HỎI:Tôi đọc một bài viết về trụ trì và phước đức
như sau: "Vị trụ trì đồng nghĩa với phước đức. Phước đức nhiều thì trụ trì
chùa to Phật lớn, phước đức ít thì trụ trì chùa nhỏ Phật bé, đạo khó phát triển.
Không có phước đức thì khó sanh làm người huống hồ chi làm trụ trì”. Tôi cũng đồng
tình với lập luận như vậy nhưng vẫn băn khoăn vì có thể đưa đến những ngộ nhận
về chức phận trụ trì. Mong quý Báo chia sẻ thêm.(thienhuong67...@yahoo.com)
ĐÁP:Bạn thienhuong… thân mến!
Chức phận của vị trụ trì là “Trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai
tạng”. Trụ trì là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, trách nhiệm nặng nề phải nỗ lực
tu tập tinh chuyên mới hoàn thành sứ mạng. Hẳn nhiên có phước đức mới được “Phật
bổ xứ” trụ trì. Tuy vậy, người không trụ trì, ở trong chúng hoặc ẩn dật hay du
tăng, chưa hẳn là thiếu phước đức.
Trụ trì những ngôi chùa lớn là người có phước đức lớn nhưng
trụ trì những ngôi chùa nhỏ chưa hẳn họ là người phước đức nhỏ. Phước đức biểu
hiện rất đa dạng, luôn thay đổi, tăng giảm theo thời gian tùy thuộc vào sự tu tập,
vun bồi phước đức của mỗi người. Ngôi chùa chỉ là pháp hữu vi, là phương tiện
hành đạo, ngôi chùa không phản ánh đầy đủ và đích thực về phước đức của vị trụ
trì ngôi chùa ấy.
Chẳng hạn như những vị thiền sư sau khi đạt đạo lui về ẩn dật
nơi những thảo am nhỏ bé hoặc các chùa núi hoang vắng không phải vì các ngài
thiếu phước đức. Tại những nơi này, không vì xa xôi vắng vẻ mà “đạo khó phát
triển”. Ngược lại, phần lớn nguồn đạo được un đúc, tiếp nối và trao truyền
chính từ những nơi này chứ không phải từ những ngôi chùa to lớn, nguy nga nơi
phố thị. Tổ sư Đạt Ma ẩn dật trong núi Thiếu Thất, quay mặt vào tường gần cả chục
năm mà phát huy thiền Đông Độ rạng ngời cho đến ngày nay là minh chứng rõ ràng
nhất về điều này.
Vì thế, trong quá trình hành đạo luôn tùy duyên. Xây dựng
chùa to Phật lớn cũng tốt nhưng chạy theo hình thức bên ngoài để thể hiện “có
phước đức” mà nội tâm bất an là điều không nên.