Vấn đáp-Chia sẻ
Niêm hương bạch Phật
13/04/2012 01:13 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

HT.Thích Đức Phương niêm hương bạch Phật trong một buổi lễ

HỎI: Trong các lễ nghi Phật giáo hiện nay, có nơi dùng cụm từ Niêm hương bạch Phật, một số nơi khác sử dụng Niệm hương bạch Phật. Xin cho biết cụm từ nào chính xác nhất. Ở nước ta, trong nghi lễ Phật giáo, vị chứng minh hoặc sám chủ thường cầm 3 cây hương khấn nguyện, trong khi ở Đài Loan-Trung Quốc thì chư vị dâng lên Tam bảo một thỏi hương trầm, ở một số nước khác thì chư Tăng và Phật tử cầm một cành hoa quỳ trước tượng Phật…, việc ấy có cùng ý nghĩa không?  (DIỆU ĐỨC,Q.5,TP.HCM; thanhyen...@yahoo.com)

ĐÁP: Bạn Diệu Đức và thanhyen… thân mến!

Theo Hán Việt tự điển (Thiều Chửu), Niêm (bộ Thủ-tay và chữ Chiêm-xem) có nghĩa là dùng ngón tay lấy vật gì. Chữ Niêm này đồng nghĩa với chữ Niệp (bộ Thủ-tay và chữ Niệm-nhớ nghĩ) nghĩa là cầm lấy. Niệp còn thêm một âm nữa là Niệm nhưng với nghĩa là dùng ngón tay vo giấy hoặc xe sợi, cũng hoàn toàn khác với chữ Niệm (bộ Tâm-tim và chữ Kim-nay) có nghĩa là nhớ nghĩ, đọc tụng.

Từ điển Phật học Huệ Quang (tr.2820) xác định là Niêm hương (hay Niệp hương) chứ không phải là Niệm hương. Niêm hương là tay cầm hương dâng lên trước tượng Phật, Bồ tát và chư vị Tổ sư.

Bạch Phật là trình thưa lên Đức Phật những sự việc, tâm nguyện mà mình đang làm. Vậy “Niêm hương bạch Phật là tay cầm hương dâng lên cúng dường và trình bạch lên Đức Phật hôm nay mình làm việc gì đó, cầu xin Tam bảo chứng minh gia hộ cho buổi lễ được thành tựu viên mãn” (HT.Thích Đức Chơn, Tập san Pháp Luân).

Sách Tổ Đình Sự Uyển nói về ý nghĩa Niêm hương như sau: “Người đệ tử Phật khi làm Phật sự bao giờ cũng bắt đầu bằng sự niêm hương. Niêm hương là biểu hiện lòng thành tín của mình”. Vị Tăng chứng minh hay chủ lễ thực hành nghi thức Niêm hương bạch Phật trước khi làm lễ.

Về vấn đề dâng hương và dâng hoa, trong các lễ phẩm cúng dường Tam bảo thì hương và hoa là những lễ vật được dùng một cách thông dụng và phổ biến nhất. Khi Đức Phật còn tại thế, các Phật tử Ấn Độ mỗi buổi sáng thường hái hoa, kết thành vòng lớn nhỏ mang đến tinh xá cúng dường Phật và chư Tăng. Truyền thống này vẫn còn duy trì đến ngày nay, các Phật tử thường mang hoa đến cắm lên bàn thờ Phật, hay để dưới chân tượng Phật. Ngoài ra, còn có không ít Phật tử dâng hoa cúng Phật bằng cách tay cầm một cành hoa quỳ trước Đức Phật thành kính cầu nguyện, có thể gọi là niêm hoa. Giáo điển Thiền tông có tích Niêm hoa vi tiếu. Tại một pháp hội trên núi Linh Thứu, Đức Phật cầm một cành sen đưa lên, đại chúng đều im lặng, chỉ có Tôn giả Ca Diếp mỉm cười nên được Phật phó chúc, trao truyền Chánh pháp Nhãn tạng (Vạn Tục 136, 221 thượng). Thiết nghĩ, niêm hoa hay dâng hoa là một truyền thống đẹp đẽ cần được phát huy và tái hiện trong bối cảnh Phật tử Việt ngày nay đốt hương quá nhiều, nhang khói nghi ngút ngập tràn điện Phật, mang nặng sắc thái tín ngưỡng hơn là thanh tịnh và thăng hoa tâm linh.

Khác với phương thức dâng hoa của Phật tử Ấn Độ và một số quốc gia theo Phật giáo Nam truyền, dâng hương thịnh hành ở Trung Quốc và Việt Nam. Truyền thống Phật giáo Việt Nam, vị chủ lễ thực hành nghi thức Niêm hương với 3 cây hương tượng trưng cho ý nghĩa cúng dường 3 ngôi Tam bảo. Ở Trung Quốc, hương trầm dưới dạng thỏi, thanh hoặc viên phổ biến hơn các loại hương khác nên vị chủ lễ khi niêm hương thường cầm một thỏi hương, đưa lên ngang trán khấn nguyện. Từ điển Phật học Huệ Quang dẫn sách Thiền Uyển Thanh Quy nói về pháp thức Niêm hương (của người Trung Quốc) như sau: “Hai tay bưng hộp hương, tay phải cầm hộp đựng hương để trong lòng bàn tay trái, kế đó tay phải mở nắp hộp đựng hương để trên đài hương, tay phải dâng hương, đốt hương trước tôn tượng mà mình kính hiến. Sau đó, tay phải cầm nắp hộp hương đậy hộp lại, hai tay bưng hộp hương để trên bàn hương, rồi cúi đầu chúc nguyện”.

Như vậy, niêm hương hay niêm hoa về hình thức tuy khác nhau song cùng mang một ý nghĩa là dâng cúng lễ phẩm thanh tịnh và cao quý lên Tam bảo. Dâng hương, dâng hoa là một pháp thức cúng dường, thể hiện niềm tịnh tín của những người con Phật, một nghi thức quan trọng không thể thiếu trong nghi lễ Phật giáo.

Chúc các bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch