•
Ăn chay có cần phải nấu nồi riêng, bát đũa riêng?
Nếu bạn là người ăn chay trường, trong khi các thành viên khác trong
gia đình không ăn chay trường, thì bạn nên nấu bằng nồi riêng, ăn bát
đũa riêng. Vì soong nồi bát đĩa dùng mặn có thể có mùi thịt cá làm bạn
không dễ chịu. Nhưng nếu bạn chỉ ăn chay kỳ thì việc làm này là không
mấy cần thiết.
• Rượu bia cũng được làm từ chất liệu chay?
Hoàn toàn đúng! Là Phật tử bạn nên biết rằng trong năm giới cấm của
người cư sĩ, có giới không được uống rượu bia. Một trong những lý do ăn
chay là tiêu thụ giản dị. Một lon bia có giá trị bằng một bữa ăn đạm
bạc, trong khi hành tinh chúng ta còn bao nhiêu triệu người nghèo đói.
Là người Phật tử, học theo hạnh từ bi của Như Lai chúng ta phải ý thức
điều này trong tiêu thụ. Đó là chưa nói đến những tác hại khác do bia
rượu gây ra.
• Ăn trứng gà công nghiệp có được không?
Về nguyên tắc, trứng gà công nghiệp không nở ra con, tức không chứa
mầm sống, nhưng nó rất giống trứng gà thường (có mầm sống). Tôi nghĩ
không nên dùng khi ăn chay. Còn nếu bạn có quan điểm khác, bạn bảo “ăn
được” thì... cũng không sai.
• Nếu ngày chay mà đi dự tiệc thì phải như thế nào?
Đã ăn chay thì bạn không nên tham dự những buổi tiệc mặn. Đám cưới,
đám giỗ, tiệc tùng của người thân, nếu có bạn thì vui hơn nhưng không có
bạn thì cũng chẳng sao. Bạn có thể bày tỏ tấm lòng với người thân bằng
cách chỉ gởi quà chúc mừng, nếu chỗ thân tình thì nên nói thẳng lý do để
được cảm thông.
• Tôi ăn chay ngồi chung bàn với người ăn
mặn, họ vô tình (lấy đũa của họ đang ăn mặn) gắp thức ăn chay cho tôi?
Đã ăn chay thì bạn không nên ngồi chung bàn với người ăn mặn. Đã ngồi
chung bàn với người ăn mặn thì có thể bỏ qua một kỳ ăn chay. Nhiều
người vẫn ngồi chung bàn với người ăn mặn nhưng chỉ ăn món chay, phần
lớn là để chứng tỏ mình ăn chay hơn là vì mục đích cao cả của việc ăn
chay. Ăn chay như thế có thể chỉ để làm tăng thêm bản ngã mà thôi. Người
ăn chay không cần phải chứng tỏ là mình đang ăn chay đâu.
• Đến ngày chay mà trong nhà còn thức ăn
mặn, có thể để qua ngày chay dùng tiếp được không?
Sao lại không! Nhưng tốt hơn là khi gần đến ngày chay thì bạn không
nên mua nhiều thịt, cá. Ví dụ, bạn phát nguyện ăn chay 4 ngày/tháng, tức
bạn sẽ ăn chay vào các ngày mùng 1, 14, 15 và 30 âm lịch hàng tháng.
Vậy thì bạn không mua hoặc mua rất ít thịt cá trong ngày 13 và 29. Đến
cuối những ngày này thì thức ăn mặn sẽ không còn trong bếp nhà bạn.
Trường hợp, ngày 14 (hoặc 30) còn thức ăn mặn, bạn có thể bố thí. Nhưng
tốt nhất, bạn nên lập kế hoạch để đến ngày chay, trong nhà bạn không còn
thức ăn mặn.
• Hôm nay là ngày chay, nhưng tôi “lỡ” ăn mặn, có sao
không?
Bằng chứng là bạn đã không sao. Nhưng lần sau bạn thận trọng hơn.
• Tôi đi công tác, ăn chay thật khó khăn?
Nếu là người ăn chay trường, bạn nên cố gắng khắc phục. Đi công tác
nơi xa xôi, bạn có thể mua mì (phở, cháo) gói chay mang theo. Nếu chỉ ăn
chay kỳ, trong trường hợp khó khắc phục, bạn có thể bỏ qua kỳ này.
• Món chay giả mặn, nên chăng?
Phần lớn Tăng, Ni và cư sĩ đều không đồng tình với việc giả mặn,
nhưng trong thực tế việc giả mặn rất phổ biến. Ta có thể khắc phục tình
trạng này như sau: Là Phật tử, chúng ta tuyệt đối không giả mặn trong
khi làm các món chay. Vào quán chay, không gọi những món giả mặn. Đặc
biệt, quý Tăng Ni tuyệt đối không thọ món giả mặn do cư sĩ cúng dường
trong những dịp trai tăng. Như vậy, sau một vài lần cư sĩ sẽ không giả
mặn nữa.
• Lợi ích của ăn chay?
Ý thức rằng ăn chay là để tôn trọng sự sống, để bảo vệ sức khoẻ, để
nuôi dưỡng lòng thương đối với muôn loài và tránh quả báo sát hại. Có
thể bạn chưa ăn chay trường được nhưng bạn nên luôn tâm niệm tìm cách
giảm thiểu tối đa việc sát sanh.
Là Phật tử chân chánh, bạn cần thấy được bản chất của vấn đề chứ
không nên bám vào các hình thức cứng nhắc. Khi hiểu được bản chất của
việc ăn chay, bạn sẽ không còn kẹt vào hình thức và trong bất cứ lúc
nào, bạn cũng có thể phát huy được lợi ích của việc ăn chay.