Sinh viên các trường Đại học đến dùng chay tại tổ đình Phước Tường - Ảnh: P.T
Ngay từ những ngày cuối của tháng Chạp, thầy trụ trì tổ đình đã cho
tập họp hết các loại củi có trong vườn chùa, chất thành đống lớn quanh
sau khu nhà trù. Tưởng rằng thầy chuẩn bị nấu bánh Tết nhưng không phải.
Đó là những đống củi dành cho mùa chay tháng Giêng - mùa mà Phật tử
trẩy hội đầu xuân và mùa sinh viên xa nhà bắt đầu trở lại trường sau
những ngày sum họp Tết với gia đình.
Tổ đình Phước Tường, một ngôi chùa cổ khoảng hơn 200 năm tuổi tọa lạc
tại vùng đất ngoại thành xa thành phố nhưng điều lạ là ở đây Phật tử
đến tổ đình đa phần còn rất trẻ. Họ đến từ những trường đại học gần đó
và những khu nhà trọ của sinh viên. Có thể nói, tổ đình cũng nơi chốn
“quay về nương tựa” của nhiều sinh viên xa nhà.
Theo TT.Thích Nhật An, trụ trì Tổ đình Phước Tường, bắt đầu năm 2009
tổ đình thực hiện chương trình “Cơm chay từ thiện”. Chiêu đãi cơm chay
cho tất cả Phật tử và những người đến chùa vào các ngày 14, 15 (rằm); 30
(hoặc 29) và mồng 1. Riêng tháng Giêng, tháng 7 ÂL, tổ đình chiêu đãi
suốt một tháng.
Mỗi ngày tổ đình trung bình chiêu đãi khoảng 2.000 lượt người đến lễ
Phật và dùng chay, chủ yếu là sinh viên các trường đại học: Cao đẳng Tài
chính Hải quan, Đại học Giao thông Vận tải, Học viện Bưu chính Viễn
thông, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Tự nhiên… đóng trên địa bàn
quận Thủ Đức và Phật tử địa phương.
Đây cũng là một trong những hoạt động Phật sự của Tổ đình Phước Tường
với mục đích hướng đạo, khuyến khích mọi người ăn chay, đặc biệt là
sinh viên và giới trẻ hiện nay. Mỗi lần tổ chức, tổ đình được Phật tử và
sinh viên, giới trẻ hưởng ứng rất mạnh mẽ. Bằng chứng là Phật tử mà đặc
biệt là sinh viên Phật tử về chùa thắp hương và ăn chay rất đông.
Theo Phật tử Phước Lệ cũng là sinh viên phụ việc với thầy trụ trì cho
biết: “Theo xu hướng phát triển mạnh mẽ của thời đại khoa học công nghệ
hiện nay, giới trẻ đang chạy đua theo những văn hóa hiện đại, văn hóa
châu Âu nhưng em nghĩ giới trẻ chưa có môi trường riêng. Nếu được hướng
dẫn và có môi trường tốt thì sinh viên, giới trẻ sẽ không lãng quên văn
hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông, đó là văn hóa đình chùa, một nếp
văn hóa tốt đẹp thể hiện đậm bản sắc của dân tộc ta”.
Bạn Phước Nhật, sinh viên Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết: “Tuy nhà
ở xa nhưng em cũng thường xuyên đến chùa thắp hương dâng Phật, thăm
thầy và tham gia vào khóa tu “Tuổi trẻ tìm hiểu Phật pháp” vào Chủ nhật
đầu tháng ÂL. Em thấy rất vui vì ngày càng có nhiều bạn sinh viên và
giới trẻ đã biết hướng về truyền thống, biết đi chùa thay vì đi đến
những nơi ồn ào. Các bạn biết ăn chay, biết hướng về một nơi thanh tịnh
là điều rất đáng quý”.
Như Hạnh