HỎI: Gia đình tôi ăn chay cách nay đã 17
năm, vì hồi ấy cả gia đình tôi tin và tu theo pháp môn Quán Âm của bà Thanh Hải.
Sau này, tôi đã tìm hiểu giáo pháp của Đức Phật rồi âm thầm phát tâm quy y Tam
bảo. Thời gian gần đây, chồng tôi cùng gia đình bên chồng tin theo một vị minh
sư người Ấn được xưng tụng là Thánh Baljit Singh, hiện đang truyền bá pháp môn
thiền Sant Mat ở Ấn Độ và một số nơi trên thế giới. Nghe nói lúc được truyền
tâm ấn, nhận được một lực lượng rất mạnh mẽ (thấy được hình ảnh vị thánh kia rất
vĩ đại). Họ truyền tụng nhau đây là pháp môn duy nhất, là cứu cánh để trở về với
Thượng đế. Ngoài ra, vị nào được truyền tâm ấn, chỉ cần ăn chay, ngồi thiền,
thì nghiệp chướng sẽ được xóa sạch.
Hiện nay tôi rất bối rối vì những người thân luôn thúc giục
đi truyền pháp (nhận tâm ấn) nơi vị minh sư kia. Họ bảo rằng, nếu bị bệnh thì
phải tìm bác sĩ còn sống để trị chứ bác sĩ đã chết hơn 2.500 năm (chỉ Đức Phật)
thì làm sao mà trị liệu được. Mặt khác, đời sống gia đình hết sức tẻ nhạt vì chồng
tôi quá chuyên chú vào tâm linh. Tôi chưa biết phải làm sao để được an ổn trong
bối cảnh gia đình như thế và có niềm tin vững chắc vào Tam bảo. (V.D,
Bưu điện Bình Đông, TP.HCM)
ĐÁP:Bạn V.D thân mến!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, “Thiền Sant Mat là phương pháp
thiền quán ánh sáng và âm thanh tâm linh bên trong, do một vị thầy tại thế chỉ
dạy. Đây là phương pháp thiền định cổ xưa lưu truyền qua bao thế kỷ, được vị
minh sư ban cho đệ tử... Mục tiêu của thiền định là hiểu biết đầy đủ và vui hưởng
trọn vẹn bản thể tâm linh của chúng ta và sau cùng nhận thức được chân ngã của
chúng ta là linh hồn”. Như vậy, thiền Sant Mat và pháp môn Quán Âm của “thượng
sư” Thanh Hải về đại thể có những tương đồng là “quán ánh sáng và âm thanh tâm
linh bên trong”. Thiền Sant Mat là một phái thiền không thuộc về các truyền thống
thiền định của Phật giáo. Và tất nhiên phương pháp thực tập cùng với mục đích
“nhận thức được chân ngã của chúng ta là linh hồn”, cứu cánh là “trở về với Thượng
đế” cũng hoàn toàn khác biệt với thiền định Phật giáo.
Là người Phật tử, chúng ta luôn tôn trọng niềm tin của những
người khác và vận dụng sự hiểu biết của chánh kiến để giữ vững niềm tin của
mình. Đức Phật từng dạy về niềm tin cho những người Kàlama như sau: “Này các
Kàlama, chớ vội tin vì nghe truyền thuyết, chớ vội tin vì theo truyền thống, chớ
vội tin vì được kinh điển truyền tụng, chớ vội tin vì lý luận siêu hình, chớ vội
tin vì đúng theo một lập trường, chớ vội tin vì phù hợp với định kiến, chớ vội
tin vì xuất phát từ nơi có uy quyền và chớ vội tin vì vị Sa môn nói ra những lời
ấy là bậc đạo sư của mình.
Này Kàlama, khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là
bất thiện, là tội lỗi; các pháp này bị những người có trí chỉ trích; các pháp
này nếu chấp nhận và thực hiện đưa đến bất hạnh và khổ đau, thì này Kàlama, hãy
từ bỏ chúng.
Này Kàlama, khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là
thiện, là không có tội lỗi; các pháp này được những người có trí tán thán; các
pháp này nếu chấp nhận và thực hiện đưa đến hạnh phúc và an lạc, thì này
Kàlama, hãy chứng đạt và an trú” (Kinh Tăng Chi Bộ I).
Người tu Phật luôn tâm niệm “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà
đi, thắp lên với Chánh pháp, đừng thắp lên với một pháp nào khác? Hãy tự mình
nương tựa nơi chính mình, nương tựa với Chánh pháp, đừng nương tựa với một pháp
nào khác” (kinh Trường A Hàm). Do đó, bằng nỗ lực cá nhân, sự tự giác và
tinh tấn hành trì Chánh pháp có thể đạt đến giác ngộ, giải thoát mà không cần ỷ
lại hoặc dựa dẫm vào bất cứ năng lực siêu nhiên nào. Sự chuyển hóa và thanh tịnh
nghiệp lực là kết quả của tu tập, thành tựu Giới-Định-Tuệ chứ không phải nhờ
“truyền tâm ấn”.
Hiện tại bạn đang tu tập trong nghịch duyên, không được sự hỗ
trợ từ chồng và gia đình chồng (vì họ tin và tu theo thiền Sant Mat) mà đôi khi
còn bị gièm pha, công kích. Nghịch cảnh có thể cản trở sự nghiệp tu học nhưng
cũng có thể khiến cho chúng ta tinh tấn, dũng mãnh và kiên định hơn. Bạn luôn
tôn trọng con đường tâm linh của chồng (gia đình bên chồng) và hẳn nhiên mọi
người khác cũng cần tôn trọng con đường tâm linh của bạn, vì thế không ai có
quyền thúc giục hay ép buộc bạn đi đến minh sư để được “truyền tâm ấn” cả.
Nhưng do ở thế cô, nên bạn có thể chối từ việc ấy bằng cách nói rằng mình chưa
đủ duyên.
Trong hoàn cảnh của bạn, điều cần nhất là tránh xung đột vì
niềm tin bất đồng. Lấy sự tôn trọng lẫn nhau làm nền tảng trong mọi hành xử. Mặt
khác, bạn phải cố gắng học tập giáo pháp nhiều hơn nữa để hiểu biết sâu sắc về
Phật giáo. Từ cơ sở này, bạn sẽ vững vàng hơn trước những luận lý của các triết
thuyết khác. Quan trọng hơn là bạn phải biết thực tập và hành trì pháp để an
trú nội tâm thanh tịnh. Sự an lạc, thảnh thơi và định tĩnh trong cuộc sống thường
nhật sẽ là những chất liệu quan trọng nhất hình thành nên đời sống tự chủ, an
vui.
Chúc bạn tinh tấn!
Source: giac ngo online