Hãy cho con cảm nhận yêu thương từ bố mẹ chứ không phải là những trận cãi vả ngập trời
- Ảnh minh họa
Tại
sao phải tìm đến cái chết?
Thông tin 3 nữ sinh lớp 7 học khá giỏi ở Trường THCS Phan Chu
Trinh, tỉnh Đắk Nông “chết cùng nhau” đã trở thành một đề tài đáng quan tâm của
cộng đồng xã hội ngày nay, khi ta cứ mải chạy theo vật chất, văn minh, mà lãng
quên đi việc giáo dục lối sống cho người trẻ hiện nay.
Tìm
hiểu nguyên nhân qua cuộc thăm dò của Báo Tuổi Trẻ về việc này thì hầu
hết độc giả đều cho rằng nguyên nhân vì gia đình thiếu quan tâm, chia sẻ, đồng
cảm với số phiếu là 3.667 trong tổng số 5.518 phiếu (28-3-2012). Điều đó cũng
nói lên được tầm quan trọng của gia đình đối với việc định hướng cho giới trẻ
về lối sống, phương cách sống và nhất là giá trị của cuộc sống hiện thực như
thế nào.
Chán
nản, buồn đời, sự trói buộc
“Chỉ khi nào mình gặp chuyện buồn, mình mới có cơ hội ra đi
mà thôi” đọc một dòng trong nhật ký của em Hạnh, dường như em đang sống
trong nỗi thất vọng, bế tắc và muốn tìm cách thoát ra khỏi, chỉ có nỗi buồn mới
là động lực để khiến em lìa bỏ cuộc sống hiện tại này.
Tôi có một người bạn tên Tâm, những lúc căng thẳng và buồn bã
là anh đóng kín cửa phòng, ở trong đó cả ngày, và đã nhiều lần tìm đến cái chết
bằng cách tự treo cổ, uống thuốc ngủ quá liều, dùng dao để cắt mạch máu của
mình... (thói thường, ngay trong lúc buồn khổ thì điều đầu tiên người ta sẽ làm
là tìm cách trốn tránh hiện tại, mong ước sanh về một thế giới nào khác hơn cho
thoát khổ). Những lần tự tử anh đều thất bại và phải nhập viện vài ngày, qua
những lần trò chuyện thì được anh chia sẻ: “Không được sự quan tâm của ba
mẹ, gia đình không hòa thuận… nên con bỏ lên thành phố lập nghiệp, làm việc tại
một công ty du lịch, mỗi lần cãi vã với sếp, căng thẳng, buồn bã là đi chơi với
bạn bè, la cà ở những quán xá để vui chơi, khi trở về phòng trọ một mình, cảm
thấy vô cùng cô đơn, lạc lõng, tủi thân, nhớ thương cha mẹ và gia đình nhưng
không dám trở về, vì chẳng làm được gì, sợ mất mặt với bố mẹ. Những lần như
thế, con chỉ muốn chết để thoát khỏi cuộc sống hiện tại của mình”.
Đúng
thật, gia đình là yếu tố cực kỳ quan trọng, nó là nơi nuôi dưỡng và ấp ủ chúng
ta, mỗi khi ta thất bại, buồn chán để có điểm nương tựa tinh thần. Thiếu sự
quan tâm, chia sẻ của gia đình cũng như những con đò mà thiếu đi bến đỗ, chúng
ta sẽ cảm thấy vô cùng lạc lõng, đơn độc, rồi hậu quả là làm một điều gì đó tệ
hại hay tìm đến cái chết…
Liều
thuốc đặc trị cho tâm hồn
Bạn Tâm sau khi được tìm hiểu về giáo lý nhà Phật, bạn đã biết
áp dụng tinh thần từ bi, yêu thương sự sống, thực tập thiền quán vào đời sống.
Sau một thời gian, Tâm đã trở thành một Phật tử, tích cực tham gia vào những
công tác thiện nguyện, mang niềm vui đến cho những người còn nghèo khó. Cuộc
sống của bạn dường như thay đổi hoàn toàn, trong lối nghĩ và cách sống.
Bạn Tâm vui mừng bộc bạch với tôi, sau mỗi lần gặp mặt: “Thưa
Sư, con cảm thấy thời gian thật đáng quý, mỗi ngày con đều thực tập thiền quán
và cảm nhận cuộc sống này thật vô cùng ý nghĩa! Nghĩ lại thật tiếc, tại sao con
không biết Phật pháp sớm hơn để quá lãng phí thời gian cho những việc làm vô
bổ, sống hoài, sống phí”. Quả thật, Phật pháp thật nhiệm mầu, có thể chuyển
hóa một con người từ hèn yếu, bạc nhược, luôn là gánh nặng cho người khác, giờ
đã trở thành một con người đạo đức, sống có lý tưởng, và đem lại hạnh phúc cho
nhiều người.
Chiêm nghiệm lại tôi mới
thấy, trong cuộc đời này có một thứ mà ta chỉ gặp và sống với nó một lần ngay
lúc ấy. Đó là thời gian, là tuổi trẻ, vì nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại,
vậy tại sao ta lại không sử dụng thời gian một cách đúng nghĩa, nhất là khi
mình đã biết Phật pháp, hiểu rõ ý nghĩa của câu nói “Thân này khó được, Phật
pháp khó nghe”!
Giác Minh Luật (GNO)