Với
tôi, sự kiện đáng nhớ nhất năm 2009 là gặp được chị, một người phụ nữ có
HIV nhưng vẫn kiên cường vững bước trong cuộc sống. Để hôm nay, tôi tự
tin đối diện với những thử thách trên đường đời của mình.
Chị là Nguyễn
Thị Huệ, người phụ nữ kiên cường đã cho bạn Tử Văn thêm nhiều nghị lực
sống. Chị là Nguyễn Thị Huệ, sinh
năm 1980 tại Chính Lý, Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Tủi cực luôn đeo bám chị
trong suốt những năm tháng tuổi thơ. Bốn tuổi, chị đã mồ côi cha. Học
hết lớp bảy, chị sang Nam Định phụ giúp việc nhà cho cậu mợ suốt sáu
năm. Ước mơ từ nhỏ muốn trở thành cô thợ may nên đến năm 1999, chị về
lại Hà Nam học nghề rồi mở một tiệm may gần nhà.
Đến năm 22 tuổi,
chị lập gia đình. Những tưởng cuộc đời chị khi đi lấy chồng sẽ sang một
trang mới, yên vui hơn... nhưng đó lại là bắt đầu của một trang đời bất
hạnh khác. Hạnh phúc cùng chồng được hai năm thì chị đớn đau tiễn anh
về cõi vĩnh hằng. Nhưng điều kinh hoàng hơn là khi chị biết anh mất vì
bị HIV. Nhìn đứa con còn đỏ hỏn trên tay, lòng chị như muối xát kim
châm. Khi chưa yêu chị, anh đã tìm đến hương sắc của đàn bà trong ánh
đèn mờ. Chỉ vì phút nông nổi ấy, anh không những làm hại đời mình mà còn
làm khổ cho người khác.
Đau đớn chưa nguôi, niềm an ủi duy nhất
của chị là đứa con thì sau đó một năm cũng bỏ chị mà đi khi cháu mới 21
tháng tuổi. Nỗi đau nối tiếp nỗi đau, chị suy sup hoàn toàn. Cộng thêm
mọi người xa lánh, chị định tìm đến cái chết để giải thoát cho cuộc đời
mình. Đứng bên bờ sông, dòng nước đục ngàu như muốn xoáy sâu vào đời
chị, chính lúc này thì khao khát sống đã trào dâng mãnh liệt trong chị.
Chị đã nói trong tiếng nấc nghẹn ngào: "Tôi phải sống để mọi người thấy
tôi không phải là người thất bại".
Với ý chí và nghị lực, chị gạt
nỗi đau sang một bên rồi vững chân bước về phía trước. Với tay nghề may
sẵn có, chị mở lại tiệm may. Nhưng những ngày đầu mở quán thật khó
khăn. Nhiều người đã bàn ra tán vào. Chị cố gắng vui vẻ và sống chan hoà
với xóm làng. Dần dần mọi người thấy chị gần gũi, không thấy đáng sợ
như người ta vẫn nói. Tiệm may của chị cũng dần đông khách. Có những
hôm, một hai giờ khuya, mình chị vẫn lạch cạch bên máy khâu. Rồi chị
cũng lấy lại được nhan sắc vốn có của mình.
Tin tưởng vào chị,
chị được tín nhiệm bầu làm trưởng nhóm Vì ngày mai tươi sáng
của tỉnh Hà Nam. Trong vai trò này, chị rất xông xáo và năng nổ trong
các hoạt động. Chính chị đã giúp người dân nơi chị sinh ra hiểu được HIV
là gì, nó không đáng sợ như mọi người nghĩ. Bây giờ chị có thể vô tư về
thăm mẹ mà không phải sợ những cái nhìn xoi mói như ngày xưa. Niềm vui
trong hai công việc giúp mức CD4 của chị có lúc đã lên 600 (giống như
sức khoẻ của một người bình thường).
Trở lại câu chuyện của tôi,
tôi may mắn hơn chị gấp trăm nghìn lần. Dẫu gia đình khó khăn nhưng cha
mẹ vẫn cho ba chị em tôi ăn học đến nơi đến chốn. Tốt nghiệp đại học,
tôi bước vào chốn thương trường. Thắt lưng, buộc bụng, tích cóp bao năm,
bố mẹ dồn hết tiền cho tôi có vốn kinh doanh. Do kinh nghiệm còn non
kém, chưa nắm vững được thị trường và nhu cầu người tiêu dùng nên công
việc làm ăn của tôi không thuận lợi. Tôi bị trắng tay. Thất bại đầu tiên
trong đời, tôi gần như tuyệt vọng.
Người con gái tôi yêu sau đó
cũng bỏ tôi về trời Tây xây dựng hạnh phúc. Chỗ dựa duy nhất của tôi là
gia đình, tôi cũng không tìm được điểm tựa. Vì chính tôi đã đánh mất đi
niềm tin. Bước chân tôi lang thang và mệt mỏi trên khắp phố phường Hà
Nội. Tôi cố tìm một cái gì đó để bấu víu. Tôi không muốn gục ngã.
Đầu
tháng hai âm lịch năm 2009, chiều Hồ Gươm se lạnh. Tôi ngồi thẫn thờ
trên ghế đá đưa mắt nhìn ra xa. Sóng lăn tăn, lòng tôi se thắt. Một cảm
giác trống trải bao trùm. Tôi thất thần đứng dậy rồi hét lên: "A... a...
a". Tôi muốn phá vỡ đi không gian ghê rợn quanh mình. Mọi người quay
lại nhìn. Có người bảo tôi bị điên.
Ba mươi giây sau, một người
phụ nữ đi lại và ngồi xuống bên cạnh. Câu nói của chị khiến tôi quay
sang: "Cậu thấy thoải mái hơn chưa?" Chị nhìn tôi rồi cười. Nụ cười thật
tươi và thật duyên. Tôi cũng cố gắng cười để đáp lại. Tôi có một ảm
giác gì đó. Ít nhất là bình yên khi có người bên cạnh.
Mãi sau
này chị mới nói cho tôi biết, lần ấy chị về Hà Nội tham dự hội thảo dành
cho những người có HIV. Buổi chiều, chị không phải họp nên đi ra bờ hồ
chơi và đã gặp tôi. Lần đầu tiên gặp, chị không nói nhiều về bản thân,
chỉ đủ để tạo niềm tin cho người khác. Chị chỉ nói về cuộc sống với
những số phận không may mắn trong xã hội. Chị đang cố gắng động viên
tôi, dù chị chỉ hiểu được một phần rất nhỏ bế tắc mà tôi đang gặp phải.
Rồi những lần sau đó, chị biết nhiều hơn về tôi. Tôi cũng hiểu nhiều
hơn về chị. Chị đã không ngại chia sẻ với tôi về câu chuyện cuộc đời
của chị. Và tôi thấy mình thật nhỏ bé, tầm thường khi đứng trước chị.
Chị đã nói với tôi một câu mà đến hôm nay tôi vẫn nhớ: "Là đàn ông,
không được khóc".
Chị, câu chuyện cuộc đời cùng sự cố gắng vươn
lên của chị như một cái phao giúp tôi tìm lại được bản thân mình. Chị
"không còn gì để mất" nhưng chị vẫn vươn lên và làm những việc thiết
thực cho cuộc sống. Tôi "còn nhiều thứ phải quan tâm", sao có thể dễ gục
ngã. Thất bại đầu tiên là bài học lớn cho tôi cả chặng đường dài sau
này. Tôi sẽ khôn hơn, trưởng thành hơn sau cú ngã đó.
Hôm nay,
tôi đã vào Sài Gòn sống và làm việc. Áp lực công việc nhiều khi khiến
tôi thấy nản. Những lúc ấy, tôi lại nghĩ về chị để lấy tinh thần và động
lực vươn lên. Nhiều lúc tôi tự hỏi: "Nếu như chiều hôm đó, tôi không
hét lên, chị không chú ý thì liệu hôm nay tôi có vui vẻ và lạc quan thế
này".
Tử Văn
Nguồn: xaluan.com