Người tu sĩ
Nương nhờ cửa Phật
25/06/2011 11:49 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hàng chục năm qua, hơn 170 trẻ mồ côi, khuyết tật và người già không nơi nương tựa đã tìm đến nương nhờ cửa Phật chùa Bửu Thắng, mái ấm nhân ái của những mảnh đời bất hạnh.


Trụ trì Huệ Hướng chăm sóc các em cô nhi tại chùa
 Sư cố Trụ trì Huệ Hướng chăm sóc các em cô nhi tại chùa.

Cách thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk khoảng 35 km, chùa Bửu Thắng nằm bên quốc lộ 14 thuộc phường Thống Nhất - thị xã Buôn Hồ. Chùa Bửu Thắng luôn ồn ào, nhộn nhịp bởi tiếng trẻ con và cả những người cao tuổi. Hơn 170 mảnh đời bất hạnh, éo le, cùng nhau sống trong chùa tạo nên một đại gia đình đông đúc lạ thường. Nhiều lần nhà chùa từng phải giành giật, cứu vớt những sinh linh bé nhỏ trước lưỡi hái tử thần.

Thành viên mới nhất của chùa Bửu Thắng là bé Phước Huy, bé vào chùa đến nay đã đầy 5 tháng, khi mới chào đời. Tuy không có nguồn sữa mẹ nhưng bé vẫn lớn đều, khỏe mạnh, bụ bẫm và rất đáng yêu. Trụ trì chùa, sư cô Thích Nữ Huệ Hướng nhỏ nhẹ kể : “Lúc mới nhặt, bé Phước Huy vẫn chưa rụng rốn, mặt mày tím tái và được bọc vải bỏ trong thùng mì tôm đặt ở gốc đa ngoài cổng chùa. Trước đây, chùa cũng đã nhận một vài trường hợp như thế rồi. Cửa chùa luôn rộng mở, chỉ sợ mình không đủ sức để đón nhận những hoàn cảnh khó khăn thôi”.

Vào nhà chùa từ khi còn nhỏ, 4 anh em nhà Phạm Vũ từ những đứa trẻ không nơi nương tựa, mẹ mất, cha bị bệnh tâm thần, nay đã trưởng thành và đã lập gia đình riêng. Thường ngày, Vũ và em gái Mỹ Hạnh vẫn đến chùa để giúp các sư cô chăm sóc cho những em nhỏ mồ côi. Tại chùa, trường hợp của 5 chị em Phạm Thị Tú Mỹ, quê ở tận Hà Tĩnh là những mảnh đời có hoàn cảnh đáng thương nhất. Cả cha và mẹ đều mất do tai nạn giao thông, 5 chị em mồ côi đành dắt nhau đi khất thực lay lắt sống qua ngày. Khi đến chùa Bửu Thắng để xin ăn thì 4 anh em được sư cô Huệ Hướng nhận vào chùa cưu mang, nuôi nấng và tạo điều kiện cho các em ăn học. Hiện, chùa nuôi hơn 100 thanh thiếu nhi, người lớn tuổi nhất đã vào đại học, đứa nhỏ nhất chỉ mới tròn một tháng và nhiều người đã có nghề nghiệp ổn định.

Trong khuôn viên rộng hơn 500m2, nhà chùa phân ra các khu riêng biệt dành cho trẻ sơ sinh, mẫu giáo, thanh thiếu nhi và cả khu tâm thần, trẻ bị bại não, liệt toàn thân…Chi phí hằng tháng cho việc ăn uống, sinh hoạt ở chùa không dưới 80 triệu đồng. Hằng ngày, ngoài việc kinh kệ, sư cô Huệ Hướng phải tất tả ngược xuôi đến nhiều địa phương kêu gọi, vận động sự hỗ trợ đóng góp của những tấm lòng hảo tâm để đảm bảo cuộc sống cho chừng ấy mảnh đời bất hạnh. Sư cô Huệ Hướng tâm sự: “Cái chính là nhờ vào lòng hảo tâm của thập phương bá tánh, nếu chỉ một mình thì không tài nào đảm đương nổi”. Qua câu chuyện đời, ni sư nói: cửa chùa thì luôn rộng mở nhưng có những lúc cũng phải nuốt nước mắt vào trong, bởi kinh phí nhà chùa vẫn còn hạn hẹp. Khi đã cưu mang họ thì phải tính đến chuyện lo từng bữa ăn, giấc ngủ nên lắm lúc cũng phải đau lòng trước cảnh thiếu thốn, lực bất tòng tâm.

Lê Kiều (Tiền Phong)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch