Theo chỉ dẫn, chúng tôi dễ dàng tìm thấy quán cơm chay xã hội Cường Béo. Gần 2 năm trở lại đây, quán đã trở thành địa chỉ quen thuộc của dân lao động tại con hẻm nhỏ (151/4 Tôn Thất Đạm, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM).
Người nghèo đến với quán
Gần 10 giờ trưa, chúng tôi có mặt trước cửa quán cơm, những vị khách đầu tiên của quán chay bắt đầu xuất hiện. Đó là người bán vé số, làm hồ, làm thuê và nhân viên văn phòng ở khu vực Q.1 đến quán dùng cơm trưa.
Quán cơm chay Cường Béo phục vụ suất cơm chỉ có 5.000 đồng
Hàng ngày, quán chay phục vụ bắt đầu từ 10 giờ sáng cho đến 16 giờ chiều. Theo anh Vũ Quốc Cường (PD: Tuệ Hiếu), chủ quán cơm chay, thì để tạo thực đơn phong phú cho thực khách, trung bình mỗi ngày quán chuẩn bị khoảng 9 món ăn gồm: luộc, xào, kho và canh, thỉnh thoảng còn có cả chuối tráng miệng và sữa đậu nành miễn phí cho khách.
Để quán cơm hoạt động nề nếp, chị Tuyên (PD: Diệu Tuyền) vợ anh Cường, lập ra một bảng nội quy gồm thời gian phục vụ, giá cả, quy định đối với khách hàng. Quán cơm phục vụ tất cả các ngày trong tháng, ngay cả những dịp lễ Tết, anh chị cũng vẫn mở cửa.
Anh Cường cho biết, tất cả mọi người đến với quán đều được phục vụ công bằng như nhau, người nào đến trước phục vụ trước, ưu tiên người già, người tàn tật, bà mẹ mang thai… Đối với người phụ việc trong quán, anh cũng yêu cầu phải nhã nhặn, vui vẻ, ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ, nói năng nhỏ nhẹ với khách… Đặc biệt, theo quan điểm của chủ quán, nhân viên không được gợi ý hay cố ý dùng lời lẽ để vận động, xin tài trợ, hỗ trợ từ khách hàng.
Anh Cường tâm sự, khi quán khai trương cũng có không ít người có nhã ý muốn cùng quyên góp tiền bạc và gạo để giúp đỡ người nghèo, nhưng vợ chồng chị đã từ chối vì chỉ chủ trương sử dụng nguồn tài chính gia đình.
Ăn cơm chay như cơm nhà
Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, quán cơm chay xã hội 5.000 đồng đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho rất nhiều người lao động nghèo trên địa bàn quận 4. Thông thường, vào các ngày ăn chay thì quán bán đến hơn 1.000 suất cơm. Những ngày bình thường, quán bán ra 600-700 suất cơm.
Tuy nhiên, từ khi quán cơm ra đời, vợ chồng anh chị cũng vất vả. Mỗi ngày, anh phải dậy từ 4 giờ sáng để ra chợ mua thực phẩm. Đồng hành cùng anh là chị Tuyên còn có 3 cô con gái của anh chị, ngoài giờ đi học, các em vẫn xắn tay vào phụ ba mẹ, giao cơm cho các văn phòng gần đó hoặc công việc phục vụ. Ngoài ra, anh Cường còn thuê thêm 2 người phụ quán với khoản tiền lương 3 triệu/tháng. Vào các hôm đông khác, quán nhỏ của anh còn có thêm khoảng 5 người là các cô chú, anh chị em cùng “làm công quả” chung với vợ chồng chị.
Với giá 5.000 đồng, quán cơm chay nhanh chóng được đông đảo người lao động có thu nhập thấp như bán vé số, làm thuê, làm mướn… tìm đến. Có người chỉ ghé ăn vào mỗi bữa chay nhưng cũng có người đến ăn thường xuyên như cơm ở nhà.
Anh Thành, nhân viên bảo vệ của một công ty gần đó đã trở thành khách hàng thường xuyên của quán. Như mọi ngày, anh đến ăn cơm tại quán, sau đó anh mua thêm một phần cơm hộp đem về cho đồng nghiệp đang trực.
Còn chị Như bán báo kiêm bán vé số tại Q.1 cho biết: “Ăn cơm tại quán cơm chay xã hội, mình cũng đỡ mặc cảm hơn, vì không phải như cơm từ thiện, được mang cho, mà ở đây với đồng tiền bằng sức lao động mình bỏ ra. Quán cơm chay giúp gia đình chị tiết kiệm rất nhiều so với việc mua gạo, thức ăn về nấu”.
Ngoài người lao động phổ thông đến quán, các bạn sinh viên cũng đến quán dùng cơm với mục đích tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Không chỉ ăn tại quán, rất nhiều người lựa chọn mua hộp mang về. Theo anh Cường, bán một phần cơm hộp gần như là cho không, bởi chi phí hộp, bịch đã chiếm hơn một nửa số tiền cơm. Vào những ngày chay, nhân viên văn phòng gửi nhau đặt mua có khi đến vài chục hộp cơm để ăn trưa.
Anh Cường xúc động nói: “Tôi không giàu có gì nhưng cũng muốn góp một phần nhỏ để cuộc sống của những người lao động nghèo khổ đỡ vất vả nhọc nhằn, cũng như gieo thêm những hạt Bồ-đề tâm tới cho người nghèo”.