Người tu sĩ
Ni cô luyện kungfu
20/04/2010 03:09 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Kungfu mở toang cánh cửa nhìn ra cả thế giới mà trước đây đã bị đóng lại trước mắt các ni cô. Sáng sớm, tại Ni viện A Di Đà Drukpa, trên sườn đồi ngoại ô thủ đô Kathmandu của Nepal, hàng trăm ni cô đang thả bộ theo chiều kim đồng hồ chung quanh một pho tượng Phật bằng vàng. Cùng lúc đó, bên trên mái ni viện đang diễn ra một cảnh tượng hoàn toàn khác với cảnh cầu kinh: Các ni cô đang đấu tập môn võ kungfu, vốn đã trở nên nổi tiếng qua các bộ phim của Lý Tiểu Long vào thập niên 1970. Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)



Các ni cô ở Ni viện A Di Đà Drukpa tập võ đến hai giờ mỗi ngày. Ảnh: BBC

Hỗ trợ việc tu hành

Các ni cô trẻ thuộc tông phái Phật giáo Drukpa - đã tồn tại 800 năm nay, chuyên tập trung vào việc thiền định - đang học võ với vị võ sư người Việt Nam. Cách đây hai năm, kungfu đã được đưa vào ni viện này. Mỗi ngày, các ni cô tập võ đến hai giờ.

Môn kungfu được Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ 12 - trưởng tông phái Drukpa - đưa vào Ni viện A Di Đà Drukpa. Ngài khuyến khích các ni cô tập luyện kungfu sau khi được chứng kiến các ni cô ở một số nước luyện võ.

Rupa Lama, một ni cô người Ấn Độ 16 tuổi, khẳng định võ thuật giúp cô tập trung tinh thần. Ni cô nói với đài BBC (Anh): “Nó tốt cho sức khỏe của chúng tôi. Ngồi thiền là một việc khó. Thế nhưng sau khi tập kungfu, chúng tôi thấy việc thiền định dễ dàng hơn nhiều”.

Một ni cô khác, Konchok, cũng từ Ấn Độ sang, nói ni cô thích tập kungfu vì nó mang lại sức mạnh. Ni cô Konchok nhấn mạnh: “Việc tập luyện kungfu rất hữu ích cho sự an toàn của chúng tôi. Nếu như có ai đó bỡn cợt hoặc có cử chỉ xúc phạm chúng tôi thì chúng tôi có thể tự vệ”.

Lâu nay, các ni cô Phật giáo trên dãy Himalaya thường được đánh giá thấp hơn các thầy tăng. Vì thế, sự tự tin như nêu trên nơi các ni cô trẻ tuổi là một điều khác thường.

Gần đây, các ni cô đã bắt đầu biểu diễn kungfu trước hàng ngàn khách hành hương đến dự Hội nghị Drukpa thường niên lần thứ hai (từ ngày 8-4). Jan Duin, người Hà Lan, cho biết anh thực sự ấn tượng về phần biểu diễn kungfu của các ni cô. Anh bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng kungfu rất hữu ích về mặt thể chất và cả về tâm lý bởi vì các ni cô phải ngồi thiền nhiều”.


Hấp dẫn các cô gái

Sư bà Jetsunma Tenzin Palmo, một người Anh đã trở thành ni cô Phật giáo dòng Drukpa cách đây hơn 30 năm, cho biết bà sẽ đưa kungfu vào ni viện của bà ở bang Himachal Pradesh, Ấn Độ.

Bà nhận định: “Thứ nhất, đây là bài tập thể dục tuyệt vời. Thứ hai, nó rất tốt để luyện tinh thần kỷ luật và sự tập trung. Thứ ba, nó giúp nâng cao sự tự tin, một điều rất quan trọng đối với các ni cô. Thứ tư, khi cánh đàn ông trong khu vực biết các ni cô là những cao thủ kungfu, họ sẽ tránh xa”.

Ngoài ra, sư bà Jetsunma quả quyết rằng từ khi các ni viện bắt đầu có các chương trình giáo dục và tập luyện thể chất như kungfu, con số các phụ nữ trẻ muốn trở thành ni cô đã tăng lên đáng kể. Bà nhấn mạnh: “Đối với họ, kungfu mở toang cánh cửa nhìn ra cả thế giới mà trước đây đã bị đóng lại trước mắt họ”.


Sư bà Jetsunma nói: “Từ trước đến nay, các ni cô không nhận được sự hỗ trợ từ công chúng như các thầy tăng. Hơn nữa, họ cũng chẳng được học hành. Vì thế, về cơ bản, các ni cô thường chỉ giúp việc nhà hoặc làm việc trong nhà bếp và ngoài vườn tại các tu viện”.

NGÔ SINH

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch