Có những em do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không đủ điều
kiện cho các em đến trường nên đã gửi con vào nhà chùa, mong con học
được con chữ, học được những lẽ sống có ích cho đời. Cũng có em bị ba
mẹ bỏ rơi khi chỉ mới chào đời được đúng 1 ngày, còn chưa rụng rốn…được
nhà chùa cưu mang, đùm bọc, nuôi dưỡng. Tại chùa Thanh Sơn, các em
được học chữ và học cách làm người. Ngôi chùa trở thành nơi sưởi ấm tâm
hồn các em, là nơi định hình cho các em một tương lai tươi sáng hơn.
Đến thăm chùa Thanh Sơn, đâu đâu cũng thấy các em nhỏ chăm chỉ học bài.
Sưởi ấm những mảnh đời cơ nhỡ
Chùa Thanh Sơn được khai sơn vào năm 1870 và trùng tu năm 1999. Từ
năm 1996, xuất phát từ tâm nguyện của thầy Thích Thanh Quang - trụ trì
ngôi chùa, nhà chùa bắt đầu nhận nuôi các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Ban đầu, nhà chùa nhận 20 trẻ em trong thôn Thủy Triều về nuôi dưỡng và
cho các em đi học.
Đại đức Thích Thanh Quang cho biết: “Hồi đó, người dân nơi đây còn
khổ cực lắm, làm không đủ ăn chứ nói gì đến việc cho con em đi học. Nhà
nào khá thì cho con đi học được vài năm rồi nghỉ giữa chừng, còn lại
thì hiếm được đến trường. Thiết nghĩ, các em cần phải được học chữ thì
mới có thể thoát khỏi cái nghèo nên tôi đã đưa các em về đây, nuôi
dưỡng và lo cho các em đi học đầy đủ”.
Đại đức Thích Thanh Quang tận tình chỉ bảo cho các em nhỏ học bài.
Không dừng lại ở đó, khi chứng kiến cảnh nhiều trẻ em lang thang kiếm
sống, bơ vơ trên đường phố, sư thầy Thích Thanh Quang đã đưa các em về
chùa nuôi dạy. Dần dần, không chỉ giới hạn trong địa bàn tỉnh Khánh
Hòa mà cả những đứa trẻ lang thang, mồ côi, ăn xin…ở các tỉnh thành như
Bình Định, Daklak, TPHCM, Tiền Giang, Đồng Tháp… cũng được nuôi ăn học
tại đây.
Trong chùa, có đến 20 em bị cha mẹ bỏ rơi ở trước cổng chùa, dưới gốc
cây… khi các em mới chỉ được 1 ngày, còn chưa rụng rốn, như trường hợp
của em Chế Trường Sang, Chế Tầm Xuân, Chế Kiến Phúc…
“Thành viên” mới nhất là em Chế Kim Phát, bị bỏ rơi vào tháng 2/2010.
Cha mẹ em bỏ em trong giỏ xách và đặt em dưới một gốc cây trong khuôn
viên chùa. Nhờ tình thương của nhà chùa, em đã trở nên kháu khỉnh, khỏe
mạnh.
Hiện nay số các em tá túc tại chùa Thanh Sơn là 107 em. Có những em
đã bước ra cổng chùa ra đời trở thành người có ích cho xã hội, có
những em vào với giảng đường đại học, cao đẳng. Và cũng tiếp tục có
những em được nhận vào chùa.
Bữa cơm tại chùa Thanh Sơn.
“Việc học là trên hết”
Những em nhỏ được nuôi dưỡng tại chùa đều được đến trường và theo học
chương trình của Bộ GD-ĐT. Tất cả chi phí học hành của các em đều do
nhà chùa lo hết.
Những em nhỏ được nuôi dưỡng từ nhỏ, đến tuổi đi học các em được học
như bao bạn bè cùng trang lứa khác ở Trường tiểu học Cam Hải Đông, lên
cấp 2 là Trường THCS Hùng Vương, rồi cấp 3 là Trường THPT Trần Bình
Trọng (Cam Lâm). Còn những em có hoàn cảnh khó khăn, bị nghỉ học giữa
chừng, khi vào chùa, việc đầu tiên thầy Thích Thanh Quang mong muốn là
làm sao để cho các em được tiếp tục theo học.
Thầy Thích Thanh Quang cho biết: “Đi học là trên hết. Nếu không có
kiến thức thì dù nuôi dưỡng đến mấy, sau này các em cũng không thể có
một tương lai tươi sáng hơn được. Vì thế, thầy thường dạy cho các em câu
“Duy tuệ thị nghiệp”, tức là duy trì trí tuệ để cố một sự nghiệp tốt
đẹp”.
Từ cổng nhà chùa, đã có gần 10 em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.
Có thể kể đến hai anh em Nguyễn Ngọc Pi Doanh và Nguyễn Ngọc Pi Zon.
Gia đình hai em ở Diên Khánh (Khánh Hòa). Do điều kiện khó khăn nên học
đến lớp 9 thì phải nghỉ học, cha mẹ đã gửi các em vào chùa Thanh Sơn.
Tại chùa, các em đã được tiếp tục theo học. Đến nay, Pi Doanh đã là
sinh viên năm thứ 5 Trường ĐH Y dược TPHCM, Pi Zon thì theo học năm 3
ĐH Ngân hàng.
Tại đây, còn có em Nguyễn Đình Nghĩa. Khi Nghĩa vào chùa xin được
giúp đỡ là lúc gia đình em lâm vào cảnh túng quấn. Ba mất, mẹ lại bạo
bệnh nên không thể nuôi nổi em. Vào chùa, được học chữ, Nghĩa đã thi đỗ
ĐH Kiến trúc TPHCM.
Em nào đậu ĐH, nhà chùa tiếp tục lo chi phí từ đầu đến cuối cho các
em yên tâm học hành. Nếu có em nào không đỗ vào các trường ĐH, CĐ, thầy
Thích Thanh Quang lại hướng các em đi học nghề để có một công việc ổn
định.
Đến chùa Thanh Sơn vào buổi chiểu, chúng tôi thấy trong khuôn viên chùa đâu đâu cũng có các em nhỏ ngồi học.
Cứ như thế, hơn chục năm qua, chùa Thanh Sơn luôn là nơi nuôi dưỡng,
ươm mầm tri thức cho những số phận bất hạnh, là nơi chắp cánh cho ước
mơ còn dang dở của những trẻ em nghèo.
Theo: Dân Trí