Ứng
dụng tu tập
Phật pháp tại thế gian, Phật pháp bất ly sinh hoạt, với
chùm Hỏi đáp Phật pháp Chủ đề " Ứng dụng tu tập" sẽ giúp Phật tử giải
đáp những thắc mắc phát sinh trong quá trình tu tập thực tiễn.
Câu hỏi 1:
Phật tử hiểu và thực hành
trong cuộc sống đời thường như thế nào qua bốn câu kệ sau nay trong
kinh A Hàm:
"Người
hơn thì thêm oán
Kẻ
thua ngủ không yên
Hơn thua hai đều xả
Ấy được an ổn ngủ”
Trả lời: Hơn người thì bị
người oán ghét, thù hận. Thua người thì phiền muộn, đau khổ. Người không
dính mắc vào chuyện hơn thua sẽ luôn được an ổn.Hơn thua là nguyên nhân
gây khổ đau và phiền não. Người Phật tử phải tu tập hạnh Hỷ Xả để luôn
được sống an vui.
Câu hỏi 2:
Con người ta đem theo được gì sau khi chết? Vậy Phật tử đã
chuẩn bị cho mình những gì cho đời sau ?
Trả lời:
- Sau khi chết mọi người không thể mang theo mình bất cứ vật gì ngoài
những nghiệp thiện và ác mà người ấy đã tạo tác lúc sinh thời.
- Để chuẩn bị cho đời sau người Phật tử phải không làm tất cả các việc
ác, vâng làm các việc lành.
- Làm tất cả các việc lành mà không có tâm chấp trước vào việc mình đang
làm. Vượt qua được sự đối đãi thiện ác.
Câu hỏi 3:
Căn cứ vào giáo lý của Đạo Phật, người Phật tử tu tập như
thế nào để tâm không bị dao động trước những thuận, nghịch của cuộc đời?
Trả lời:
Để tâm không bị dao động trước những thuận nghịch của cuộc đời, người
Phật tử cần phải:
- Tin sâu Nhân quả (nhân quả ba đời)
- Giác ngộ lý Vô thường.
- Chứng nhập lý Vô Ngã
Câu hỏi 4:
Phật tử khi toạ thiền do mắc phải những lỗi gì khiến cho vị
ấy không được chánh niệm tỉnh giác ? Bản thân Phật tử khi toạ thiền đã
thực hành phương pháp nào để được chánh niệm tỉnh giác?
Trả lời:
- Do bị năm món ngăn che nên người Phật tử không được chánh niệm tỉnh
giác khi tọa thiền, đó là Ngũ triền cái gồm: Tham, Sân, Hôn trầm, Trạo
hối và Nghi. Nhưng phổ biến hơn cả là do ba món: Hôn trầm, Loạn tưởng và
Vô ký.
- Phật tử áp dụng một trong các phương pháp tọa thiền do Hòa thượng chỉ
dạy: Sổ tức, Tùy tức, Tri vọng hay “Biết có chân tâm”
Câu hỏi 5:
Phật tử hiểu bài thơ “
Mộng” của Hoà Thượng Ân Sư như thế nào?
“Gá
thân mộng, dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi, cười vỡ mộng.
Ghi lời mộng, nhắn khách mộng
Biết được mộng, tỉnh cơn mộng”
Trả lời: Hòa thượng là người đã giác
ngộ, nhận ra được chân tâm hằng hữu. Thấy thân là hư vọng, giả tạm, vạn
pháp đều là mộng huyễn nên đạt được hạnh phúc chân thật. Hòa thượng nhắc
nhở để mọi người đều được tỉnh mộng như Ngài. Và những lời dạy của
Người cũng chỉ là phương tiện “dĩ huyễn độ huyễn” (dùng lời huyễn để cứu
độ cúng sinh như huyễn) mà thôi.
Câu hỏi 6:
Qua 4 câu kệ cuối bài phú
“Cư trần lạc đạo” của thượng hoàng Trần Nhân Tông, Phật tử hiểu và ứng
dụng tu tập như thế nào?
“Ở đời
vui đạo hãy tuỳ duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền”
Trả lời:
Giữa cuộc đời vô thường, hư vọng, muốn
đạt được sự an lạc chân thật thì người tu Phật phải biết:
- Tùy thuận với pháp tướng nhưng luôn sống với tự tánh.
- Tin nhận ở ngay nơi mình sẵn có chân tâm thanh tịnh (kho báu trong
nhà), không cần phải tìm cầu bên ngoài.
- Đối với các cảnh chỉ cần không để Tâm dính mắc thì không cần phải
hỏi đến Thiền.
Câu hỏi 7:
Niềm vui chân thật của người tu Thiền là gì ? Phật tử ứng
dụng phương pháp nào tu tập để được niềm vui đó trong mọi hoàn cảnh?
Trả lời:
- Nhận ra được chân tâm và hằng sống với chân tâm thanh tịnh của chính
mình.
- Các phương pháp tu tập theo sự chỉ dạy của HT Tôn sư:
1. Biết vọng không
theo.
2. Không kẹt hai bên.
3. Đối cảnh vô tâm.
4. Hằng sống với cái chân thật sẵn có.
Câu hỏi 8:
“Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” Phật tử
hiểu và thực hành lời dạy trên như thế nào trong đời sống tu tập ?
Trả lời:
- Soi sáng lại chính mình là phận sự gốc. Chẳng từ nơi khác mà được
nghĩa là: Bổn phận chính của người Phật tử là không cần phóng tâm ra tìm
kiếm sự giác ngộ giải thoát từ bên ngoài mà phải trở về để sống với bản
tâm thanh tịnh của chính mình.
- Phương pháp soi sáng lại chính mình là trọng tâm của người tu Thiền,
là cốt tủy của đạo Phật. Tất cả các pháp tu của đạo Phật đều bắt chúng
ta phải soi lại mình. Từ Phật giáo nguyên thủy đến Phật giáo phát triển
đều ứng dụng pháp phản quan.
Tùy theo căn cơ của mỗi người mà sự ứng dụng có khác nhau:
1. Pháp quán Tứ
Niệm xứ để ngăn ngừa sự dính mắc nơi thân, thọ, tâm, pháp.
2. Dùng trí Bát nhã để chiếu phá sự dính mắc nơi thân, tâm và ngoại
cảnh.
3. Pháp quán của Thiền tông là người
tu thiền dùng trí để nhìn lại tâm mình, thấy vọng tưởng dấy khởi liền
biết không theo, vọng tưởng tự lặng. Khi vọng tưởng lặng yên, thì ngay
nơi thân tâm sanh diệt, chúng ta nhận ra cái không sanh diệt. Bấy giờ
thấy rõ tất cả Tướng sanh diệt của thân tâm, của cảnh vật đều là hư dối
không thật, chỉ có Thể không sanh diệt mới là chân thật. Sống thẳng với
tính giác nên không còn dính mắc các pháp hư vọng.
Câu hỏi 9:
Phật tử hiểu và thực hành
trong cuộc sống đời thường như thế nào qua bốn câu kệ sau đây:
“Nhân
ác xem kỹ,
Nghiệp thiện coi khinh.
Lầm nhận hoa giả,
Quên ngắm trăng thật”.
Trả lời:
- Đối với điều lành điều tốt thì xem
thường dễ quên, còn đối với điều dữ điều xấu lại chăm chú nhớ dai.
- Hoa giả là tất cả những gì có hình sắc trên thế gian, đó đều là những
tướng vô thường tạm bợ, có rồi mất, không lâu bền nhưng chúng ta lại mê
đắm và chạy theo giả tướng nên quên ngắm trăng thật. Trăng thật là chỉ
cho thể chân thật sẵn có nơi con người cũng như ở ngoại cảnh. Nếu thấy
rõ muôn pháp đều là duyên hợp, không có pháp nào thật thì chúng ta không
mê đắm theo cảnh tức là không nhận lầm hoa giả mà nhận ra được bản thể
chân thật của chính mình hay cái bản tính thật của ngoại cảnh.
Câu hỏi 10:
Phật tử hiểu và thực hành trong cuộc sống đời thường như
thế nào qua bốn câu kệ sau đây:
“Ghét
nghe chánh pháp, thích lắng lời tà.
Mê mất gốc chân, đuổi theo ngoại vọng.”
Trả lời:
- Nghe những lời kinh Phật dạy để diệt
trừ mầm đau khổ thì lại ngủ gục, nhàm chán không muốn nghe, nhưng nếu
có ai ca hát hoặc nói đùa chơi thì lại chú tâm lắng nghe không biết chán
và có khi còn nhớ kỷ nữa. Chỉ muốn nghe những lời làm tăng thêm dục
nhiễm, thuận theo nghiệp xấu ác, khổ đau.
- Vì thích lời tà nên quên mất gốc chân. Mê đây là quên cái hân thật của
chính mình. Đuổi theo ngoại vọng là đuổi theo những vọng tưởng điên đảo
và các pháp hư huyễn bên ngoài.
Câu hỏi 11:
Phật tử hiểu và thực hành trong cuộc sống đời thường như thế nào qua bốn
câu kệ sau đây:
“Thường
tham mùi lạ, trăm thứ ngạt ngào.
Chẳng thích chân hương, năm phần thanh tịnh.”
Trả lời:
- Chỉ thích ngửi những mùi hương hoa
thơm bay thoảng bên ngoài mà quên những loại hương thơm chân thật, hương
thơm của giới đức đó là: Hương giới, hương định, hương tuệ, hương giải
thoát, hương giải thoát tri kiến.
Mùi thơm của giới đức không phải ngửi
bằng mũi mà nghe bằng tai. Giới đức hay định tuệ của người hiền được mọi
người hay biết và quí kính thì gọi là ngửi được mùi thơm. Hương của đạo
đức không bị biến hoại mà tồn tại mãi mãi nên gọi là chân hương.
- Hai câu này nói lên sự mê lầm của con người, luôn chạy theo những gì
tạm bợ mà không biết được điều quí báu, thanh tịnh lâu bền.
Câu hỏi 12:
Phật tử hiểu và thực hành trong cuộc sống đời thường như thế nào qua bốn
câu thơ sau đây:
“Một
nguyện ăn no vị vô thượng,
Hai nguyện nhả hết vị trần tanh.
Ba nguyện biện tài trừ các hoặc
Bốn nguyện thích nói độ quần sanh.”
Trả lời:
- Nghe kinh học đạo đầy đủ là ăn no vị vô thượng.
- Nhả sạch những vị hôi hám của trần tục, đó là: nói dối, nói hai lưỡi,
nói thêu dệt, nói lời ác độc, khinh chê cha mẹ, hủy báng Tam bảo ….
- Nguyện được biện tài vô ngại để trừ các mê lầm cho chúng sanh.
- Nguyện thích tuyên dương Phật pháp để rộng độ cho chúng sanh.
Câu hỏi 13:
Phật tử hiểu và thực hành
như thế nào trong cuộc sống đời thường qua bốn câu thơ sau đây:
“Tinh
cha huyết mẹ, chung hợp nên hình.
Năm tạng trăm hài, cùng nhau kết hợp.
Chấp cho là thật, quên mất pháp thân.
Sanh dâm sát trộm, bèn thành ba nghiệp”.
Trả lời:
- Thân hình chúng ta là do tinh cha
huyết mẹ hợp thành, trong đó năm tạng trăm hài kết lại cùng nhau.Năm
tạng là: Tim, gan, lá lách, phổi, thận. Trăm hài là chỉ các đốt xương.
- Thân người chỉ là sự kết hợp giả tạm như vậy nhưng chúng ta lại chấp
cho là thật mà quên mất pháp thân thanh tịnh. Vì chấp thân là thật nên
sinh ra các tội lỗi tạo thành ba nghiệp như sát sinh, trộm cắp, tà dâm.
Câu hỏi 14:
Phật tử hiểu và thực hành như thế nào trong cuộc sống đời thường qua bốn
câu thơ sau đây:
“Chúng
con từ vô thuỷ kiếp đến nay.
Bỏ mất bản tâm, quên mất chánh đạo” . . .
“Nghĩ vơ nghĩ vẩn không lúc nào dừng
Mắc
mứu tình trần kẹt tâm chấp tướng”
Trả lời:
- Vô thủy hay vô thỉ là không có ban
đầu. Chúng ta được sinh ra do nhân duyên trùng trùng điệp điệp kết hợp
nhau không có đầu mối nên nói là vô thủy.
- Bỏ quên bản tâm chân thật của mình nên không biết đạo chân chánh. Ai
ai cũng có bản tâm chân thật nhưng quên đi không biết nên mới mê lầm
chạy theo đường ác, tạo nghiệp luân hồi.
- Ta có thể dùng câu “Tâm viên, Ý mã” để giải thích câu này. Tâm ý chúng
ta luôn loạn động, không ngừng suy nghĩ hết việc này đến việc nọ. Có
khi những chuyện không đâu cũng làm cho chúng ta phải bận tâm suy nghĩ.
- Đã dính kẹt với sáu trần lại thêm chấp tướng. Chấp tướng là kẹt về
hình thức bên ngoài, chỉ bám chặt vào hình thức mà không nhận được ý
nghĩa thâm trầm bên trong. Chỉ căn cứ trên hình thức để khen chê, thương
ghét đều là chấp tướng nên đều là khổ. Nếu không chấp tướng thì hết cả
khen chê, thương ghét và cũng hết khổ.
Câu hỏi 15:
Triệu Châu: “Thế nào là Đạo”.
Nam Tuyền: “Tâm bình thường là đạo”
Phật tử hiểu và thực hành lời dạy trên như thế nào trong đời sống tu
tập? (TS Trung Hoa tập 1)
Trả lời:
- Tâm bình thường là tâm không dính mắc hai bên, không kẹt vào các đối
đãi: Hơn thua, phải quấy, yêu ghét, buồn vui …
- Để thực hành lời dạy trên người Phật tử cần phải biết tu tập thiền
định, tỉnh giác trong mọi hoàn cảnh. Ngoài không dính mắc các pháp,
trong giữ tâm không loạn động. Và luôn thực hiện phương châm: “Đối cảnh
không sinh tâm”.
Câu hỏi 16:
Phật có tam thân vậy chúng ta có tam thân không? Nếu có,
Phật tử hãy nêu lên cụ thể cho chúng hội cùng hiểu biết?
Trả lời: (Theo kinh Pháp Bảo đàn – phẩm Sám Hối)
Mỗi người chúng ta ai cũng có đủ ba thân Phật: Thanh tịnh Pháp thân,
Viên mãn Báo thân, Thiên bá ức Hóa thân.
- Thanh tịnh Pháp thân Phật chỉ cho mỗi người chúng ta đều có sẵn bản
tánh thanh tịnh. Từ bản tánh đó dấy niệm lành thì làm lành, dấy niệm dữ
thì làm dữ. Khi niệm dấy lên, chúng ta mãi chạy theo niệm mà quên mất
tự tánh như mây mù che mất mặt trăng. Khi mây mù vọng tưởng tan thì tự
tánh Thanh tịnh Pháp thân hiện.
- Viên mãn Báo thân Phật là ở trong thật tánh không nhiễm thiện ác.
Khi hai niệm thiện ác lặng thì chỉ còn một tánh giác thanh tịnh tròn
đầy, đó là Viên mãn Báo thân Phật. Ngay nơi mỗi người đều có Báo thân
Phật, vì chúng ta không lặng được niệm thiện ác cho nên không nhận được,
nếu lặng được niệm thiện ác thì ngay nơi tâm mình đã đầy đủ Báo thân
Phật.
- Thiên bá ức hóa thân Phật: Nếu mình không khởi duyên với muôn pháp
thì tánh mình lặng lẽ như hư không, không có tướng mạo. Dấy niệm suy
nghĩ liền biến hóa. Dấy niệm ác bị dẫn đi trong các đường ác, niệm lành
dẫn đi trong các cõi lành. Dù cho có trăm ngàn muôn ức niệm ác mà mình
biết xoay trở về thiện tức là liền trở về với tự tánh mình, xoay muôn
ngàn ức niệm trở về tự tánh, tức là chuyển cái biến hóa trở về cái thật.
đó là Hóa thân Phật.
Câu hỏi 17:
“Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”.
Phật tử hiểu và thực hành lời dạy trên như thế nào trong đời sống tu
tập?
Trả lời:
- Bồ tát luôn cân nhắc khi làm mọi việc nên không bao giờ gây tạo nhân
xấu ác. Chúng sinh thì ngược lại. Khi quả báo xấu đến thì lo lắng sợ hãi
nhưng lại không quan tâm đến những việc làm xấu ác mà mình đang tạo
tác.
- Người Phật tử phải tin sâu nhân quảp phải luôn luôn gây tạo nhân lành
trong hiện tại để có quả báo tốt đẹp trong tương lai. Nếu đã tạo nhân
xấu ác thì chắc chắn sẽ nhận lãnh quả báo dữ không thể nào trốn tránh.
Câu hỏi 18:
“Thắng một vạn quân không bằng thắng chính bản thân
mình.Thắng chính bản thân mình là chiến công oanh liệt nhất”. Phật tử
hiểu và thực hành lời dạy trên như thế nào trong đời sống tu tập?
(PC. 103- Phẩm Ngàn)
Trả lời:
Những gì chinh phục được ở bên ngoài đếu chỉ là tương đối, không đem lại
cho người chiến thắng niền an vui hạnh phúc thật sự. Chỉ khi nào khắc
phục được những thói hư tật xấu, làm chủ được những tập khí nơi nội tâm
thì đó mới chính là chiến thắng thật sự và mới đem lại cho người chiến
thắng niền an lạc, hạnh phúc vĩnh cửu.
Câu hỏi 19:
Bát phong là gì? Phật tử phải tu tập như thế nào để trong cuộc sống đời
thường luôn đứng vững trước bát phong?
Trả lời:
- Bát phong là tám ngọn gió: Lợi (lợi lộc), Suy (hư hao), Hủy (bị khinh
chê), Dự (được khen), Xưng (được ca ngợi), Cơ (chế diễu), Khổ (đau khổ),
Lạc (sung sướng).
- Để luôn đứng vững trước “tám gió” này người Phật tử phải: Tin sâu nhân
quả, hiểu rõ duyên sinh và chứng ngộ lý vô thường.
Câu hỏi 20:
“Khôn
trong thế pháp là khôn dại
Dại để tu hành dại hoá khôn”
Phật tử hiểu và thực hành lời dạy trên như thế nào trong đời sống tu
tập?
Trả lời:
- Khôn ngoan lanh lợi để được các pháp thế gian càng làm cho con người
đắm chìm trong tham dục, chưa phải là người có trí tuệ.
- Không tham chấp các pháp thế gian, bề ngoài thấy dường như ngây ngô
dại dột nhưng đó lại chính là nền tảng của bình an và hạnh phúc chân
thật, của sự giác ngộ, giải thoát.
Câu hỏi 21:
Phật tử hiểu và thực hành trong đời sống tu tập như thế
nào qua đoạn thơ sau đây:
“Có
chi là khổ có chi vui?
Vui trong tham dục vui là khổ,
Khổ để tu hành khổ hoá vui.
Nếu biết có vui là có khổ,
Thà rằng đừng khổ cũng đừng vui.”
Trả lời:
- Vui khổ đều là vô thường, hư vọng. Tất cả rồi sẽ qua đi.
- Người thế gian xem ngũ dục lạc là niềm vui, là hạnh phúc nên luôn mong
muốn đạt được nhưng không biết rằng trong đó đã ẩn tàng mầm đau khổ.
- Không tham chấp ngũ dục, sống ít muốn biết đủ để tu hành là nhân của
niềm an vui hạnh phúc lâu dài.
- Vì biết rằng vui khổ đều là vô thường sanh diệt nên người tu luôn được
tự tại trước khổ vui.
Câu hỏi 22:
Phật tử hiểu và thực hành trong cuộc sống đời thường như thế nào qua
đoạn thơ sau đây:
“Người
khôn nói ít nghe nhiều
Khéo lời đối đáp lựa điều hỏi han
Trước người hiền ngỏ khôn ngoan
Nhường trên một bước rộng đàng dễ đi
Chuyện người mình biết làm chi?
Chuyện mình mình biết vậy thì mới khôn”
(HT. Thiện Hòa)
Trả lời:
- Nghe nhiều, nói ít. Lắng nghe là một nghệ thuật trong giao tiếp và
cũng là một phương pháp tu tập.
- Thực hành hạnh ái ngữ. Nhường nhịn, khiêm cung với mọi người.
- Luôn nhìn lại mình, không chấp lỗi người.
Câu hỏi 23:
Phật tử hiểu và thực hành trong khi tọa thiền như thế nào qua lời dạy
sau đây:
“Tỉnh
tỉnh lặng lặng phải,
Vô ký lặng lặng sai;
Lặng lặng tỉnh tỉnh phải,
Loạn tưởng tỉnh tỉnh sai.
(Thiền tông Vĩnh Gia tập – Bài tụng Xa Ma Tha)
Trả lời:
- Tỉnh tỉnh lặng lặng hay lặng lặng tỉnh tỉnh là: Tâm luôn vắng lặng
nhưng vẫn thấy nghe, hay biết mọi chuyện. Thấy nghe hay biết nhưng không
dính mắc vào thấy vào nghe…
- Vô ký là trạng thái lơ mơ, bất định, không thể phân biệt được thiệc
ác, nằm giữa hai trạng thái hôn trầm và loạn tưởng. Trong nhà thiền gọi
là lọt vào hang quỷ.
- Tỉnh táo nhưng tâm luôn lăng xăng, loạn động tức là bị vọng tưởng dẫn
dắt.
- Tỉnh tỉnh là Tuệ, lặng lặng là Định. Lúc nào cũng phải có Định Tuệ
song hành, hay nói cách khác trong Định có Tuệ và trong Tuệ có Định.
Câu hỏi 24:
Phật tử hiểu và thực hành trong cuộc sống đời thường như thế nào qua lời
dạy sau đây:
“Muốn
biết nhân đời trước,
Nên nhìn quả hiện tại.
Muốn biết quả vị lai,
Hãy xem nhân hiện tại.”
Trả lời:
- Những gì chúng ta thọ lãnh trong
hiện tại là kết quả của việc làm mà chúng ta đã gây tạo trong quá khứ.
- Những gì chúng ta đang tạo tác khi nhân duyên sẽ cho kết quả trong
tương lai.
- Chúng ta có thể quyết định được tương lai tốt đẹp cho chính bản thân
mình bằng cách cố gắng tu tập, làm lành lánh dữ ngay trong hiện tại.
Câu hỏi 25:
Phật tử hiểu và thực hành trong đời sống tu tập như thế nào qua bài kệ
của Ngài Thần Tú:
“Thân
là cây Bồ Đề
Tâm là đài gương sáng
Hằng ngày phải lau chùi
Chớ để dính bụi bặm.”
Trả lời:
- Ngài Thần Tú nói “Thân là cây bồ đề, tâm là đài gương sáng”, ý nói
tánh giác sẵn có nơi mỗi người nhưng bị vọng tình che lấp. Nếu muốn tánh
giác được hiển lộ cần phải dụng công tu tập để dẹp trừ mê chấp vọng
tình. Đó là phương pháp tiệm tu.
- Người Phật tử phải tin nơi thân tâm mình có sẵn tánh giác, luôn nhắc
mình sống tỉnh giác đừng lầm chấp những vọng tưởng sinh diệt.
Câu hỏi 26:
Phật tử có khái niệm như thế nào qua bài kệ của Tổ Huệ Năng:
“Bồ Đề
vốn không cây
Gương sáng cũng chẳng đài
Xưa nay không một vật
Chỗ nào dính bụi bặm”
Trả lời: Qua bài kệ này chúng ta được
Tổ chỉ dạy:
- Tánh giác vốn không hình tướng nên không thể dùng bất cứ pháp gì để so
sánh hay ví dụ.
- Vì không hình tướng nên không có chỗ
dính mắc, cần gì phải lau chùi. Đây chính là Thật tánh, nơi phàm không
thiếu, nơi Thánh không dư, chỉ ngay tự tánh đó mà sống, còn khở niệm lau
chùi (Tu) liền sai.
Câu hỏi 27:
Phật Tử hiểu và thực hành trong đời sống tu tập như thế nào qua lời Phật
dạy dưới đây:
“ Ý
dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Nói năng hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe chân vật kéo.”
(Pháp cú 01 – Tâm)
Trả lời:
- Trong ba nghiệp thân, khẩu, ý thì ý là quan trọng hơn cả. Tất cả các
ác nghiệp mà chúng ta gây tạo đều phát xuất từ tâm ý không thanh tịnh.
- Người Phật tử phải luôn kiểm soát
tâm ý mình. Người Phật tử tu thiền luôn xem tâm ý mình như con trâu
hoang cần phải được chăn dắt cẩn thận, không cho phạm vào lúa mạ của
người. Luôn suy nghĩ chín chắn, cẩn thận trước khi nói năng hay hành
động để tránh những quả báo khổ đau.
Câu hỏi 28:
Phật Tử hiểu và thực hành trong đời sống tu tập như thế nào qua lời Phật
dạy dưới đây:
“ Ý
dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh
Nói năng hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng không rời hình.”
(Pháp cú 02 – Tâm)
Trả lời:
- Trong ba nghiệp thân, khẩu, ý thì ý là quan trọng hơn cả. Tất cả những
nghiệp lành mà chúng ta tạo được đều phát xuất từ tâm ý hiền thiện,
thanh tịnh.
- Người Phật tử phải siêng tu thiền
định, sống tỉnh giác, biết giữ tâm ý luôn luôn được thanh tịnh. Với tâm ý
thanh tịnh thì sự an lạc sẽ đến ngay với mỗi chúng ta trong từng lời
nói hay việc làm.
Câu hỏi 29:
Phật tử hiểu và thực hành như thế nào
trong đời sống tu tập qua các câu kệ sau đây:
“Tà đến phiền não sanh
Chánh đến phiền não dứt
Tà chánh đều không dùng
Thanh tịnh mới hoàn toàn”
(Pháp Bảo đàn – Phẩm Bát nhã)
Trả lời: Đoạn này trích trong bài tụng Vô tướng của lục tổ
Huệ Năng, phẩm Bát nhã: Tà lai phiền não chí,
Chánh lai phiền não trừ,
Tà chánh câu bất dụng,
Thanh tịnh chí vô dư.
- Một niệm tà vừa khởi lên là bao nhiêu phiền não liền kéo đến với chúng
ta. Trong kinh thường nói “Nhất ba tài động, vạn ba tùy” tức là một
lượn sóng vừa nổi lên thì muôn lượn sóng khác kéo theo. Một niệm sai
lầm khởi lên là bao nhiêu niệm xấu khác dẫn, cho nên vừa có một niệm sai
lầm là phải dẹp bỏ ngay thì phiền não cũng theo đó mà dứt. Như vậy là
lấy Chánh độ Tà.
- Trong tương đối phải như thế nhưng đến chỗ cứu kính thì cả Tà lẫn
Chánh đều không dùng, mới hoàn toàn thanh tịnh, không còn thừa gì nữa.
Hiện nay chúng ta ở giai đoạn ứng dụng tu trong cái đối đãi, rồi lần lần
đến chỗ hết đối đãi. Tóm lại Ngài chỉ cho chúng ta tu từ cái đối đãi
sau đó tiến sâu dần, nghĩa là đầu tiên dùng pháp Chánh đối trị Tà, sau
đó xả luôn pháp đối trị thì mới đạt được tâm thanh tịnh hoàn toàn.
Câu hỏi 30:
Phật tử hiểu và thực hành như thế nào trong đời sống tu tập qua các câu
kệ sau đây:
“Người
chơn chánh tu hành
Không thấy lỗi thế gian
Nếu thấy lỗi người khác
Lỗi mình đã đến bên.”
(Pháp Bảo đàn – Phẩm Bát nhã)
Trả lời:
- Người tu hành chân chánh phải không thấy lỗi của thế gian, nếu thấy
lỗi của người khác, lỗi mình đã đến bên cạnh rồi. Nếu cứ thấy lỗi người
này người kia, đến đâu cũng kể lỗi người tức mình đã có lỗi.
- Vì thấy người có lỗi nên xem ai cũng thua mình, còn lỗi mình thì giấu
mất nên thấy mình cao hơn thiên hạ, đó là ngã mạn. Trái lại, chúng ta
thấy lỗi mình thì đâu có tự cao, đâu dám tự xưng ta hơn người; không
thấy lỗi người thì đâu dám xem người thấp, đâu biết ai dỡ mà dám khinh,
ngã mạn theo đó mà hết. Như thế là tu hành.