Người tu sĩ
Vị chân tu và cây sâm Ngọc Linh
27/12/2010 03:13 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thượng tọa Thích Huệ Đăng và các cộng sự đi tìm cây giống sâm Ngọc Linh trên đỉnh núi Ngọc Linh (Kon Tum).
Khi quỳ dưới chân núi Ngọc Linh (Kon Tum), Thượng tọa Thích Huệ Đăng từng phát nguyện sẽ đem cho bằng được cây sâm Ngọc Linh về Đà Lạt nuôi cấy mô và trồng thí nghiệm tại vườn nhà. Điều tâm nguyện ấy đang dần trở thành hiện thực khi ông cùng với những cộng sự lần đầu tiên nhân bản vô tính thành công cây sâm Ngọc Linh tại phố núi Đà Lạt.

Gian nan đường lên núi

Chẳng phải cuộc hành hương về vùng đất Phật, càng không phải chuyến đi tìm trầm hương như một số người khác vẫn làm, mà là cuộc hành trình đi tìm cây giống sâm Ngọc Linh trên đỉnh núi Ngọc Linh, thuộc địa phận 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam để giúp đời, cứu người của một bậc chân tu uyên thâm. Ông là Thượng tọa Thích Huệ Đăng (72 tuổi) - Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy viên Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, đồng thời là chủ nhân của Công ty TNHH Xuất khẩu hoa lan Thanh Quang - 26/6 Tô Hiến Thành, phường 3 TP Đà Lạt.

Thượng tọa Thích Huệ Đăng nhớ lại, năm 2003, ông bị căn bệnh gan hành hạ… Dù rằng, ông đã không ít lần chữa trị với nhiều loại thuốc khác nhau nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Tình cờ có người quen cho ông vài củ sâm mang về ngâm với một ít mật ong và ngậm trong thời gian ngắn thì sức khỏe của ông dần hồi phục trở lại. Biết đây là một loại cây thuốc quý hiếm, vào năm 2009, ông quyết tâm khăn gói lên vùng núi Ngọc Linh tìm bằng được cây sâm Ngọc Linh tự nhiên để thực hiện ước mơ nhân giống loại cây dược liệu này mong giúp ích cho đời, dù rằng ông đang vào tuổi “xưa nay hiếm”.

Cuộc hành trình đi tìm cây giống sâm Ngọc Linh ở độ cao 2.578m so với mực nước biển của Thượng tọa Thích Huệ Đăng thật gian nan. Để có được 10 cây giống sâm Ngọc Linh đầu tiên mang về Đà Lạt, ngoài việc vượt hàng trăm cây số bằng xe ô tô từ Đà Lạt đến Kon Tum, ông và các đệ tử đã phải mất 3 giờ đi xe ôm và 3 giờ liền đi bộ bằng đường rừng mới tiếp cận được vùng có cây sâm Ngọc Linh quý hiếm. Tiếp đó, vào ngày 14-6-2009, ông cùng các đệ tử khăn gói trở lại vùng núi Ngọc Linh thuộc huyện Nam Trà My (Quảng Nam) tìm thêm 100 cây giống sâm Ngọc Linh mang về đối chứng, kiểm nghiệm. Trong chuyến đi này, một lần trên đỉnh Ngọc Linh, Thượng tọa Thích Huệ Đăng đã ngất xỉu tại chỗ. Các đệ tử đã dùng chính củ sâm Ngọc Linh nơi này cho ông ngậm, sau đó ông khỏe lại rồi tiếp tục cuộc hành trình.

Bén rễ đất Đà Lạt

Năm 2009, sau chuyến đi Hàn Quốc nghiên cứu, tìm hiểu về kỹ thuật nhân giống và đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng phòng nuôi cấy mô, Thượng tọa Thích Huệ Đăng cùng những cộng sự bắt tay vào việc nhân giống vô tính cây sâm Ngọc Linh tại một cơ sở nằm trong khu vực hồ Tuyền Lâm-TP Đà Lạt.

Chị Hiền, kỹ thuật viên nuôi cấy mô tại đây, cho biết: “Việc nuôi cấy mô nhân giống cây sâm Ngọc Linh không đơn giản chút nào, đòi hỏi phải tuân thủ một quy trình hết sức nghiêm ngặt. Vì cảm phục sư ông đã đổi cả mạng sống của mình đi tìm bằng được cây giống sâm Ngọc Linh nên các đệ tử chúng tôi rất quyết tâm trong việc giúp sư ông nhân giống thành công loại cây thuốc quý hiếm này”.
 
Đất không phụ công người, đặc biệt là trái tim và tấm lòng nhân hậu của Thượng tọa Thích Huệ Đăng. Hiện nay, tại phòng nuôi cấy mô này đã có khoảng 50.000 cá thể cây sâm Ngọc Linh được nhân giống vô tính. Một số cây sau khi được đưa ra trồng thử nghiệm trong nhà kính cũng tỏ ra khá thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Đà Lạt nên rất xanh tươi và tỷ lệ cây sống rất cao. Cây sâm Ngọc Linh đã thực sự bén rễ ở phố núi Đà Lạt.
 
Tin lành đồn xa, vào ngày 15-10-2010, Công ty TNHH Xuất khẩu hoa lan Thanh Quang lần đầu tiên phải “chở củi về rừng” khi Công ty TNHH một thành viên trồng sâm Ngọc Linh huyện Đăk Tô (Kon Tum) tìm đến công ty của ông mua 4.000 cây giống sâm Ngọc Linh về trồng tại địa phương.
 
Đặc biệt, mới đây ông Lê Ngọc Kích, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam khi đến tham quan phòng nuôi cấy mô và vườn cây giống sâm Ngọc Linh của Thượng tọa Thích Huệ Đăng đã phải thốt lên: “Thật bất ngờ! Tôi đã đi nhiều nơi nhưng chưa thấy có nơi nào nuôi cấy mô và nhân giống cây sâm Ngọc Linh thành công như mô hình của thầy Thích Huệ Đăng. Đây là một công trình nghiên cứu, nhân giống cây sâm Ngọc Linh khá bài bản và hiệu quả mang lại rất cao”.
 
Cũng theo ông Lê Ngọc Kích, hiện nay tại huyện Trà My, Công ty Dược Quảng Nam đang trực tiếp quản lý một vườn cây giống sâm Ngọc Linh khá quy mô. Thế nhưng, vườn cây giống tại đây mỗi năm cũng chỉ cung ứng được khoảng 100.000 cây giống, do đó không thể đáp ứng được nhu cầu khá lớn của người dân địa phương. Mặt khác, vì ươm giống bằng hạt, tỷ lệ cây sống thấp nên nguồn cây giống hết sức khan hiếm.
 
Không chỉ lần đầu tiên nhân bản vô tính thành công cây sâm Ngọc Linh ở phố núi Đà Lạt, điều đáng quý hơn cả khi Thượng tọa Thích Huệ Đăng còn mong muốn được “trao tay” và phổ biến rộng rãi loại dược liệu quý này trong nhân dân để nhiều người, đặc biệt những người nghèo cũng có thể được dùng vị thuốc quý này để bồi bổ sức khỏe. Việc làm của bậc chân tu đáng kính này thật ý nghĩa.
 

Sâm Ngọc Linh có tên khoa học Panax Vietnamensis Ha et Grushv, thuộc họ Ngũ gia (Araliaceae), ngoài ra còn có các tên gọi khác như: nhân sâm Việt Nam, sâm khu 5, cây thuốc dấu. Sâm Ngọc Linh được xác định là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Theo công bố của Viện Dược liệu Việt Nam, sâm Ngọc Linh có tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan, kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào và tăng các tế bào mới…

Đặc biệt, sâm Ngọc Linh còn có những tính năng mà sâm Triều Tiên và sâm Trung Quốc không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, giảm lo âu, chống ôxy hóa và hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường.

 
LÊ TRỌNG.PV Báo SGGP

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch