GN - Với ký ức tuổi thơ, tôi đã từng mường tượng Đức Phật là một đấng nào đó ở trong cõi xa xăm, huyền bí và có nhiều phép mầu đầy quyền năng thông qua những câu chuyện cổ tích “Cây nêu ngày Tết”, “Ăn cám trả vàng”...
Tôi nhớ có lần tôi hỏi bà tôi: “Bà ơi, Đức Phật là ai hả bà?”. Bà nói: “Đức Phật linh thiêng lắm. Ngài ở khắp mọi nơi. Đức Phật rất hiền. Ngài thường hiện ra cứu giúp mọi người, nhưng chỉ với người ăn hiền ở lành thôi. Còn các cháu, đứa nào mà nghịch, không biết vâng lời người lớn, Đức Phật chẳng những không giúp đỡ mà Ngài phạt nặng lắm”. Hồi ấy, nghe bà nội nói thế, tôi rất sợ… ông Phật, một cảm giác sợ rất hồn nhiên của tuổi thơ.
Nhờ biết sợ như vậy, mà tôi đã biết bỏ đi những trò chơi nghịch liên quan đến việc làm dứt sự sống của những loài côn trùng mà lũ bạn tôi thường chơi như: vặt gãy cánh của con chuồn chuồn để làm tàu bay, hay bẻ gãy chân con bọ ngựa để làm chiếc xe kéo. Một con kiến cũng không dám giết vì sợ Phật quở phạt, hoặc nếu lỡ giết rồi, thì tôi lại liên tưởng đến Phật và rất ăn năn. Thậm chí ngay cả lúc chơi trò trốn tìm, chúng tôi cũng không bao giờ dám chạy ngang trước gian nhà thờ Phật hay vào núp dưới bàn thờ của Ngài.
Thế rồi, Đức Phật trong tôi đã thay đổi. Sự thay đổi đó có lẽ từ khi tôi được bà tôi cho đi lễ Phật và sinh hoạt Gia đình Phật tử - tổ chức giáo dục thanh thiếu niên mà phần lớn tuổi niên thiếu chúng tôi hồi đó nhiều người rất say mê, vì được vui chơi và học tập được nhiều điều bổ ích.
Do các bác, các anh chị huynh trưởng bận rộn với việc đồng áng nên Gia đình Phật tử ở quê tôi thường sinh hoạt hàng tuần vào mỗi tối thứ Bảy. Tôi rất thích những giờ học giáo lý, đặc biệt cách kể chuyện của các anh chị trưởng, về Đức Phật qua sách Ánh đạo vàng của nhà văn Võ Đình Cường. Thời lượng học cho mỗi buổi sinh hoạt không quá 30 phút, Đức Phật theo đó đi sâu vào tâm khảm tôi.
Kể từ dạo ấy, tôi không còn thấy sợ hãi Phật nữa mà ngược lại, ngày càng gần gụi và thân thiện. Tôi rất thích ngắm chân dung Ngài mỗi khi theo bà tham dự tụng kinh, trong ánh sáng lung linh của ngọn đèn dầu.
Càng lớn lên, tôi càng cảm nhận Đức Phật của tôi càng đẹp hơn. Tôi nhớ hình ảnh Đức Thế Tôn xâu kim cho một cụ già, chăm sóc cho một Tỳ-kheo bị bệnh, giáo hóa người làm nghề gánh phân Ni Đề, cô gái bị vùi dập trong cảnh ăn chơi sa đọa tưởng như không có lối về Liên Hoa Sắc, v.v…
Tôi luôn thầm cám ơn tổ tiên, cám ơn gia đình, cảm ơn nhân duyên được gặp Phật và được học và thực tập theo giáo pháp của Thế Tôn. Ước gì lúc này nội tôi còn sống, có lẽ tôi sẽ kể lại cho bà nghe chuyện Đức Phật hóa sinh trong tôi, Ngài đã cùng tôi đi qua nhiều quãng đường, nâng tôi dậy khi chỉ một mình đối diện với những khó khăn trong cuộc đời.