|
Thầy Thích Trí Hiền bên cụ già 102 tuổi. |
Nằm trên đường Bình Long với 3 mặt là mả mồ trùng điệp, nhìn bên
ngoài chẳng ai nghĩ chùa Di Lặc đang chở che những cụ già từng sống lang
bạt. Trên đường đưa khách đến khuôn viên nhà dưỡng lão, thầy Thích Trí
Hiền, phụ trách việc chăm nom các cụ già, cho biết: "Chùa Di Lặc được
xây dựng vào năm 1942. Năm 2004, xót xa trước tình cảm một số cụ già
không người thân sống lang bạt quanh nghĩa địa với các nghề bưng gánh
nặng nhọc nên sư cô Như Ngọc thành lập nhà dưỡng lão đón các cụ vào chăm
dưỡng. Từ vài ba cụ ban đầu, đến nay nhà dưỡng lão có trên 20 cụ. Các
cụ đến từ nhiều vùng miền, mỗi cụ là mỗi cảnh đời éo le nhưng tựu trung
từng có những năm tháng sống lang bạt nay đây mai đó với bữa đói bữa no,
trong sự cô đơn của tuổi già khát khao tình yêu thương, chăm dưỡng của
con cháu".
Nhà dưỡng lão là căn nhà cấp 4 khá chật với những chiếc giường san
sát nhau. Thấy có khách ghé thăm, các cụ già vui lắm. Có cụ đang nằm
ngồi bật dậy, gương mặt phấn chấn, nở nụ cười tươi: "Lâu lâu mới có
người ghé thăm nên các cụ cứ như trẻ nít" - thầy Hiền bày tỏ: "Cụ thấp
tuổi nhất cũng ngoài 70, có cụ như cụ Lương Ngũ, thường gọi A Phò, là
người Việt gốc Hoa đến 102 tuổi. Tuy tuổi cao nhưng cụ rất minh mẫn. Cụ
sinh ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Do bị ép hôn mà lưu lạc sang Việt Nam,
sống với một người con nuôi ở gần chợ An Đông. Do người con nuôi gặp
nhiều khó khăn, cụ phải đi bán vé số để kiếm sống. Trước hoàn cảnh của
cụ, một người tốt bụng đã liên lạc với sư cô Như Ngọc và đưa cụ về đây
vào năm 2004".
Cạnh giường cụ A Phò là cụ La Muối, ngoài 80 tuổi và người em gái là
cụ Tố Trân. Không như người em của mình, đã 2 năm qua cụ A Muối chỉ nằm
một chỗ do bị té trong một lần đi bán vé số. Tình cờ biết chuyện cụ Trân
ở tuổi ngoài 70 phải vừa bán vé số nuôi thân mình và nuôi người chị
ruột đau bệnh sống nơi vỉa hè, cách đây 2 năm, thầy Hiền cùng một số
phật tử giàu từ tâm đưa 2 cụ về nhà dưỡng lão chăm dưỡng.
"Nếu không được các thầy đón nhận, chẳng biết giờ đây chị em cụ sẽ ra
sao. Sống đầu đường xó chợ cực lắm cháu ơi! Ăn không no, tối ngủ lạnh,
lúc nào cũng lo sợ đủ thứ chuyện. Vào chùa sướng lắm, lúc nào cũng được
ăn no, được mặc ấm, có người vào người ra trò chuyện vui vẻ" - cụ Tố
Trân bày tỏ niềm vui.
Tại nhà dưỡng lão, các cụ khỏe mạnh giúp đỡ người yếu hơn mình. Mọi
người sống chan hòa, đầm ấm, chứa chan tình yêu thương, không phải lo
toan gánh nặng cơm áo, đau bệnh như hồi sống giữa đời. "Thương các cụ
chịu nhiều bất hạnh, các phật tử gần xa cứ đến cuối tuần ghé chùa nấu
cho các cụ bữa cơm ngon. Thi thoảng các em sinh viên ở các trường đại
học ghé thăm trò chuyện, bóp tay chân cho các cụ. Có những cụ xương khớp
yếu, các em giúp các cụ đi lại, co duỗi".
Tâm tình đến đây, chị Nguyễn Thị Minh, phật tử ở chùa và cũng là
“Mạnh Thường Quân” đắc lực của nhà dưỡng lão, bộc bạch: "So với những
năm tháng sống lang bạt, tuy còn khó khăn, thiếu thốn nhưng nhà dưỡng
lão là thiên đường với các cụ. Ở đây các cụ không cô đơn, các cụ luôn
được quan tâm, chăm sóc đặc biệt. Tùy khả năng tài chính, thời gian mà
mỗi người chúng tôi ủng hộ nhu yếu phẩm, phân chia thời gian, phân công
mỗi người mỗi việc để đỡ đần với các thầy và chăm sóc tốt cho các cụ".
Do nằm giữa rừng mộ bia hiu quạnh nên ít người biết đến nhà dưỡng lão
ở chùa Di Lặc. Cũng chính vì vậy mà dẫu chùa xuống cấp, mưa xuống là
dột tứ bề cần được sửa sang, xây mới nhưng thầy Thích Trí Hiền đành lực
bất tòng tâm. "Chăm lo cho các cụ quan trọng hơn", thầy Hiền tỏ bày:
"Tuổi già như trái chín cây, các cụ đã chịu quá nhiều khổ sở, lo cho các
cụ được no ấm ngày nào thì thầy sẽ cố hết sức. Cái mà các cụ cần nhất
là thuốc men. Tuổi già nên cụ nào cũng đau bệnh nên chi phí thuốc men
rất nặng, gấp nhiều lần chi phí ăn uống". Hỏi điều mong ước, thầy trải
lòng: "Cuộc sống còn nhiều cụ già neo đơn cần sẻ chia. Nếu có điều kiện,
thầy sẽ mở rộng nhà dưỡng lão để đón thêm các cụ già cơ nhỡ về chăm
dưỡng"
Thành Dũng (CAND)