Ranh giới Mê & Ngộ
Dứt Bỏ Ảo Tình
Tâm Minh ( Ánh Ngọc St )
05/07/2013 13:04 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Từ khi Phật Thích Ca Mâu Ni lại thành Xá Vệ thuyết pháp, giáo hóa đại chúng thì nhân dân toàn thành này trở nên có đạo đức, có lễ độ, lại biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, khiến cho nước Xá Vệ biến thành một cực lạc quốc. Tin này truyền đi gần xa, có một số người khác đạo ở nước La Kiệt Kỳ rất khâm phục uy tín Ðức Phật, liền không quản đường xá xa xôi, cố tìm đến nước Xá Vệ để cầu Phật dạy bảo. Nhưng trong khi chưa gặp được Ðức Phật thì bỗng xảy ra một chuyện rất trái ý ở giữa đường.

Số là nước Xá Vệ ở vào xứ nóng, thường có nhiều rắn độc, một khi rắn đã cắn phải người thì người ấy tức khắc chết liền, không có cách nào cứu sống được.

Hôm đó, người viễn khách vừa tới ngoài thành, ngồi nghỉ dưới bóng cổ thụ, nhìn xuống bên đường, thấy hai người, một già một trẻ, đang cuốc đất. Bỗng đâu có con rắn độc núp trong cỏ nhảy ra mổ chết người ít tuổi, người nhiều tuổi bỏ cuốc chạy lại thấy người ít tuổi đã tắt thở thì hơi lộ nét buồn rồi thản nhiên quay lại chỗ cũ cuốc đất.

Viễn khách thấy thái độ ấy làm lạ, liền tiến lại bên cạnh ông già mà hỏi rằng:

- Này cụ! Thanh niên vừa chết kia có là con cháu hay là gia nhân cụ?

Ông già đáp cách tự nhiên:

- Hắn là con tôi.

- Ủa, lệnh lang bị rắn cắn chết sao cụ lại không kêu gào khóc lóc thảm thiết như người xứ chúng tôi thường làm?

- Nó là con trai tôi đó, nhưng bây giờ đã chết rồi, thiết tưởng dù có khóc than chỉ là thêm phiền não mà cũng chẳng cứu sống lại được. Vậy khóc than có ích lợi gì?… Trầm ngâm một lúc, ông lão nói tiếp:

- Ông ạ! Con người ở đời trước sau thế nào cũng chết, khác nào như mọi sự vật, có thành tựu thời phải có hoại không, đó là hiện tượng tự nhiên của tuần hoàn, nếu mà lúc sống gây nhiều nhân thiện thì sau có báo ứng tốt, nhược bằng gây nhiều nhân ác thì có ác báo không sai. Nay đã chết rồi, thì dầu gì chăng nữa cũng là thừa.

Ông già nói xong thấy khách suy nghĩ đờ đẫn người ra liền hỏi:

- Phải chăng ông định tiến vào thành? Tôi muốn cảm phiền ông giúp cho một việc, phỏng có được không?

- Có việc gì xin cụ cứ nói!

- Thế thì hay lắm! Ðây: nhà tôi ở ngay cổng thành đi vào, quẹo sang bên phải bỏ gian đầu đến gian thứ hai ấy chính là nhà tôi. Vậy xin ông, khi đi qua, ghé vào nói giúp với bà nhà tôi rằng: Ðứa con đã chết, vậy trưa nay chỉ đem một xuất cơm cho tôi ăn mà thôi.

Viễn khách nghe ông già dặn thì điếng người, vừa đi vừa tự nghĩ: Ông già này keo quá, con đã chết mà còn đếm xỉa đến cả bữa cơm… Thật cả thế gian này cũng không đâu có người cha đến như thế! Kịp khi qua cửa thành, quẹo sang bên phải, cách hai nhà, quả nhiên thấy bà cụ vừa vặn đứng ở ngoài cửa. Viễn khách liền thi lễ và nói:

- Thưa bà, con trai bà bị rắn cắn chết, ông có nhắn tôi về bảo bà chỉ cần đem một suất cơm cho ông thôi.

Bà nghe khách nói xong thì tỏ vẻ buồn rầu thoáng qua nét mặt rồi trân trọng cảm tạ khách, viễn khách lấy làm lạ lùng hết sức và tự hỏi: “Tại sao bà nghe tin con chết mà không kinh hoảng hoặc té xỉu người đi???”. Liền hỏi luôn:

- Này bà, xin thứ lỗi cho tôi hỏi câu đường đột: Bà không thương xót lệnh lang hai sao?

Bà lão thong thả đáp:

- Thưa ông! Cái đạo con cái với cha mẹ là tự túc nhân nghiệp báo nên mới có sự thác sinh vào nhà chớ không phải là do cha mẹ mời vào mà được, đến khi họ chết, cũng là do mãn nhân, mãn nghiệp mà họ đi, nên cũng không thể lưu họ lại. Cha mẹ khác nào như người chủ quán trọ chiều nay có khách lại ngủ đỡ, sáng mai hay ngày kia khách lại ra đi, chủ quán không thể lưu lại. Ấy sự liên quan giữa cha mẹ và con cái cũng thế đó. Vậy thì: Có thương tiếc hay kêu gào khóc lóc liệu có thể cứu sống lại được người đã chết không? Hay chỉ là gây thêm phiền não mà chẳng có ích gì?

Nghe câu trả lời của bà cụ, khách rất hoang mang cho rằng vợ chồng ông già này quả thật là xứng đôi vừa lứa. Cả hai đều có một tấm lòng sắt đá giống nhau. Giữa lúc này, từ phía trong nhà, một người con gái đi ra, bà lão giới thiệu là chị gái người vừa chết. Khách liền hỏi ngay:

- Em trai cô vừa bị rắn cắn chết, chắc cô thương xót lắm nhỉ?

- Thương xót là lẽ thường, nhưng thương xót có thể cứu người em sống lại được chăng? Tôi tưởng: Chị em một nhà, khác nào như các cây gỗ ở rừng hạ xuống đóng thành cái bè rồi thả vào nước cho trôi. Nếu sông hồ phẳng lặng thì bè trôi mãi, bằng có cơn phong ba bão táp nổi lên đánh tan chiếc bè thì mỗi cây trôi đi mỗi ngả, có bao giờ còn hy vọng lắp lại liền với nhau? Tình chị em cũng thế. Ðó là nhân duyên kiếp trước hợp rồi sinh vào một cửa. Tuổi thọ cũng tùy nghiệp báo, có người ngắn có người dài, và ngày chết cũng là vô thường, không sao biết trước được. Nay em tôi chết, mặc dầu tôi là chị hắn, nhưng tôi có làm gì được đâu? Huống chi là khóc với lóc, có phải không ông?

Người này đang nói, bỗng ở đằng sau, thấy một người đàn bà nữa tiến ra, khi nghe cô chị nói xong thì kêu lên:

- Thế ra chồng tôi đã chết rồi?

- Ðúng đấy! Chồng bà đã bị rắn cắn chết ở ngoài đồng. Vậy bà đau buồn lắm thì phải?

- Thưa ông! Chồng chết ai không đau buồn, nhưng cái đạo vợ chồng ở đời khác nào như đôi chim trong rừng, tối đến cùng ngủ một cành, sáng ngày lại bay đi kiếm ăn, nếu có duyên thì trở về cùng nhau, nhược bằng gặp tai họa thì mỗi con bay đi một ngả. Ấy nghĩa vợ chồng ở đời là thế, mỗi người có một số mạng riêng, không làm sao mà nói được rằng: Chồng chết thay cho vợ, hay vợ chết thay cho chồng. Như thế khóc lóc phỏng có ích gì?

Viễn khách nghe lời mọi người trong gia đình này nói ra thì lòng sanh hoài nghi cho thế tục nhân tâm ở xứ này, liền hối hận đã mất công tìm đến xứ này để học cái hay cái tốt của Ðức Phật giáo hóa dân chúng; nào ngờ dân chúng như thế hỏi còn học được cái gì ở đây? Chi bằng lui gót trở về quê hương xứ sở là hơn. Nhưng hồi lâu lại nghĩ: Mình chưa được gặp Ðức Phật đã nóng nảy phê bình một vài thái độ của dân, rồi vội vã quay về, như thế là hành động nông nổi chưa chín chắn, chắc sau này có điều phải ân hận… Vậy ta phải đến thẳng tịnh xá tại vườn Kỳ Viên, để được gặp Ðức Phật đã rồi sẽ hay. Nghĩ rồi, khách đi thẳng một hơi tới Tịnh xá và được ra mắt Phật.

Khi thấy Phật, khách khoan tay cúi đầu thi lễ, đoạn lui sang ngồi một bên, không nói không rằng: Ðức Phật đọc rõ ý kiến trong lòng khách, nhưng cũng cất tiếng từ bi hỏi:

- Tại sao viễn khách có bộ dạng buồn rầu?

- Bạch Thế Tôn, nhân vì con hy vọng một việc mà chưa được như ý nên trong lòng con không được vui vẻ.

- Có việc gì trái với bản tâm, tưởng cứ nói ra không nên để trong lòng phải ưu sầu không thể giải quyết được việc gì hết!

Lúc đó người khách mới thuật hết đầu đuôi câu chuyện đã gặp ở ngoài thành, cuối cùng khách phê bình thái độ của gia đình nông dân ấy là trái với tình đời.

Phật nghe xong mỉm cười dạy rằng:

- Ðiều mà viễn khách cho rằng trái với tình đời là thuộc về “nhân tính”. Còn chân lý thì không những không được thể hiện theo “nhân tính” mà còn phải tước bỏ nhân tính cho đến hết. Ðó mới thực là điều khẩn yếu của kẻ tu hành xuất gia.

Nghĩ một chút, Ngài nói tiếp:

- Viễn khách đây vì chưa hiểu chân lý, nên thấy gia đình nhà nông kia hành động như thế thì vội cho là “phản tình đời”. Nhưng đứng về mặt chân lý mà xét, thì những người ấy quả nhiên là không có hành động lỗi lầm, vì họ biết rõ thế nào là “cuộc đời vô thường”, nghĩa là con người đời không thể nào nắm giữ vĩnh viễn được cái “sắc thân” làm sinh mệnh bấy hủy bất diệt của mình. Kìa xem từ xưa tới nay, dù là phàm hay Thánh, cũng không ai có thể tránh được cái chết.

Nếu vì một cái chết mà cả nhà theo nhau khóc lóc đến phát đau, phát ốm thì sự khóc lóc ấy hỏi có ích lợi gì cho cả người sống lẫn người chết? Vả chăng, con người ngay từ lúc sơ sinh, đã nắm chắc lấy cái chết trong tay rồi. Nay thấy sự chết mà gây phiền não trong lòng quá đỗi thì ta “mê hoặc” chưa hiểu cái lẽ sống chết. Nên biết rằng “sống” và “chết” là hai đầu mối luôn luôn tiếp diễn và luân chuyển không lúc nào ngừng. Hễ đã biết rõ được như thế là đã giải thoát rồi.

Viễn khách nghe Ðức Phật giảng giải cho nghe một hồi thì lòng thoát nhiên tỉnh ngộ. Liền nguyện xin ở lại làm đệ tử của Phật và qui y Phật pháp tức thì. Viễn khách này sau trở nên một vị Tỳ kheo rất tinh tiến.

Theo: Tinhdo.net

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch