Phật pháp ứng dụng
Thần thông và phương tiện hiện đại
19/10/2014 08:36 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

       Thần thông diệu dụng là những giá trị lợi ích đặc thù của người tu tập theo những pháp môn nhất định. Ngày xưa, Đức Phật và những vị thánh đệ tử của Ngài đều có được sáu loại thần thông, gọi là Lục thông.

       Những nhà ngoại đạo tu tiên cũng có thể đạt tới năm loại thần thông trong số sáu thần thông mà Phật đã chứng đắc, gọi là Ngũ thông. Tuy chỉ có năm hay sáu thần thông, nhưng kỳ thực, những thần thông ấy có vô số diệu dụng không thể nghĩ bàn.
 
      Về sáu loại thần thông của Phật pháp gồm có:

     1.Thiên nhãn thông, là năng lực nhìn không bị chướng ngại, không bị giới hạn bởi không gian, không bị giới hạn bởi kích thước của vật thể, có khả năng thấy được những sự vật hiện tượng mà mắt thường không thể nhìn thấy được.

       2.Thiên nhĩ thông, là năng lực nghe không bị chướng ngại, không bị giới hạn bởi không gian và cường độ của âm thanh, có thể nghe được những âm thanh mà khả năng con người không nghe thấy được;

      3.Tha tâm thông, là năng lực hiểu được suy nghĩ người khác;

     4.Thần túc thông, là năng lực tới lui vô ngại, có thể bay trên không trung, du hành dưới nước, đi trong lòng đất, xuyên qua núi non, biến hóa ra thiên hình vạn trạng…;

     5.Túc mạng thông, là năng lực thấy rõ quá khứ nhiều đời nhiều kiếp; và

    6.Lậu tận thông, là năng lực siêu xuất Tam giới, tự tại giải thoát, không bị khổ đau chi phối, hiểu rõ bản chất của đời sống, quy luật của vũ trụ…


     Tuy nhiên, thần thông cũng có những giới hạn nhất định. Đức Phật không khuyến khích các đệ tử tu luyện thần thông; đôi khi, Ngài còn khiển trách những ai tùy tiện sử dụng thần thông khi không cần thiết. Thần thông là kết quả tự nhiên sau một quá trình dụng công tu tập, nhưng thần thông, trừ Lậu tận thông, không đưa ai an lạc giải thoát. Có được năm thần thông trước là có những khả năng phi thường mà con người bình thường không có được; nhưng nếu còn vô minh thì vẫn bị phiền não tác động và vẫn còn khổ đau, vẫn còn luân hồi trong sinh tử. 

      Chỉ có trí tuệ mới giúp con người thoát khỏi phiền não khổ đau; vì thế, cần phải tu tập để giác ngộ, khổ, tu tập vì sự nghiệp trí tuệ. Trong quá trình tu tập, đôi khi thần thông gây trở ngại cho sự giác ngộ giải thoát; và nếu không khéo tu tập mà còn tham đắm chấp trước thì thần thông trở thành một trong những pháp chướng đạo. Trong những loại thần thông kể trên thì Lậu tận thông là thần thông cao bậc; chỉ có Phật và các bậc Thánh đã chứng A-la-hán quả mới đạt được. Và đây chính là thần thông cần thiết cho người cầu giác ngộ, giải thoát.

       Có lần một tu sĩ ngoại đạo biểu diển thần thông đi trên mặt nước và thách thức Đức Phật thi triển thần thông như ông ta. Đức Phật ôn tồn hỏi, “Ông tu luyện bao lâu mới có được thần thông ấy?”.Vị tu sĩ ngoại đạo kiêu hãnh trã lời, “Mất ba mươi năm”. Đức Phật mỉm cười, “Ta chỉ cần có ba xu tiền đi đò là có thể qua được bờ bên kia”. Đức Phật dạy các đệ tử, nên dùng “Giáo hóa thần thông”, nghĩa là lấy thần giáo và khẩu giáo, lấy hành động làm tấm gương sáng về đạo đức và những lời thuyết pháp, để hóa chúng sinh, mà không nên dùng các loại thần thông khác; vì chỉ có Giáo hóa thần thông mới đưa đến con đường an lạc giải thoát. 

      Năm loại thần thông đầu, gồm Thiên nhãn thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông, Thiên nhĩ thông, Thần túc thông, thường mê hoặc con người, khiến cho con người chấp trước, tham cầu, mê đắm và dễ sa chân vào con đường bất chánh. Đặc biệt, những kẻ còn  vô minh, bị dẫn dắt bởi nghiệp lực và phiền não lậu hoặc, sẽ sử dụng thần thông phục vụ mục đích xấu. Trong lịch sử, chỉ một số rất ít trường hợp Đức Phật cho phép sử dụng thần thông, đó là khi nào phải đối phó với ngoại đạo có sử dụng thần thông; ví dụ như trường hợp Đức đạo có sử dụng thần thông hàng phục ông Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp (Uruvela Kassapa) và con độc long. Nhưng sau đó, Đức Phật chỉ dùng Giáo hóa thần thông để độ họ.

      Ngày nay, những thành tựu khoa học kỹ thuật cũng giống như phép màu mang lại cho con người những điều kỳ diệu. Ngồi một chổ không cần phải đi đâu, con người cũng có thể nhìn thấy hình ảnh, nghe được âm thanh khắp nơi trên thế giới, có thể giao tiếp với nhau dù đang ở hai nơi xa xôi bất kỳ trên trái đất. Con người có thể bay lên không trung, bay vào vũ trụ, đi trong lòng đất, du hành dưới đáy biển, trong lòng đại dương. Con người không phải mất nhiều thời gian để đi lại từ nơi này đến nơi khác… 

      Tuy nhiên, cũng như thần thông không mang lại giá trị an lạc hạnh phúc, giải thoát những khổ đau khi con người còn chưa dứt trừ vô mình, còn bị lôi kéo bởi phiền não lậu hoặc; những phương tiện hiện đại, những tiện nghi của đời sống cũng không mang lại hạnh phúc cho con người khi con người còn quá nhiều ham muốn, dục vọng, còn sân hận si mê… nói chung là vô minh phiền não lậu hoặc. Hễ còn vô mình phiền não lậu hoặc thì vẫn còn khổ đau. Với ngã ái, chấp thủ, càng đạt được nhiều thành tựu trong khoa học, trong đời sống, con người càng kiêu căng tự phụ, bản ngã càng to lớn, và những thành tựu đó vô tình nuôi dưỡng, thúc đẩy tham vọng của con người ngày một phát triền thêm. 

       Con người luôn muốn thỏa mãn cái tôi ích kỷ, thỏa mãn tham vọng mà tự tao cái khổ cho mình và cho chúng sinh khác. Chưa bao giờ thế giới vắng bóng chiến tranh, chưa bao giờ có một nên hòa bình toàn cầu; con người luôn sống trong mâu thuẫn, xung đột, luôn sống trong hận thù nghi kỵ; luôn mang tham vọng bành trướng; luôn tìm cách chiếm đoạt, sở hữu để dung dưỡng cái tôi ích kỷ; con người luôn bị dẫn dắt bởi ngã và ngã sở, tôi và cái của tôi, bản thân tôi, gia đình tôi, tài sản tôi, sự nghiệp tôi, dân tộc tôi, quốc gia tôi, quan điểm của tôi, học thuyết của tôi, chủ nghĩa của tôi…

     Con người say mê những thành tựu khoa học kỹ thuật và sử dụng chúng để phục vụ cho bản ngã, phục vụ cho những tham muốn, dục vọng của mình, và từ đó, con người hủy hoại hạnh phúc của mình và của nhân loại. Hoàn cảnh thế giới hiên tại  đã chứng minh điều đó. Nhân loại luôn sống trong bất an, lo sợ, luôn phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng; sự biến đổi khí hậu toàn cầu, tình trạng ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh, thiếu lương thực, nước uống, chiến tranh thế giới, nguy cơ bị hủy diệt vì hạt nhân…đang là những nỗi ám ảnh thường trực của loài người.

     Con người quay cuồng với đời sống vật dục, say mê với các tiện nghi vật chất đến độ không biết đường đi lối về; mải chạy kiếm tìm những thứ có thể phục vụ cho ham muốn, dục vọng không tận cùng của mình; nhưng kết quả như người khác uống nước mặn không thể giải khát mà càng khát hơn; con người càng đắm chìm trong phiền não, khổ đau không cùng tận. Hàng ngày, những thông tin quảng cáo khơi gợi lòng ham muốn hưỡng thụ, kích thích đam mê, khiến cho người ta không thể đánh giá đâu là nhu cầu thực sự, cứ mãi chạy theo lối sống đua đòi. 

     Sự thúc dục phải kiếm cho được nhiều tiền để thỏa mãn những nhu cầu ảo, những tham muốn thụ hưởng, đã khiến cho con người lao tâm khổ trí, vất vả tấm thân, và tạo nên nhiều tội nghiệp. Đời sống quay cuồng khiến cho con người khổ não bất an trên nhiều phương tiện vật chất, càng nhiều tiện nghi trong sinh hoạt, đời sống con người sẽ có được sự thoải mái cả về vật chất lẫn tinh thần, mang lại niềm vui và hạnh phúc. Con người không thấy rằng chính những tham vọng vật chất đó đã làm con người đã bị trói buộc lại càng bị trói buộc hơn, niềm vui và hạnh phúc ngày càng xa vời hơn.

      Vấn đề chổ này có nhiều hay ít phương tiện vật chất thì đời sống con người có hạnh phúc hơn. Vấn đề là thái độ sống của con người như thế nào, con người làm chủ hay bị lệ thuộc vào nhưng phương tiện và tiện nghi đó; con người có biết cách ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật, những phương tiện vật chất, những tiện nghi của đời sống hiện đại vào mục đích mang lại an lạc, hạnh phúc cho mình hay không? Đó mới là điều quan trọng. 
 
  (TC. Văn Hóa Phật Giáo 30)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch