Hỏi: Nghiệp quyết định kiếp sống con người. Vậy làm gì để cuộc sống được thăng hoa?
Năm nay, tôi 95 tuổi rồi, vào
chùa lúc 21 tuổi, đã 74 năm. Nghĩ lại mình ở nơi pháp môn Phật dạy, chỉ
được phần ăn chay, niệm Phật, tụng kinh và làm được chút ít việc lợi
người như giảng kinh, dịch kinh. Những nghiệp này dù còn trong nghiệp
nhân hữu lậu, nhưng có khả năng giúp ta chuyển nghiệp.
Con người mình từ đời trước đã gây nhiều
nghiệp nhân tội chướng nên hiện tại mới có thân nơi cõi đời ngũ trược
ác thế này. Quả báo của thân và cảnh đều không sạch. Biết vậy, phải cố
gắng tu hành để căn lành công đức càng thêm tăng trưởng, tiêu trừ giảm
bớt nghiệp nhân xấu ác, siêng năng tạo nhiều nghiệp nhân lành tốt. Từ
đó, thân và cảnh về sau mới tốt đẹp hơn. Được vậy là đi lên, còn không
khéo gây tạo nghiệp ác sẽ làm cái đà lôi mình đi xuống, hễ đi xuống mà
muốn mình trở lại khó lắm.
Ngoài ăn chay vì lý do sức khỏe như khuynh hướng phương Tây ngày nay, xin Sư ông cho biết vì sao phải ăn chay?
Tất
cả các huynh đệ nên nhớ, đã là Phật tử, dù tại gia hay xuất gia, cần
yếu là phải cố gắng ăn chay, tránh việc ăn thịt chúng sanh. Loài người
hằng ngày ăn thịt, thành thói quen nên cho là không tội. Lấy nhân quả mà
xét thì ăn thịt chúng sanh là cái nhân chánh dẫn đến quả báo sanh tử
luân hồi. Do đó, cần cố gắng ăn chay và khuyên người khác cũng nên ăn
chay.
Các loài vật ăn thịt lẫn nhau để sống,
vì nó không biết nhân quả thiện ác, Thánh phàm. Còn làm người đã vào đạo
thì những điều ác đó biết rõ lắm. Biết rõ rồi mà không thoát ra được
thì tự cô phụ chính mình, cũng là phụ lời dạy bảo của chư Phật, chư Bồ
tát và các bậc Hiền Thánh.
Kinh Phạm Võng nói: Người ăn thịt thì
mất lòng từ bi, dứt giống Phật tánh, mắc vô lượng tội. Mình ăn thịt con
cá, con tôm… sao gọi là thương nó được. Tâm từ bi không thể sanh khởi.
Kinh Lăng Nghiêm nói: Người ăn thịt dê, dê chết làm người, người chết
làm dê. Chỉ lẩn quẩn vay trả lẫn nhau mà thôi. Phật dạy rõ ràng như
vậy, thế nên dù tại gia hay xuất gia đều không nên ăn thịt chúng sanh.
Nếu tạo nghiệp giết hại thì bị đọa không sanh vào cõi lành được.
Đây là điểm chánh, trên nền tảng ăn chay
mới sanh lòng thương người thương vật, lần lần tăng trưởng thành tâm
từ, tâm bi của bậc Hiền Thánh. Sau đó mới tiến lên tu tập pháp môn giải
thoát của Phật.
Mấy huynh đệ nên biết, mình là phàm phu
mà muốn thoát sanh tử luân hồi thì phải cố gắng lắm mới được, không thể
lơ là buông trôi. Xét kỹ thân người này hằng ngày đều tạo nghiệp chướng.
Ăn dơ mà không nghĩ là dơ, nếu không dơ sao lại đem rửa trước khi nấu
nướng. Ăn chay còn vậy, đồ mặn còn ghê gớm hơn nữa. Nhưng đến lúc trả ra
thì hôi thúi hơn cả phân trâu, phân bò. Rồi đến lúc chết, sình trương
hôi không chịu nổi.
Chánh niệm và giữ giới là hai trọng tâm hành trì. Làm thế nào để đạt được chánh niệm và nỗ lực thế nào để tránh tội lỗi?
Những pháp tu về chánh niệm, Phật dạy
đứng đầu là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Niệm Phật là niệm Hồng danh
như Nam Mô A Mi Đà Phật. Niệm Pháp là tụng kinh, học kinh, trì chú.
Niệm Tăng là Nam Mô Quán Thế Âm Bồ tát…, là những vị Bồ tát Tăng. Ngoài
ra còn phải giữ gìn giới hạnh, tránh những điều tội, điều lỗi, hằng ngày
việc lành tốt phải cố gắng làm, lớn cũng làm, nhỏ cũng không bỏ. Tuy ít
nhỏ mà tích lũy nhiều ngày, nhiều tháng cũng thành rộng lớn. Từ đó sẽ
thúc đẩy mình tiến lên, từ thấp đến cao, từ gần đến xa. Đức Phật và các
vị Bồ tát cũng vậy, ban đầu là phàm phu dần dần mới tiến lên bậc Hiền,
bậc Thánh, rồi đến quả vị Bồ tát, quả vị Phật.
Cuộc đời vô thường. Trong vô thường nên tu thế nào cho có kết quả?
Thời gian qua mau lắm, mấy chốc đã hết
một năm, thấy vậy đại chúng phải luôn nhớ vô thường, còn khỏe mạnh thì
tranh thủ thời giờ lo tu tập.
Tôi từng sống trong thời chiến tranh,
người chết thây thả trên sông sình lên, mình cách xa 20 - 30 mét ngửi
thấy đã muốn ói mửa. Từ đó biết được, mang thân người này, từ lúc sống
đến khi chết đều nhớp nhơ, tạm bợ. Nhưng điều đáng quý là con người có
cái biết, biết thiện biết ác. Có cái biết mà không lựa điều tốt để làm,
không lựa các bậc Hiền Thánh để noi theo thì đã phụ chính mình, cũng là
phụ công ơn của các bậc Bồ tát đã chịu gian khó hiện thân nơi cõi trược
uế để đem giáo pháp dạy dỗ cho chúng sanh.
Trong sử ghi, có vị Trời xuống nói
chuyện với Luật sư Đạo Tuyên, nói rằng hơi hôi của trái đất này xông lên
hằng trăm dặm. Mình ở đây vì quen rồi nên cho là thường, chớ chư Thiên
thì không dám xuống. Chỉ có những vị phát tâm rộng lớn, mới chịu khó,
chịu khổ, đến thế giới này để hộ trì chánh pháp của Phật. Từ đó biết
được quả báo của chúng ta không tốt, thì đừng vì thân hôi dơ, tạm bợ này
mà gây tạo nghiệp nhân xấu ác, phải ngăn chặn đừng cho nó phát sanh,
còn những nghiệp lành tốt cố gắng làm, mỗi ngày mỗi ngày giữ gìn kỹ,
nhiều ngày nhiều tháng tăng trưởng thêm lên.
Tất cả huynh đệ chỉ luôn nhớ trong lòng
một câu này: “Phải làm sao xứng đáng là người con của đức Phật”. Bởi vì
dù tại gia hay xuất gia đều gọi là Phật tử. Nếu là Phật tử phải tu học
để giống như Phật làm lợi ích chúng sanh. Mong tất cả ai nấy đều tinh
tấn tu hành.
Giáo pháp Phật cao siêu và
vô số mà người tại gia thì không có thời gian để nghiên cứu. Là người
tại gia, người Phật tử cần thực tập gì để được an vui?
Tôi nhắc nhở các huynh đệ gắng giữ vững ba điều: Ăn chay, tụng kinh, niệm Phật.
* Thứ nhất là ăn chay, tức là không ăn
thịt chúng sanh. Ăn thịt chúng sanh tội nghiệp nặng lắm, mất lòng từ bi,
dứt giống Phật tánh. Đạo Phật lấy từ bi và trí huệ làm gốc, thế mà ăn
thịt chúng sanh thì tâm từ bi không phát triển được. Thiếu tâm từ bi thì
không phải đệ tử Phật. Cho nên mấy huynh đệ nên cố gắng giữ gìn điều
này, để làm cho tâm từ bi ngày thêm tăng trưởng trở thành tâm đại từ bi
của chư Phật và Bồ tát.
* Thứ hai là tụng kinh, chính là để thêm
lớn trí huệ. Phải siêng năng tinh tấn, giữ cho đều đặn bền bỉ. Phải xem
như việc ăn cơm uống nước hàng ngày, thiếu là không được. Khi tụng kinh
nên chuyên chú nhất tâm đừng xao lãng. Mặc dù mỗi ngày tụng bao lời ấy,
nhưng mỗi ngày mỗi thâm nhập thêm, mỗi ngày mỗi thấy mới, mỗi ngày mỗi
sáng ra. Không những tụng kinh theo thời khóa, mà còn phải áp dụng trong
đời sống hàng ngày, thực hiện lời Phật dạy trong kinh được nhiều chừng
nào tốt chừng ấy.
* Thứ ba là niệm Phật, tức là niệm danh
hiệu Phật A Mi Đà, tu pháp môn Tịnh độ. Chúng ta đã ở sâu trong đời mạt
pháp, căn cơ chậm lụt, chướng sâu huệ cạn, rất khó thực hành những pháp
môn tự lực khác, chỉ nương theo pháp môn Tịnh độ, để đạt được kết quả
thoát khỏi sanh tử luân hồi mà thôi. Tu Tịnh độ chính yếu là khởi lòng
tin sâu chắc vào lời Phật Thích Ca đã dạy, nhàm chán nỗi khổ Ta bà, ưa
thích niềm vui Cực lạc, từ đó phát nguyện tha thiết sanh về Tịnh độ,
nhất tâm niệm Phật A Mi Đà, nương đại nguyện của Ngài mà đới nghiệp vãng
sanh, chứng bậc Bất thối chuyển, giải quyết được sanh tử ngay trong một
đời này. Cho nên đi, đứng, nằm, ngồi, lúc nào cũng nhớ Phật, niệm Phật,
lòng mong về Tây Phương như người khách mong về quê cũ. Được vậy thì
tất cả các huynh đệ mới không uổng một đời gặp Phật pháp, gặp được pháp
môn tu hành thẳng tắt này.
Chân thành cảm ơn Sư ông và kính chúc sư ông an lành.
Theo: DPNN