Kính thưa quí vị đồng tu,
Sáng nay ông Tổng Cán sự yêu câu tôi lợi dụng buổi tối hôm
nay nói chuyện cùng với quí vị, thời gian là một giờ đồng hồ, vì sau đó tôi có
khách đến phỏng vấn.
Sau hai ngày đến đạo tràng tôi rất vui khi nhìn thấy quí vị
đồng tu tinh tấn niệm Phật. Ngày hôm qua, chúng tôi đến thăm trường Đại Học
Queensland, nghe nói gần đây trường này có mở một môn học gọi là Khoa tham khảo
về an đinh xã hội và hòa bình thế giới. Đây là môn học rất mới mẻ xưa nay chưa
từng có. Họ nói với tôi hiện nay trên toàn thế giới có khoảng tám trường Đại
học đã ý thức được tính chất quan trọng của môn học này và đang tiến hành mở
lớp, trong đó sự tiến hành ở trường Đại học Queensland là thành công nhất. Nghe
nói họ dự tính nhận khoảng 20 - 40 học sinh mà số người ghi danh đã lên đến hơn
100 người.
Đây là môn học xưa nay chưa từng dạy qua nên không có kinh
nghiệm. Họ đến tìm tôi vì biết tôi trong nhiều năm qua đã có một chút cống hiến
đối với việc tổ chức, hợp tác, trợ giúp giữa tôn giáo và các cộng đồng với
nhau. Tuy nhiên tôi chỉ có mọt chút kinh nghiệm nhỏ bé để cống hiến cho họ tham
khảo mà thôi. Chúng tôi đã trò chuyện thật cởi mở và vui vẻ trong buổi gặp gỡ
vừa qua.
Môn học này đối với xã hội hiện tại có thể nói là vô cùng cần
thiết và cấp bách, bởi vì chúng sanh đang sống trên quả địa cầu này đều ý thức
được rằng: Thế giới hiện nay quá loạn, tai nạn dồn dập, hầu hết mọi người đều
có cảm giác không an toàn đây là tất cả hiện tượng của thời đại .
Nay nhìn thấy những vị Viện trưởng, những vị Giảng Sư Đại học
có thể đề cập đến vân đề này, tôi vô cùng cảm động và tán thán họ có được tư
tưởng và cách làm việc như vậy. Trong Phật pháp gọi đó là Phật, Bồ Tát, Đại từ
Đại bi cứu khổ, cứu nạn. Trong tôn giáo của Tây phương gọi đó là sứ giả của
Thượng Đế. Dựa vào những điểm này tôi có thể nói rằng thế giới đã loé lên một
luồng ánh sáng vì có những người đáng quí như vậy xuất hiện, nên tôi hết lòng khuyến
khích họ.
Hai chữ Hòa Bình, hầu như mọi người mỗi ngày đều mong
cầu, sự mong cầu này đã trải dài qua mấy ngàn năm, mấy vạn năm, hình như niềm
hy vọng hòa bình càng lúc càng thấy mỏng manh. Nguyên do vì đâu? Đối với
ý nghĩa bên trong của văn hóa ngoại quốc tôi không hiểu, nhưng đối với văn tự
của Trung Quốc, ý nghĩa hai chữ Hòa bình rất sâu rộng, trong đó bao gồm cả nhân
quả.
HÒA: là mọi người hòa thuận đối xử
với nhau, tối thiểu các chúng sanh sinh sống trên quả địa cầu này đều cần phải
hòa thuận đối xử, dĩ nhiên trong ấy bao gồm cả việc tôn trọng, yêu kính, chiếu
cố lẫn nhau hợp tác giúp đỡ với nhau làm việc, đây chính là nội dung của việc
hòa thuận đối xử, là kết quả mà chúng ta mong cầu. Còn Nhân là gì?
Nhân là bình.
BÌNH là mỗi người có thể đối
xử bình đẳng với nhau, thì quả sẽ hiện thành, nếu như mong cầu được quả báo tốt
mà cứ mãi tạo nghiệp xấu làm sao có kết quả tốt được? Cho nên ý nghĩa của văn
tự Trung Hoa rất là sâu sắc, muốn đạt đến chỗ thế giới được hòa bình, xã hội
được ổn định, quyết phải thực hành ngay trong tâm của mỗi người chúng ta.
- Trước tiên phải đối xử bình đẳng với tất cả mọi người mọi
vật.
- Thứ hai, trong hoàn cảnh sinh hoạt của ta bao gồm tất cả
thực vật, khoáng vật ở chung quanh, chúng ta đều phải bình đẳng đối
xử.
- Thứ ba, là đối với thiên địa, quỉ thần, chúng ta vẫn phải
bình đẳng tôn kính.
Nếu thực hiện tốt ba sự quan hệ này Hai chữ Hòa thuận mới có
thể hiện thực.
Người với người hòa thuận
Người với đại thiên nhiên hòa thuận
Người với thiên địa quỉ thân hòa thuận, chắc chắn sẽ có hòa
bình
Nếu như chúng ta vừa khởi tâm động niệm chỉ nghĩ đến lợi ích
của mình, nghĩ đến việc làm đó có phù hợp với lợi ích của mình không? Như
vậy, \/ĩnh viễn sẽ chẳng bao giờ hy vọng có hòa bình. Chúng ta thường thấy
những bài diễn văn của những vị lãnh tụ giữa các quốc gia, hầu hết đều chỉ đề
cập đến những việc làm nào phù hợp với lợi ích quốc gia của mình Nếu còn mang ý
niệm như vậy thì Hòa bình sẽ không bao giờ có hy vọng Giả như mỗi vị lãnh tụ
của mỗi quốc gia khi khởi tâm động niệm đêu biết nghĩ rằng: Việc làm của mình,
cách suy nghĩ của mình có phù hợp với lợi ích cho nhân loại trên toàn thế giới
của quả địa cầu này không? Được như vậy, hòa bình của thế giới mới có nền tảng,
nếu chỉ biết nghĩ đến lợi ích riêng tư của mình, của quốc gia mình, không đoái
hoài, suy nghĩ đến lợi ích của quốc gia khác, thì giữa người với người, giữa
quốc gia với quốc gia, giữa chủng tộc với chủng tộc, giữa tôn giáo với tôn giáo
làm sao lại không phát sinh xung đột?
Dù là niềm tin của tôn giáo nào, vừa khởi tâm động niệm,
quyết định phải nghĩ đến việc làm đó có phù hợp với lợi ích cho tất cả các tôn
giáo khác không? Đây mới thật sự là nguồn gốc của Hòa bình.
Ai là sứ giả của Thượng Đế? Ai là Phật, Bồ Tát? Là những
người thật sự phát tâm hy sinh, phụng sự và cống hiến, khởi tâm động niệm luôn
vì người chẳng hề vì cá nhân mình. Trong lúc giảng kinh, tôi thường nói: Quí vị
lần này đến thế gian để làm người, đại đa số là do nghiệp lực dẫn tới, bản thân
tôi cũng vậy.
Vì sao chúng ta phải học Phật? Vì Phật pháp dạy chúng ta
có thể tự chính mình chuyển nghiệp lực thành nguyện lực, đây là sự chỉ dạy
không thể nghĩ bàn.
Thế nào là “Nghiệp lực”? Mỗi một ý niệm chỉ nghĩ cho cá
nhân, đó là nghiệp lực. Chỉ cần quí vị còn giữ một chút ý niệm vì lợi ích
cá nhân, cho dù quí vị tu hành như thế nào hoặc giỏi đến đâu cũng không thể
chống chọi lại với nghiệp lực.
Trong nhà Phật thường nói: “Tín, Phật, chúng sanh, tam vô sai
biệt, tạm dịch: “Tin - Phật - Chúng sanh, ba thứ không hề sai biệt. Đó là
Tâm lực - Phật lực - nghiệp lực. Ba thứ lực lượng này đều lớn như
nhau. Chúng sanh thuộc về nghiệp lực giả như chúng ta biết kết hợp hai lực
lượng của Tâm lực và Phật lực, chắc chắn chúng ta sẽ vượt khỏi được
Nghiệp lực.
Lực lượng của tâm là sức mạnh của sự chuyển biến trong tâm,
trong tư tưởng của chúng ta. Lực lượng của Phật là Phật lực gia trì, nhờ hai
lực lượng này để chuyển nghiệp lực.
Nếu không như thế, cho dù quí vị có xuất gia đi nữa cũng
không thể chuyển nghiệp lực được. Điều này tôi rất có kinh nghiệm, đây là một
điển hình thực tế mà tôi đã từng nói với nhiều người.
Khi tôi xuất gia, tôi với hai người bạn thân, cả ba chúng tôi
đều cùng chung chí hướng và tâm đạo giống nhau. Trong cùng một năm, tôi với hai
thày Minh Nghiêm và Pháp Dung đồng thời thọ giới. Những người xem tướng bói
toán đều nói số mạng của cả ba người chúng tôi không qua khỏi 45 tuổi, phước
mỏng đoản mạng.
Trong lòng chúng tôi đã biết rõ điều này, nên sau khi xuất
gia, cả ba người đều vô cùng siêng năng tinh tấn. Đặc biệt là thày Minh Nghiêm,
hết sức dõng mãnh tinh tấn, nghiêm trì giới luật. Trong suốt 50 năm qua, tôi
chưa từng thấy ai có thể hơn thày ấy.
Tháng hai, năm 45 tuổi thày Pháp Dung ra đi, tháng năm, thày
Minh Nghiêm cũng ra đi, tháng bảy, tôi bị một trận bịnh nặng. Tôi tự nghĩ, cả ba
người chúng tôi thật sự không thể sống qua năm này. Lúc đó, tôi đang tham dự
mùa an cư, kiết hạ ở chùa Đại Giác tại Cơ Long, thày trụ trì là Hòa Thượng Linh
Nghiêm, Hòa Thượng bảo tôi giảng kinh Lăng-Nghiêm, tôi mới giảng tới tập thứ
ba, vì mang bệnh nặng nên không thể giảng tiếp, tôi tự biết giờ chết đã đến nên
không đi khám bác sĩ, không uống thuốc. Bởi vì bác sĩ chỉ có thể chữa bệnh chứ
không thể chữa mệnh, nếu như mạng sống đã hết, thuốc men cũng chẳng thể làm gì
được.
Tôi chỉ còn cách niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, niệm Phật hơn
một tháng, sức khỏe dần dần hồi phục trở lại và mãi cho đến ngày hôm nay tôi
chưa từng bị bịnh nặng lần thứ hai. Sau trận bịnh đó, khoảng một năm sau, tôi
dự pháp hội Luân Vương gặp Ngài Can Trúc (Ngài Cam Túc là Lạt Ma tái sanh),
ngài là bạn cũ của tôi và cũng là học sinh của Chương Gia Đại sư, Ngài lớn hơn
tôi khoảng 16, 17 tuổi, chúng tôi gặp nhau ở trong pháp hội, ngài nói với tôi:
“Chúng tôi thường nói chuyện về thầy, một người giỏi dắn thông minh, nhưng rất
tiếc đoản mạng, không có phúc báo”.
Tôi nói: “Những điều này có thể nói thẳng với tôi, không cần
phải nói sau lưng, vì tôi biết và tôi cũng sẵn sàng chấp nhận”.
Ngài nói tiếp: “Mấy năm nay thầy giảng kinh thuyết pháp,
hoằng pháp lợi sanh, tướng của thầy đã hoàn toàn thay đổi, thầy chẳng những
trường thọ mà còn có đại phúc báo nữa”.
Qua những điều kể trên, chúng ta phải khéo biết phản tỉnh. Vì
sao hai thầy Minh Nghiêm và Pháp Dung tinh tấn dõng mãnh như thế mà vẫn không
thể chuyển đổi mạng số? Bởi vì hai thầy chỉ vì mình, sở dĩ tôi có thể kéo dài
tuổi thọ chuyển đổi mạng số bởi tôi không vì cá nhân tôi, tôi vì chúng sanh, vì
Phật Pháp, đây thuộc về tâm linh.
Sau khi học Phật, tôi hiểu rõ Phật pháp vô cùng thù thắng, vô
cùng hoàn mỹ, nhưng rất tiếc không có người hoằng dương. Nếu như chúng ta không
biết thì chẳng nói làm gì! Một khi đã biết mà không gánh vác trách nhiệm
phục hưng giáo pháp, chúng ta có lỗi với Phật Đà, có lỗi với thầy Tổ, có lỗi
với chúng sanh và có lỗi với chính mình, tôi quan niệm như vậy.
Học Phật, thế nào gọi là học Phật? Là học theo đức Phật Thích
Ca Mâu Ni. Phật Thích Ca Mâu Ni, tâm của Ngài như thế nào? Hoàn toàn mang tấm
lòng vì tất cả chúng sanh, không hề mang tâm nghĩ cho cá nhân Ngài, nếu vì
Ngài, thì Ngài đã trở về làm Quốc Vương rồi, bởi Ngài là Hoàng Tử, kế thừa ngôi
vua, vì sao Ngài lại không chịu làm vua để hưởng thụ? Vì sao Ngài lại buông xả
cuộc sống hưởng thụ vinh hoa phú quý? Bởi vì sao? Vì Ngài muốn giúp đỡ những
chúng sanh khổ nạn, muốn giúp những chúng sanh đang bị khổ nạn mà không hòa
mình chung sống thì làm sao có thể giúp đỡ họ được? Ai có thể tin tưởng? Vừa
trông thấy hình dáng của một vị Hoàng Tử, người ta đã chạy trốn từ đàng xa rồi,
không ai dám gần gũi, cho nên ngài phải sống một cuộc đời giống hệt như những
chúng sanh khổ nạn vậy.
Đạo lý này, tất cả quý vị đồng tu ở Singapore đã từng trông thấy và
nghe về bà cụ Hứa Triết. Tất nhiên sẽ hiểu rất rõ vì sao bà cụ Hứu Triết phải
sống vô cùng khổ cực như vậy?
Cuộc sống của bà gần như giống đức Phật Thích Ca, ngày ăn một
bữa rau tươi, các thứ dầu, muối, gia vị đều không dùng, sinh hoạt vô cùng đơn
giản. Khi tôi hỏi đến thì bà cụ trả lời: “Tôi muốn giúp đỡ, chăm sóc những
người nghèo cùng nhất, nếu cuộc sống của tôi không giống như họ, họ sẽ không
nhận sự chiếu cố của tôi”.
Áo quần của bà cụ Hứa Triết mặc là do lượm từ trong những
thùng rác, quần áo nào vừa thì bà giặt sạch sẽ để mặc, quần áo nào không vừa,
thì tự sửa lại, chưa bao giờ tốn tiền mua sắm áo quần.
Năm nay bà đã 104 tuổi rồi, thân thể khỏe mạnh như người trẻ
tuổi. Cuộc sống như bà cụ mới thật là cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn. Hơn 100 tuổi,
chưa từng đau ốm qua, một chút bệnh tật cũng không có. Tôi quan sát kỹ thấy bà
cụ chỉ mất có mỗi một cái răng, tóc bà có bạc nhưng thể lực khoẻ mạnh như người
ở tuổi 30, 40. Hiện nay bà vẫn đang tiếp tục săn sóc những người nghèo khổ
nhất, đa số là những người già 60 – 70 tuổi, bà cụ Hứu Triết năm nay 104 tuổi
mà vẫn còn chăm sóc người già 60 – 70 tuổi, đại chúng trong xã hội, không
ai mà không tôn kính bà cụ.
Chúng tôi cũng thường tặng một ít tiền bạc cho bà, bà liền
dùng tiền đó tiếp tục đi giúp những người nghèo khổ.
Qua hình ảnh này quý vị mới biết Phật Thích Ca Mâu Ni vì sao
Ngài phải sống một cuộc sống như thế!
Hôm nay, chúng ta là những người đệ tử của Phật, đang được
thừa hưởng phước báo của Ngài, tiếp nhận sự cúng dường đầy đủ, phong phú của tứ
chúng, mà hành vi, việc làm của chúng ta thì quên hết tất cả những việc làm,
hành vi của Phật, chẳng giống Phật một chút nào. Cho nên chư cổ đức từng nói: “Trước
cửa địa ngục, người tu nhiều’’, những ai đọa địa ngục? – Người xuất gia.
Người xuất gia vì sao lại đoạ địa ngục? Bởi quý vị hưởng thụ
sự cúng dường của tứ chúng, mà không chịu học theo Phật, quý vị không đoạ thì
ai đoạ đây? Đương nhiên, ở xã hội hiện nay chúng ta nhìn thấy những người tạo
tội ngũ nghịch thập ác rất nhiều cho nên cảnh tượng ở dưới địa ngục hiện giờ
chen chúc nhau rất đông đảo náo nhiệt, người xuất gia sở dĩ bị đọa lạc, bởi vì
vô minh không hiểu, nên bị ảnh hưởng bởi phong khí của xã hội, tham đắm sư
hưởng thụ của ngũ dục lục trần, quên sạch hết việc hoằng pháp lợi sanh.
Thế giới hiện nay, nếu không được Phật lực gia hộ thì chắc
chắn sẽ được yêu ma quỉ quái gia trì, việc này tôi nhìn thấy rất rõ.
Yêu ma quỉ quái gia trì cho quý vị bằng cách nào? Tăng
trưởng tham, sân, si, mạn, khiến cho tham sân si mạn của quý vị mỗi năm mỗi
tăng trưởng, đó là Ma đang gia trì cho quý vị, tiền đồ tương lai một màu đen
tối!
Những “Phật sự hình thức” không ngừng tái diễn để lừa gạt tín
đồ Phật tử, lừa gạt những thiện nam, thiện nữ tốt lành của thế gian, tội của
quý vị sẽ nặng biết chừng nào! Tâm của quý vị không phải là tâm của Phật. Tâm
của Phật là tâm từ bi, tâm bình đẳng, tâm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Hành
vi của quý vị không phải là hành vi của Phật, vì hành vi của Phật tối thiểu
phải có thập thiện ngũ giới. Chúng ta chưa thực hành được như vậy. Hành vi tối
thiểu của người xuất gia là Sa di mười giới, hai mươi bốn điều uy nghi, thật sự
làm được như thế, quý vị mới có thể gọi là người xuất gia, là người chỉ thực
hiện tới mức tiêu chuẩn tối thiểu, chứ chưa phải là tiêu chuẩn cao, tối thiểu
phải được như vậy, không thể kém hơn.
Nếu như không có mười giới, hai mươi bốn điều uy nghi, quý vị
không phải là người xuất gia, là người giả mạo làm đệ tử Phật, không phải là
người thật sự xuất gia, nếu lại ngay đến “Đệ tử quy” cũng không thể thực hành,
quý vị không phải là học trò của Khổng Lão Phu Tử.
Tiêu chuẩn hành trì trong giáo dục của nhà Nho, thấp nhất là đệ
tử qui, đó là bài học của những em nhỏ 5 -6 tuổi. Hôm nay chúng tôi đặc
biệt nhấn mạnh quý vị phải nỗ lực học tập là bởi vì sao? Vì xưa kia lúc còn nhỏ
quý vị chưa được học, hiện giờ đã 30, 40 tuổi rồi, qua một thời gian lâu dài
như thế đã tập thành nhiều thói hư tật xấu, những tập quán không tốt lành, chỉ
cần quý vị mở quyển sách Đệ Tử Quy, quyển Thái Thượng Cảm Ứng Thiên và Sa Di
Luật Nghi ra xem, những gì quý vị chưa thực hiện được đều do tập khí xấu.
Cư sĩ tại gia không thực hiện được, lỗi đó còn nhẹ, tu sĩ
xuất gia mà không thực hành được, tội lỗi của quý vị mới thật là nặng. Cho nên
Ngài Ấn Quang Đại Sư cả một đời không làm việc thế phát cho ai (không xuất gia
cho người), nguyên do vì đâu? Cuộc đời của Ngài có “ba điều KHÔNG”, đó là:
- Không xuất gia cho người.
- Không truyền giới.
- Không làm trụ trì
Ngài không thế phát (xuất gia) cho người là đại từ đại bi,
bởi vì sao? Vì xuất gia cho một người là khiến cho một người đoạ xuống A Tỳ địa
ngục, Ngài không nhẫn tâm để cho quý vị đọa địa ngục. Bởi người xuất gia là
tượng trưng cho Phật, cho hình tướng của Phật, nếu quý vị làm không giống Phật,
khiến cho người thế gian nhìn thấy rồi huỷ báng Phật pháp, huỷ báng người xuất
gia, tội của quý vị lớn biết chừng nào!
Quý vị là người đại diện cho hình tướng của Phật, Bồ Tát, nếu
như hình tướng của quý vị có thể khiến cho xã hội đại chúng nhìn thấy, phát tâm
tôn kính và tán thán, công đức của quý vị vô lượng vô biên. Ngược lại quý vị
khiến cho người khác huỷ báng, chửi mắng Phật. Tội lỗi của quý vị là ở A Tỳ địa
ngục. Tổ sư không xuất gia cho người đó thật sự là do lòng đại từ đại bi.
Ngài không làm trụ trì, vì trách nhiệm của trụ trì quá lớn,
giống như Hiệu trưởng vậy. Sứ mạng là giáo hóa dân chúng cả một vùng, Ấn tổ có
khả năng không? Ngài có khả năng, nhưng không có người cấp dưới có thể hợp tác.
Như một người hiệu trưởng không có người đồng tâm hiệp lực, không thể xây dựng
tốt một trường học.
Cho nên làm trụ trì của một chùa không phải là chuyện
đơn giản để làm, một người trụ trì tốt, tối thiểu phải có thêm ba người chấp sự
chính yếu tốt, giống như trường học, ngoài hiệu trưởng tốt, cần có người giáo
vụ tốt, người tổng vụ tốt và người huấn đạo tốt, thêm vào đó cần có giáo viên
tốt nữa thì trường học mới tốt được. Ấn tổ thật sự không dám đảm nhận vì không
có người có thể hợp tác với ngài.
Cho nên chúng ta hãy nghĩ xem muốn xây dựng một đạo tràng tốt
còn khó làm được, huống hồ hiện giờ trường Đại học muốn đẩy mạnh công tác xây
dựng hòa bình, an định xã hội trên toàn thế giới, thật không phải là chuyện dễ
dàng.
Ngày hôm qua tôi nói với những vị giáo sư phụ trách về môn
học này và vị Viện trưởng của trường Đại học Queensland rằng:
“Muốn thực hiện công tác này, điều khó khăn nhất là tìm đâu
ra người thật sự chịu hy sinh, sẵn sàng phụng sự và cống hiến”.
Đây là điều kiện tiên quyết của thế và xuất thế gian pháp, quan
trọng nhất là do ở con người. Không có nhân sự cho dù nguyện vọng, lý tưởng có
tốt như thế nào đi nữa cũng không thể thực hành. Nhân sự là quan trọng nhất.
Thật tình mà nói hiện giờ chúng ta có đầy đủ về mọi mặt, duy
chỉ thiếu nhân sự. Chúng tôi hy vọng những vị Viện trưởng, các vị giáo sư phát
tâm chân thành, mong cầu Phật, Bồ tát, hy vọng Phật, Bồ tát, Thánh thần
thật sự phái Bồ tát, phái sứ giả đến. Ngoài phương pháp này ra không còn cách
nào hơn.
Khởi tâm động niệm, không nên vì cá nhân ta, phải hết lòng
tình nguyện sống một cuộc sống khổ cực nhất để vì mọi người. Ta sống khổ một
chút thèm một phần phước báo cho người khác. Ta hưởng thụ thêm một chút thì
người khác phải chịu khổ thêm một phần. Ta sớm một ngày thành tựu, chúng sanh
sẽ sớm một ngày được phước. Ta trễ một ngày thành tựu, chúng sanh sẽ bị khổ
nhiều hơn. Phải có tư tưởng, nguyện vọng như thế mới được. Người như vậy biết
tìm đâu ra bây giờ?
Người Trung Quốc xưa thường nói: ”có thể gặp mà không thể
cầu”. Tuy nhiên, hiện nay trường Đại học mở môn học này, “đã có hơn một trăm
người tự động đến ghi danh” đây là lời nói của những vị giáo sư tổ chức nói với
tôi.
Tôi tin tưởng trong số hơn một trăm người của hai trường học
đó chắc chắn là có người do thừa nguyện tái lai đến để cứu vãn tai nạn của thế
giới. Ngày hôm trước chúng tôi đến thăm trường Đại học Griffith,
gặp cả hai vị Viện trưởng của hai trường Đại học Griffith
và Queensland.
Hai vị này đều vô cùng nhiệt tâm với nền giáo dục xã hội đa nguyên văn
hóa.
Tôi nói: “Tôi không bì được với hai ông, quý ông thật sự phát
tâm làm công việc này. Tôi sẽ tận lực, tận tâm để hợp tác”.
Trong quý vị những người xuất gia đây, chưa có người thành
tựu, tôi tin rằng, trong số học sinh tình nguyện ghi danh của hai trường Đại
học đó rất có thể có Phật, Bồ tát tái lai. Tôi rất vui khi nhìn thấy tinh thần
nhiệt thành của hai học viện này. Họ tự động đến tìm tôi, không phải tôi
đi tìm họ. Tôi còn biết hiện nay trên thế giới có tám trường Đại học đã có cùng
một lý tưởng, quan niệm vì nền hòa bình của thế giới và đang hướng về mục tiêu
này đẩy mạnh.
Tôi nói: “Đây chính là cội nguồn ánh sáng của thế giới”, nghe
xong họ gật đầu khẳng định. Thật sự đây là luồng ánh sáng của thế giới, bởi vì
thế giới vẫn còn có thể cứu vãn. Cho nên tôi thường khuyên quý vị đồng tu, có
phải lần này chúng ta đến thế gian đây để ứng kiếp? Nghĩa là trong đại tai kiếp
của thế giới này. Chúng ta đến đây tham gia hủy diệt và hưởng ứng với đại tai
nạn đại tai kiếp để cùng nhau đi đến chỗ tận diệt?! Hoặc là quý vị đến thế gian
này để cứu vãn tai kiếp? Nếu như nói rằng có khả năng cứu vãn tai kiếp.
Vấn đề không phải là có khả năng hoặc không có khả năng, phải
xem quý vị có phát tâm hay không? Phàm Thánh khác nhau chỉ trong một niệm, một
niệm xả kỷ vị tha tức là chuyển phàm thành thánh, còn như không chịu vứt bỏ
tánh ích kỷ, không chịu sửa đổi thói hư tật xấu, thì quý vị chính là người đến
đây để hưởng ứng tai kiếp, không thể tránh thoát tai nạn.
Thực tế mà nói, chúng ta quyết định không cần phải trốn tránh
tai nạn, đối với tai nạn chúng ta không hề sợ hãi, chỉ có một nguyện vọng duy
nhất là tận tâm tận lưcï giúp đỡ những chúng sanh đang bị khổ nạn trên thế
giới. Một nguyện vọng duy nhất này thôi. Sự sống chết, tồn vong của chính mình
đều đã buông bỏ hết, hà huống là những thứ khác.
Con người sống ở thế gian, nếu chỉ biết vì mình, quý vị sẽ bị
nghiệp lực chi phối cả một cuộc đời của quý vị. Hãy đọc sách Liễu Phàm Tứ Huấn
sẽ tự rõ, ngược lại nếu biết vì chúng sanh, lập tức sẽ chuyển nghiệp lực thành
nguyện lực. Sự chuyển biến này, trong Phật Pháp thường nói là thừa nguyện tái
lai, nghĩa là ta cởi bỏ được nghiệp lực, vì nguyện lực đã thù thắng.
Do nguyện lực mà sống ở thế gian thì rất tùy duyên, chúng
sanh có phước, ta vì họ phục vụ thêm ít ngày, chúng sanh không có phước thì ta
phục vụ họ ít đi vài ngày. Thời gian trụ thế dài hay ngắn đã không còn liên
quan gì với cá nhân ta nữa mà tùy xem phước báo của chúng sanh. Đối với Phật
Pháp, Phật Pháp tự sẽ có Phật Bồ Tát an bài chúng ta không cần phải bận tâm.
Việc hưng thịnh của Phật pháp chúng ta đã nhiều lần đọc kinh Hoa Nghiêm, biết
đó là do chư Phật Bồ Tát ứng hóa đến đây.
Chúng sanh không có phước, muốn tạo đại tai kiếp, nên chư
Phật Bồ tát tạm thời lánh đi, chờ khi tai kiếp qua rồi, các Ngài sẽ trở lại,
Phật, Bồ tát chiếu cố chúng sanh, thật không sơ sót chỗ nào, trong Phật pháp
thường nói:“Phật thị môn trung, bất xả bất nhân” nghĩa là “trong nhà Phật chẳng
hề từ bỏ một ai”.
Cho nên tâm của chúng ta phải tương ưng với tâm của Phật. Thế
nào là tâm Phật? Chúng tôi học Phật đã được nửa thế kỷ rồi, các vị giáo sư hỏi
tôi dạy học đã được bao lâu?” Tôi nói: “Đã được 44 năm”, tôi tổng kết tâm
Phật lại thành mười chữ, đó là tâm: chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh
giác, từ bi.
Quý vị nên nhớ, chẳng phải Phật có năm cái tâm, chỉ có duy
nhất một tâm, trong đó đầy đủ chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ
bi. Đây là tâm của Phật. Còn hành vi của Phật là nhìn thấu, buông xả, tự tại,
tùy duyên niệm Phật.
- Buông xả là gì? Là buông bỏ những thói hư tật xấu của chính
mình.
- Nhìn thấu là đối với thế và xuất thế gian pháp như trong
kinh Bát Nhã nói: chư pháp thật tướng hoặc trong kinh Đại thừa thường nói: Tín,
Tướng, Sự, Lý, Nhân, Quả, quý vị đều hiểu thấu gọi là nhìn thấu.
Chân tướng là gì? Trong kinh Kim Cang nói rất rõ: ”Phàm sở hữu
tướng, giai thị hư vọng”. Phật nói rất hay, tất cả các tướng đều “vô sở hữu,
tất kính không, bất khả đắc” lời nói này hoàn toàn là sự thật.
Ngày hôm qua chúng tôi đến thăm trường Đại học Griffith, hôm nay họ mang
tấm hình chụp đến cho tôi. Tôi xem qua, liền thấy rõ “vô sở hữu, tất kínhkhông,
bất khả đắc”. Quý vị xem trong một tích tắc chụp hai tấm ảnh, tấm ảnh sau,
tuyệt đối không thể là tấm ảnh trước, thời gian rất ngắn trong một tích tắc
thôi, một khi nó qua rồi chúng ta không thể kéo lại được, quý vị nói có thể
chiếm hữu nó được không? Chẳng được gì cả. Cho nên quý vị chỉ cần nhìn tấm ảnh
đã chụp, cũng có thể tự biết thức tỉnh khai ngộ và sẽ minh tâm kiến tánh, biết
nó là giả là không.
Ngày nay chúng ta bị mê, mê ở chỗ nào? Ở chỗ xem những tướng
hình ảnh nối liền nhau cho là thật, như vậy mới bị thiệt thòi lớn, nên nhớ mọi
vật chẳng có gì là thật cả, tất cả đều “tất kính không, bất khả đắc”. Quý vị
một khi hiểu rõ được đạo lý này rồi, còn gì mà không thể buông xả? Buông bỏ đi
những ích kỷ, những phiền não, thói hư tật xấu để thuận theo lời răn dạy của
Phật vì tất cả chúng sanh khổ nạn làm tấm gương tốt, được như thế thật là công
đức vô lượng. Chỉ có vô lượng công đức này quý vị mới có thể mang theo, ngoài
ra không có một thứ gì có thể mang theo được. Người thông minh nên tạo những
điều có thể mang theo, ngược lại thì không nên làm.
Chúng ta hãy nhìn xem, cái bịnh nghiêm trọng nhất của xã hội
đại chúng ngày nay là gì? Con người ngày nay thật là bất trung, bất hiếu, bất
nhân, bất nghĩa. Trong nhà Phật dạy chúng ta cách đối trị nghĩa là chúng ta
phải làm tấm gương Trung, Hiếu, Nhân, Nghĩa ra cho mọi người thấy.
- Mặt trái của hiện tượng xã hội ngày nay là tham lam. Phật
dạy chúng ta bố thí, nhiệt tình giúp đỡ người khác, chínhï mình không có mà vẫn
có thể giúp, cho dù ngày mai không có ăn, hôm nay còn một chút ta vẫn sẵn sàng
bố thí mặc cho ngày mai không còn.
- Chúng sanh đều tạo ác nghiệp. Chúng ta học trì giới, trì
giới đối trị ác nghiệp.
- Chúng sanh đa số đều hay sân hận, đố kỵ, chúng ta tu nhẫn
nhục để đôi trị.
- Chúng sanh giải đãi, lười biếng. Chúng ta tu tinh tấn.
Phải thực hiện tốt sáu điều này ngay ở bản thân ta để làm
gương cho mọi người xem, không cần phải nói nhiều. Vì có nói nhiều cũng không
ai chịu nghe, phải thực hành cho người ta thấy, sau khi ta học Phật quả nhiên
đã có nhiều thay đổi so với ngày xưa, tất cả những thói hư tật xấu trước kia
nay đã hoàn toàn sửa đổi.
Gần đây, tu viện trên núi Toowoomba, có cư sĩ Hứa Thu Diệp đã
khiến chúng tôi rất thán phục, cư sĩ này có nhiều tật xấu, nay đã hoàn toàn
thay đổi, chính bà cũng cảm thấy ngạc nhiên, bà nói: có lẽ do Tam Bảo gia hộ,
vì mấy mươi năm qua bà đã có thói quen ngủ dậy rất trể thích “nằm nướng” khi
đến học viện đây rồi, vẫn phải nhờ cô giáo họ Dương gọi bà thức, khi cô Dương
gọi, bà nói: “cho tôi ngủ thêm một chút”, sau mười phút cô Dương trở vô gọi
tiếp. Bà nói: “thôi, hôm nay tôi nghỉ học, nghỉ niệm Phật một bữa”.
Đến nay bà có thể tự động thức dậy không cần người gọi nữa.
Mỗi sáng 5 giờ đã dậy công phu, ngày xưa nhất định phải ngủ tới 7, 8 giờ sáng
cho thấy bà đã tiến bộ dần. Cô Dương cũng rất giỏi, chương trình của học viện
là nghe giảng kinh 8 giờ và niệm Phật cũng 8 giờ đồng hồ nay cô đã thực hành
được 15 giờ mỗi ngày chỉ còn thiếu một giờ. Phải tự nơi bản thân mình thật sự dõng
mãnh tinh tấn, như thế mới gọi là người học Phật, gọi là tinh tấn.
Hôm nay chúng ta học Phật, tuyệt đối không thể đòi hỏi ở
người khác, yêu cầu người khác là sai lầm, xã hội hiện nay là xã hội dân chủ tự
do khai phóng, tôn trọng nhân quyền. Nếu chúng ta can dự vào người khác xem như
xâm phạm nhân quyền của họ cho nên chúng tôi không làm những điều này, nên nhớ:
thiên đàng, địa ngục tự mình đi, mỗi người đi theo con đường của cá nhân mình.
Trong lúc giảng pháp chúng tôi chỉ có thể khuyến khích mà không thể hạn chế quý
vị.
Nếu mỗi người ở đây đều chịu học, chịu làm thực hành như lý
như pháp, tôi rất vui và cùng quý vị ở đây tu hành. Giả như mọi người chỉ
thích nghe mà không thực hành, tôi cũng vẫn vui và không dự vào đoàn thể của
quý vị nữa, có thể tôi chỉ dùng một căn phòng nhỏ của học hội để làm chỗ nghỉ
ngơi và đến trường đại học để giảng dạy, tôi sẽ không trở lên Toowoomba nữa
.
Nếu không dạy ở trường Đại học, tôi sẽ đến một nơi khác, chỗ
nào có bạn đồng tu tôi sẽ đến đó, tôi chẳng bao giờ phải đắn đo chỗ nào có tai
nạn, có nguy hiểm, tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện này, ở đâu có bạn đồng tu
tôi sẽ đến đó.
Trong các kinh luận của đại, tiểu thừa, Phật thường nói điều
quan trọng đầu tiên trong việc học Phật của chúng ta là phải có thiện tri thức.
Thứ hai là có bạn đồng tu chân thật, thật sự phát tâm xả kỷ vị tha. Xả kỷ vị
tha biểu hiện ở đâu? Ở trên mặt hành vi. Quý vị có thể nói rất hay nhưng không
thực hành được đó là giả, không thật chút nào, cho nên chúng ta nhất định phải
thực hành cho bằng được để khắc phục phiền não, thói hư tật xấu của mình, thật
sự nỗ lực , cố gắng làm tốt hình tướng của Phật, Bồ tát.
- Xuất gia làm tốt hình tướng của người xuất gia.
- Tại gia làm tốt hình tướng của người tại gia.
Công đức thật là vô lượng vô biên. Cư sĩ Tưởng. khi mới đến,
ông ta cũng mang tật xấu đầy mình, sau khi ở đây tu học rồi trở về Vancouver.. ông đã hoàn
toàn đổi mới, thật đáng khen vô cùng chứng tỏ ông đã thật sự học, thật sư tu.
Nếu không, mang tiếng đến đây tu học, đó chỉ là giả danh mà thôi. Phải thật sự
biết ăn năn hối cải. Sửa đổi từ đâu? Từ Đệ tử quy, từ Thái Thượng cảm Ứng
Thiên, từ Sa Di luật nghi mà sửa lỗi. Sa Di Luật Nghi, tại gia cư sĩ có thể
học, phải thật sự sửa đổi.
Lần sau quý vị từ học viện Toowoomba xuống đây gặp tôi. Tôi
xem quý vị có thật sự thực hành, thật sự sửa đổi hay không? Nếu quý vị có thể
tự mình sửa đổi trở lại, quý vị sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người, đây mới là
công đức chân thật.
Xã hội đại chúng nhìn thấy với một người lớn tuổi, nhiều thói hư và tập quán
xấu, gần như không có cách cứu chữa mà vẫn có thể sửa đổi trở lại, quý vị nghĩ
xem, cách nhìn của họ đối với Phật pháp chắc chắn sẽ khác, bởi vì công đức của
Phật pháp, thật sự thù thắng không thể nghĩ bàn, có thể khiến cho một người
nhiều tập khí xấu như vậy quay đầu trở lại, từ đó mọi người mới có tín tâm để
học Phật, nghĩ rằng người đó có thể sửa đổi vì sao ta lại không?
Phải hy sinh, không tiếc thân mạng để làm người dẫn đầu trong
việc tu tập. Hôm nay thời gian đã hết, tôi chỉ có vài lời nói này để cúng dường
quý vị, ngày mai tôi phải đi Singapore,
cám ơn tất cả.
Tịnh Tông Học Hội Úc Châu,
Queensland
Ngày 31 tháng 01 năm 2002
Nguyệt San Liên Hoa Số 312 Tháng 12
năm 2003
Ban Biên Tập Thư Viện Hoa Sen
Thực Hiện