HỎI: Hiện nay, ở địa phương của tôi có khá nhiều người
ngoại đạo muốn quy y Tam bảo trở thành những Phật tử, tu tập theo Chánh pháp của
Đức Phật. Tuy nhiên, có một điều khiến họ băn khoăn là sợ phạm lỗi với các vị
thánh thần mà họ đã quy hướng trước đây. Có cách nào để giúp đỡ những người này
được nương tựa Tam bảo, an tâm tu học? (TRẦN THÀNH TOÀN, P.2, TP.Cà Mau)
ĐÁP:
Bạn Trần Thành Toàn thân mến !
Đạo Phật với nền tảng trí tuệ và từ bi, giúp con người tháo
gỡ tất cả những trói buộc, chấp thủ để đạt đến giải thoát, an lạc. Tự giác, tự
nguyện, tự do và khai phóng là những đặc thù của đạo Phật. Vì thế, Phật giáo
hoàn toàn không có chủ trương bành trướng kiểu “mở mang nước Phật”, không có
chiến lược cải đạo, khuyến dụ hay dùng mọi áp lực có thể khiến người ngoại đạo
theo Phật. Tuy nhiên, nếu người nào nhận chân được những giá trị cao đẹp của
Chánh pháp, tự nguyện hướng về nương tựa Tam bảo để kiện toàn nhân cách và
thăng hoa tuệ giác đều được tán thán, ca ngợi.
Thời Thế Tôn còn tại thế, sau mỗi lần Ngài thuyết pháp, nếu
có người Bà la môn hay các ngoại đạo khác tự giác phát tâm quy y, trọn đời quy
ngưỡng Tam bảo đều được Thế Tôn tán thán: “Lành thay! Lành thay!…”. Đức Dalai
Lama, Thiền sư Thích Nhất Hạnh và các vị cao tăng khác khi hoằng pháp tại các
nước Âu-Mỹ hiện nay, cũng thường chia sẻ rằng các ngài không hề mang ý sẽ cải đạo
cho người Âu-Mỹ mà chỉ giúp họ những phương thức chuyển hóa, thăng hoa tuệ giác
để nhận ra những giá trị cao đẹp vốn có trong truyền thống của họ mà thôi. Tất
nhiên, nếu có người nào tự nguyện phát tâm quy y Tam bảo thì vẫn được tiếp độ,
trợ duyên để trở thành Phật tử.
Đến với đạo Phật để tìm sự bình an cho bản thân mình
- Trong ảnh: DVĐA Hồng Ánh không chỉ phát nguyện quy y
mà còn quyết định làm lễ cưới tại chùa dưới sự chứng minh
của đức Phật - Ảnh: Giác Thông
Điều đáng chú ý là phương thức truyền bá của Phật giáo không
hề mang tính loại trừ nhau như một số tôn giáo khác. Trước đây, một số tôn giáo
phương Tây khi du nhập vào Việt Nam đã bộc lộ sự chủ quan và hẹp hòi khi yêu cầu
người Việt theo đạo mới phải khước từ tín ngưỡng thờ cúng ông bà, dẹp bỏ lư
hương bát nước… Phật giáo thì lại khác, chỉ giúp khai phóng nhận thức, cống hiến
những phương thức rèn luyện và chuyển hóa tâm, làm giàu thêm truyền thống văn
hóa ở những nơi Phật giáo có mặt thông qua tinh thần từ bi hỷ xả. Rất nhiều người
phương Tây hiện nay đã cảm mến và quy hướng đạo Phật trong tinh thần này. Họ cảm
nhận tu tập theo đạo Phật rất thực tiễn, khoa học, trí tuệ mà lại rất thoải mái,
nhẹ nhàng.
Giống như học sinh cấp tiểu học, được bước lên bậc trung học
là cả một niềm hạnh phúc, cùng với lòng hãnh diện và tự hào. Những học sinh tiểu
học khi từ giã thầy cô cùng mái trường thân yêu không hề mang ý niệm phản bội
mà tràn ngập niềm vui về sự thăng tiến trí tuệ và nhân cách. Cũng vậy, những
người quy hướng đạo Phật đều ý thức rõ về sự tự nguyện của bản thân và cảm thấy
thoải mái vì đã tìm được một phương thức mới cho mình trong việc kiện toàn nhân
cách, phát huy tuệ giác để thiết lập đời sống an lạc. Điều này đối với tự thân
những người ấy thật có ý nghĩa, đáng hân hoan, vui mừng.
Thực tế thì đạo Phật là con đường giác ngộ, Đức Phật là bậc
thầy chỉ đường và người Phật tử phải tự mình thắp đuốc lên mà đi. Đức Phật luôn
phủ nhận quyền năng ban phúc giáng họa. Do đó, quy hướng Đức Phật chỉ là bước đầu
tiên dấn thân trên con đường chuyển hóa, còn vấn đề đến đích được hay không
hoàn toàn tùy thuộc nỗ lực của mỗi người. Thế nên hình thức cũng quan trọng,
nhưng điều thiết yếu nhất là biết trang bị và ứng dụng những chất liệu từ bi
trí tuệ (Phật chất) nhằm thiết lập hạnh phúc và an lạc cho cuộc sống cá nhân,
gia đình và xã hội.
Mặt khác, dù chúng ta đi theo bất cứ con đường nào hoặc bất
cứ ai mà cuối cùng chúng ta đến được bến bờ thánh thiện, an lạc, giải thoát phiền
não khổ đau, làm lợi ích cho mình và người thì chúng ta đã đi đúng hướng, không
phạm bất cứ lỗi lầm nào, kể cả đối với chư vị thánh thần. Kinh Kalama, Đức Phật
đã chỉ dạy cho người Kalama phương cách tìm ra một giáo thuyết đúng đắn để
nương tựa và thực hành, đó là “Hãy tin vào những giáo thuyết mà khi thực hành
đem lại lợi ích cho mình và người, có giá trị thiết thực trong hiện tại và
tương lai”.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN
Source: giac ngo
online