Khi đó, thấy tôi ngớ ra chưa hiểu, sư phụ giải thích thêm: “Con giữ quyển sổ này và mỗi cuối ngày đều ghi lại những việc con làm, nói và suy nghĩ. Sư phụ sẽ kiểm tra mỗi tuần. Con nhớ chánh niệm từ việc làm cho đến suy nghĩ!”. Rồi sư phụ cho tôi lui xuống.
Ban đầu tôi nghĩ việc này không khó khăn gì, nhưng khi bắt đầu đặt bút xuống mới thấy chẳng hề đơn giản. Ngay cả những việc tôi làm bằng thân đã khó mà nhớ hết rồi, chứ chưa kể đến lời nói và suy nghĩ. Một ngày tôi nói biết bao nhiêu lời, nghĩ biết bao nhiêu thứ, chuyện tốt chuyện xấu, chuyện mình chuyện người, bao nhiêu là chuyện... Nhớ lại để viết ra đâu dễ dàng gì. Nhưng rồi tôi bắt đầu tập tành với nhiệm vụ đầu tiên đầy khó khăn ấy.
Những ngày đầu, tôi lặp đi lặp lại mấy chuyện, nào là thức dậy, vệ sinh cá nhân, công phu sáng, học bài và đi ngủ. Cứ liên tiếp trong vòng một tuần, tôi chỉ thuật lại những việc lớn mà tôi nhớ. Lần đó, tôi lên nộp, thầy nhìn tôi hỏi: “Cả tuần qua, con không nói, không suy nghĩ à”. Thấy tôi ú ớ, thầy lại tiếp: “Ngày hôm qua, con quét sân có giống ngày hôm nay không?”. Tôi thầm nghĩ: “Mô Phật! Sao mà nhớ cho hết vầy thưa thầy!”. Hình như bắt được suy nghĩ của tôi, sư phụ nói: “Đó, giờ con đang nghĩ gì đó?”. Tôi lại ú ớ không nói nên lời.
Nhưng cũng từ đó, tôi ghi chép cẩn thận hơn. Tôi dần dần nhận ra đây là cách giúp tôi, một người sơ cơ, giữ chánh niệm tốt nhất và chú tâm vào những việc dù là nhỏ nhất. Tôi cũng thầm cảm ơn những bài kệ tỉnh thức, chúng khiến tôi chánh niệm trong từng việc làm, từng suy nghĩ, từng lời nói.
Thất niệm là bóng đêm
Chánh niệm là ánh sáng
Đưa tỉnh thức trở về
Cho thế gian tỏa rạng
(Bật đèn)
Hay:
Rửa mặt là rửa tâm
Sạch hết mọi cấu trần
Để cho nguồn an lạc
Đi vào cả châu thân
(Rửa mặt)
Khi đã thuần thục những câu kệ ấy, tôi cảm nhận niềm vui trong từng việc làm và hạnh phúc khi sống trọn vẹn với giây phút ấy. Khi làm, tôi không nghĩ gì nhiều, cứ làm hết lòng. Như vậy, tôi không cần phải nhớ tôi nghĩ gì nữa, khi ghi vào sổ, tôi cứ viết đúng như vậy.
Những ngày đầu ở chùa, khi đi, tôi kéo lê dép trên mặt đất, tạo thành tiếng lẹt xẹt. Tôi đi ngang qua phòng sư phụ cũng tạo ra tiếng động như thế. Rồi đến một ngày, sư phụ gọi tôi vào, cột hai chiếc dép vào sợi dây và đeo lên cổ tôi. Sư phụ bảo: “Nếu còn kéo lê dép nữa thì con cứ đeo dép vào cổ như vậy, không cần mang nữa”. Lần đó tôi cảm thấy hổ thẹn quá, nên đã tự đặt một câu kệ để răn mình:
Bước đi trên mặt đất
Là thiền hành thảnh thơi
Còn nghe tiếng lẹt xẹt
Là biết lòng chưa an.
Những việc ấy, tôi cũng ghi cả vào sổ, sư phụ có vẻ hài lòng lắm.
Dần dần, tôi nhận ra nhiều lợi ích từ quyển sổ. Ban đầu, tôi ít nói vì sợ không nhớ hết những gì mình nói để ghi vào sổ, nhưng sau này, tôi lại thích như vậy. Tôi nghĩ kỹ hơn khi nói một điều gì đó, nói với ai, và tôi phải nói như thế nào cho phải, cho đúng pháp. Và cũng từ đó, tôi trầm lại, vì thật sự nhận ra, nói chuyện mình chuyện người, chuyện này chuyện nọ sẽ làm rối tâm mình, nhà thiền gọi đó là thị phi.
Quyển sổ sửa mình của sư phụ thật sự rất hữu ích với tôi. Từ ngày có quyển sổ, tôi tập có trách nhiệm với những lời nói, việc làm và những suy nghĩ của bản thân hơn. Có những chuyện tôi làm hay tôi nghĩ không ai biết, chỉ mình tôi biết, nhưng đến tối, tôi ghi lại và cảm thấy hổ thẹn với chính lương tâm của mình. Vì vậy tôi quyết tâm sửa chữa.
Hơn thua so với chính mình
Hôm nay mình phải hơn mình hôm qua.
Quyển sổ sửa mình giúp tôi hướng vào bên trong nhiều hơn, giúp tôi chánh niệm hơn trong từng suy nghĩ, không để những ý bất thiện đi quá xa. Nếu nghiên cứu kỹ hơn, trong nhà thiền, phương pháp này gọi là Tứ chánh cần:
Đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng./ Đối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn đoạn tận./ Đối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn làm cho sanh khởi./ Đối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn làm cho an trú.
Sau này, khi tôi học trung cấp, tôi mới biết những gì sư phụ dạy đều nằm trong hệ thống giáo lý, nhưng cách của sư phụ dễ hiểu và dễ làm hơn đối với một chú điệu - một người đang chập chững bước đi trên con đường tu tập.
Ba năm qua, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều, trong nhận thức cũng như trong việc làm. Tôi đã viết mấy quyển sổ sửa mình, quyển nào cũng dày cộm, chi chít chữ, quyển nào cũng đầy những lỗi lầm, vụng dại, những quyết tâm và trăn trở. Chúng là cả quá trình lớn lên và trưởng thành của tôi.