Giác Ngộ - HỎI: Tôi
mới đi chùa trong thời gian gần đây. Tôi biết đại khái rằng lễ hội Vu lan-Rằm
tháng Bảy là lễ báo hiếu cha mẹ. Tuy nhiên, trong mùa hội, tôi thấy ở chùa thì
đa phần là các lễ nghi cúng dường, chẩn tế, cầu nguyện, lễ bái. Còn tại tư gia
thì các Phật tử cúng ông bà, tổ tiên và thí thực cô hồn, đốt giấy tiền vàng mã.
Dù tôi được cài
hoa hồng trong lễ Bông hồng cài áo nhưng vẫn thấy vội vàng, đơn điệu và
khô cứng. Tôi mong ước có những hoạt động thiết thực hơn trong mùa Vu
lan nhằm đánh thức lòng hiếu trong con người mà nhất là giới trẻ để cùng
xây dựng gia đình và xã hội ngày một tốt hơn.
(Diệu Hạnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
ĐÁP:
Bạn Diệu Hạnh thân mến!
Lễ
hội Vu lan-Báo hiếu được tổ chức vào ngày rằm tháng Bảy là một trong những ngày
lễ quan trọng của Phật giáo, mang đậm chất nhân văn nhằm tôn vinh ân nghĩa sanh
thành, tri ân và báo ân đồng thời góp phần hướng thiện con người và xã hội. Vì
thế, lễ hội Vu lan-Báo hiếu luôn được mọi người quan tâm, hưởng ứng và thu hút
cả những người không phải là Phật tử.
Có
rất nhiều lễ tiết trong mùa hội, gần như tập trung dày đặc vào ngày 14 và rằm
tháng Bảy. Thường thì vào chiều ngày 14 là khóa lễ sám hối, sau đó là chương
trình thuyết giảng, văn nghệ hay tọa đàm với chủ đề Vu lan-Báo hiếu cùng lễ
Bông hồng cài áo.
Ngày rằm, sáng sớm là lễ Bố tát (có nơi làm lễ Tự tứ), sau đó
là lễ Vu lan (thuyết giảng, cài hoa hồng, dâng y, cúng dường), tiếp đến là cúng
linh và chiều là lễ cúng thí thực âm linh cô hồn, phát chẩn… Tuy nhiên, để cung
thỉnh được chư Tăng cho lễ dâng y, các chùa thường linh động tổ chức lễ trải
dài từ mùng 10 cho đến ngày 20 hoặc đến cuối tháng Bảy.
Ngoài ra, tùy vào hoàn
cảnh và điều kiện thực tiễn của mỗi chùa mà việc tổ chức lễ có phần khác nhau.
Đối với Phật tử, ngoài việc tham dự các khóa lễ tại chùa, chiều Rằm thường cúng
ông bà tổ tiên và cúng thí thực tại nhà riêng.
Dù
có nhiều lễ tiết khác nhau trong mùa hội Vu lan nhưng tựu trung các lễ ấy đều
mang ý nghĩa hiếu đạo, un đúc tinh thần tri ân và báo ân, hướng dẫn con người
sống có đạo đức, hiếu nghĩa. Do đó, các bạn cần phải hiểu rõ ý nghĩa của các lễ
này mới cảm nhận được giá trị giáo dục đạo đức và tâm linh qua các khóa lễ. Lễ
dâng y và cúng dường trai Tăng trong mùa Vu lan là dựa theo lời Phật dạy trong
kinh Vu lan bồn.
Kinh thuật chuyện Tôn giả Mục Kiền Liên sau khi chứng đắc lục
thông, thấy mẹ bị đọa trong địa ngục liền vào ngục dâng cơm mà mẹ không ăn
được. Sau đó, Phật dạy Tôn giả sắm sanh lễ vật chờ ngày chúng Tăng Tự tứ cúng
dường, nhờ mười phương chư Tăng chú nguyện, hồi hướng công đức cho mẫu thân
thoát khổ địa ngục. Hàng Phật tử đời sau noi gương Tôn giả Mục Kiền Liên, cúng
dường chúng Tăng trong ngàyVu lan-Tự tứ để cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ,
ông bà cha mẹ và thân quyến đã quá vãng được sanh về thế giới an lành.
Ngày Rằm
tháng Bảy là ngày Xá tội vong nhân nên lễ cúng thí thực, chẩn tế âm linh cô hồn
nhằm thể hiện lòng từ bi, bố thí thực phẩm cho các vong hồn vất vưởng, không
nơi nương tựa (biết đâu trong những cô hồn đó có cả người thân của mình?) được
no đủ và khai thị cho họ hiểu Chánh pháp để hướng thiện, siêu sanh. Một khi các
bạn hiểu được ý nghĩa của các lễ này thì sẽ cảm nhận được giá trị tinh thần cao
đẹp của Lễ hội Vu lan.
Đặc
biệt, trong lễ cúng thí thực rằm tháng Bảy, một số nơi vẫn lưu giữ tục đốt vàng
mã. Tục này có mặt lâu đời trong đời sống dân gian Việt Nam, thể hiện sự quan tâm của người
sống đối với người đã khuất. Về động cơ của tập tục này có thể nói là tốt, song
trong phương thức thể hiện dưới tuệ giác chánh kiến của nhà Phật thì có thể nói
tập tục này đang được động viên hạn chế, giảm thiểu đến tối đa vì tốn kém, gây
ô nhiễm, hỏa hoạn và nhất là không đem lại lợi ích thiết thực cho người chết.
Ngoài
những hoạt động có tính truyền thống như cúng dường chư Tăng, cầu siêu độ cửu
huyền thất tổ, cúng thí thực, trong lễ hội Vu lan-Báo hiếu còn có những hoạt
động văn hóa khác nhằm tôn vinh ân nghĩa sanh thành, hiếu thảo với cha mẹ, biết
tri ân và báo ân… như thuyết giảng, triển lãm, văn nghệ, tọa đàm chủ đề Vu lan-Báo
hiếu. Lễ Bông hồng cài áo tuy mới du nhập nhưng đã được sự hưởng ứng nồng nhiệt
và trở thành một lễ tiết không thể thiếu trong mùa hội.
Hiện
các chùa viện và những trung tâm văn hóa Phật giáo đang khai thác những hoạt
động này trong mùa hội Vu lan nhưng tùy theo quy mô, phương thức tổ chức của
từng nơi mà có kết quả khác nhau. Một vài nơi đã xây dựng được chương trình tạp
kỹ Vu lan khá công phu và hoành tráng gồm thuyết giảng (ngắn), tọa đàm, giao
lưu, cài hoa hồng, văn nghệ… đã tạo ấn tượng đẹp, có tính giáo dục hiếu đạo sâu
sắc cho Phật tử và quan khách.
Do đó, theo chúng tôi, muốn đánh thức tinh thần
hiếu đạo trong giới trẻ và có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, giới Phật giáo cần
chú trọng hơn về các hoạt động văn hóa Phật giáo nhằm xã hội hóa lễ Vu lan.
Chúc bạn tinh tấn!
Tổ Tư Vấn (tuvangiacngo@yahoo.com)-GNO