Người tu sĩ
Đạo đức người Xuất gia
Đại sư Liên Trì Thích Nguyên Hùng dịch
21/02/2010 01:33 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

ĐẠO ĐỨC NGƯỜI XUẤT GIA
Đại sư Liên Trì

CHƯƠNG 8
TRÌ TRỌNG

 

8.1. Sau khi được truyền pháp ẩn cư rất lâu

Triều nhà Đường, Lục Tổ Huệ Năng, ở chùa Nam Hoa, tỉnh Thiều Châu, lần đầu đến yết kiến ngũ tổ Hoàng Mai, sau được minh tâm kiến tánh. Ngũ tổ nói : “Ông căn tánh đại lợi, hãy vào sau viện giã gạo!”. Thế là sư đến sau viện giã gạo, làm mọi việc Tăng gia sản xuất, nhưng vì sư gầy quá, phải cột thêm đá vào người mới đạp chày giã gạo nổi, làm việc cực khổ như vậy cúng dường đại chúng. Sau đó được Ngũ Tổ truyền y bát, sợ có người xấu tranh đoạt y bát làm hại đến Sư, nữa đêm Ngũ Tổ tiễn Sư đi. Sư ẩn cư với bọn thợ săn suốt 16 năm. Sau đó long thần hộ pháp bảo Sư ra hoằng pháp độ sanh. Thế là Sư đến chùa Pháp Tánh ở Quảng Châu, lúc ấy pháp sư Ấn Tôn đang giảng kinh Niết Bàn. Bấy giờ, gió thổi cây phướng lay động, một vị Tăng nói :”gió động”, một vị Tăng khác nói : “phướng động”, hai người tranh cãi mãi không thôi, Huệ Năng bèn nói : “Không phải gió động, không phải phướng động, là tâm các ngài động”. Đại chúng kinh ngạc bội phục, pháp sư Ấn Tôn mời Sư thượng đường, thỉnh Sư khai thị, rồi cạo tóc cho Sư, lạy Sư làm thầy, hổ trợ cho Sư hoằng pháp, thành lập pháp môn Đốn Giáo Nam Tông…

8.2. 10 năm bí mật

Triều nhà Đường, tại Chương Châu, tu viện La Hán, có sư Quốc Sâm, người Thường Sơn. Lúc đầu sư học Giới luật, sau tham học thiền Nam tông với chư vị Đại đức, thiện tri thức khắp nơi, cuối cùng sư được đại sư Huyền Sa Sư Bị (Sư Tông Nhất), ở Phước Châu khai thị, liễu ngộ tâm địa. Sau đó Sư bí mật hành trì không cho ai biết.

Nhưng sau đó, Sư bị Châu mục Chương Châu, Vương Công Thái Nguyên, phát hiện khả năng trác việt của Sư, mời Sư về Liên Cung, ở Thạch Sơn, thành Tây, tỉnh Phúc Kiến trú trì hơn 10 năm. Sư tu trì mật hạnh nhưng không xem thường khai thị diệu pháp cho người; tuy nhiên có người khẩn thiết hỏi pháp sư mới vì họ khai thị. Không lâu sau Sư chuyển đến viện La Hán. Tuy viện La Hán tường vách mục nát, mọi thứ đều hư hơn một nữa, nhưng Sư vẫn ở điềm đạm, vui vẻ. Thái Bảo Cần Châu, Lang Nhị Công, tha thiết thỉnh Sư hoằng dương Phật pháp, cuối cùng Sư không thể từ chối, nhận lời mời, khai diễn pháp môn thâm diệu, một lần thuyết giảng người đến tham học không biết bao nhiêu mà kể. Sư hoằng dương mạnh mẽ tông Pháp Nhãn (Pháp nhãn tông là một trong năm phái thiền tông, bắt đầu từ Sư Hành Tư).

8.3. Không nói những điều linh dị

Triều nhà Đường, tại Vĩnh Hưng, tu viện Vĩnh An, có sư Thiện Tĩnh, người Kim Thành, Trường An. Sư vân du đến phương nam, núi Nhạc Phổ, tham kiến Thiền sư Nguyên An, ở Tô Khê, Lễ Châu, cùng với môn hạ. Cuối cùng Sư được khai thông, liễu ngộ được bổn tánh. Sau đó Sư trở lại quê hương. Lưu thú Trường An, Vương Công, xây dựng Thiền viện Vĩnh An nhường lại cho Sư trú trì hoằng pháp. Một đời Sư, lúc tắm rửa, trên thân thể đã từng rơi ra nhiều xá lợi, sư vội vàng nhặt lấy dấu đi, không cho đồ chúng đem xá lợi cho người khác xem hoặc nói cho người khác biết. Lại nữa, lúc ngồi thiền nhập định, đã từng thấy bổng nhiên trong sân thiền viện có hạc trắng bay đến, ngoan ngoãn đứng ở đó giống như đang nghe pháp vậy, Sư sai người ra đuổi chúng đi. Có rất nhiều việc thần kỳ, linh dị như vậy, Sư đều bí mật không nói cho ai biết.

Bình luận :

Người xưa có việc thần kì, linh dị bí mật không nói cho người khác biết, để phòng người sau tham cầu thần thông linh dị mà bỏ việc tu tập chính giác. Ngày nay, không có thần thông linh dị cũng nói dối rằng có, mê hoặc người khác để trục danh lợi, hai loại tâm thuật này thật khác nhau một trời một vực! Thánh hiền càng tu hành càng đến cảnh giới hoàn thiện; người ngu si càng tu càng đi đến chỗ trầm luân đoạ lạc, giống như thế này lại còn cho là kỳ quái sao?.

8.4. Dấu vết trong đám tiều phu – mục đồng.

Triều nhà Đường, ở Trì Châu, Thiền viện Nam Tuyền, có sư Phổ Nguyện, người Tân Trịnh, Trịnh Châu, nương theo Thiền sư Đại Huệ ở núi Đại Ôi, huyện Mật, xuất gia tu học. Sau đó, được ngộ diệu pháp nơi Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất, ở Giang Tây, thấy rõ tâm địa, sư giấu  kín, ẩn cư không để lộ tài hoa và đạo hạnh, xem giống như câm điếc.

Vào niên hiệu Trinh Nguyên thứ 10 (795), đời vua Đường Đức Tông, Sư đến trú tại núi Nam Tuyền, huyện Trì Dương. Mặc áo tơi, đội nón cỏ đi chăn trâu, dấu tích để lại trong đám Tiều phu và Mục đồng, phá núi làm ruộng, 30 năm không xuống núi Nam Tuyền.

Đến đời Đường Văn Tông, khoảng niên hiệu Thái Hoà (827-836), thái thú Trì Dương và Tuyên phủ sứ Lục Công, hộ quân ở Bành Thành, thỉnh Sư xuống núi khai diễn Phật pháp, rộng độ người sau, một thời đạo phong vang khắp, mọi người tôn xưng sư là Nam Tuyền Cổ Phật.

Bình luận :

Tổ sư Huệ Viễn 40 năm không rời chân khỏi núi Lô Sơn, Vương Lão Sư (tức Thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện, ngài họ Vương) 30 năm không xuống núi Nam Tuyền, tiết tháo cao thượng của người xưa là vậy. Nhưng đây đều là những sự việc xảy ra sau khi đã hiểu rõ tâm địa, không thích hợp với người mới tu học. Người xuất gia nếu việc lớn sanh tử chưa rõ, tâm chưa khai ngộ, phải nên không sợ đường xa, tìm thiện tri thức để cầu được khai thị dẫn dắt, đâu có thời gian ngu dại ngồi nhìn, giậm chân một chỗ, tự chận đứng cơ hội tiến lên của mình! Triều nhà Đường, ở Triệu Châu, Đông Viện, Thiền sư Tùng Thẩm đến 80 tuổi rồi vẫn còn ra ngoài hành cước tham phương học đạo; tại Phước Châu, núi Tuyết Phong, thiền viện Quảng Phước, Thiền sư Nghĩa Tồn, đời nhà Đường, cũng hơn ba lần lên đến Thư Châu, núi Đầu Tử tham bái Thiền sư Đại Đồng, 9 lần đến Sơn Động, Quận Châu, tham yết cầu pháp với Thiền sư Lương Giới. Tôi bạo gan viết mấy lời này, là khuyên bảo một cách thành thật những người xuất gia ngu si mà cứ đi ẩn cư.

8.4. Mọi việc đều do duyên khởi

Triều nhà Đường, ở Đàm Châu, núi Thần Đỉnh, có Thiền sư Hồng Đàm, người Dự Châu, danh tiếng ngang hàng với Thiền sư Thiện Châu, ở thiền viện Thái Tử, Phần Dương. Sư đắc đạo lúc tuổi còn nhỏ, chưa đến 30 tuổi, ẩn cư ở Nam Nhạc Hành Sơn 20 năm, sau mới ra trụ trì, lại 20 năm sau mới khai đường thuyết pháp. Đây đều do thời cơ nhân duyên chưa đến, không phải ý của Sư, hoặc phải ẩn cư nhiều năm mới trụ trì, hoặc thuyết pháp. (Những bậc cao Tăng đại đức sau khi ngộ đạo đều có đủ thần thông tuệ nhãn, hiểu rõ căn tánh chúng sanh, thời cơ và nhân duyên, giống như đi giữa đêm trăng, nhậm vận mà đi).

8.5. Đóng cửa nhiều năm

Triều nhà Tống, ở Đàm Châu, núi Vân Cái, có Thiền sư Thủ Trí. Vào niên hiệu Nguyên Hữu thứ 6 (1091), đời vua Tống Triết Tông, từ bỏ trụ trì, rút lui tây đường ẩn cư một mình 30 năm.

8.6. Ở lâu trong rừng sâu

Triều nhà Minh (1368-1644), ở Tuỳ Châu, Long Tuyền, có Thiền sư Vô Văn Tuyệt Học Chính Tông. Sau khi đại triệt ngộ, Sư một mình vào trong núi Quang Châu ẩn tu 6 năm, rồi vào trong núi sâu ở Lục An Châu 6 năm, sau đó lại trở về núi Quang Châu thêm 3 năm nữa, đều ở một mình một bóng trong rừng sâu núi thẳm như vậy tu hành trước sau tổng cộng 17 năm, rồi sau mới vào đời hoằng pháp.

Bình luận:

Sau khi giác ngộ lớn, độc hành độc toạ, giống như Thiền sư Phổ Nguyện sau khi ngộ, ẩn cư ở núi Nam Tuyền. Những người mới học, tâm tánh chưa khai ngộ, đã từ bỏ Tùng lâm, không ưa ở trong Tăng chúng, xa lìa thiện tri thức ở ẩn một mình, kiến thức nông cạn, không phải là sai lầm sao?

8.7. Tám lần mời không đi

Triều nhà Tống, ở Phần Dương, thiền viện Thái Tử, có Thiền sư Vô Đức (Thiện Chiêu), đã từng tham học với 70 vị thiện tri thức, trước sau 8 lần được mọi người mời xuống núi thuyết pháp, Sư đều từ chối. Sau đó Sư sống thảnh thơi ở Chùa Bạch Mã, tại Dương Châu. Những người xuất gia, tại gia ở các vùng Tinh Châu, Phần Châu hơn 1000 người đồng loạt kéo lên núi cung thỉnh Sư hạ sơn thuyết pháp độ sanh, cuối cùng, vì thạnh tình khó từ chối, Sư thuận theo ý mọi người xuống núi. Đại sư một lần khai giảng thì tông phong được chấn hưng lớn, xa gần đều đến, nhưng Sư vốn là người từ trước tới nay không ra khỏi cửa. Sư tự làm một bài ca ‘không ra tự viện’ để biểu hiện rõ chí hướng của mình.

Bình luận :

Nhất nhất quán sát các bậc cao Tăng Đại đức, sau khi được pháp, đều không để lộ tài năng, mai danh ẩn tích. Đến lúc thời cơ chín muồi rồi mới hiển lộ; nhưng, như Thiền sư Vô Uý đây, bị người ta mời thỉnh đến lần thứ 8 vẫn không đi thì giấu kín, cẩn thận thái quá. Sau đó Tông phong được đại chấn, lẽ nào không phải là uyên nguyên sâu xa mà lưu truyền trường cửu? Không phải một sớm một chiều có thể bồi dưỡng tạo thành như thế! Ngày nay, người thanh niên mới chút ít tài năng đã vội vàng muốn biểu hiện, sợ người sau không biết đến, sợ làm người lạc hậu, thật không bình thường! Giống như quả chưa thật sự chín muồi thì hái xuống không thơm ngọt, không ăn được. Hỡi những người xuất gia! Phải luôn phản tỉnh xem lại mình, phải chăng xuất thế quá sớm?.

8.8. Trọng pháp ẩn cư trong núi.

Triều nhà Nguyên (1206-1368), tại Yên Đô (miền bắc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc), chùa Phổ Khánh, có sư Pháp văn, 7 tuổi xuất gia. Sau theo đại sư Quảng Ôn học kinh Pháp Hoa, Duy Thức, Nhân Minh luận và Tứ Phần Luật. Đại sư Quảng Ôn bảo Sư phải tự trọng, tương lai còn dài, tiền đồ rất khó khăn, tất cả hy vọng đều đặt lên người Văn Pháp sư. Sư đứng trước tượng Phật đốt một ngón tay, lấy máu viết kinh v.v… cúng dường Phật, để biểu hiện sự tôn sùng Phật pháp. Tiếp đó Sư ẩn cư ở Ngũ Đài Sơn, 6 năm không ra khỏi cửa, đại tạng kinh năm ngàn quyển, tụng được ba lần. Quốc sư của Hoàng đế tán thán, khen rằng : “Người Hán cũng có những Hòa thượng cao minh như vậy!”.

Không lâu sau, Tây An Vương Đình mời Sư đến chùa Nghĩa Thiện ở Thành Nam, Tây An, khai giảng đạo tràng, Hoàng Đế nghe đến danh đức của Sư, triệu kiến vào hoàng cung, lệnh cho Sư trú trì chùa Đại Nguyên Giáo, phong cho Sư hàm Ngân Chương nhất phẩm. Rất nhiều người cầu giới và đắc giới nơi Sư. Niên hiệu Đĩnh Hữu năm thứ tư (1317), ngày 14 tháng 3, đời vua Nguyên Nhân Tông, Sư ngồi ngay thẳng mà tịch.

8.9. Ẩn cư trong chùa cũ.

Triều nhà Nguyên, ở Cù Châu, núi Ô Thạch, có sư Kiệt Phong Thế Ngu, người huyện Tây An, Cù Châu. Sư tham học với các đại sư Đại Giác Bố Nạp Tổ Ung, Hàng Châu Đoạn Nhai Liễu Nghĩa, Thiên Mục Trung Phong Minh Bổn… Sau đó lại tham yết đại sư Chỉ Nam, Sư hoát nhiên đại ngộ. Sau khi được khai ngộ, Sư trở về núi Ô Thạch ở Tây An dựng một am tranh tu hành trong một ngôi chùa đỗ nát (chùa cổ Phước Huệ), 6 năm không xuống núi. Sau danh tiếng của Sư truyền đến triều đình, Hoàng đế sai người tâm phúc mang danh hương và Cà sa Kim lan ban tặng cho Sư, phong cho Sư hiệu Hoằng Biện pháp sư. Đời vua Nguyên Thuận Đế, niên hiệu Chí Chính (1341-1368), có xây dựng các Chùa viện mới, như Long Viên, Cổ Vọng, Bảo Cái, Phổ Nhuận v.v… đều thành khẩn cầu Sư làm tổ khai sơn, bất đắc dĩ Sư phải đáp ứng nguyện vọng mọi người.

8.10. Việc mình mình tự lo mới có thể vì mọi người.

Người xưa đại triệt đại ngộ, việc học đã hoàn thành rồi còn phải vào bên suối, dưới rừng, nuôi lớn thánh thai, không sợ đầu lưỡi nhân vì lâu ngày không nói mà phát mốc. Long thiên Hộ pháp cực lực thúc giục các Ngài xuất thế mới vào đời độ người. Cho nên, một vị Đại đức từ chối không vào đời thuyết pháp đều nói nguyên ý đời đời kiếp kiếp đang ở vào địa vị tham học, để rèn luyện, tu hành. Tôi lúc mới xuất gia, thành kính phụng trì điều này, ghi nhớ trong lòng, sau đó vì bị bệnh cho nên vào núi tịnh dưỡng, Tăng tục nối tiếp nhau đến cùng tu, lâu dần bất giác hình thành Tòng lâm đạo tràng. Nhưng cho đến hôm nay vẫn không dám tự cho mình là Phương trượng Tòng lâm; không dám mở miệng vọng luận đạo lý Thiền tông. Chỉ bất quá cùng chúng tu học, không phải lãnh đạo mọi người tu hành! Tôi rất xấu hỗ, tuổi đã cao, làm bậc trưởng bối, chỉ hy vọng cùng quý ngài hỗ tương khích lệ nhau mà thôi. Kỳ vọng quý vị Đại đức xem tôi là bằng hữu, có gì không phải, xin quý ngài chỉ giáo và sửa chỗ lỗi lầm cho tôi, đây là điều vinh hạnh cho tôi vậy.

8.11. Làm việc chắc chắn, lớn tuổi rồi mới vào đời.

Người xưa sau khi đắc ngộ tâm địa, ở trong hang sâu núi thẳm, dùng nồi bể nấu thức ăn, ẩn náu nuôi dưỡng, cho đến khi Long Thiên Hộ pháp cực lực thôi thúc vào đời, vạn bất đắc dĩ mới nhập thế độ chúng. Người đời sau dần dần không như người xưa. Chỉ học đòi làm Pháp sư giảng kinh, luận, hoặc học làm thầy cúng (làm pháp sư du-già thí thực), học thành rồi mà tuổi còn nhỏ không dám ra đi, đợi đến tuổi lớn rồi mới dám đi ra. Ngày nay, trước mắt thấy rất nhiều vị thiếu niên lên toà giảng sư ! Thảo nào Phật pháp suy vi.

8.12. Trước thuật nên ở cuối đời

Trước tác của người tu đạo không phải như văn chương, truyện ký… trong thế gian, văn từ có thể dùng ví von, so sánh. Tác phẩm của người xuất gia nhất định phải, trên thì làm sáng tỏ tâm pháp của Phật, dưới thì phải khai mở phương pháp ngộ đạo cho người sau. Trách nhiệm này không phải nhỏ. Nếu như sở học chưa tinh thông, chỗ thấy biết chưa chính xác, ổn định, chỉ có một chút sai lầm, không phải là làm trái ý chỉ của Phật và để lại sai lầm cho người hậu học sao? Khổng Tử ba lần đoạn tuyệt vi sách mới đem 10 cách dịch văn ra khen hoàn thành (vi là da, ngày xưa không có giấy, viết chữ lên thẻ tre, dùng da kết lại cho nên gọi là vi sách. Thập dịch là Khổng Phu tử khen dịch văn, tức là Thượng thoán, Hạ thoán, Thượng tượng, Hạ tượng, Thượng hệ Hạ hệ, Văn ngôn, Thuyết quái, Tự quái và Tạp quái). Ông Châu Hy lúc lâm chung còn đem yếu chỉ trong chương ‘Thành ý’ của sách Đại học ra cải định. Người xưa đối với việc trước thuật cẩn thận đến như vậy. Học vấn thế gian mà còn thận trọng như vậy huống gì câu cú, ngôn luận xuất thế, nói là dễ sao? Triều nhà Đường, ở Lãng Châu, có Thiền sư Đức Sơn Tuyên Giám (họ Châu, người Quảng Châu), sau khi xuất gia chuyên tâm nghiên cứu Luật tạng, đối với tánh tướng các kinh đều quán thông yếu chỉ, thường hay giảng kinh Kim Cương, cho nên người bấy giờ gọi sư là Châu Kim Cương. Sau nghe ở phương Nam giường Thiền hưng thạnh, Sư căm giận, bất bình, bèn nói: “Người xuất gia ngàn kiếp học oai nghi của Phật, vạn kiếp học tế hạnh của Phật còn chưa thành Phật, nay kẻ ma ở phương Nam dám nói : “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, ta phải đập tan cái sào huyệt này, trừ hết những nghiệt chủng ấy để báo ân Phật”. Sư bèn gánh Thanh Long sớ sao lên đường đến đất Thục, huyện Lễ Dương, gặp một bà già bán bánh, nhân đó sư dừng lại mua bánh ăn điểm tâm. Bà già chỉ vào gánh hỏi: “Đây là gánh gì?”, sư trả lời : “Thanh Long sớ sao”. Bà già hỏi: “Giảng kinh gì?”. “Kinh Kim Cang”. Bà già lại nói: “Tôi có một câu hỏi, nếu như trả lời được, cho bánh ăn điểm tâm, nếu như trả lời không được, hãy xéo đi chỗ khác. Trong kinh Kim Cang có nói, ‘tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc’, xin hỏi sư muốn điểm tâm nào?”. Sư trả lời không được, bèn tìm đến Long Đàm. Đến pháp đường sư nói: “Đã lâu nghe danh Long Đàm, đến đây thì đàm không thấy mà long cũng chẳng hiện”.

Long Đàm Sùng Tín Thiền sư nói : “Người đã đến gần được Long Đàm”. Sư không biết nói gì, bèn ở lại. Sau sư đại ngộ, đem Thanh Long sớ sao đến trước pháp đường châm lửa, nói: “Tột cùng các biện luận siêu huyền như một sợi lông ném trong hư không; hết sạch các trọng yếu ở đời giống như một giọt nước trong hồ lớn”, nói xong sư châm lửa đốt sạch. Nếu như  sư Đức Sơn không đến Long Đàm thì cho rằng Thanh Long sớ sao của mình sáng tác là hiếm có trong đời.

Lại có Thiền sư Tùng Duyệt ở Đâu Suất, phủ Long Hưng, theo học với Thiền sư Đạo Ngô, rồi đến Hòa thượng Trí ở Vân Cái, sau nghe lời Hòa thượng Trí đến tham học với Hòa thượng Văn ở Động Sơn, rồi trở về yết kiến sư các đại Hoà thượng Chơn Tịnh Văn v.v… thâm lãnh được yếu chỉ sâu xa, vừa được ấn chứng. Sau đó Sư đến Đàm Châu, Thạch Sương, Sở Viên, gặp thị giả của Thiền sư Từ Minh là sư Thanh Tố.

Thiền sư Thanh Tố có đầy đủ sở kiến, Sư thành khẩn xin chỉ giáo, sư Thanh Tố nói rằng, những điều Động Sơn dạy cho ông đều là chánh tri chánh kiến, tiếc rằng ông lìa xa thầy Văn quá sớm, nhưng chỗ người đạt được chỉ có thể vào Phật mà không thể vào ma, há chẳng thấy cổ nhơn nói một câu rốt sau mới đến lao quan. Nay vì ông điểm phá, như thế mấy tháng, mới được đại sư Thanh Tố ấn khả. Như vậy, lúc đầu được Thiền sư Duyệt (Diệu Hỷ), ở Đâu Suất làm cho đầy đủ đại tại rồi, sau mới được sự ấn chứng tâm pháp của Thiền sư Thanh Tố. Người tuổi trẻ lo trước tác còn không vội tu tập.

TỔNG LUẬN

Hoặc giả có người sẽ hỏi: “Đức Thế Tôn sau khi ngộ đạo thành chánh đẳng chánh giác liền thuyết giảng kinh Hoa Nghiêm, cũng có Sadi, mới 7 tuổi dự hội thuyết pháp. Nếu như phải ẩn cư nhiều năm, lâu lâu mới xuất thế, thì ai tiếp độ chúng sanh?” Thật không biết rằng, người xưa làm việc thận trọng không phải là tự lợi cho riêng mình mà quên đi sứ mạng vào đời độ sanh ! Đạo hạnh càng cao, chí hướng càng kiên định, nguyện lực càng sâu rộng, tâm địa càng sáng tỏ, làm việc càng cẩn thận, càng không sai nhân quả. Sau khi ngộ đạo, ở trong rừng, bên suối, nuôi lớn và gìn giữ tâm linh, đợi cho đến lúc hạnh giải hợp nhất, đạo lớn đã thành, như trái đã chín, hương vị tự nhiên bay khắp, thơm tho, Long thần hộ pháp tự nhiên đến mời xuất thế, công phu lúc này, tuỳ ý tự nhiên thoải mái đều là việc làm tốt đẹp, dùng đức độ chúng giàu có dư dật. Bạn chỉ biết đức Phật một đời cứu độ chúng sanh làm lợi ích cho chúng sanh, mà không biết rằng Ngài đã trải qua ba đại kiếp A-Tăng-kỳ tu tập ! Và không biết rằng Sadi 7 tuổi có thể giảng kinh ấy là đã nhiều đời nhiều kiếp tu luyện huân tập mà thành tựu hay sao? “Phật pháp không phải là cá tươi, sợ để lâu nó thối sao?”, câu nói này tuy đơn giản mà nghĩa lý rất sâu xa!

~~oOo~~

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch