Lúc
còn nhỏ thì sống nhờ vào sự bảo bọc, nuôi nấng của cha mẹ, của người đỡ
đầu. Nhưng đến khi khôn lớn, mỗi người phải chọn cho mình một hướng đi,
một nghề nghiệp nhất định để tự nuôi sống bản thân, tự tạo lập cuộc
sống cho riêng mình chứ không thể sống thụ động, dựa dẫm vào người khác
mãi được. Để xây dựng cho bản thân một cuộc sống ổn định, thực sự có ý
nghĩa thì không thể xem nhẹ việc lựa chọn nghề nghiệp.
Để
có thể chọn cho mình một hướng đi đúng đắn, phù hợp thì trước hết phải
hiểu rõ về bản thân mình, phải biết mình muốn những gì, thích những
ngành nghề gì, và điều quan trọng là biết mình có khả năng về lãnh vực
gì. Nếu như không đánh giá được bản thân mình, không hiểu rõ mình thì
rất khó có thể chọn cho mình một nghề nghiệp phù hợp. Nếu vì một vài lý
do nào đó để rồi chọn những ngành nghề mà mình không hiểu biết gì về nó,
không có khả năng trong lãnh vực đó, không thuộc sở thích của mình thì
khó lòng phát huy được năng lực, và năng suất lao động sẽ thấp, tinh
thần cũng không được thoải mái, không hứng thú trong công việc. Điều đó
cũng có nghĩa là mình sẽ không có được hạnh phúc trong cuộc sống và càng
không phải là một con người thành đạt. Nếu chúng ta được làm những công
việc phù hợp với năng lực và sở thích của mình, thì mình sẽ làm việc
chăm chỉ hơn, có nhiều hứng thú trong công việc và dễ đạt được thành
công.
Tuy
nhiên, cuộc sống không hề đơn giản, không phải lúc nào chúng ta cũng
đạt được những gì mình mong muốn, không phải lúc nào mình cũng được làm
những công việc mà mình ưa thích, phù hợp với khả năng của mình. Song
chúng ta không nên vì thế mà sinh chán nãn, thất vọng, buông xuôi. Chúng
ta vẫn cố gắng, vẫn nuôi hy vọng là sẽ có ngày mình tìm được những công
việc phù hợp nhất với mình. Trong lúc chờ đợi niềm mong ước của chúng
ta trở thành hiện thực thì chúng ta vẫn phải sống, phải lao động để tự
nuôi sống bản thân và cống hiến cho xã hội. Nếu chúng ta chưa tìm được
công việc phù hợp mà buông xuôi thì chẳng những trong công việc hiện tại
chúng ta không thực hiện tốt mà công việc mong ước của mình cũng không
có cơ may tìm được. Cũng như việc một người trồng cây cam, mục đích mà
người trồng nhắm đến là trái cam chứ không phải cây cam. Người ấy không
thể có ngay được trái cam mà phải qua công đoạn trồng trọt, chăm bón cho
cây và chờ đợi mới hái được trái cam, nếu họ không gieo trồng, không
chăm bón cây cam thì làm sao hái được trái cam chín mộng. Những mục đích
trong cuộc sống không dễ gì đạt được. Đôi khi để đạt được mục đích ấy
người ta phải đi qua những bước trung gian. Vì mục đích ấy khó đạt được
như vậy, cho nên một khi đạt được nó chúng ta cảm thấy vui, cảm thấy
hạnh phúc trào dâng và càng quý thành quả của mình hơn.
Một
trong những điểm mốc quan trọng trong việc lựa chọn nghề nghiệp của thế
hệ trẻ ngày nay là việc chọn ngành nghề để học tiếp sau khi các bạn tốt
nghiệp Phổ thông trung học. Trong xu thế hiện nay, hầu hết các bạn đều
nhắm vào các trường Đại học, sau đó mới đến Cao đẳng và tiếp đến mới là
Trung cấp,... Nhắm đến mục đích cao hơn, xa hơn là tốt. Nhưng bạn phải
nhìn lại bản thân mình, nhìn lại trình độ học tập của mình, điều kiện
hoàn cảnh gia đình của mình để rồi có lựa chọn thích hợp cho bước ngoặc
quan trọng này. Nếu học lực của bạn không cao thì không nên chọn vào
những ngành nghề “top ten”. Nếu gia cảnh của bạn khó khăn thì không nhất
thiết phải thi vào Đại học, Cao đẳng. Thực ra bạn còn có nhiều con
đường khác để đi, chúng cũng tốt cho bạn, cho gia đình bạn và cho xã hội
chứ không phải là cùng đường. Nhiều bạn không tự lượng sức mình, nhất
quyết phải thi vào Đại học, Cao đẳng, đặt hết hy vọng vào đó. Đến khi
thi hỏng thì lại thất vọng, chán chường, thậm chí có bạn đã quá tuyệt
vọng và tìm đến cái chết, thật là đáng thương! Bên cạnh đó cũng có một
số bạn may mắn hơn, thi đậu Đại học, Cao đẳng, nhưng do gia cảnh khó
khăn, không chu cấp đủ cho việc học, đành phải bỏ học giữa chừng, rồi
cũng thất vọng, chán nãn. Và tệ hại hơn là có bạn sinh ra hận bản thân,
hận gia đình và hận luôn cả xã hội, hận vì số phận hẩm hiu, nghèo khó
của mình. Thế là chính bạn ấy đã làm khổ mình, tự thiêu đốt mình bằng
niềm tủi hận do không đạt được mục đích của mình, một mục đích vượt quá
khả năng hiện tại của bản thân đang có. Bạn thân mến! bạn nên biết rằng,
mỗi người đều có một hoàn cảnh, một khả năng khác nhau, vì vậy mà chúng
ta cũng nên xây đắp những ước mơ, những mục đích cho riêng mình, không
đua đòi, bắt chước. Khi xác định mục đích của bản thân, bạn nên nhớ
rằng, mục đích ấy phải có cơ sở, phải được hình thành trên nhưng điều
kiện và khả năng hiện tại của bản thân, nếu không thì mục đích ấy chỉ là
ảo mộng, chỉ là huyễn cảnh, chẳng những không đạt được mà đôi khi chúng
ta lại bị khổ đau vì nó. Và bạn cũng nên biết rằng, cha mẹ nào cũng
thương con, muốn cho con được hạnh phúc, chẳng qua là cha mẹ chưa có khả
năng để lo cho con mà thôi, cho nên bạn đừng hận cha mẹ mà tội cho họ.
Cổ nhân chúng ta có một câu châm ngôn rất là chí lý rằng, đừng hỏi xã
hội đã giúp gì cho ta mà hãy tự hỏi là ta đã đóng góp được gì cho xã
hội. Chúng tôi thiết nghĩ câu châm ngôn này sẽ là một liều thuốc tốt để
chữa trị vết thương oán hận trong lòng bạn. Xã hội ta đang có một căn
bệnh trầm kha, đó là căn bệnh bằng cấp. Nếu bạn là một con người có bản
lĩnh, có năng lực thì bạn không nên tự biến mình thành nạn nhân của căn
bệnh trầm kha này. Làm thầy là tốt mà làm thợ cũng tốt không kém. Trong
xã hội không có ngành nghề nào là không quan trọng. Bạn thử tưởng tượng,
nếu xã hội chúng ta không ai chịu làm nông nghiệp thì chúng ta lấy
lương thực đâu để mà ăn, để sống; không ai chịu làm công nhân may mặc
thì chúng ta lấy đâu ra áo để mặc… Chỉ cần chăm chỉ, cần mẫn và tận tụy
với nghề nghiệp chân chính của mình thì đều đáng được trân trọng, và sự
sống của mình thật sự có ý nghĩa. Hãy lựa chọn cho mình một hướng đi phù
hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình, đừng trèo cao mà té nặng.
Bởi
việc lựa chọn nghề nghiệp có ảnh hưởng lớn đến tương lai của thế hệ trẻ
như thế, cho nên các bậc phụ huynh cần phải quan tâm giúp đỡ. Để có thể
giúp đỡ cho con em mình trong việc lựa chọn nghề nghiệp thì cần lưu tâm
đến những sinh hoạt trong đời sống cũng như trong việc học tập của các
em. Thông qua đó cha mẹ sớm phát hiện ra những điểm mạnh và điểm yếu
cũng như những năng khiếu bẩm sinh của con em, để rồi tạo điều kiện và
hướng dẫn cho các em phát huy những năng khiếu, điểm mạnh của các em,
đồng thời hạn chế, khắc phục những điểm yếu để ngày càng hoàn thiện hơn.
Và định hướng cho các em lựa chọn những ngành nghề phù hợp với khả năng
và sở thích. Có một số bậc phụ huynh định hướng nghề nghiệp cho con em
mình không phải dựa vào khả năng, sở thích của các em mà lại dựa vào sở
thích của chính họ, dựa vào gia thế và truyền thống của gia đình chứ
không hề quan tâm rằng, ngành nghề đó các em có thích hay không, có khả
năng về nó hay không? Những bậc phụ huynh nào làm như thế thì quả thật
là dại dột. Dẫu biết rằng cha mẹ làm như thế cũng là vì thương con,
nhưng bởi không hiểu con, không lắng nghe lời tâm sự của con nên vô tình
đã làm khó cho con, khiến cho con phải khổ. Tại vì, một khi cha mẹ ép
đặt nghề nghiệp cho con cái, nếu người con không tuân theo lời cha mẹ
thì sẽ mang tội cãi lại cha mẹ, bất hiếu với cha mẹ, lương tâm dằn vặt,
tình cảm giữa cha mẹ và con cái sẽ bị sứt mẻ; nếu như người con tuân
theo lời ba mẹ, đi theo con đường mà ba mẹ chọn cho mình thì người con
sẽ không hăng say, hứng thú trong công việc, trong học tập, khó đạt được
thành quả như cha mẹ mong muốn, thậm chí là có thể gặp thất bại, làm
hỏng việc vì người con không thích nó, không có khả năng về lãnh vực đó.
Còn
đối với kết quả thi Đại học, Cao đẳng,… nếu con cái thi đậu thì đấy là
một điều tốt lành, không có gì đáng bàn, tuy nhiên cha mẹ cũng phải nhắc
cho con cái biết, đấy chỉ mới là kết quả bước đầu, không có gì lớn lao
để các em không tự cao, tự mãn; nếu như con không đậu thì cũng động
viên, khích lệ con, đừng chê trách con, đừng nhắc đến vấn đề đó nhiều,
vì con cái đã đủ buồn, đủ khổ về kết quả thi của mình rồi, nếu cha mẹ
chê trách và nhắc đến hoài thì chỉ làm cho con quẩn trí, buồn khổ thêm
mà thôi, thậm chí là khiến cho con chán đời, tìm đường quyên sinh nữa,
vì lúc đó người con thường hay nghĩ rằng, mình đã đau khổ, buồn phiền
rồi, vậy mà ngay cả cha mẹ là người thân yêu nhất của mình cũng không
thông cảm và thương yêu mình, mình đâu còn nơi nào để tựa nương, vậy thì
sống làm gì nữa? Cho nên hãy cẩn thận!!
Vì
thế, những ai làm cha mẹ, những ai muốn nuôi dạy con cái mình trở thành
những người trưởng thành, muốn con mình có hạnh phúc và thành công
trong cuộc sống thì nên thận trọng trong vấn đề này, đừng để cho con cái
phải khó xử mà cũng đừng để cho con quá tự do trong cuộc sống. Các bậc
cha mẹ phải nhớ rằng, thương yêu và hiểu biết phải luôn luôn song hành
mới có thể giúp con cái đúng nghĩa. Nếu thương yêu mà thiếu hiểu biết
thì chỉ làm cho con thêm hư hỏng; còn hiểu biết mà thiếu thương yêu chỉ
làm khổ và làm khó cho con thêm mà thôi. Về phần người con thì cần phải
lễ phép tâm sự những vấn đề trong cuộc sống cho cha mẹ nghe, nên lắng
nghe ý kiến đóng góp của cha mẹ và trình bày những tâm tư, nguyện vọng
của mình cho cha mẹ hiểu, không được tự ý làm càn mà cũng không nên quá
thụ động. Có như vậy tương lai của con cái mới có thể được xây dựng trên
nền tảng vững chắc và tình cảm giữa cha mẹ và con cái mới được gắn kết
bền chặt và càng thêm nồng ấm.
Minh Nguyên
(Nguồn: Tập san Pháp Luân 51)