Vấn đáp-Chia sẻ
Thọ mạng của Phật Pháp
Tâm Minh St
03/07/2013 02:15 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Một người xuất gia chân chính, đi theo bước đường hành đạo, truyền thừa mạng mạch Phật Pháp thì không thể không đăng đàn thọ giới và giữ giới. Chúng ta có thể kém tài, nhưng đối với giới luật mà mình đã lãnh thọ thì phải “tịnh như băng tuyết”. Kinh Ðại Thừa Bổn Sanh Tâm Ðịa Quán, Phật dạy: “Vào biển Phật Pháp lấy đức tin làm căn bản, vượt dòng sanh tử lấy giới luật làm thuyền bè...”.

Chúng ta là những trưởng tử của Như Lai, giữ gìn mạng mạch Phật Pháp để lưu truyền nơi thế gian, lãnh trách nhiệm “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, muốn cho chánh pháp trường tồn thì phải lấy giới làm Thầy. Khi Ðức Thế Tôn sắp nhập niết bàn, Ngài cũng đã dạy: “Này các tỳ kheo, sau khi ta diệt độ, các vị cần phải tôn trọng kính ngưỡng Ba-la-đề-mộc-xoa (giới luật), như kẻ mù tối được sáng mắt, kẻ nghèo hèn được vàng ngoc. Phải biết giới luật là bậc Thầy cao cả của các vị. Dù ta ở đời cũng không khác gì giới luật ấy” (Kinh Di Giáo).
Nhờ có giới mà chúng ta thúc liễm được thân tâm mình, không để ý nghĩ điều ác, miệng nói điều ác, thân làm việc ác. Từ đó phát sinh các thiện pháp và thể hiện ra bên ngoài bằng sự nghi biểu của thân. Trong tam vô lậu học, giới là nền tảng căn bản cho định và tuệ. “Nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ”. Kinh Hoa Nghiêm, Ðức Phật dạy: “Giới là cội gốc của Bồ đề, là cửa ngõ của niết bàn, là chiếc thuyền đưa chúng sanh qua biển sanh tử, là chuỗi anh lạc để trang nghiêm thân”. Như vậy, một hành giả muốn bước tiến trên con đường giải thoát thì không thể không đăng đàn lãnh thọ giới pháp và giữ gìn giới pháp tinh nghiêm. Nhờ sự chế ngự của giới làm tường rào vững chắc, chúng ta mới thật sự có được một đời sống thanh tịnh, tự do và an lạc.
Vì vậy, trong suốt cuộc đời tu của người xuất gia, hai dấu ấn có thể nói là quan trọng và sâu đậm nhất là ngày thế phát xuất gia và khi đăng đàn lãnh thọ giới pháp. Ðối trước Phật đài trang nghiêm, đàn tràng thanh tịnh, hương trầm nghi ngút, với đầy đủ Tam sư Thất chứng, chư vị dẫn thỉnh, đông đảo giới tử một lòng chí thành cầu thọ giới pháp…; đó là thời khắc thiêng liêng nhất, là một dấu ấn đẹp trong suốt cuộc đời tu, cũng là điểm khởi đầu cho chúng ta nhận lãnh pháp mầu, cầu thọ tịnh giới của Như Lai để trì giữ.
Thiết nghĩ, mỗi hành giả nên nhứt tâm chánh niệm, một lòng chí thành hướng về ngôi Tam Bảo, lắng động mọi vọng tưởng để lắng lòng nghe kỹ những lời khai đạo của chư vị giới sư, ngõ hầu làm phương châm cho chính mình mà tiến đạo nghiêm thân. Và cũng nên khắc ghi mãi hình ảnh này để nuôi dưỡng tâm bồ đề ngày càng lớn mạnh, chí xuất trần thượng sĩ thật kiên cố, hầu mong “thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ” để không cô phụ công ơn Thầy Tổ, cha mẹ và lí tưởng xuất gia của chính mình.
Từ vô thỉ kiếp đến nay, do vô minh mê lầm mà chúng ta mãi lăn lóc luân hồi triền miên trong ba cõi. Nay bước chân vào đạo, nhận ra được con đường chân chánh, nhờ ánh sáng Phật Pháp soi rọi, nhờ giới pháp thanh tịnh trang nghiêm mà chúng ta dần dần đoạn trừ bớt những tập khí phiền não sâu dày để trở về với chơn tâm, phật tánh bất sanh bất diệt hằng hữu. Chính nhờ giới luật đã làm nền tảng cho sự tiến bước đó. Ðời sống của giới là đời sống của sự hòa hợp và thanh tịnh; đó cũng chính là ý nghĩa của Tăng.
Một đoàn thể tăng thanh tịnh và hòa hợp đúng nghĩa là một đoàn thể tăng có giữ giới. Cơ sở tự viện nào có nề nếp thanh quy nghiêm ngặt, đó là môi trường tốt để đào tạo tăng tài cho Ðạo Pháp và dân tộc. Ðạo Phật có tồn tại và phát triển hay không chính là nhờ những thế hệ tăng đủ tài đủ đức này. Tài năng nhờ hiểu sâu Phật Pháp, đức hạnh nhờ giữ giới tinh chuyên. Có tài mà không có đức thì chưa phải là người xuất gia đệ tử Phật chân chính. Cho nên, có thể khẳng định lại: Giới luật chính là thọ mạng của Phật Pháp vậy.

Nguồn: chuaphapvu.org

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch