Vấn đáp-Chia sẻ
Xuất gia
19/05/2010 01:28 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

HỎI:Chúng cháu hiện đang còn đi học (lớp 11) và đều có tâm nguyện được xuất gia tu học, sống đời phạm hạnh, thoát tục để được cống hiến thật nhiều cho đạo pháp và xã hội

 - Điều mà cháu ưu tư là tuy gia đình cháu, bố mẹ đều tin Phật, thường đi chùa nhưng hình như không muốn cho cháu xuất gia. Mỗi lần cháu gợi chuyện xa gần về sự xuất gia thì bố mẹ có ý ngăn cản. Cháu định sang năm học xong 12, đậu tú tài sẽ chính thức xin phép gia đình xuất gia. Hiện tại, cháu cảm nhận rằng được xuất gia sẽ vô cùng quý giá. Nếu như bố mẹ cháu cấm tuyệt thì phải làm thế nào? (LÊ THỊ MỸ YÊN, Thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận)

- Còn cháu thì khác, nếu thuận duyên thì có thể xuất gia vào lúc học xong lớp 11 này, cháu xin hỏi là sau khi xuất gia rồi có được tiếp tục đi học lớp 12 và các chương trình cao hơn ở bên ngoài không? Vấn đề bằng tú tài có ảnh hưởng thế nào đến thọ giới và những vấn đề khác liên quan đến quá trình tu học của người xuất gia như thế nào?(LA THỊ HÀ, Thị trấn Gia Ray, Xuân Lộc, Đồng Nai)

ĐÁP:Các bạn Lê Thị Mỹ Yên và La Thị Hà thân mến!

Đối với độ tuổi hoa trẻ trung và hồn nhiên như các bạn mà đã biết hướng đến đời sống thoát tục để dấn thân phụng hiến, làm đẹp cho đời, tâm nguyện ấy thật đáng trân trọng. Từ khi phát khởi ý nguyện cho đến lúc chính thức gia nhập hàng ngũ xuất gia là cả một quá trình dài. Trong đó, ý chí xuất trần phải luôn được ấp ủ, nung nấu một cách liên tục, bền bỉ mới có thể thành tựu.

Đối với bạn Yên, theo chúng tôi thì các bậc phụ huynh, dù họ có hiểu đạo và trân quý chư vị Tăng Ni đến mấy nhưng khi biết con cái của mình chuẩn bị xuất gia thì họ thường cảm thương, e dè và lo lắng. Không phải họ không muốn con cái xuất gia hay có ý ngăn cản gì nhưng cảm thương vì đời sống xuất gia đạm bạc, kham khổ; e dè vì con đường ấy vốn dĩ rất hẹp, lại chông gai gập ghềnh; lo lắng vì nếu đã đi thì phải trọn vẹn chớ đừng thối thất, lỡ dỡ nửa chừng… mà không biết con mình có làm được những điều ấy không.

Mặt khác, có thể các bậc cha mẹ cũng muốn xác thực rằng ý nguyện xuất gia kia phải chăng là một sự thôi thúc sâu thẳm từ bên trong mang tính thiện căn sâu dày của con cái hay đó chỉ là sự bốc đồng có tính bồng bột, nhất thời của tuổi trẻ. Thành ra, việc cha mẹ tỏ vẻ không mấy tán đồng khi con cái thăm dò về  ý nguyện xuất gia lại trở nên cần thiết. Vì thế, để thuyết phục gia đình trợ duyên tán thành ý nguyện xuất gia của mình, ngay bây giờ bạn phải chứng tỏ rằng bạn có thể dấn thân một cách vững chắc trên lộ trình thoát tục. Trước hết bạn phải là một người con ngoan, chấp hành tốt kỷ luật gia đình, học tập siêng năng, biết kham nhẫn trước nghịch cảnh, đặc biệt là thể hiện xu hướng tu tập như thích đi chùa, ăn chay, tụng kinh, lễ Phật, tọa thiền…

Với sự chuẩn bị tạm đủ những điều kiện cơ bản như trên, khi học xong lớp 12, cũng là lúc đến tuổi trưởng thành, bạn có thể đặt vấn đề xin phép bố mẹ đi xuất gia theo chí nguyện của mình. Chúng tôi nghĩ rằng, bố mẹ của bạn là những người tin Phật, hiểu đạo cùng với sự thể hiện tha thiết nhu cầu được xuất gia của bạn và sự gia hộ của Tam bảo, chắc chắn bạn sẽ được xuất gia như ý nguyện.

Đối với bạn Hà, sau khi vào chùa rồi thì bước đầu cuộc sống tu học của bạn hoàn toàn tùy thuộc vào sự dẫn dắt của bổn sư. Mỗi vị thầy có một quan điểm khác nhau về việc hướng đạo cho đệ tử. Có thể, bạn vẫn được bổn sư cho phép tiếp tục đi học cho đến đậu tú tài, rồi sau đó mới xuống tóc xuất gia. Cũng có thể bạn phải tạm ngừng việc học văn hóa, chỉ chuyên tâm học đạo, bao gồm những môn học cơ bản cho người mới nhập môn, một thời gian sau bổn sư mới cho phép bạn trở lại học văn hóa (chương trình bổ túc) cho đến đậu tú tài.

Sau khi đậu tú tài, song song với quá trình tu tập thì việc học lên các chương trình cao hơn về Phật học và thế học cũng rất cần thiết. Tùy theo nhân duyên của mỗi người mà sự nghiệp học tập có khác nhau. Và tất nhiên, văn bằng tốt nghiệp phổ thông trung học sẽ trở nên vô cùng quan trọng trong quá trình tu học. Tất cả những khóa đào tạo Phật học và thế học đều phải dựa trên nền tảng này. Mặt khác, bằng tốt nghiệp phổ thông trung học là một trong những tiêu chuẩn để được thọ giới đối với những người xuất gia trẻ. Do đó, muốn trở thành một Tăng sĩ Phật giáo có đạo đức, tri thức và có chuyên môn để mai sau phụng sự đắc lực cho đạo pháp và xã hội thì hiện tại những người xuất gia trẻ phải phấn đấu tu học, từng bước kiện toàn tự thân bằng cách tu học song hành.

Chúc các bạn thành tựu ý nguyện!

TỔ TƯ VẤN

Source: giac ngo online

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch