Ngoài ra, còn có những tội như hủy báng
Tam Bảo, giết người cướp của, đốt nhà phá đê, cưỡng hiếp phụ nữ đều là
tội ác cực kỳ nặng, không thể chuyển được. Bởi những hành vi đó không
những cưỡng đoạt sinh mệnh người khác, mà còn ảnh hưởng xấu xa lâu dài
tới nền trị an xã hội cho nên những tội ác như vậy, tắt phải chịu quả
báo.
Ngày xưa có câu ngạn ngữ "Muốn hiểu vì
sao trên đời có giặc giã đao binh, chỉ cần nửa đêm nghe tiếng đồ tể giết
các súc vật". Sát sinh quá nhiều không tránh khỏi dẫn tới chiến tranh,
tàn sát lẫn nhau.
Kiếp có nghĩa là thời gian hoặc thời
hạn. Nhân ác tích lũy đến một trình độ nhất định, sẽ sinh ra tai nạn,
hoặc với quy mô khu vực hoặc với quy mô toàn quốc hay thế giới, tùy theo
số người tạo nghiệp nhiều hay ít và nghiệp nặng hay nhẹ. Đời này tạo
nghiệp không hẳn là đời này chịu báo. Trong đời quá khứ, những người tạo
ra những nghiệp nhân giống nhau thì ở đời sau trong hoàn cảnh giống
nhau ở một thời điểm nhất định sẽ chịu quả báo giống nhau.
"Số" không phải là một từ ngữ Phật giáo.
Nhưng trong "Sở từ", Khuất Nguyên viết : "Số hữu sở bất đãi, thần hữu
sở bất thông". Nghĩa là "số có khi không đuổi kịp, thần thánh có chỗ
không thông suốt" (ý nói số có khi không đuổi kịp người, thần tuy gọi là
linh thông nhưng vẫn có điều không biết).
Từ "Số" mà Khuất Nguyên dùng là thuật
số. Trong Kinh thư có câu "lịch số" của trời tại nơi thân nhà ngươi" (có
thể hiểu cái gọi là số mệnh trời chính là do nhà ngươi chứ không phải
do trời).
Lại trong cuốn "Văn Tuyển" của Ứng Cư có
câu "Sinh ra ở mùa xuân thì xanh tươi, sinh ra ở mùa thu thì vàng héo,
đó là số tự nhiên, có gì mà ân hận".
Các từ "Số" dùng trong các câu văn trên đều chỉ lẽ trời, vận mạng hay là vận khí. Đem từ số ghép với từ kiếp thành ra "số kiếp".
Kiếp là từ Phật giáo xuất xứ chữ Phạn
"Kampa" dịch âm thanh "Kiếp ba", nó chỉ một quá trình thời gian dài vô
cùng, phân biệt thành kiếp đại, kiếp trung, kiếp tiểu. Độ dài một kiếp
tiểu tính như sau : Theo đạo Phật, tuổi thọ của loài người dài nhất có
thể đến 8 vạn 4 nghìn năm, ngắn nhất là 10 năm. Tính từ 84000 năm, cứ
mỗi trăm năm (1 thế kỷ) giảm một tuổi cho đến khi còn 10 tuổi. Rồi lại
từ 10 tuổi tính trở lên, cứ mỗi trăm năm thêm một tuổi thọ cho đến lúc
đạt 8 vạn 4000 tuổi. Quá trình một lần giảm, một lần tăng như vậy là một
tiểu kiếp.
Hai mươi tiểu kiếp làm một trung kiếp.
Thế giới mà chúng sinh ở kinh qua 4 giai đoạn : Thành, Trụ, Hoại, Không.
Thời gian một giai đoạn là một trung kiếp, bốn trung kiếp họp thành một
đại kiếp. Căn cứ vào Kinh Phật có giai đoạn "trụ" mới có hoạt động của
chúng sinh. Ở ba giai đoạn còn lại chúng sinh "di chuyển" ở các thế giới
khác. Đối với chúng sinh chưa kịp di chuyển mà giai đoạn "hoại" bắt
đầu, thì sẽ gặp các tai nạn như đại hỏa (lửa cháy lớn), lụt lớn (đại
thủy), bão lớn (đại phong), gọi chung là "kiếp nạn" có thể thiêu hủy cả
thế giới vật chất và cảnh giới thiền định nữa.
Khi nói chúng sinh không thoát khỏi kiếp
nạn là có nghĩa như vậy. Sau kiếp nạn mà nghiệp báo vẫn chưa hết, thì
nghiệp thức của chúng sinh đó lại tiếp tục ở một thế giới khác để tiếp
tục chịu thọ báo. Nếu nghiệp báo hết, thì không chờ có kiếp nạn xảy ra,
chúng sinh có thể ở cõi Phật từ đó vượt khỏi ba cõi, không còn bị kiếp
nạn nữa. Tất nhiên, nếu không tu hành Phật pháp thì khó lòng thoát khỏi
kiếp nạn.
Trong dân gian nói chuyện "kiếp số" tuy
có liên quan đến Phật giáo nhưng người ta không hiểu được vì sao mà có,
chỉ biết đó là điều không thể tránh, mà không biết làm sao để tránh. Vì
vậy, gặp lúc bình thường, nhiều người không biết sợ hãi, chơi bơi bừa
bãi, đạo đức suy đồi và tư tưởng thoái hóa. Một số người hiểu biết bèn
kêu gọi người khác hãy tỉnh ngộ bỏ ác làm lành, nếu không thì thiên tai,
dịch họa sẽ ập tới, số người chết sẽ không kể xiết.
Thế nhưng số người biết nghe và tỉnh ngộ
rất ít. Những người lên tiếng cảnh tỉnh như vậy có thể là một bậc nhân
sĩ có tâm huyết, có thể là Tăng Ni Phật tử có trình độ hiểu biết. Có một
số nhân dĩ dựa trên thuyết "kiếp số khó tránh" nói rằng việc "Ma vương"
ra đời tàn sát hàng loạt người là có lý, Ma vương không phải là kẻ sát
nhân, mà những người bị giết yêu cầu Ma vương xuất thế để giết họ.
Nếu không thì thuyết báo ứng nhân quả
thiện ác không đúng nữa. Đó là một lập luận sai lầm cần được uốn nắn.
Bởi vì, nếu lập luận rằng Ma vương xuất thế là để đáp ứng chúng sinh
phải chịu kiếp nạn, thì có khác gì nói rằng đao phủ giết người là làm
đúng pháp luật chứ không phải là phạm tội. Thực ra, đã là Ma vương thì
là phạm tội ác chứ không phải là "thay trời hành đạo".
Chỉ có thiên tai lớn mà sức người không
chống đỡ nỗi mới gọi là "số trời" (thiên số). Ma vương giết người thì
tội ác càng nặng cũng sẽ chịu ác báo. Hỏa tai, bão lụt là báo ứng tự
nhiên và do người tạo nghiệp trực tiếp chịu đựng. Chính vì vậy mà kinh
Phật chỉ nói tới các kiếp nạn tự nhiên như hỏa tai, bão lụt, không nói
chuyện Ma vương hay đại diện Ma vương thực hiện ác báo của chúng sinh.
Ma vương giết người, có thể là do người bị giết có tội, cũng có thể do
Ma vương nhất thời nổi giận cũng có thể do người ác xúc xiểm gây ra.
Thậm chí có trường hợp nhiều người mượn danh nghĩa "thay trời hành đạo"
để tàn sát sinh linh không tiếc tay. Đó toàn là những việc làm không
chính đáng. Vì vậy, mà Phật giáo không tán thành quan điểm cho rằng Ma
vương xuất hiện thay cho thiên tai để giết hại sinh linh.
Muốn thoát khỏi kiếp số, chúng sinh cần
tu học Phật pháp, giữ 5 giới, làm 10 điều lành, như vậy mới tránh khỏi
nỗi khổ của 3 cõi là đao binh, hỏa tai, thủy tai và địa ngục. Tu tập
thiền định có thể tạm thời dứt bỏ được phiền não trong nội tâm. Nếu giác
ngộ mà phát huy được trí tuệ, thì có thể thoát khỏi vòng sống chết của
ba cõi.
Nếu không đủ niềm tin để tu tập ngũ
giới, "thập thiện, thiền định và trí tuệ" thì có thể thường xuyên niệm
danh hiệu Phật A Di Đà để cầu vãng sinh sang cõi cực lạc phương Tây, như
vậy cũng sẽ thoát khỏi được nỗi khổ của sinh tử luân hồi. Đáng tiếc là
chúng sinh biết sợ quả khổ nhưng lại không biết tránh nhân ác. Biện pháp
tốt nhất là tức thời bỏ ác làm lành, trồng phước tu học Phật pháp, phát
tâm Bồ Đề, cầu thành Phật đạo, như vậy có thể tránh được mọi tai nạn
của số kiếp.