Ranh giới Mê & Ngộ
Ngọn lửa sân
20/04/2015 11:18 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Rất nhiều người theo đạo Phật để tìm kiếm sự giác ngộ nhưng bất kể bạn có là phật tử hay không thì bạn vẫn có thể học được nhiều điều bổ ích từ những lời dạy trong kinh Phật.

Bạn có bao giờ nổi giận chưa? Chắc chắn là rồi. Chẳng có ai chưa một lần nổi giận bởi chúng ta đều là con người, là phàm phu vẫn đầy những tham – sân – si. Và khi tức giận bạn hoàn toàn có khả năng để làm tổn thương người khác.

Đức Phật đã dạy: “Giữ sự tức giận giống như nắm than nóng trong tay với ý định muốn ném nó vào người khác. Bạn là người đầu tiên bị thiêu cháy”. Kết cục của sự tức giận chỉ làm tổn thương chính mình và nguy hiểm hơn nữa khi bạn trút sự tức giận ấy lên những người xung quanh. Sự tức giận khi đó có thể phá hoại rất nhiều thứ, đấy là lý do tại sao sẽ tốt hơn nếu bạn biết cách giải thoát những tức giận trong mình.

Có một câu ngạn ngữ đã viết: “Gậy và đá có thể làm gãy xương tôi nhưng những lời nói sẽ không bao giờ làm đau được tôi”. Thật không may khi điều đó lại không phải sự thật. Ngôn ngữ có thể làm chúng ta đau, đấy là điều mà đức Phật muốn nhấn mạnh khi khẳng định: “Cái lưỡi giống như một con dao sắc có thể giết người mà không cần đổ máu”. Hãy cẩn thận trong từng lời nói bởi vì những câu nói cay nghiệt, tàn nhẫn thực sự có thể làm đau ai đó. Khi tức giận lời nói trở thành vũ khí sắc bén nhất để bạn tấn công đối phương chứ không phải bằng hành động. Khi đó bạn chỉ muốn nói sao cho thỏa cơn tức của mình mà không hề nghĩ đến cảm xúc hay suy nghĩ của người khác. Chính sự tức giận đã làm bạn mất đi ý chí và sự tỉnh táo vốn có của mình.
 
Tức giận còn gây ra ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bạn. Bác sỹ U Aung Thein trong bài viết về Thiền Phật giáo với sinh học (Buddhist Meditation and Bioscience) đã giải thích rằng những cảm xúc bất ổn như sự tức giận có thể làm đảo lộn sự cân bằng sinh học của cơ thể. Những hóa chất do cơ thể phóng thích là kết quả từ những cảm xúc này. Chúng gây tác hại lên nhiều cơ quan như tuyến giáp, tuyến thượng thận, bộ phận tiêu hóa và cơ quan sinh sản.

Chẳng hạn sân hận làm phóng thích chất epinefrine lần lượt gây tăng huyết áp, tăng nhịp tim và đẩy mạnh sự tiêu thụ oxygen. Tình trạng bất ổn kéo dài hoặc lặp đi lặp lại thường xuyên sẽ đưa đến nhiều bệnh tật như loét tiêu hóa, chứng khó tiêu, bệnh tim mạch và thậm chí cả bệnh ung thư.

Không những vậy, mỗi khi sân hận nổi lên bạn sẽ thấy khuôn mặt mình rất khó coi. Nếu như bạn có thể nhìn vào gương khi tức giận thì có thể thấy rõ hình ảnh của mình. Chẳng có ai tức giận mà đẹp được cả. Lúc đó hai mắt của ta nổi vằn đỏ, khuôn mặt cau có nhìn rất đáng sợ. Đặc biệt khi tức giận những nếp nhăn sẽ sớm xuất hiện và nhíu mày nhiều sẽ làm bạn già nhanh hơn. Chắc hẳn ai cũng muốn mình trẻ lâu, vậy cớ sao bạn lại nuôi sự tức giận trong người.

Thông thường có hai cách mà chúng ta hay được khuyên để giải tỏa cơn tức giận. Đó là kìm nén và bày tỏ. Có người nói khi tức giận hãy kìm lại nó bằng cách đấm vào gối hoặc lên sân thượng hét lớn. Nhưng thiền sư Thích Nhất Hạnh lại không đồng ý với quan niệm này. “Khi bạn biểu lộ cơn giận dữ của mình, bạn sẽ nghĩ rằng bạn xả được giận. Nhưng điều đó không đúng”. Ngài nói: “Khi bạn biểu lộ cơn giận, bằng lời hoặc bằng bạo lực, bạn đang nuôi dưỡng thêm mầm sân hận. Nó sẽ càng lớn lên trong bạn”. Thật vậy khi bạn kìm nén, cơn giận chỉ biến mất tam thời. Khi một chuyện phiền não nào xảy đến, nó trỗi dậy với một sức mạnh thật khủng khiếp.

Đức Phật luôn dạy mỗi phật tử: “Chiến thắng sân hận bằng lòng từ bi. Chiến thắng cái ác bằng cái thiện. Chiến thắng lòng tham bằng tâm bố thí. Chiến thắng sự dối trá bằng lòng chân thật” (Kinh Pháp Cú). Bất cứ khi nào tức giận bạn cần phải bình tĩnh, dùng tâm thanh tĩnh để quán chiếu sự việc. Bạn nên tự đặt câu hỏi cho mình như vì sao mình lại nổi giận? Liệu mình tức giận có giải quyết được mọi việc không? Người khác sẽ bị tổn thương nếu mình nói ra những lời giận dữ chứ? Cứ như vậy bạn sẽ cảm thấy tạm xa đi sự sân hận, để không có những lời nói hay hành động đáng tiếc gây tổn thương cho mình và những người xung quanh.

Chuyển hóa cơn giận hay bày tỏ là điều mà đạo Phật luôn dạy chúng ta hướng đến. Bằng lòng từ bi và ái ngữ chúng ta hãy bày tỏ nỗi lòng của mình. Nếu sự giận dữ đến từ phía chúng ta thì chúng ta cần nói rõ với đối phương điều ta không vừa ý ở họ. Có nói ra mới tìm được sự việc gây ra hiểu lầm, từ đó mới có thể cảm thông và tạo được sự gắn kết với nhau giúp giải quyết được vấn đề. Khi những khúc mắc được thông suốt thì lòng ta nhẹ nhõm và an nhiên.

Nếu cơn giận dữ đến từ phía người khác thì chúng ta đừng nên tranh cãi hay nói lại họ ngay lúc ấy. Bởi khi đó họ không còn bình tĩnh và sáng suốt để lắng nghe lời nói của ta nữa. Bạn hãy im lặng, tập trung vào hơi thở, thở nhẹ và sâu, sau đó trải lòng từ bi đến cơn giận dữ có thể đang trỗi lên trong mình. Dùng tình thương để ôm ấp cơn giận chứ không phải kìm nén nó. Hãy nhìn thật sâu vào bản chất của cơn giận, quán chiếu về những hậu quả khổ đau mà sự tức giận có thể gây ra cho mình và người. Khi chúng ta ôm cơn giận với tâm thương yêu như thế, chúng ta cũng có thể trải lòng thương yêu đến người đang nổi giận với ta. 

Chúng ta có thể quán tưởng rằng, chính người đó cũng đang đau khổ, họ đang có những vấn đề bất ổn ở trong lòng. Tại vì họ không biết cách giải quyết vướng mắc và chuyển hóa cơn giận như đức Phật đã dạy chúng ta nên mới có những cách hành xử không phù hợp như vậy. Vì thế họ đáng thương hơn là đáng giận. Với cách thức này thì cơn giận của chúng ta sẽ dần dần được chuyển hóa, năng lượng của cơn giận ấy sẽ không còn nữa, thay vào đó là năng lượng của sự tỉnh thức và lòng thương yêu, thương yêu chính mình và thương yêu mọi người.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch