Thưa Ban Biên Tập:
Tôi được xem nhiều kinh lưu trữ trong TVHS, trong đó có
những kinh được quý thầy cho biết là kinh liễu nghĩa và kinh bất liễu nghĩa. Ví
dụ như kinh Bát Nhã là kinh liễu nghĩa và kinh Địa Tạng hay kinh Nhân Quả Ba
Đời là những kinh không liễu nghĩa. Vậy xin vui lòng cho tôi biết thế nào là
kinh liễu nghĩa và kinh không liễu nghĩa. Xin cảm ơn quý ban biên tập.
Minh Liên
Thưa
đạo hữu Minh Liên,
Liễu
Nghĩa là thực nghĩa hiển liễu phân minh thuyết thị cứu cánh. Là nghĩa đã trọn,
đã hết. Đối nghịch với liễu nghĩa là bất liễu nghĩa tức là nghĩa chưa trọn vẹn,
chưa hết nghĩa. Liễu nghĩa và bất liễu nghĩa là tên gọi khác của Cứu Cánh (liễu
nghĩa) và Phương Tiện (bất liễu nghĩa). Trong kinh điển Phật giáo có Liễu Nghĩa
Kinh và Bất Liễu Nghĩa Kinh. Cho nên Phật dạy; phải y vào kinh Liễu Nghĩa (Kinh
Đại Bát Niết Bàn - Phẩm Tứ Y).
Nói một
cách giản lược, kinh liễu nghĩa là kinh điển trình bày về chân lý tuyệt đối,
chân lý chân thật, đúng mức và rốt ráo. Kinh không liễu nghĩa là những kinh
phương tiện, chỉ nói về chân lý tương đối, chưa đúng mức, chưa hết nghĩa. Ví dụ
như nói: Như Lai nhờ sự ăn mà sống còn, đó là lời (kinh) không liễu nghĩa. Nếu
nói Như Lai thường trụ không biến đổi, đây gọi là lời (kinh) liễu nghĩa. Nếu
nói Như Lai nhập Niết Bàn như củi hết lửa tắt, đó là lời (kinh) không liễu
nghĩa. Nếu nói Như Lai nhập Pháp tánh, đấy là lời (kinh) liễu nghĩa.
Ý niệm
về kinh liễu nghĩa và kinh không liễu nghĩa song hành với ý niệm về hai sự
thật: Sự Thật Tương Đối và Sự Thật Tuyệt Đối. Sự Thật Tuyệt Đối tương đương với
liễu nghĩa, thuật ngữ Phật học gọi là Chân Đế, Đệ Nhất Nghĩa Đế; còn Sự Thật
Tương Đối là Tục Đế, cũng còn gọi là Sự Thật Công Ước. Trong sự thật công ước,
tất cả mọi hiện tượng đều diễn bày thật một cách công ước, có nghĩa là, chúng
cũng thật như thể một giấc mộng. Chúng xuất hiện và hành động qua tiến trình
duyên khởi tạo nên bởi tâm vọng tưởng. Ngược lại, trong sự thật tuyệt đối, tất
cả mọi hiện tượng đều không có tự tính và vượt trên mọi khái niệm, vượt trên
mọi phân biệt nhị nguyên đối đãi. Một vị Thiền sư cho một ví dụ rất hay khi đề
cập đến hai sự thật này là ở trong một căn nhà, người ta muốn thờ Phật ở tầng
trên và ngủ ở tầng dưới, tại vì nếu thờ Phật ở tầng dưới, đi đứng, nằm ngồi ngủ
nghỉ ở tầng trên thì có cảm giác mang tội. Đó là một sự thật tục đế được mọi
người công ước. Mình tin rằng thờ Phật ở tầng trên và mình ở tầng dưới, nhưng
khi quả địa cầu quay ngược lại, thì mình ở trên và nơi thờ Phật lại ở dưới. Thành
ra ý niệm về trên và dưới là một ý niệm tương đối. Đối với sự thật tuyệt đối
thì không có trên dưới.
Tuy
nhiên, chúng ta cần biết, chúng ta đang sống trong thế giới công ước, sống
trong những thật tại tương đối, mặc dầu không hoàn toàn, không tuyệt đối, nhưng
nó rất là quan trọng vì nhiều khi chúng ta phải nương vào nó để hiểu, để tới
thế giới tuyệt đối. Đối với kinh, khi thấy một lời kinh (hay) một quyển kinh
không liễu nghĩa, đừng cho rằng kinh này là sai, không phải là kinh của Phật,
không phù hợp với tinh thần giáo lý của Phật. Không nên nói và nghĩ như vậy, vì
có thể nhưng kinh đó đã được nói ra đễ dẫn dắt những người mới bước chân vào
đạo hay những người chưa đủ căn cơ để tiếp nhận giáo pháp cao hơn. Mặc dầu kinh
đó chưa diễn bày hết nghĩa lý thâm sâu của Phật, nhưng nó có tác dụng đưa người
ấy ra khỏi cảnh khổ, ra khỏi vũng bùn lầy lội hiện tại.
Một
Phật tử được khuyên bảo là “vì lòng từ bi với muôn loài chúng sinh nên đừng sát
sinh và ăn chay là tránh sát sinh. Mục đích đích thực của việc ăn chay trong
đạo Phật là tôn trọng và bảo vệ sự sống. Tôn trọng sự sống không những bằng
cách giúp nhau để sống còn, mà còn có khi phải hy sinh sự sống để bảo vệ sự
sống, nghĩa là có khi tiêu cực như ăn chay để cứu muôn loài, có khi tích cực
như "thay khổ cho chúng sanh" để cứu vạn loại”. Mặc dầu nghe lọt lỗ
tai nhưng thấy chuyện đó xa vời quá nên vị Phật tử này không quan tâm đến việc ăn
chay. Cho đến khi có một người bạn thân lấy một đoạn kinh Bắc Truyền nói rằng
“ăn miếng thịt trả miếng thịt, giết mạng sống đền mạng sống”, thế là vị Phật tử
này nghe liền và ăn trường chay luôn. Vậy thử hỏi ai khuyên đúng? Ai khuyên
sai? Không có ai nói sai nói đúng hết. Chỉ có vấn đề có phù hợp với căn cơ
người nghe không mà thôi.
Đức
Phật là một vị đại lương y, trước khi Ngài diễn nói, Ngài quán sát thính chúng,
biết căn cơ của người nghe pháp để đưa ra những giáo pháp thích hợp nhằm chữa
cho họ hết tâm bệnh. Cố nhiên khi Phật nói với người này thì người khác cũng
nghe và có thể họ không nghe lọt lỗ tai vì họ không cùng hoàn cảnh, Vì vậy từ
xưa và đến ngày nay vẫn có những người hiểu lầm Ngài và có khi tỏ vẻ chống báng
chỉ trích. Cho nên, Chúng ta nên biết rằng mỗi lời Phật nói nhắm vào một mục
đích tương đối nào đó, dành cho một đối tượng thính chúng nào đó và ở một quốc
độ hay thời gian nào đó, để tháo gỡ cái kẹt cho họ. Nếu chúng ta thấy được hoàn
cảnh của họ mới mong hiểu được lời tuyên bố của Phật. Vì Phật muốn độ chúng
sinh mà phương tiện nói pháp.
Ngày
xưa Tổ Triệu Châu nói với đệ tử về Phật tánh: Con chó có Phật tánh hay không? Trong
các kinh Phật đều nói rằng “trên từ chư Phật dưới tới con sâu con kiến đều có
Phật tánh” Theo đó thì con chó thế nào cũng có Phật tánh, nên một hôm đệ tử biết
chắc như vậy bèn hỏi để thầy ấn chứng cho sở học của mình: “Thưa thầy, con chó
có Phật tánh hay không? Tổ trả lời: Không. Cũng chính Tổ hôm trước nói con chó
có Phật tánh mà, sao hôm nay lại nói không! Vì Tổ biết vị đệ tử này tin chắc
chắn con chó có Phật tánh nên Tổ mới nói không nhằm phá chấp có của đệ tử, tháo
gỡ cái vướng mắc “có không” của thế giới nhị biên, đối đãi. Nếu chúng ta căn cứ
vào lời nói mà bảo rằng Tổ này nói đúng, Tổ kia nói sai, là trật lất cả. Đúng
là đúng với ai? Sai là sai với ai? Có khi nó đúng với người này mà nó sai với
người khác. Các Ngài nói với từng người một, mỗi người có căn cơ riêng, có hoàn
cảnh riêng. Một vị Bác sĩ trước khi cho thuốc phải khám nghiệm, chẩn mạch, phải
biết được tình trạng cơ thể bệnh nhân.