hãi; tránh được sát sinh, đó gọi là (trường hợp) thứ nhất.

“Tránh không cho mà lấy, do nhân duyên tránh được trộm cắp, nên diệt được tội oán sợ hãi; có khả năng diệt được trộm cắp, đó gọi là thứ hai.

“Tránh xa dục tà hạnh, do nhân duyên tránh xa được dục tà hạnh nên diệt được tội oán sợ hãi; vì có khả năng tránh xa tà hạnh, đó gọi là thứ ba.

“Tránh xa lời nói hư dối, do nhân duyên tránh xa lời nói hư dối nên diệt được tội oán sợ hãi; có khả năng diệt được lời nói hư dối, đó gọi là thứ bốn.

“Tránh xa sự uống, nếm các loại rượu, các trường hợp say sưa, phóng dật, vì tránh xa sự uống, nếm các loại rượu, các trường hợp say sưa, phóng dật nên diệt được tội oán sợ hãi; vì có khả năng tránh xa sự uống, nếm các loại rượu, các trường hợp say sưa, phóng dật, đó gọi là thứ năm.

“Ai có khả năng dứt hết năm điều tội oán sợ hãi như vậy, thì người đó đối với đời sống hiện tại được các vị Hiền thánh đồng khâm phục khen ngợi, được gọi là những người trì giới, tự phòng hộ chính mình, không có tội, không bị chê cười; phát sinh nhiều điều phước thù thắng, khi thân hoại mạng chung được lên cõi an lành, sanh về cõi Thiên trung. Sau đó Thế Tôn liền nói kệ để tóm lại nghĩa trên rằng:

Các hành sát, đạo, dâm,

Nói dối, ham các rượu;

Bị năm tội oán trói,

Bị Thánh hiền chê trách.

Là phạm giới tự hại,

Có tội, chiêu phi phước;

Chết rơi đường hiểm ác,

Sinh vào các địa ngục.

Tránh các sát, đạo, dâm,

Hư dối, các thứ rượu;

Thoát năm oán đáng sợ,

Thánh hiền đều khen phục.

Là trì giới, tự giữ,

Không tội, cảm nhiều phước;

Chết về đường an lành,

Sanh vào trong Thiên giới.”

Đó là năm pháp được đức Phật thuyết giảng cho các hàng cư sĩ tại gia vào lúc bấy giờ, và được tôn giả Ma-ha Mục-kiền-liên lập lại trong: ‘A-tỳ-đạt-ma pháp uẩn túc luận.’ của ngài. Trong năm pháp này, đứng về mặt muốn đạt đến hạnh phúc mà nói, thì bốn cấm giới đầu thuộc về tánh giớ[8]i[8], còn giới thứ năm chỉ là giá giớ[9]i[9], được đức Phật thiết lập, làm nền tảng cơ bản cho cả hai hàng xuất gia và tại gia trong việc thanh tịnh hóa cuộc sống qua sự thể hiện thân và tâm, để từ đó làm nhân cho cuộc sống hạnh phúc ngay trong hiện tại, hay trong tương lai cho cõi Nhân-Thiên sau này. Cũng chính vì điều này mà ngũ giới cũng còn được gọi là ngũ đại thí[10][10]. Ngược lại nếu không thực hành năm điều cấm giới này mà phạm vào chúng thì coi như hậu quả theo sau đó sẽ đưa đến cuộc sống khổ đau trong hiện tại, hay sẽ rơi vào cuộc sống khổ đau trong đường hiểm ác nơi địa ngục trong tương lai. Trong năm giới này tuy bốn giới đầu chúng thuộc về tánh giới, nhưng đối với hàng tại gia thì có khác với hàng xuất gia trong việc khai-giá-trì-phạm[11][11], và cũng có thể tùy theo hoàn cảnh sống, và duyên nghiệp của mọi người tại gia mà theo đó có thể gia giảm trong việc trì phạm, hay theo khả năng của mỗi người mà áp dụng theo giới mà mình đã nguyện thọ trì trong khi truyền giới và nhận giới của họ, chứ không bắt buộc phải giữ hết năm giới;[12][12] trường hợp nếu nguyện thọ trì hết năm giới thì tốt. Trong năm giới đối vời hàng cư sĩ tại gia chỉ có một giới thứ ba là khác một chút đối với năm giới của các hàng xuất gia là, chỉ khi nào vượt qua giới hạn chức năng làm chồng hay làm vợ mà thôi, vì giới này chỉ cấm tuyệt hẳn dành cho hàng xuất gia, còn tại gia thì vì chức năng làm vợ làm chồng, và chức năng kế tục giữ gìn nòi giống, nên chỉ cấm việc tà dâm mà thôi. Do đó, người nam hay người nữ thuộc hàng tại gia chỉ bị giới hạn trong tà dâm (tà hạnh). Đây là năm cấm giới đối với hàng cư sĩ tại gia, nếu người nào áp dụng và thực hành trọn vẹn thành tựu năm pháp này thì mới đưa đến hạnh phúc một cách trọn vẹn, và thật sự sẽ được sinh về cõi trời sau khi qua đời, còn nếu không thì phải tùy theo giới mà mình đã trì giữ nhiều hay ít, có trọn vẹn giới ấy hay không mà có kết quả theo việc làm của mình là có hạnh phúc ít hay nhiều trong hiện tại hay trong tương lai nơi cõi người, hay cõi trời.

Ở đây, vấn đề khổ đau, hay hạnh phúc có được đều bắt nguồn từ hành động gây nhân trước đó để đưa đến hậu quả tất yếu phải nhận lãnh do thân-khẩu-ý đã gây ra từ năm pháp mà ra. Đối với năm pháp Giết sanh mạng, Trộm cắp, Tà hạnh, Nói dối, Uống rượu này mà chúng ta tạo tác hay hành động theo động cơ thúc đẩy của Ý qua ý hành, thân hành, và khẩu hành, thì đó là nguyên nhân dẫn đến hậu quả thiện hay ác, tùy đó mà có kết quả hạnh phúc hay đau khổ có được của chúng ta theo sau chúng. Vậy sự hợp tác giữa năm pháp này và ba hành thân-khẩu-ý chúng đẻ ra ba nghiệp thân-khẩu-ý dẫn dắt chúng ta đi đến nơi khổ đau hay hạnh phúc đều tùy thuộc vào hành động hay sự tạo tác của chúng ta. Từ đây chúng ta thấy sự liện hệ duyên khởi thuận-nghịch rất rõ ràng bắt đầu từ hành động giết hại sanh mạng hay không giết hại sanh mạng; trộm cắp hay không trôm cắp, tà dâm hay không tà dâm; nói dối hay không nói dối; uống rượu hay không uống rượu. Và cũng từ đây chúng ta thấy sự liên hệ bắt đầu từ năm pháp này đối với tất cả những pháp khác qua duyên khởi chúng trở thành trùng điệp không đầu không mối. Chỉ mới trong năm pháp này mà chúng ta đã nhận ra được sự liên hệ của chúng đến Duyên khởi, đến Nhân duyên, đến Nhân quả, đến Nghiệp báo, đến ba cõi, sáu đường, đến luân hồi v.v... nói chung là liên hệ đến các pháp. Chính vì sự liên hệ nhân quả duyên khởi này mà Năm pháp đã trở thành pháp căn bản mấu chốt của mọi vấn đề giải quyết khổ đau và hạnh phúc của con người, cho dù là xuất gia hay tại gia.

Chúng ta mỗi người bất đầu tu từ đây, và cũng kết thúc từ đây, nghĩa là đối với năm pháp này cần phải bắt đầu áp dụng vào thực hành, thì chúng ta mới thấy được cái giá trị của chúng sẽ đưa đến tốt hay là xấu, khổ đau hay là hạnh phúc. Cũng cùng áp dụng và thực hành một pháp, nhưng chúng sẽ cho chúng ta hai kết quả trái ngược nhau; nếu chúng ta biết cách áp dụng và thực hành đúng thì chúng sẽ dẫn đến kết quả tốt, hạnh phúc; ngược lại nếu áp dụng sai thì chúng sẽ dẫn đến kết quả xấu, khổ đau. Đức Phật đã đứng trên lập trường Nhân quả mà nói về nguyên nhân tạo tác năm pháp có thể đưa đến đau khổ, hay hạnh phúc ngay trong hiện tại hay trong tương lai.

NĂM PHÁP CÓ THỂ ĐƯA ĐẾN ĐAU KHỔ HAY HẠNH PHÚC

1- Sát sinh hay tránh xa sát sinh:

Trong giới hạn của bài này, thì sinh ở đây chỉ cho các loài chúng sanh có tình thức, biết ham sống, sợ chết như loài người là tội chính, còn các loài sinh vật nhỏ bé nhất như vi trùng đã có mạng sống thì thuộc tội nhẹ. Ở đây chúng tôi chỉ nói đến giết hại mạng sống của con người, nên những chúng sanh này mà ta vô cớ giết hại chúng, thì sẽ đưa đến tội oán đối đáng sợ theo sau, và cứ như vậy oán đối theo nhau như hình với bóng quấy nhiễu trả vay nhau trong hiện tại, và tạo ra khổ đau suốt nơi ba nẻo ác địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh trong luân hồi.

Có năm điều kiện[13][13] hội đủ để trở thành tội sát sinh:

a/ Đối tượng phải là người.

b/ Tưởng là người.

c/ Cố ý giết.

d/ Phương tiện.

e/ Người chết.

Sau khi chúng ta hoàn thành việc giết người, thì hành động đã tạo tác xong trở thành nghiệp nhân. Tùy theo ý hợp tác với lời nói để đưa đối tượng đến chỗ chết, hay bằng đồ vật do chân tay mang lại cái chết cho đối tượng, thì theo đó trở thành ý nghiệp, thân nghiệp, hay khẩu nghiệp. Từ nghiệp nhân này đưa đến nghiệp quả phải nhận lãnh ngay trong hiện tại, hay ở đời sau còn tùy thuộc vào sự đầu thú hay không đầu thú của thủ phạm, đã bị phát hiện hay không bị phát hiện, mà nhận lãnh quả báo.

Trường hợp nếu đầu thú sớm, thì sẽ có kết quả sau đó do tòa án phán quyết, hoặc bị tội tử hình, hoặc tội chung thân khổ sai; nếu không đầu thú hay không bị phát hiện, thì trong hiện tại tuy trên hình thức chưa chịu quả báo tù tội khổ đau, nhưng trên thực tế có thể tâm thần không được an ổn, luôn lo sợ bị phát hiện, và đây cũng là một hình thức chịu quả tuy là chưa chính thức, nhưng cuối cùng kiếp sau cũng phải nhận quả mà thôi. Như vậy sự khổ đau trong hiện tại đang chịu là nghiệp quả được sinh ra từ những hành động tạo tác trước đó trong quá khứ đời trước, chúng di hại di truyền cho đến ngày nay, chúng ta gọi là nghiệp nhân. Từ nghiệp quả chủng tử di truyền hiện hữu này, cọng với chủng tử nghiệp nhân tạo ra trong hiện tại, chúng ta có một thứ Nhân-quả mới trong hiện tại, và từ cái nhân được tạo ra trong hiện tại chúng sẽ dẫn đến cái quả sau đó ở ngay trong cuộc sống này hay kiếp sau, và cứ như thế chúng ta cứ tạo nhân, nhận quả trôi dạt mãi trong ba nẻo ác luân hồi khổ đau. Đây là chúng tôi mới chỉ đề cập đến nhân quả thuộc phân đoạn sinh tử, chứ chưa nói đến nhân quả trong biến dịch sinh tử, thay đổi trong từng sát na một. Nhân quả mà chúng tôi đang đề cập ở đây cũng mới chỉ là thứ nhân quả do Chánh báo cá nhân tạo ra chứ chưa nói đến nhân quả do Y báo tập thể cộng đồng xã hội tạo ra nhân và hưởng quả tương tác với nhau. Vì một người nhận lãnh kết quả của chính mình trong hiện tại mang cả hai đặc tánh vừa mang nhãn hiệu Chánh báo cá nhân mình, và vừa mang nhãn hiệu Y báo cộng đồng xã hội, từ cha mẹ anh em gia đình cho đến xã hội mà mình xuất hiện ra đời. Sự hổ tương duyên khởi này đã tạo ra chính cuộc sống mà nạn nhân đang hiện hữu theo đó chúng có những đặc thù riêng biệt mà chỉ nơi đó có mà thôi, thí dụ như cõi người, cõi trời, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh .v.v... chúng có những đặc tính riêng của từng nơi thuộc Y báo mà Chánh báo chúng khế hợp duyên đủ đối với nơi họ đến mà không có nơi nào khác lẫn lộn đối với họ. Sự liên hệ Duyên khởi nơi dây chính là sự liên hệ huyết thống, màu da, xứ sở, giàu nghèo, tốt xấu, khổ đau, hạnh phúc .v.v... và đó cũng chính là kết quả của sự hình thành liên đới giữa Biệt nghiệp và Cộng nghiệp của cá nhân và xã hội chúng thể hiện ra trong cõi đó.

Tại sao chúng ta giết hại sanh mạng lại đưa đến khổ đau? Như đức Phật đã dạy ở trên sát sinh sẽ đưa đến tội oán đối lẫn nhau. Vậy từ sự sát hại sinh mạng này sẽ đưa đến sự liên hệ liên kết lẫn nhau giữa nhân và quả trong hiện tại cũng như trong tương lai qua định luật duyên khởi. Sự liên hệ hổ tương duyên khởi này nói lên đặc tính thành tựu và hủy diệt của các pháp trong duyên đủ; về một mặt nào đó chúng có thể thành tựu đồng thời khổ đau hay hạnh phúc, và ngược lại chúng có thể hủy diệt đi cũng đồng thời khổ đau hay hạnh phúc. Do đó, khi mà có sự hiện diện của sát hại thì đồng thời cũng nảy sanh ra hai thái cực trong cái thành tựu của khổ đau cho người này, thì sẽ nảy sanh cái hủy diệt dành cho hạnh phúc người khác, vì vậy mà oán đối phát sinh, và khi oán đối đã phát sinh thì khổ đau sẽ hiện hữu. Giữa chủ thể giết hại và đối tượng bị giết hại, cả hai đều bình đẳng trên tánh giác, cho dù có thể sai biệt hay khác nhau trên hình tướng, giai cấp, giàu nghèo, sắc màu, tôn giáo v.v... đi nữa, chúng cũng có đủ mọi thứ quyền như tất cả mọi người, có đủ mọi thứ tình cảm, mọi thứ bản năng, mọi thứ lý trí như mọi người, và những thứ này được hướng đạo bỡi một chủ thể tạm cho là ngã, là tôi, hay là ta. Từ cái ngã, tôi, ta này phát sinh ra đủ thứ chuyện nhằm củng cố, và nuôi dưỡng chúng lớn mạnh thêm qua sự thúc đẩy vô hình của tham, sân, và si từ bên trong, mà đức Phật gọi là ba độc. Chúng sử dụng thân-khẩu-ý như là một thứ công cụ để tạo ra mọi việc có lợi cho mình trong việc nuôi lớn cái chấp ngã vô minh, và hủy diệt, san bằng bất cứ chướng ngại nào cản bước đường tiến tới. Chính vì cái vô minh tà kiến chấp ngã này đẻ ra cái vô minh tà kiến chấp pháp, và từ đây có của ta, và có những cái liên hệ đến ta, có những sở hữu của ta: có đất nước ta, có dân tộc ta, có dòng họ huyết thống của ta, có tổ tiên ta, có ông bà cha mẹ ta, có vợ chồng con cái ta, có sắc tộc ta, có tôn giáo ta, có châu lục ta, có ngôn ngữ ta, có đủ thứ trên đời của ta. Cũng từ đó sanh ra chiếm hữu, và mọi cuộc chiến tranh, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh giành đủ thứ xảy ra, an ninh trật tự bắt đầu mất an ninh, cuộc sống của mọi người mọi sinh vật cũng từ đây bất an, chuyện giết hại lẫn nhau không tránh khỏi và đau khổ lầm than bắt đầu hiện hữu. Suốt hai thiên niên kỷ qua, lớn thì qua hai cuộc thế chiến; nhỏ thì không biết bao nhiêu mà kể, nào là chiến tranh giữa các tôn giáo với nhau, nào là thánh chiến, nào là thập tự chinh, nào chiến tranh giữa các sắc tộc với nhau, chiến tranh ý thức hệ với nhau, chiến tranh xâm lược chiếm thuộc địa, chiến tranh vì chủ nghĩa bá quyền, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc cũ, chủ nghĩa đế quốc mới v.v... Những cuộc chiến tranh như vậy, trước hết chúng bắt nguồn từ những xung đột vô thức giữa các cộng nghiệp với nhau, giữa các biệt nghiệp với nhau trong một cái cộng nghiệp chung của kiếp người trên mặt đất này, mà mấu chốt chúng cũng bắt nguồn từ vô minh hoặc nghiệp tà kiến của những thứ cộng nghiệp, hay các biệt nghiệp đã di truyền từ chủng tử kiếp trước di hại lại cho đến cái quả đời hiện tại, cọng với cái nhân của các hành động vô minh tà kiến trong hiện tại do chính chúng ta và hoàn cảnh luân lý xã hội tạo ra, đã tạo thành một thứ bản ngã cá nhân và tập thể khó bề thay đổi được. Chúng luôn luôn thúc đẩy mọi người lo bảo vệ và nuôi lớn vô minh tà kiến chấp ngã chấp pháp càng nhiều càng tốt, nên việc xung đột càng ngày càng trở nên gay gắt và nghiêm trọng hơn. Những sự kiện đấu tranh để sinh tồn càng trở nên sâu sắc và thủ đoạn hơn, với mục đích là triệt hạ những gì không thuộc về của ta và tóm thâu những gì nếu mình muốn thuộc về mình. Vì vậy những cuộc chiến tranh về sau này, càng trở nên khốc liệt và bạo tàn hơn, dưới mọi hình thức và bất kể thủ đoạn, con người giết hại tàn sát lẫn nhau, không những chỉ có con người giết hại con người mà con người còn giết hại bao nhiêu sinh vật khác, triệt hạ cả những môi trường sống chung quanh, miễn sao thõa mãn được lòng tham, lòng thù hận trả thù, lòng ích kỷ, có lợi cho cá nhân mình, tập thể mình, đất nước mình, tôn giáo mình, sắc tộc mình thì họ làm chứ họ không cần đến hậu quả di hại chung cho cả thế giới. Trong khi họ thõa mãn được lòng tham, lòng thù hận qua hành động si mê của mình như vậy là tạo ra tội oán đối, nhưng họ đâu có biết rằng chính hành động của họ là nguyên nhân đẩy người khác vào chỗ đấu đầu thù hận ngay trong hiện tại cũng như mai sau. Nếu họ chỉ cần biết nhìn ra cái đau khổ oán hận nơi người khác qua chính mình, thì có lẽ họ không bao giờ có hành động sát hại để di hại đến khổ đau oán hờn đối với những người khác, và cũng không bao giờ nhân danh mình hay nhân danh bất cứ ai, hay bất cứ chủ nghĩa nào, tôn giáo nào, hay bất cứ khuynh hướng chính trị nào để khuấy động chiến tranh chén giết lẫn nhau mà thu lợi về mình. Vì tất cả những nhân danh đó đều là trá hình của chấp ngã chấp pháp mà thôi, rốt cuộc tự chính ta tạo ra tội oán đối với những hoàn cảnh liên hệ duyên khởi chung quanh, đáng lý ra chúng phải được nuôi dưỡng và trân trọng để tạo ra hạnh phúc an vui cho chính con người và xã hội; đằng này chúng ta tạo ra sự xung đột sát hại lẫn nhau, khiến cho xã hội bất an, mà khi xã hội bất an là chính chúng ta những người tạo ra chiến tranh sát hại cũng bất an; vì giữa ta và xã hội có sự liện hệ duyên khởi mật thiết ( cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh; cái này không thì cái kia không,[14][14] cái này diệt thì cái kia diệt) đó là một định luật tất yếu của cuộc sống, không thể thiếu được. Một người nếu sát hại mạng sống kẻ khác thì sẽ dẫn đến những hậu quả sau đây: Trước hết đối với bản thân họ hai trong ba hành này sẽ liên quan trực tiếp đến cái chết đó là ý hành cùng với thân hành hay khẩu hành, điều này tùy thuộc vào hành nào đi chung với ý hành để đưa đến cái chết cho đối tượng. Ý hành lúc nào cũng có trước và điều động hai hành kia thi hành theo nó, như khi ý phát khởi lên ý giết hại người để cướp đoạt tài sản của kẻ khác chẳng hạng, hay do lòng thù hận trả thù, hoặc do lừa đảo lường gạt để kiếm lợi về mình, thì thân hành theo sự điều động của ý đi đến chỗ muốn cướp, bằng đủ mọi cách thân hành động khiến cho khổ chủ chết đi, thì người này mang hai nghiệp sát sinh của ý và của thân. Trường hợp muốn giết người cướp của qua ý sai khiến miệng nói khiến cho kẻ khác không chịu được ôm hận hay nhục mà chết, hay nói để lừa gạt được người, đưa thân chủ đến chỗ chết, thì người này mang hai nghiệp thuộc ý và khẩu. Khi họ hoàn thành việc sát hại kẻ khác như vậy thì nghiệp sát cũng theo đó mà hình thành, và tạo thành nhân sát hại sinh mạng, và từ đây sẽ đưa đến hậu quả của nó theo sau đó, trong hiện tại hay trong tương lai. Trường hợp nếu án mạng này bị phát hiện và tìm ra được thủ phạm ngay trong hiện tại, thì hậu quả của nó sẽ tùy theo pháp luật hiện hành của nhà nước vào lúc đó mà bị phạt tử hình hay tù chung thân gì đó. Trường hợp nếu không bị phát hiện và được bỏ qua, thì nghiệp quả sẽ trả vào kiếp sau đối với chính mình trong đường hiểm địa ngục như Phật đã dạy ở trên. Đó là nói về bản thân của người sát hại kẻ khác, còn bản thân của những kẻ bị giết hại thì ôm lòng thù hận, quyết định phải trả thù; từ đây oán đối hình thành, tạo nghiệp sân hận, và si mê thuộc ý, và cứ như thế theo nghiệp duyên tạo thân, thân tạo nghiệp trôi lăn mãi trong sáu đường luân hồi vay trả, trả vay không bao giờ thoát khỏi khổ đau. Đó là chúng ta mới đề cập đến cá nhân người sát hại, và người bị sát hại, nhưng mỗi cá nhân như vậy chúng hiện hữu và có giá trị được là nhờ sự hiện hữu của đồng loại, và mọi sự vật chung quanh, vì chúng liên hệ theo định luật duyên khởi. Vậy khi một người giết hại người khác thì chính cả đồng loại và mọi sự vật cũng chịu liên hệ liên đới với nhau trong tội sát này, và đối với sự oán đối thù hận của kẻ bị giết, cũng can hệ mật thiết đối với đồng loại và mọi sự vật chung quanh. Thật là thú vị với tư tưởng này chúng ta có thể liên hệ về một khía cạnh nào đó, với nếp sống của dân tộc Việt nam trong phong dao tục ngữ thì cũng có những câu chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng này như : ‘Con dại cái mang’ hay ‘Mũi dại lái chịu đòn.’ Tuy ở đây chỉ nói lên được cái liên hệ huyết thống, hay liên hệ tập thể trong một chừng mực nào đó, nhưng chúng cũng nói lên được tính đặc thù của tư tưởng này, nếu chúng ta biết tư duy và liên hệ sâu xa một tí nữa về nhiều mặt như: chánh trị, xã hội, kinh tế, quân sự, y tế, giáo dục, văn hoá, vân vân và vân vân, thì chính tư tưởng này nó bao trùm tất cả mọi liên hệ trong cuộc sống của chúng ta.

Do đó mỗi hành động của chúng ta được hình thành thì theo đó di truyền lại cho kết quả trước hết là cá nhân và sau nữa là tập thể xã hội. Một người bị giết hại ngoài sự mất đi một thành viên trong một gia đình, trong một cộng đồng xã hội thôi, mà nó còn di hại đến hiệu quả sản xuất, hay tiêu dùng cho một gia đình hay một xã hội nào đó trong việc cung cầu nữa, như trên chúng tôi đã trình bày. Cho nên một hành động xấu như sát hại sinh mạng chẳng hạn chúng sẽ di hại xấu cho cả một xã hội. Như hiện tại vấn đề môi trường sinh thái đã đang và sẽ được cả toàn thể các quốc gia trên thế giới ra sức tuyên truyền về việc tác hại của chiến tranh giết người và, ra sức bảo vệ các loài động thực vật một cách nghiêm ngặt, từ trên rừng cho đến dưới biển; không cho con người sát hại một cách bừa bãi và tùy tiện, là nhằm bảo vệ môi trường sống cho nhân loại, nếu không có chúng thì nhân loại và vạn vật trên trái đất này sẽ đi đến chỗ diệt vong không xa.

Như vậy, qua pháp giết hại sinh mạng, nó có những tai hại đối cá nhân và xã hội cho hiện tại như đức Phật đã dạy ở trên, và mặc khác nó còn di hại trong tương lai qua biệt nghiệp và cọng nghiệp nơi quốc độ mình phải đến như địa ngục. Đức Phật hoàn toàn chính xác trong việc khuyên con người không nên sát hại các sinh vật khác trong đó con người là chính, trước hết nếu tránh không giết hại sinh mạng thì sẽ không tạo ra tội oán đối với người với vật. Như vậy nghiệp thân-khẩu-ý không thành, thì ba độc tham, sân, si không hiện hữu trong sát hại. Ở đây vì nhân sát hại của thân-khẩu-ý không tạo ra, nên không có hậu quả tù tội, giam cầm, hay bị người ghét bỏ, sống an lành không bị xáo trộn lo toan, và sau khi thân hoại mạng chung vì không tạo nghiệp sát hại thân-khẩu-ý nên không sanh về đường hiểm ác địa ngục chịu đau khổ, mà được sanh về cõi trời hưởng nhiều hạnh phúc. Trong pháp này nếu người nào tránh khỏi không sát hại thì theo tôn giả Mục-kiền-liên, người ấy là vị Ưu-bà-tắc[15][15] đạt được học xứ thứ nhất trong năm học xứ trên.

2- Không cho mà lấy hay tránh xa không cho mà lấy:

Đây là pháp thứ hai còn gọi trộm cướp, hay tránh xa không trộm cướp. Ở đây, chỉ chung cho những vật không thuộc sở hữu của mình mà muốn thành của mình, chủ vật sở hữu không cho mà chúng ta đem tâm trộm cướp lấy cho mình, dù là vật đó để ở nơi đâu mà có chủ thì không được không cho mà lấy. Hành vi hủy phạm vào giới không cho mà lấy thứ hai này, cũng tùy thuộc vào những vật mà chúng ta đã lấy nhiều hay ít, có giá trị nhiều hay giá trị ít, theo đó tội cũng tùy thuộc vào chúng là nặng hay nhẹ, và như vậy sẽ đưa đến tội oán đối đáng sợ theo sau, và cứ như vậy oán đối theo nhau như hình với bóng quấy nhiễu trả vay nhau trong hiên tại, và tạo ra khổ đau suốt nơi ba nẻo ác địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh trong luân hồi.

Nếu là nặng thì thành tội bất khả hối và, chúng phải hội đủ sáu điều kiện[16][16] sau đây:

1/ Tài vật của người khác.

2/ Biết rõ tài vật đó là của người chứ không phải của mình.

3/ Khởi lên tâm trộm cướp, hay có tâm dự mưu trộm cướp trước.

4/ Tìm cách lấy và hoàn thành mục đích trộm cướp.

5/ Tài vật được trị giá là năm tiền. (giá trị của tài vật này còn tùy thuộc vào quốc độ sở tại của nó về việc người trộm bị lên án tử hình nếu như trộm cướp vật trị giá như vậy)

6/ Dời khỏi chỗ cũ.

Đó là sáu điều kiện đủ để kết án, khi nào hành động của chúng ta đã hoàn thành việc trộm cướp vật của người khác không cho mà lấy. Giới này cũng như giới thứ nhất, sự hoàn thành một kết quả hành động phải từ tâm có ý nghĩ trộm cướp vật của người kinh qua lời nói của miệng hay hành động của thân, được thể hiện qua kết quả làm hại kẻ khác, mà kết quả ấy được xã hội hay quốc gia đó chấp nhận là một bản án tử hình, hay khi hành động đó có hại cho vật người khác với giá trị từ năm tiền vàng trở lên, hay bao nhiêu tùy thuộc vào quốc gia, xã hội đó ấn định, thì người phạm vào giới này mắc vào tội trọng không cho sám hối để trừ tội và, trong tương lai sẽ đọa vào trong ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, hay súc sanh chịu báo khổ đau, tùy theo nơi họ bị đọa vào.

Cũng như giới thứ nhất sự tác hại hỗ tương của nó trong hiện tại cũng như những di hại hỗ tương trong tương lai không khác gì với giới thứ nhất, chúng chỉ khác nhau trên mặt hiện tượng về tội danh thôi, nhưng về kết quả phải chịu nặng nhẹ đồng nhau. Do đó mỗi hành động của chúng ta được hình thành thì theo đó di truyền lại cho kết quả trước hết là cá nhân và sau nữa là tập thể xã hội. Một người cướp của giết người, ngoài sự mất đi an ninh trật tự của một xã hội, nó làm mất đi một thành viên trong một gia đình, trong một cộng đồng xã hội, trong việc di hại đến hiệu quả sản xuất, hay tiêu dùng cho một gia đình hay một xã hội nào đó trong việc cung cầu nữa, như trên chúng tôi đã trình bày. Cho nên một hành động xấu như cướp của giết người chẳng hạn chúng sẽ di hại xấu cho cả một xã hội, như trong vấn đề an ninh trật tự xã hội, vấn đề kinh tế của một quốc gia. Nếu tất cả mọi người không lo làm ăn mà ai cũng ngồi đó, chờ cho kẻ khác làm sẵn ra tiền bạc của cải, rồi mình ra tay cướp lấy để mình tiêu xài, thì gia đình đó, xã hội đó sẽ đi đến đâu? chắc chắn là sẽ đưa tất cả mọi người đến chỗ mất an ninh trật tự, nghèo nàn, lạc hậu khổ đau và, cuối cùng là chết đói, gia đình xã hội tan rã.

Do đó vấn đề chúng ta sống có hạnh phúc hay không có hạnh phúc luôn tùy thuộc vào hành động của chúng ta, ở đây chúng cũng như pháp thứ nhất. Trong pháp này nếu người nào tránh khỏi không trộm cướp thì theo tôn giả Mục-kiền-liên, người ấy là vị Ưu-bà-tắc đạt được học xứ thứ hai trong năm học xứ trên.

3. Dục tà hạnh hay tránh xa dục tà hạnh:

Đây là pháp thứ ba, còn gọi là dục tà hạnh, hay tránh xa dục tà hạnh. Ở đây trừ qua hệ nam nữ giữa vợ chồng có hôn thú, ngoài ra tất cả những quan hệ với nam nữ mà luật pháp quốc gia, hay đạo đức của một xã hội nơi chúng ta cư trú không cho phép, thì đều là những quan hệ bất chính còn gọi là tà hạnh hay tà dâm. Như kinh Viên Giác nói: ‘Tất cả các loài chúng sanh trong các thế giới, dù sinh bằng trứng, sinh bằng thai, sinh nơi ẩm thấp, hay hoá sinh, mà hiện hữu được thì cũng đều phát xuất từ dâm dục mà có tánh mạng.’ Đủ để nói lên sự tồn tại của chúng ta trên hành tinh này chính là sự tồn tại của dâm dục. Do đó nếu muốn chúng sinh phàm phu dứt hẳn dâm dục, thì đó là một điều khó khăn khó thực hiện được trong một sớm một chiều. Do đó đức Đạo sư đã phương tiện cho những chúng sinh tại gia ở cõi dục chỉ được giới hạn trong sinh hoạt vợ chồng mới tạm gọi là chính đáng. Chúng sanh ở cõi này muốn dứt hết dâm dục thì phải tu chứng đến tam quả A-na-hàm[17][17], và như vậy chỉ dành cho hàng xuất gia, trong việc toàn đoạn dâm dục.

Sự an lập của chúng sanh trong cõi thế gian này, chủ yếu do sự hoà hợp giữa nam và nữ khi được gọi là vợ chồng. Sự hoà hợp trong sinh hoạt vợ chồng này nếu là bình thường thì sẽ không mang đến cho xã hội những bi kịch xáo trộn, mang lại mọi hạnh phúc cho mọi cá nhơn, mọi gia đình trong một xã hội. Ngược lại chúng mang lại cho mọi người, mọi gia đình những đổ vỡ trong quan hệ vợ chồng, cha con, mẹ con, người thân trong gia đình, ra đến bạn bè trong xã hội; mang đến cho mọi người một cuộc sống bất an xáo trộn do sự liên hệ bất bình thường, vượt qua khỏi giới hạn của vợ chồng. Từ đây cũng sẽ dẫn đến những cái chết mà nói ra thì không ai muốn, nhưng trên thực tế hằng ngày thường xảy ra luôn: bị giết vì giam dâm, vì tình, vì hiếp dâm, dụ dỗ, vì thông dâm, đồng lòng thông dâm phá hoại gia đình v.v… Và cũng sẽ đưa đến tội oán đối đáng sợ theo sau, và cứ như vậy oán đối theo nhau như hình với bóng quấy nhiễu trả vay nhau trong hiện tại, và tạo ra khổ đau suốt nơi ba nẻo ác địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh trong luân hồi.

Vì muốn tạo hạnh phúc an lạc cho nhân gian nên đức Phật đã chế định dục tà hạnh cho nam nữ cư sĩ tại gia.

Dục tà hạnh phải hội đủ bốn điều kiện[18][18] thì phạm tội nặng bất khả hối:

1/ Đúng đối tượng.

2/ Có tâm dâm.

3/ Đúng ba nơi là đường miệng, đường tiểu tiện và, đường đại tiện mà hành dâm.

4/ Tác thành sự thật hành dâm, cho dù hai căn của nam và nữ chỉ vào một chút như hạt mè, cũng thành tội bất khả hối.

Giới này vì dành cho chúng sanh tại gia cho nên chỉ giới hạn trong phạm vi vợ chồng, mục đích là mang đến hạnh phúc an lạc cho chúng sanh cõi dục này, chứ chưa nhằm đến mục đích giải thoát, nên trong kinh Ưu-bà-tắc ngũ giới tướng[19][19] đức Phật có Khai cho người tại gia nam là: ‘Nếu Ưu-bà-tắc nào cùng dâm nữ hành dâm, không trả tiền, thì phạm tà dâm bất khả hối, còn trả tiền thì không phạm’[20][20]. Nhưng: “Trong Đại thừa Bồ-tát giới, nếu không phải là Bồ-tát địa thượng (bậc sơ địa trở lên), vì nhân duyên nhiếp hoá, chẳng được có hành vi này[21][21]”. Thật sự, ở đây có sự khác biệt như vậy là vì một đằng đức Phật muốn chúng sanh tại gia có cuộc sống hạnh phúc đứng về mặc luân lý xã hội, và mặc khác là đứng về phương diện đạo đức giải thoát, nên có sự mâu thuẫn giữa kinh Ưu-bà-tắc và Đại thừa Bồ-tát giới kinh. Đây chính là Giới được đức Phật Khai (trong khai-giá-trì-phạm) cho các cư sĩ tại gia; và cũng là cư sĩ tại gia nhưng đã thọ giới Bồ-tát rồi thì dứt khoát không được phạm (giá) vào hành vi này. Đây là một vấn đề tế nhị và phức tạp, cho nên ngay trong giới này đức Phật cũng giới hạn và mở cho những đối tượng nào, tuỳ theo căn cơ mà các chúng sanh đó nguyện thọ trì, thì theo đó mà khai hay giá. Và giới này đức Phật cũng căn cứ vào xã hội Ấn độ vào lúc bấy giờ, do đó việc chế giới cũng tuỳ thuộc vào xã hội đó. Hiện tượng trên là hiện tượng phổ biến tại xã hội Ấn độ vào lúc đó, nên đức Phật cũng phải căn cứ vào xã hội đó mà chế giới. Nhưng hiện tượng này đối với Việt nam, hay nhiều xã hội khác trên hành tinh này cho là một hiện tượng không lành mạnh, không phải là tấm gương tốt của người thiện, thì chúng ta cũng căn cứ vào những lời dạy của đức Phật về việc Khai-Giá-Trì-Phạm đối với giới luật như thế nào để chúng ta cũng theo đó mà hoàn thành một cuộc sống hạnh phúc an lành ngay trên trái đất này. Vì theo đức Phật, việc chế giới Ngài luôn luôn căn cứ vào tướng phạm để mà chế. Nhưng tướng phạm thì luôn tuỳ thuộc vào sinh hoạt luân lý thói quen tập quán của xã hội đó chúng hình thành. Vì vậy đối với hiện tượng này, khi chúng ta đã quy y tam bảo, thọ trì năm pháp rồi thì chúng ta cũng nên coi đây là một hành vi tà dâm, vì một mặc chúng nuôi lớn dục tham của con người.

Giới này cũng như giới thư nhất, thứ hai, sự hoàn thành một kết quả hành động phải từ tâm có ý nghĩ dục tà hạnh kinh qua lời nói của miệng hay hành động của thân, được thể hiện qua kết quả làm hại kẻ khác, mà kết quả ấy được xã hội hay quốc gia đó chấp nhận là một bản án tử hình, khi hành động đó có hại cho người khác, thì người phạm vào giới này mắc vào tội trọng không cho sám hối để trừ tội, và trong tương lai sẽ đọa vào trong ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, hay súc sanh chịu báo khổ đau, tùy theo nơi họ bị đọa vào.

Sự tác hại liên đới hỗ tương lẫn nhau, nó cũng giống như hai giới trên: có thể đưa đến chết người, có thể phá hoại hạnh phúc mọi gia đình, có thể làm bất ổn một xã hội và cuối cùng mang đến gánh nặng khổ đau cho mọi người trong xã hội. Do đó vấn đề chúng ta sống có hạnh phúc hay không có hạnh phúc ngay trong hiện tại hay trong tương lai, luôn tùy thuộc vào hành động của chúng ta. Ở đây chúng cũng như pháp thứ nhất, thứ hai trên mặt tác dụng hậu quả, nhưng trên mặt hiện tượng thì chúng khác nhau. Trong pháp này nếu người nào tránh xa dục tà hạnh thì theo tôn giả Mục-kiền-liên, người ấy là vị Ưu-bà-tắc đạt được học xứ thứ ba trong năm học xứ trên.

4. Lời nói hư dối, hay tránh xa lời nói hư dối:

Đây là pháp thứ tư, còn gọi là lời nói hư dối, hay tránh xa lời nói hư dối. Ở đây, lời nói hư dối mang phong cách lường gạt lừa đảo người khác để thủ lợi về mình dưới mọi hình thức, mà người bị mình lừa gạt bị thiệt hại mà họ không biết, hay có biết ra cũng đã muộn rồi. Có một định nghĩa chung cho việc vọng ngữ là: không biết nói biết, biết nói không biết; không thấy nói thấy, thấy nói không thấy; không hay nói hay, hay nói không hay; không nghe nói nghe, nghe nói không nghe. Và trong vọng ngữ còn gồm có cả nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói thiêu dệt không đúng nghĩa, tuy không thuộc tội bất khả hối, nhưng chúng cũng thuộc gây ra bất hoà xáo trộn trong cuộc sống, đem đến khổ đau cho nhau trong hiện tại, nên chúng thuộc vào tội khả hối.

Lời nói hư dối cũng như định nghĩa trên, nhưng trong Phật giáo chia ra làm ba loại: Đại vọng ngữ[22][22], tiểu vọng ngữ, và phương tiện vọng ngữ. Đại vọng ngữ là lời những nói hư dối không thật trên thực tế, như hiện tại mình chưa chứng Thánh mà nói với mọi người là mình đã chứng Thánh v. v…; tiểu vọng ngữ là ngoại trừ những lời đại vọng ngữ ra, còn những lời nói không thật dùng để dối gạt mọi người, nói chung tất cả mọi sự nói dối đều là tiểu vọng ngữ; phương tiện vọng ngữ là những lời nói nhằm vì cứu độ chúng sanh, Bồ-tát xuất gia tại gia có thể phương tiện vọng ngữ như: Có kẻ say muốn giết người đến hỏi có thấy người kia không, nếu có thật thấy người kia đi nữa, nhưng vì muốn cứu người kia nên nói không thấy thì không có tội.

Riêng đại vọng ngữ ở đây phải hội đủ chín điều kiện[23][23], mới thành tội trọng bất khả hối, và cũng vì bất khả hối cho nên sẽ đưa đến tội oán đối đáng sợ theo sau, và cứ như vậy oán đối theo nhau như hình với bóng quấy nhiễu trả vay nhau trong hiện tại, và tạo ra khổ đau suốt nơi ba nẻo ác địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh trong luân hồi:

1/ Nói với người.

2/ Tưởng là người.

3/ Không thực có chứng.

4/ Tự biết không thực có chứng.

5/ Có tâm dối gạt.

6/ Nói ra pháp thượng nhơn.

7/ Tự nói mình chứng pháp ấy.

8/ Nói rõ ràng.

9/ Nói người đối diện hiểu.

Đó là chín điều kiện đủ để hoàn thành tội danh trong giới nói lời hư dối này, nếu không hội đủ chín điều kiện này thì chưa đủ cơ sở để kết án là mắc tội bất khả hối, và như vậy chúng thuộc về tội khả hối. Ở đây, đối với giới đại vọng ngữ này mới nghe ra trên mặt biểu tượng ngôn ngữ chúng có vẻ vô thưởng vô phạt, không có hại cho ai cả, nếu có hại đi chăng nữa thì cũng do đối tượng tự nguyện. Còn đối với người nói, nếu ai đó phát hiện ra được thì họ bị thiên hạ coi như là một kẻ ngông cuồng tự cao tự đại thế thôi. Nhưng nếu chúng ta nhìn sâu và kỹ một tí nữa, thì vấn đề này chúng không đơn giản như chúng ta nghĩ, mà chúng là nhân đưa đến ba đường khổ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Vì sao? Vì theo những lời Phật dạy trong luật Tứ phần thì đây là một trong hai loại giặc[24][24], lớn nhất không gì bằng. Vì chúng ăn trộm đồ ăn thức uống của người. Ở đây tuy đức Phật dạy cho các Tỳ-kheo xuất gia, nhưng giới này thuộc Tánh giới dành cho cả xuất gia và tại gia, nên những người nam nữ tại gia cũng không được phạm vào, nếu ai đã thọ trì năm pháp. Tại sao phạm đại vọng ngữ mà ở đây đức Phật gọi là giặc trộm? Vì như chúng ta biết, khi chúng ta mở miệng ra để nói những điều đó thì đương nhiên người nói luôn có mục đích, ngoại trừ những kẻ điên cuồng loạn tâm, thì hầu hết người nói ra việc đó đều muốn mang về cho mình một mối lợi lớn từ người nghe, có tín tâm đối với tam bảo. Đây là một cách lừa đảo có hiệu quả nhất, mà chính người nghe khó đủ trình độ trí tuệ để phát hiện, vì chúng đem bậc Thánh ra để đánh động lòng tin của người nghe, và như vậy là chính họ đã lừa đảo chính họ mà họ không biết. Đây quả thật là một việc làm buôn thần bán thánh để nuôi dưỡng cái ngã vô minh.

Thật ra trong giới đại vọng ngữ này, chỉ ngoại trừ những ai vô liêm sỉ, không hiểu biết nhân quả mới phạm vào đại vọng ngữa, chứ thông thường thì chúng ta dễ mắt phải tiểu vọng ngữ trong cuộc sống. Do đó chúng ta là những người nam nữ Phật tử tại gia đã quy y tam bảo, thọ trì năm pháp này thì dứt khoát phải lánh xa chúng. Cho dù việc nói dối đó mang lợi lại cho chính chúng ta hay người khác đi nữa, thì việc làm đó cũng mang một hậu ý xấu là lừa đảo lường gạt kẻ khác, chúng mang cái hại đến cho họ, thì chúng ta không nên làm. Vì như trên chúng tôi đã nói, một việc làm của chúng ta, nó tác động hổ tương liên quan tới người vật khác chung quanh, gần cũng như xa qua liên hệ trực tiếp và gián tiếp.

Sự tác hại liên đới hỗ tương lẫn nhau, nó cũng giống như ba giới trên: có thể đưa đến chết người, có thể phá hoại hạnh phúc mọi gia đình, có thể làm bất ổn một xã hội và cuối cùng mang đến gánh nặng khổ đau cho mọi người trong xã hội. Do đó vấn đề chúng ta sống có hạnh phúc hay không có hạnh phúc ngay trong hiện tại hay trong tương lai, luôn tùy thuộc vào hành động của chúng ta. Ở đây chúng cũng như pháp thứ nhất, thứ hai, thứ ba trên mặt tác dụng hậu quả, nhưng trên mặt hiện tượng thì chúng khác nhau. Trong pháp này nếu người nào tránh xa lời nói hư dối thì theo tôn giả Mục-kiền-liên, người ấy là vị Ưu-bà-tắc đạt được học xứ thứ tư trong năm học xứ trên.

5. Uống các loại rượu hay xa lánh uống các loại rượu:

Đây là pháp thứ năm, còn gọi là pháp uống các loại rượi nơi phóng dật hay tránh xa uống các loại rượư nơi phóng dật. Ở đây, Bản thân của rượu vốn không tội ác, vì vậy giới uống rượu trong năm giới nó thuộc về Giá giới. Nhưng vì sau khi uống rượu vào, tất cả chúng ta không ai có thể làm chủ được chính mình, nên có khả năng tạo thành tội ác lớn. Do đó đức Phật căn cứ vào những hiện tượng và những hậu quả đã xảy ra do chất men rượu làm cho hệ thống thần kinh hưng phấn, mật to xung động, làm mờ mắt, không còn tự mình khống chế lấy mình được, có thể mắng người, đánh người, giết người, hiếp dâm, phóng hoả, làm mất anh ninh trật tự chòm xóm láng giềng và, bất cứ hành động nào cũng có thể làm được hết, mà Ngài đã chế giới uống rượu.

Cũng như bốn giới trên, giới uống các loại rượu cũng phải hội đủ ba điều kiện[25][25] sau đây mới thành tội khả hối:

1/ Là rượu.

2/ Không vì bệnh nặng.

3/ Uống vào khỏi cổ.

Đó là ba điều kiện đủ để hoàn thành tội danh của giới uống các loại rượu khả hối này. Cho dù tội này không phải là Tánh tội bất khả hối mà là giá tội khả hối, nhưng vì tính liên đới sau khi hoàn thành tội danh thì theo sau đó những tội khác xuất hiện như cướp của, giết người, cưỡng dâm, và tất cả những tội khác có thể xảy ra, mà bản thân người đó không tự chủ được. Do đó việc tạo ra oán đối đáng sợ theo sau, và cứ như vậy oán đối theo nhau như hình với bóng quấy nhiễu trả vay nhau trong hiện tại, và tạo ra khổ đau suốt nơi ba nẻo ác địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh trong luân hồi. Dưới đây, chúng tôi sẽ trích dẫn hai mẫu chuyện về việc uống rượu say, và đưa đến việc phạm những trọng tội khác:

“Vào thời kỳ đức Phật Ca-diếp-ba[26][26] xa xưa, có một người thọ trì năm pháp, luôn luôn giữ giới thanh tịnh. Một hôm, từ bên ngoài trở về nhà, vì quá khát nước, nên thấy trên bàn có một chén rượu màu trong như nước, vội vàng uống một hơi vào bụng. Nào ngờ sau đó rượu ngấm, tính men rượu kích thích phát tác, khiến ông ta phạm giới một cách liên tục. Thấy gà hàng xóm chạy vào nhà, ông ta bèn bắt trộm làm thịt, vợ người hàng xóm mất gà sang tìm, thấy vợ người hàng xóm đẹp, ông liền cưỡng dâm. Sau việc này, bị bắt đến công đường, ông ta chối cãi không nhận tội. Chỉ vì uống nhầm một chén rượu mà ông ta liên tục phạm đủ năm pháp cấm giới. Tội ác của rượu rất lớn như vậy.”[27][27]

“Vào thời đức Phật còn tại thế, có Tôn giả Sa-già-đà[28][28], thần lực của ngài có thể hàng phục được độc long. Sau khi khất thực ngài uống rượu do Phạm chí cúng dường. Uống xong ngài đi về bị say ói mửa, té ngã dọc đường. Đức Phật nói với A-nan: ‘Sa-già-đà này là người si, trước kia có thể hàng phục được độc long lớn, bây giờ, thì không thể hàng phục được con rồng nhỏ!’”[29][29]

Qua hai mẫu chuyện này cho chúng ta thấy, cái hại của việc uống rượu là như thế nào rồi. Chúng làm mờ đi trí não của con người, không còn biết gì nữa một khi đã say, và cũng vì cái nhân gây ra tai hại đáng sợ ngay trong hiện tại, và trong tương lai sau khi chết sẽ đoạ vào ba đường ác. Theo Tứ phần luật thì người uống rượu có mười điều mất mát:

1. Nhan sắc xấu xí.

2. Kém sức khỏe.

3. Con mắt không sáng.

4. Hiện tướng hung dữ.

5. Phá hỏng sự sống của gia nghiệp.

6. Đưa đến bệnh hoạn.

7. Thích đấu tranh kiện tụng.

8. Không ai khen, tiếng xấu truyền khắp.

9. Trí tuệ giảm thiểu.

10. Thân hoại mạng chung đọa vào ba đường ác.

Đó là mười điều mất mát của chúng ta khi uống rượu say ngay trong hiện tại. Đó là cái hậu quả không thể tránh được của người uống rượu: nhân cách không còn, trí tuệ biến mất, tác hại đến sức khẻo, tạo ra các thứ tội mà đáng ra nếu chúng ta không uống rượu vào thì sẽ không xảy ra! Từ đây tác động hỗ tương kéo rộng ra chung quanh mà gần nhất là những người thân trong gia đình và rộng hơn là xã hội.

Cũng giống như bốn giới trên: có thể đưa đến chết người, có thể phá hoại hạnh phúc mọi gia đình, có thể làm bất ổn một xã hội và cuối cùng mang đến gánh nặng khổ đau cho mọi người trong xã hội. Do đó vấn đề chúng ta sống có hạnh phúc hay không có hạnh phúc ngay trong hiện tại hay trong tương lai, luôn tùy thuộc vào hành động của chúng ta. Ở đây chúng cũng như pháp thứ nhất, thứ hai, thứ ba , thứ tư trên mặt tác dụng hậu quả, nhưng trên mặt hiện tượng thì chúng khác nhau. Trong pháp này nếu người nào tránh xa uống các loại rượu thì theo tôn giả Mục-kiền-liên, người ấy là vị Ưu-bà-tắc đạt được học xứ thứ năm trong năm học xứ trên.

Tóm lại, qua năm pháp trên: Thứ nhất cho chúng ta một cái nhìn về nhân quả, theo đó nếu người thiện nam kẻ tín nữ nào phạm vào, có nghĩa là chúng ta giết hại sinh mạng con người cho đến uống các thứ rượu, thì hiện tại sẽ bị khổ đau vì tù tội, và oán đối trả vay theo sau, khiến cuộc sống trở nên bất an, xã hội trở thành bất ổn, và sau khi thân hoại mạng chung sẽ đoạ vào ba đường khổ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh oán đối theo mãi. Còn nếu lánh xa giết hại sinh mạng người cho đến xa lìa uống các thứ rượu, thì chắc chắn hiện tại sẽ hạnh phúc tự do, cuộc sống trở nên an lạc, xã hội trở thành cực lạc, và sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi trời. Đó là một thứ nhân quả tất yếu không thể không xảy ra. Thứ hai ngoài giới thứ nhất sát hại sinh mạng ra, bốn giới sau giới nào cũng có khả năng sau khi hoàn thành việc vi phạm chính giới có thể đưa đến giết người, và những tội danh nặng nhẹ khác nhau có sau đó. Thứ ba trong năm giới, giới nào khi hoàn thành nghiệp nhân của nó cũng bắt đầu từ tâm ý tham lam, sân hận, ngu si phát động, và kéo theo đó thân và khẩu hành động theo, và tuỳ thuộc vào kết quả đã thực hiện xong, tội danh bắt dầu hiện hữu, sau đó sẽ bắt đầu nhận lãnh nghiệp quả ngay trong hiện tại, hay trong tương lai, thì chúng còn tuỳ thuộc vào duyên đủ hay chưa đủ của chúng. Thứ tư từ những hiện tượng duyên đủ trên đủ để phát động những liên hệ duyên khởi tiếp sau đó, và cứ như thế trái đất vẫn quay, mặt trời vẫn chiếu sáng, các hành tinh vẫn hoạt động bình thường, theo sự sinh diệt phải có của chính chúng. Con người cũng không vượt khỏi qui luật này, và như vậy họ cũng phải sinh diệt theo qui luật thành, trụ, hoại, không, trong chu trình biến dịch sinh tử. Trong chu trình biến dịch sinh tử này, chúng luôn mang theo những chất liệu đủ đề hoàn thành biến dịch của sinh và tử, đó chính là những nghiệp nhân của nghiệp quả trước đó hình thành những chuỗi liên hệ khác trong chính nó, và như vậy khổ đau hay hạnh phúc cũng tuỳ thuộc vào những chất liệu nghiệp nhân mà chúng ta đã tạo ra trong quan hệ y báo và chánh báo.

Nguyệt San Liên Hoa Số 309 Tháng 9 năm 2003
Ban Biên Tập Thư Viện Hoa Sen Thực Hiện



[1] . A-tì-đạt-ma pháp uẩn túc luận (Abhidharma-dharmaskandha-pāda-śāstra), Tôn giả Đại Mục-kiền liên tạo, Huyền Trang dịch, T26n1537 [CD Đại tạng kinh điện tử. (V.26-29) Tỳ-đàm bộ, 毗昙 部 kinh 1537, phẩm học xứ, q.1.] Truyền thuyết Hữu bộ nói, do Đại Mục-kiền-liên thuyết; nhưng Xưng Hữu (Yaśomitra) và truyền thuyết Tây tạng nói là do Xá-lợi-phất.

[2] Cf. Pali, Pañcaverabhaya-sutta, S.ii. 68ff.

[3] . Thệ-đa, 逝多; còn gọi là Kỳ-thọ lâm 耆树林, Sancskrit : Jetavanaṃ,

[4] . Thất-la-phiệt, 室羅筏, còn gọi là Xá-bà-đề 舍婆提,va thưòng gọi là Xá-vệ; Sancskrit: Śrāvastī.

[5] Cf. Câu-xá luận quyển 15, T29n1558_p0081a06, «Các nghiệp bất thiện được gọi là phi phước; vì dẫn đến quả báo không mong muốn, gây tổn hại hữu tình.»

[6] Hán: ẩm vị chư tửu phóng đạt xứ 飲味諸酒放逸處. Cf. Pali: surāmerayamajjapamādaṭṭhānā.

[7] . Thiên Trung, 天中 chỉ cho cõi trời. Cf. Pali: saggaṃ sugatino yanti.

[8] . Tánh giới, 性戒;Giới này lập ra căn cứ trên bản chất đạo đức, còn gọi là Tánh tội giới hay tánh trọng giới, hoặc chủ giới. Trong năm giới thì bốn giới đầu thuộc về tánh giới, tức là dùng bốn giới này để ngăn cấm tội của tánh phát sinh, vì sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, là hành vi tội ác thuộc về bản chất. Dù Phật có ra đời hay không ra đời, có chế giới hay không chế giới, bất luận là tại gia hay xuất gia, hễ phạm vào nó, thì trong hiện tại cũng như vị lai chắc chắn phải nhận lãnh quả báo xấu dữ.

[9] . Giá giới, 这戒; Giới này lập ra, căn cứ trên quy ước và quan hệ xã hội, để ngăn ngừa những hành vi phạm tội của thân và khẩu, còn gọi là tòng phạm. Giới này đức Phật căn cứ trên tướng phạm của khẩu thân mà chế giới, như giới uống rượu thứ năm, nó thuộc về giá giới.

[10] . Ngũ đại thí, 五大施,nếu trì năm giới này triệt để thì không những “Chỉ ác, 止恶” mà còn “Hành thiện, 行善” Không những không sát sinh mà còn phóng sinh hộ sinh, không trộm cướp mà còn bố thí, … và giới còn lại cũng như vậy.

[11] . Khai-giá-trì-phạm, 开这持犯;Đây là bốn nguyên tắc mà một người đã lãnh thọ giới pháp của Phật rồi thì phải nắm vững biết rõ những giới mà mình đã thọ của hai hàng xuất gia và tại gia. Biết rõ những điều gì đức Phật ngăn cấm (Giá, 这 ) trong cuộc sống như: trong giới sát hại sinh mạng, thì khi mình đã lãnh thọ rồi thì cương quyết phải giữ gìn (Trì, 持) không cho phạm vào điều đó. Và cũng trong giới này, có những trường hợp ngoại lệ, có thể mở ra cho phép (Khai, 开) lỡ có phạm cũng không mắc tội. Ở đây trường hợp những kẻ si cuồng, loạn tân, thống não, bức bách, thì dù có phạm cũng không mắc tội. Đó là trường hợp phạm mà không mắc tội, nhưng trường hợp phạm (phạm, 犯) mà mắc tội thì chúng cũng không phải chỉ có một tội là trọng thôi, mà nó có thể thuộc vào những tội nhẹ khác, nếu như nó chưa hội đủ các duyên thành tội của giới này. Đó là bốn nguyên tắc một người thọ giới phải nắm vững và biết một cách rõ ràng.

[12] Giữ một giới, gọi là nhất phần ưu-bà-tắc (di); hai giới gọi là hai phần. Hữu bộ khong chấp nhận giới khuyết chi này. Cf. Câu-xá luận 15, T29n1558_p0076a14.

[13] . Nam Sơn Hành Sự Sao, 南山行事钞 của ngài Đạo Tuyên.

[14] . Hán: Thị hữu cố bỉ hữu, thị sinh cố bỉ sinh; thị không cố bỉ không, thị diệt cố bỉ diệt, 是有故彼有, 是生 故彼生;是空故彼空,是戚故彼戚.

[15] . Ưu-bà-tắc, 優婆塞; còngọi là thanh tín sĩ, 清信士, Skt: Upāsaka, là người nam ở tại gia.

[16] . Nam Sơn hành sự sao, 南山行事钞 của ngài Đạo Tuyên.

[17] . A-na-hàm, 阿那含; Skt: Anāgāmin, là quả vị thứ ba trong tứ quả Sa-môn

[18] . Nam sơn hành sự sao, 南山行事钞 của ngài Đạo Tuyên.

[19] . Ưu-bà-tắc ngũ giới tướng kinh, 优婆塞五戒相经。

[20] . Giới luật học cương yếu ,戒律学纲要 Thánh Nghiêm, bản dịch của: Tuệ Đăng, trang 118.

[21] . Giới luật học cương yếu, 戒律学纲要Thánh Nghiêm, bản dịch của: Tuệ Đăng , trang 118.

[22] . Tự mình chưa chứng Thánh quả, Thánh pháp, mà tự nói đã chứng Thánh quả, thánh pháp, cho đến chưa thật đắc tứ thiền định mà nói đã đắc; thật chưa thấy Thiên đến, long đến, thần đến, quỷ đến mà nói đã đến chỗ mình.

[23] . Nam sơn hành sự sao, 南山行事钞 của ngài Đạo Tuyên.

[24] . Một, thật không phải tịnh hạnh mà tự xưng là tịnh hạnh. Hai, vì miệng và bụng nên không chơn thật, chẳng phải mình mà ở trong chúng cố ý nói lời vọng ngữ, tự xưng rằng đạt được pháp thượng nhơn.

[25] . Nam sơn hành sự sao, 南山行事钞của ngài Đạo Tuyên.

[26] . Ca-diếp-ba Phật, 迦葉 波佛, Sancskrit: Kāśyapa Buddha, là đức Phật thứ sáu trong bảy đức Phật quá khứ, là thầy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

[27] . Giới luật học cương yếu 戒律学纲要, Thánh Nghiêm, bản dịch Tuệ Đăng, trg: 128.

[28] . Sa-già-đà, 沙伽陀,Sancskrit: Svāgata; Pāli: Sāgata.

[29] . Tứ phần luật, 四分律 q.16, giới 51, Đơn Đề.


Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch