Người tu sĩ
Tấm lòng sư cô nơi miền quê nghèo
12/09/2011 03:35 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tấm lòng của Sư cô Thích nữ Huệ Khiết nơi miền quê nghèo, như đã được sự đồng cảm của người dân nên bà con đến chùa ngày càng đông, các bạn nhỏ dù bận học nhưng cũng tranh thủ lúc rảnh là ghé qua chùa, cùng cô tụng kinh hay ăn bữa cơm chay đầm ấm thân mật.

1. Sư cô Thích nữ Huệ Khiết (ảnh) chỉ là người vừa mới chân ướt chân ráo về chùa (chùa Hưng Phước, xã Châu Hưng, Bình Đại, Bến Tre - NV), thấy mấy đứa trẻ không có chương trình gì để sinh hoạt vui chơi trong hè, nên cô đã mở lớp hướng dẫn học hè cho các em. 

anh Su co Tinh Khiet.JPG

Ảnh: N.T.D

Lúc đầu cô cũng gặp nhiều khó khăn bởi đây là điều lạ mà những đứa trẻ nơi miền quê nghèo này chưa  được biết đến. Đồng thời, cũng bởi đây là một vùng quê nghèo, trẻ em và người già chiếm phần lớn vì đa số lên thành phố làm ăn, rồi gặp những hoàn cảnh khó khăn, sự cám dỗ cuộc sống, sinh ra những đứa trẻ không cha… 

Do vậy, để khuyến khích các em đến chùa sinh hoạt, lúc đầu cô cho các em chơi, rồi tiếp đến là tụng kinh và hướng dẫn các em học. Có nhiều em thích quá ở lại chùa, thế là một mình cô phải vừa hướng dẫn các em, vừa lo việc ăn uống. Nhiều Phật tử thấy cô một mình mà chăm sóc nhiều em nhỏ, thương quá nên cũng đến phụ giúp cô việc nấu ăn.

Thấy mấy đứa trẻ đến chùa sinh hoạt ngày càng đông, cô cũng mừng vì “Từ nay các bé bắt đầu biết mến đạo, hình thành những ý niệm mới về một con đường đi hay đó là một bài học đạo đức cho cuộc sống mình tốt hơn”, cô chia sẻ.

Bạn Phạm Hoàng Minh lớp 7 2, Trường THCS Châu Hưng có sinh hoạt ở chùa đã nói về cô Huệ Khiết: “Sư cô là người rất hiền và dễ mến, khi bọn em lầm lỗi cô chỉ nói nhẹ nhàng… bọn em học được rất nhiều điều tốt ở cô, sư cô đã hướng dẫn bọn em cách học và cách tụng kinh, niệm Phật”.

2. Khi năm học mới bắt đầu nhiều bạn học cả ngày ở trường nên cô Khiết dự định sẽ nấu ăn cho các bạn ở lại, bởi trường cũng ở ngay cạnh chùa mà nhà các bé lại nghèo. “Thôi thì mình cứ tập cho các bé ăn chay được bữa nào tốt bữa đó, nhiều bé cũng rất thích…”, sư cô nói. 

Rõ ràng, chùa còn nghèo, còn nhiều khó khăn nhưng không vì những khó khăn đó mà làm cho tấm lòng phụng sự của sư cô trẻ mất đi mà ngày càng vững vàng hơn, đó là cảm nhận của một khách lạ là tôi khi được chứng kiến, được nghe về một tiến trình dấn thân vào đạo, vào đời của Sư cô Huệ Khiết.

Song song với những việc đã làm được, Sư cô Huệ Khiết còn cho hay, sắp tới chùa dự định sẽ mở lớp “kỹ năng sống” và lớp “Phật pháp” cho các em trong xã. Các lớp này sẽ được sự hỗ trợ của Sư cô Thích nữ Huệ Dâng, trụ trì chùa Long Phước (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vốn là người có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức các khóa tu.

Cô Khiết tốt nghiệp Trường TCPH ở chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3, TP.HCM), rồi học tiếp ngành Xã hội học ở Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM, rồi cô lại học tiếp trung cấp Đông y ở ĐH Y Dược TP.HCM, sau đó cô học lớp Lương y ở Bến Tre. Được hỏi sao mà cô học nhiều vậy, cô nói: “Mình về quê phục vụ đồng bào nghèo, nên phải trang bị nhiều mới có thể giúp ích được cho bà con chứ”.

Tấm lòng của Sư cô Thích nữ Huệ Khiết nơi miền quê nghèo, như đã được sự đồng cảm của người dân nên bà con đến chùa ngày càng đông, các bạn nhỏ dù bận học nhưng cũng tranh thủ lúc rảnh là ghé qua chùa, cùng cô tụng kinh hay ăn bữa cơm chay đầm ấm thân mật. 

“Thấy các bạn trẻ hiện nay khi gặp những khó khăn trong cuộc sống thì không biết cách giải quyết, nhiều em có những suy nghĩ dại dột, dẫn đến tự tử, tôi thấy thương lắm nên mới nảy ra ý định mở lớp kỹ năng sống để giúp các em ở địa phương có được kỹ năng qua việc vận dụng giáo lý nhà Phật vào việc giải quyết những khó khăn, ách tắc trong cuộc sống, công việc, gia đình...” - Sư cô Huệ Khiết

Nguyễn Thị Danh (GNO)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch