|
Chơn Hữu cùng chiếc bình bát - vật bất ly thân khi đi
khất thực |
Một “đại ca” với hàng chục đệ tử, đang ở trên đỉnh cao phong độ, tiền
bạc, địa vị... bỗng nhiên “rửa tay gác kiếm” vào chùa làm trụ trì, tu
nhân tích đức và ra tay cứu đời, giúp người bằng việc mở lớp học tình
thương cho học sinh nghèo, quyên góp từ thiện cho những mảnh đời bất
hạnh.
Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật
Giáo Việt Nam Net)
“ĐẠI BÀNG” TUNG HOÀNH PHỐ NÚI Nhìn khuôn mặt
hiền lành, phúc hậu của Thích Chơn Hữu, trụ trì chùa Định Quang (thôn
Dạ Lê, xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế), ít ai biết
trước đây thầy vốn là một “đại ca” khét tiếng ở xứ Đà Lạt. Chơn Hữu
tên thật là Huỳnh Thiện Hữu (SN 1971, ở xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang,
Thừa Thiên - Huế). Năm 1975, gia đình lưu lạc lên Đà Lạt lập nghiệp.
Suốt quãng thời gian học cấp I, Hữu thường xuyên có mặt trong các kỳ
thi học sinh giỏi văn TP. Đà Lạt. Lên lớp 9, Hữu bỗng thay đổi bản
tính, những trang văn hay cứ thưa dần, thay bằng võ nghệ. Cậu bé học
giỏi, ngoan ngoãn luôn chiếm được tình cảm, lòng thương của thầy cô,
bạn bè đã không còn như ngày xưa. Thay vào đó, Hữu cùng những học trò
cá biệt, con nhà giàu ham chơi tập trung thành một hội quậy phá trong
trường, răn đe những học sinh khác. “Bang hội” ngày càng có uy tín,
rồi tổ chức đánh nhau, bỏ học tập thể do chính Hữu phát động... Mẹ Hữu
không ít lần được nhà trường mời lên họp phụ huynh vì những trò quậy
phá của Hữu. Người cha qua đời vì tai nạn. Hoàn cảnh gia đình khánh
kiệt, một mình mẹ của Hữu chèo chống nuôi năm anh em Hữu ăn học. Mất
đi người cha, trụ cột trong gia đình, Hữu cảm thấy hụt hẫng, chán nản.
Tuổi 16, Hữu bỏ học, gia nhập “xã hội đen” khi trở thành
thành viên của băng “Ánh sáng” - một nhóm giang hồ chuyên làm “luật
rừng” ở các quán bar, vũ trường và tổ chức đua xe trái phép ở Đà Lạt.
Băng này hội tụ từ 20 đến 30 thanh niên có chút võ nghệ cộng với máu
liều. Hữu và đồng bọn thường đến các vũ trường chơi bời, làm bảo kê,
đòi nợ thuê và dằn mặt những kẻ nào dám chơi trội; và kiêm luôn việc
“che chở” cho những cô vũ nữ, những gái bán thân... “Ánh sáng” lạnh
lùng một cách tàn nhẫn. Chỉ cần có tiền và để khẳng định địa vị của
mình, các thành viên sẵn sàng đè đầu cưỡi cổ, dẫm đạp lên kẻ khác để
đạt được mục đích. Họ sát phạt đối phương một cách không thương tiếc” -
sư Chơn Hữu nhắc lại.
Chỉ vào vết thương trên tay, Chơn Hữu
khoe: “Một lần, nhóm giang hồ ở quận 4 (TPHCM) lên Đà Lạt để tống tiền
hoặc xử đẹp một cô vũ nữ ở vũ trường Minh Tâm theo sự thuê mướn của
người chồng cũ. “Ánh sáng” phải ra tay dàn xếp để bảo vệ cho cô vũ nữ -
“con mồi” của mình ở đất Đà Lạt. Lợi thế chủ nhà và sự liều lĩnh,
“Ánh sáng” đã thâu tóm được nhóm giang hồ kia. Kẻ cầm đầu bị một đồng
bọn của Hữu chém tới tấp. Thấy nguy kịch đến tính mạng của người này,
Hữu thấy thương rồi giơ tay đỡ nhát chém cuối cùng. Nhóm của Hữu còn
tổ chức đua xe ăn tiền. Chiếc xe 67 - “hung thần đường đua” mang về
cho Hữu những khoản tiền lớn.
Sau 4 năm, Hữu tách khỏi “Ánh sáng”
để lập băng hội mới với hơn 20 đệ tử, kéo nhau lên bãi vàng Tà In (xã
Tà In, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) hoạt động. Đây cũng là cách để anh
chạy trốn khỏi gia đình, tránh cho mẹ già những đau xót, phiền toái bởi
kẻ thù của anh không hề ít. Thời gian, mẹ và các anh chị đã “từ” mặt
anh. Mọi người khuyên răn mấy cũng chẳng lay chuyển được cái “ông
tướng” đã ngấm sâu trong mình dòng máu giang hồ. Ngang tàng, ương ngạnh
là thế nhưng Hữu không bao giờ có thái độ thái quá đối với mẹ, anh
chị.
Sư Chơn Hữu và lớp
học tình thương dành cho học sinh nghèo ở địa phương
LƯƠNG TÂM DẰN VẶT
Ở chốn đại ngàn heo hút, khắc
nghiệt, nhóm của Hữu đã thể hiện “đẳng cấp” so với các nhóm đào vàng
khác. Anh kiếm được số tiền, vàng rất lớn. Hữu sắm máy ảnh, lúc rảnh
rỗi thì chụp ảnh hoặc thỉnh thoảng xách máy đi Đà Lạt chụp ảnh cho du
khách để tìm thú vui. Anh tìm thấy hạnh phúc ở cảnh vật thiên nhiên và
tình người ở những nơi anh đã đến. Hữu dần cảm thấy chán nản cuộc sống
giang hồ vốn chỉ có cảnh ăn chơi, chém giết, gây tội lỗi, thù oán.
Rồi Hữu bị sốt rét nặng, được điều trị ở Bệnh viện tỉnh Lâm Đồng. Anh
nằm mê man, khi tỉnh dậy thì thấy mẹ bên cạnh khóc khan cổ. Bà đã thức
suốt hai đêm để chăm con. Lúc này, Hữu rút ra bài học từ hai người
bạn thân của anh, cũng là hai “đại ca”: một người là công tử nhà giàu,
rất máu lạnh, chơi bời ngày càng trượt dốc và mắc căn bệnh HIV/AIDS.
Người bạn nữa cùng hai em đều rất đẹp trai và là những “anh chị” nhưng
tự kết liễu cuộc đời bằng việc uống thuốc độc; thấy ba con chết đau
đớn, người mẹ không nơi nương tựa cũng tự tử bằng thuốc độc.
Nghĩ đến những cái chết bi thảm của bạn, Hữu rùng mình. Anh ngẫm rằng
sức lực con người cũng có hạn, không thể huy hoàng mãi trong chốn giang
hồ, có lúc phải trả giá đắt. Nhớ lại giấc mơ về mẹ đi chùa, tay lần
tràng hạt cầu phúc cho mình, Hữu dự định việc đầu tiên sau khi xuất
viện là đến chùa thỉnh cầu sư thầy, thắp nhang ăn năn về quá khứ tội
lỗi của mình...
Quyết định “rửa tay gác kiếm” khi đang trong
thời kỳ đỉnh cao phong độ, địa vị, tiền bạc... Trở về mảnh đất Huế
nơi anh sinh ra vào năm 1999 trong tình cảnh trắng tay (ngoài chiếc
máy ảnh). Chứng kiến trận lũ lịch sử nhấn chìm không biết bao nhiêu
sinh mạng, nhà cửa..., anh càng thấm thía về sự sống, cái chết và
thống khổ giữa cuộc đời. Hữu tìm đến ngôi chùa Huyền Không Sơn Thượng
(huyện Hương Trà) để tu hành. Hữu trình bày hoàn cảnh, được trụ trì
hiểu, cho làm công quả ở chùa. Hữu tâm sự: “Trong vòng xoáy cuộc đời,
dù ở đâu, khi nào thì con người vẫn là chúng sinh khao khát sống nhất.
Sự khát sống ấy được biểu hiện dưới nhiều phương diện khác nhau,
nhưng chung quy vẫn khởi xuất từ ý niệm trực nhận về sự giới hạn thân
phận đời sống mình trong vũ trụ bao la giữa dòng thời gian vô cùng vô
tận”.
Tác giả Chơn Hữu với
40 tác phẩm mang chủ đề “Xuân yêu thương”. Số tiền bán tranh sẽ dành
quỹ cho lớp học tình thương
GIEO TÌNH THƯƠNG VÀO ĐỜI Hàng ngày, anh thức dậy
ngồi thiền, đọc kinh Phật và ôm chiếc bình bát đi khất thực vào mỗi
buổi sáng sớm... Lần đầu tiên Hữu quỳ lạy trước một con người đó là lạy
mẹ ba lạy báo hiếu, ăn năn trong lễ thọ giới cho Hữu. Hai năm sau,
Hữu khoác trên mình tấm áo vàng nhà Phật về thăm nhà, thăm những người
bạn. Nhiều đệ tử trố mắt ngạc nhiên khi đại ca Hữu đã thành thầy chùa
Thích Chơn Hữu. Riêng người bạn thân tên Duy được anh giảng giải Phật
pháp và những hiểu biết, hạnh phúc cuộc đời. Duy đã ngộ ra giá trị
cuộc đời và ra đi trong thanh thản khi căn bệnh “ết” vào giai đoạn
cuối.
Năm 2005, Chơn Hữu được điều về làm trụ trì chùa Định
Quang. Lúc này, chùa chỉ là một đống đổ nát, trụ trì phải sống và làm
việc ngay trong chánh điện thờ Đức Phật. Bằng tâm huyết và sức lan tỏa
của mình, Chơn Hữu làm cho chùa “thay da đổi thịt”, có cơ sở khang
trang, hàng trăm Phật tử sinh hoạt thường xuyên tại chùa. Chơn Hữu kêu
gọi tấm lòng của các nhà hảo tâm, sự giúp đỡ của chính quyền địa
phương để tu bổ chùa, chi phí cho các lễ hội... Lúc rảnh rỗi, Hữu dốc
lòng vào việc chụp ảnh nghệ thuật. Theo một số nhiếp ảnh gia thuộc hội
Nhiếp ảnh TT-Huế “Hiện ở Huế, Chơn Hữu là một trong số ít những người
chụp ảnh đẹp; là một tay ảnh lão luyện, chuyên nghiệp, sành sỏi”.
Chơn Hữu đã năm lần tổ chức triển lãm ảnh trên địa bàn tỉnh và một
triển lãm ảnh toàn quốc; số tiền bán ảnh làm từ thiện. Đầu năm 2010,
Chơn Hữu đã tổ chức cuộc triển lãm với 40 bức ảnh mang chủ đề “Xuân
yêu thương”. Chỉ vào những bức ảnh về sinh vật nhỏ bé, hoang dại nhưng
rất có “hồn”: bông hoa dại e ấp bên đường, giọt sương long lanh, côn
trùng bé nhỏ dễ thương... Chơn Hữu cho biết: “Ý nghĩa đích thực của
cuộc đời chính là lòng yêu thương vô lượng với trần gian này”. Năm
2009, Chơn Hữu cho xây dựng lớp học tình thương mang tên: “Tuệ học
đường”, rồi nhờ giáo viên về dạy Anh văn miễn phí cho học sinh cấp 2,
cấp 3 có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Khóa học đầu tiên với 240
em. Dự định, thầy Hữu sẽ duy trì và mở rộng lớp học tình thương này
khi nào vẫn còn sống trên đời.
Gần 5 năm qua ở địa phương, sư
Chơn Hữu luôn đồng hành cùng các gia đình neo đơn, nạn nhân lũ lụt,
người tàn tật... Ông Trương Văn Công, Phó chủ tịch UBND xã Thủy Phương
cho biết: “Tỳ kheo Thích Chơn Hữu đã có nhiều việc làm thiết thực, có
ý nghĩa đối với địa phương như hỗ trợ hàng ngàn suất quà, tiền mặt;
mở lớp học tình thương dạy miễn phí cho học sinh nghèo. Bản thân Chơn
Hữu luôn sống tốt đời, đẹp đạo”. Thầy khoe về tài sản: “Không gì ngoài
sức khỏe, con mắt chụp ảnh nghệ thuật và “rừng” hoa phong lan trong
khuôn viên chùa”. Chùa Định Quang như một “bảo tàng” lan rừng với hơn
nghìn khóm, được sưu tập từ nhiều lần đi khất thực ở vùng núi xa xôi
hoặc thời gian tu ở chùa Huyền Không Sơn Thường. Chơn Hữu còn khoe với
chúng tôi về việc sau khi nghe kể về mình, có hai “đại ca” tận ngoài
Hà Nội vào diện kiến. Tỳ kheo Chơn Hữu đã “cảm hóa” được hai người này
và thuyết phục họ lên chùa Huyền Không Sơn Thượng để tu hành, tìm con
đường giải thoát khỏi khổ đau, bế tắc.
Những câu thơ của Chơn Hữu như để chia
tay một quá khứ vàng son nhưng đầy tội lỗi:
Tôi chỉ hiểu trần gian đầy thống
khổ
Cho nên tôi chấp nhận kiếp
phiêu bồng
Tôi đã sống một cuộc đời sốc
nổi
Đã cố sống dữ dội hết mình
Ôi! Danh với lợi dễ làm người sa
ngã
Đắm say chi cho tan kiếp
người...
Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật
Giáo Việt Nam Net)