HỎI: Tôi
là Phật tử thường hay đi tụng kinh và nghe pháp. Mỗi tối, tôi thường đến chùa gần
nhà tụng kinh. Nhưng lúc này do đi công tác xa nên tôi cố gắng tìm một ngôi
chùa gần chỗ làm việc để mỗi tối đến tụng niệm. Có điều, những ngôi chùa ở nơi
đây hầu hết đều theo truyền thống Phật giáo Nam tông (Theravada), cách thức và
nghi lễ cũng không giống như những ngôi chùa ở quê nhà (theo Bắc tông). Tôi
đang bối rối không biết phải làm cách nào? Có nhất thiết phải tìm một ngôi chùa
theo truyền thống Phật giáo Bắc tông để tụng niệm, tu tập không? Xin quý Báo hướng
dẫn và giải thích cho tôi được rõ. (anhmy96...@yahoo.com.vn)
ĐÁP: Bạn
anhmy… thân mến!
Trong việc tu tập của người Phật tử, mỗi tối
đều đến chùa lễ Phật, tụng kinh là việc vô cùng cần thiết. Sau một ngày làm việc
mệt nhọc với vô số lo toan phiền toái, tối đến chùa để thanh lọc, tịnh dưỡng
thân tâm và tiếp thêm năng lượng từ bi hỷ xả để thiết lập một đời sống an lành.
Với nhịp sống hối hả, nhiều thay đổi chỗ ở và việc làm như hiện nay mà bạn vẫn
gắng tìm về nương tựa ba ngôi Tam bảo để tu tâm dưỡng tánh, điều ấy thật đáng
trân trọng.
Ở nước ta, có hai truyền thống Phật giáo lớn
là Bắc tông và Nam tông. Trong truyền thống Phật giáo Nam tông có phái Phật
giáo Nam tông người Khmer và Phật giáo Nam tông của người Việt. Chùa chiền của
Phật giáo Nam tông có mặt ở hầu hết các tỉnh miền Trung và miền Nam, riêng các
chùa Phật giáo Nam tông người Khmer đa phần tập trung ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Dù mỗi chùa theo các truyền thống hay hệ phái Phật giáo khác nhau có cách thức
hành lễ và tụng niệm khác biệt nhưng vẫn đồng nhất là tôn thờ Phật Thích Ca và
tu tập, thực hành theo những lời dạy của Ngài. Vì thế, hàng Phật tử có thể tu tập,
nghe pháp ở bất cứ ngôi chùa nào, thuộc bất kỳ truyền thống nào mà không có gì
trở ngại cả.
Vì thế, nếu như quanh vùng bạn công tác
không có ngôi chùa Phật giáo Bắc tông nào thì bạn hãy tìm đến ngôi chùa Nam
tông nào gần nhất để tu niệm. Trước hết, bạn nên đến chùa gặp vị sư cả (trú
trì) hay bất kỳ vị sư nào, trình bày hoàn cảnh và tâm nguyện muốn đến chùa tu học
trong thời gian công tác ở địa phương. Sau đó, đến giờ làm lễ, bạn cứ theo các
Phật tử lễ bái, tụng niệm một cách bình thường. Nếu là chùa Phật giáo Nam tông
người Việt thì có nghi thức tụng niệm hay kinh tụng bằng tiếng Việt, có thể tụng
niệm theo một cách dễ dàng (gần giống chùa Bắc tông). Trong trường hợp ngôi
chùa ấy thuộc Phật giáo Nam tông người Khmer (tụng kinh bằng tiếng Khmer hoặc
Pàli) thì sau khi lễ Phật xong, bạn ngồi yên trì niệm danh hiệu Phật.
Vấn đề cốt tủy khi đến chùa không phải là tụng
kinh (tụng hay hoặc dở, tụng được hoặc không) mà là lắng lòng hướng đến Tam bảo,
tịnh hóa thân tâm. Các Phật tử nói chung, trong khi tham gia các khóa lễ ở những
nơi mà phương thức hành lễ cùng với cách thức tụng niệm không giống với truyền
thống của chùa mình thì cách hay nhất là ứng dụng pháp môn Quán tượng niệm Phật.
Đảnh lễ Tam bảo xong, ngồi ngay thẳng, mắt nhìn lên tôn tượng Đức Bổn Sư-Phật
Thích Ca, buông bỏ tất cả những tạp niệm, hướng tâm nhìn ngắm tôn dung Phật với
tất cả lòng thành kính nhất, miệng thầm niệm Nam mô Phật Thích Ca Mâu Ni (hay
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật) liên tục, không gián đoạn trong suốt khóa lễ.
Vậy thì thay vì tụng kinh nhưng do một số
khác biệt về nghi lễ nên bạn niệm Phật. Hiệu quả thanh tịnh tâm của việc tụng
kinh và niệm Phật không khác gì nhau. Khi tham gia tụng hoặc niệm như thế, thân
ngay thẳng trang nghiêm được thanh tịnh, miệng tụng đọc giáo pháp hay niệm
Thánh hiệu Phật nên thanh tịnh và tâm tư chuyên nhất vào tụng niệm nên không
tán loạn và được thanh tịnh. Ít nhất là trong thời gian làm lễ, ba nghiệp thân
miệng và ý của chúng ta được thanh tịnh. Ba nghiệp thanh tịnh chính là kết quả
tu tập thiết thực nhất mà mỗi người đều cảm nhận được.
Như vậy, vấn đề là ở chỗ chọn pháp môn tu
thích hợp với hoàn cảnh. Cho nên hàng Phật tử vào bất cứ chùa nào, ở bất cứ đâu
cũng đều tu tập được mà không hề gặp khó khăn hay trở ngại. Ngoài ra, sự tham dự
tu tập ở những ngôi chùa khác nhau cũng là một cơ hội tốt để học tập thêm những
điều hay và mới lạ ở các truyền thống khác, mà đôi khi chùa mình không có.
Source:
giac ngo online