Người tu sĩ
Chuyện cảm động nơi cửa thiền Tiên Phước II
11/01/2011 03:24 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bị đấng sinh thành chối bỏ khi vừa mới lọt lòng do dị tật hay chỉ đơn giản là do chào đời ngoài ý muốn, cuộc đời của nhiều trẻ sơ sinh ở chùa Tiên Phước II (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP HCM) hẳn sẽ vô cùng bi đát nếu như sư cô Thích Nữ Nguyên Thanh không dang rộng vòng tay cưu mang...

Dầu vậy theo tâm tình của sư cô Nguyên Thanh, chẳng có tình yêu thương nào bằng tình mẫu tử đích thực. Nơi đây các bé luôn khát kháo hơi ấm và giọt sữa từ những người mẹ đích thực!

Chúng tôi đến mái ấm Tiên Phước vào một chiều đầu năm 2011, khi sư cô Thích Nữ Nguyên Thanh đang tất bật chăm lo cho đàn con côi cút của mình. Bên cháu Nguyễn Thanh Hoa Quỳnh bị chứng bệnh não úng thủy với cái đầu to quá khổ đến dị thường, sư cô Nguyên Thanh trầm giọng cho biết vào ngày 11/7/2010, một phụ nữ hớt hải bồng bế đến chùa giúi vào tay sư cô bảo nhặt được cháu ở An Giang nhưng không thể nuôi được vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.

"Dứt lời chị ấy vội đi. Trước tình trạng sức khỏe của bé quá kém với toàn thân tím tái, hơi thở khò khè, cô liền đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để bác sỹ theo dõi, chăm sóc. Tại đây bác sỹ đoán bé được hơn 1 tuổi, bé bị chứng não úng thủy và giãn cơ tim, sự sống của bé khó tiên lượng được nếu không được phẫu thuật kịp thời. Nhưng muốn tiến hành phẫu thuật thì phải đợi đến khi bé 3 tuổi. Hiện sức khỏe bé ổn định".

Bé Hoa Quỳnh (bìa phải) với chứng bệnh úng não và giãn cơ tim cần được mọi tấm lòng gần xa hỗ trợ chữa trị.

Chiều tà, tiếng chuông chùa vọng vang. Sư cô Nguyên Thanh lặng lẽ bón cháo, vỗ về cho hết đứa trẻ này đến đứa trẻ khác tuy không dứt ruột sinh ra nhưng cô xem chúng như thể là một phần máu thịt. "Hơn 20 đứa trẻ nơi đây, cháu nào cũng có hoàn cảnh đáng thương, đau đớn" - sư cô Nguyên Thanh, thở dài tâm sự: "Cháu đầu tiên nhập chùa là bé Nguyễn Thanh Hoa Sen. Khoảng hơn 3h ngày 26/6/2008, như thường lệ cô dậy chuẩn bị tụng kinh thì nghe tiếng trẻ khóc ngoài cổng chùa vang lại nên ra xem. Vừa mở cổng thì hỡi ơi, dưới nền đất lạnh giá là bé gái được quấn chặt trong chiếc khăn rách nát, cũ mèm. Ngay trong ngày cô đưa bé đi chích ngừa, lấy họ mình đặt tên, làm giấy khai sinh và chăm lo bé đến hôm nay. Hiện bé khỏe mạnh nhưng thi thoảng bị chứng bệnh động kinh. Mỗi lần thấy bé co giật, cô đau lòng lắm!".

Bé Hoa Sen nhập chùa được 1 tháng 4 ngày thì sư cô Nguyên Thanh tiếp nhận bé sơ sinh thứ 2, được sư cô của chùa là Thích Nữ Phong Điều nhặt ngày 4/7/2008 trước cửa lớp học tình thương của chùa... Bộc bạch tới đây, sư cô Nguyên Thanh, trĩu giọng: "Trong năm 2008, có 4 trẻ sơ sinh bị đấng sinh thành bỏ rơi trước cổng chùa và từ trước đến nay chưa có ai đến thăm hay nhận lại con"…

Tin chùa Tiên Phước 2 liên tục phát hiện bé sơ sinh bị bỏ rơi chẳng mấy chốc lan rộng. Nhiều người biết chuyện đã tìm đến chùa hỗ trợ các sư cô chăm sóc các bé và cũng không ít người xem chùa là điểm bỏ rơi con lý tưởng. "Trong năm 2009, chùa tiếp nhận gần 10 cháu. Có những cháu bị bỏ giữa đêm, khi được các sư cô phát hiện thì cháu thở thoi thóp, cháu bị kiến bâu đầy, cháu bị chuột cắn…" - sư cô Nguyên Thanh, cho biết và đoán định: "Khu vực chùa có nhiều cơ sở, gần các khu công nghiệp Tân Bình, Tân Tạo nên có lẽ các cháu bị bỏ rơi là con của những nữ công nhân. Có cháu khi bị mẹ bỏ rơi còn nguyên cuống rốn".

Mỗi khi nhặt trẻ, việc đầu tiên của sư cô Nguyên Thanh là mang các cháu đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để các bác sĩ theo dõi, kiểm tra tình trạng sức khỏe, bệnh tật của các bé. Tiếp đó là đặt tên, những cái tên Giàu - Sang - Phú - Quý, Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín… cứ thế nối dài danh sách đàn con bất hạnh của "người mẹ" áo nâu. Hôm chúng tôi ghé thăm, các bé nhao lên, bé ào tới ôm chân, đòi bế, đòi sư cô Nguyên Thanh dỗ dành. "Gắn bó với các bé, cô nhận thấy các bé rất khát khao hơi ấm của người mẹ, khát khao được ôm ấp, vỗ về. Điều này được thể hiện rõ qua việc hễ mỗi khi có khách đến thăm, các bé ùa ra đòi được bế bồng, chăm bẵm".

Rời mái ấm Tiên Phước II, chúng tôi mang theo bóng dáng bé bỏng của những đứa bé bị đấng sinh thành bỏ rơi cùng người mẹ áo nâu đang lặng lẽ vun đắp, yêu thương. Chúng tôi cũng mang theo mong ước giản dị nhưng có lẽ không bao giờ trở thành hiện thực của sư cô Nguyên Thanh: "Mong rằng những người làm cha làm mẹ sẽ biết yêu thương sinh linh mà họ tạo nên, chứ không đoạn đành vứt bỏ, mặc sự sống chết của các cháu"

Thành Dũng (CAND)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch