Ngôi chùa Bát Phúc nằm khuất trong thôn Hạnh Đàn, xã Tân Lập,
huyện Đan Phượng (Hà Nội) cứ mỗi dịp cuối tuần lại ríu rít tiếng trẻ
thơ học chữ. Lớp học mới triển khai được một tháng nhưng đã có đến 300
em học sinh đến đăng kí tham gia. Lớp phụ đạo trong chùa không chỉ giảng
dạy những kiến thức văn hóa cơ bản cho các em mà còn tạo nên một nếp
sống có kỉ cương, nề nếp, đạo đức.
Học đạo làm người
Tìm đến chùa Bát Phúc vào buổi sáng cuối tuần, từ xa chúng tôi đã
nghe thấy tiếng sư thầy giảng đạo, sau mỗi một câu hỏi, những đứa trẻ
lại cùng đáp to những câu trả lời lễ phép. May mắn cho chúng tôi đến
chùa vào chủ nhật cuối tháng để tham gia nghe giảng cùng các em về môn
"Giáo lý”.
Trong điện chính, những đứa trẻ đủ mọi lứa tuổi cấp bậc được ngồi
ngay ngắn nghe sư thầy giảng dạy. Ngồi trông xe ngoài sân, bác Nguyễn
Thị Phúc, một vãi ở trong chùa chia sẻ: "Lớp học này đông lắm, mở được
một tháng rồi nhưng những đứa trẻ ở đây vẫn đi học đều, không có đứa
nào bỏ học cả. Hôm nay là chủ nhật cuối tháng các cháu được nghỉ học
văn hóa để học giáo lý, coi như buổi sinh hoạt cuối tháng”.
Qua 3 giờ ngồi nghe thầy giảng cùng với những trò chơi bổ ích, các
em nhỏ trong lớp đã biết cách ngồi tịnh tâm, xưng hô lễ phép với người
lớn, bạo dạn hơn ở chỗ đông người. Đi cùng với 3 cháu nhỏ, bác Thanh
Bình, dân làng Hạnh Đàn tâm sự: " Hôm nay là buổi đầu tiên tôi tham gia
lớp học này cùng các cháu. Với những đứa trẻ hiếu động, lớp học này
rất bổ ích. Các cháu được hòa đồng với bạn bè, biết đối nhân xử thế,
biết phân biệt đúng sai và nhường nhịn nhau hơn. Tôi có 2 đứa cháu học
lớp 3 đang theo học ở đây. Đứa nào về cũng khoe với bà là lớp học rất
vui và chúng có tiến bộ hơn hẳn”.
Kết thúc khóa học giáo lý nhà Phật vào buổi sáng, các em nhỏ sẽ được
ăn trưa tại chùa, tại đây các em sẽ được học cách ăn cơm cho đúng
cách, biết quý trọng thức ăn của mình và dọn vệ sinh bàn ăn, rửa bát,
quét nhà.
Sư thầy thích Diệu Bản chia sẻ: "Nhà chùa mở lớp học này với mục
đích tạo điều kiện tốt cho các em có một nơi học tập, một sân chơi lành
mạnh vào những ngày cuối tuần để tránh những tệ nạn xã hội. Có một môi
trường tốt các em sẽ học tập lẫn nhau, tự tin hơn, mạnh dạn hơn trong
cuộc sống. Chính những thói quen, nếp sống tốt này các em sẽ trở thành
con người hoàn thiện hơn.”
Tận tụy với học sinh
Do số lượng học sinh khá đông nên nhà chùa phải tận dụng mọi không
gian để sắp xếp chỗ học cho các em. Phải thật khéo léo các anh chị sinh
viên tình nguyện mới sắp xếp một lịch học không chồng chéo mà vẫn đảm
bảo chất lượng cho các em học sinh. Lớp học chia ra làm 3 lớp, có đủ độ
tuổi từ cấp 1 đến cấp 3. Các môn văn hóa phụ đạo là Văn và Tiếng Anh.
Các em từ độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 3 sẽ được học chung một lớp, luyện
viết chữ đẹp và học ngữ văn vào sáng thứ bẩy. Chiều thứ 7 và cả ngày
chủ nhật, lớp học chia ra làm 2 lớp theo cấp bậc để học Tiếng Anh.
Tâm sự với chúng tôi, bạn Nguyễn Thị Hương Quỳnh, cựu sinh viên
trường ĐH Ngoại Ngữ cho biết: " Đứng lớp dạy ở đây mới thấy khác xa so
với tưởng tượng. Với số lượng đông và nhiều trình độ học khác nhau, các
em nhỏ rất hiếu động nên chúng tôi cần khéo léo để thu hút các em vào
buổi học cho đạt chất lượng tốt. Đa phần chúng em dạy tiếng anh cơ bản
rồi dần mới chia lớp nhỏ hơn nếu có thêm giáo viên”. Quỳnh còn chia sẻ,
lớp học không chỉ thu hút các em nhỏ tham gia, các bạn sinh viên đã
tốt nghiệp cấp 3, hay đang là sinh viên cũng đến đăng kí học. Số
lượng học sinh ngày càng đông nhưng các em rất có ý thức, chưa đến ca
học của mình nhưng các em tự động học theo nhóm và không gây mất trật
tự ảnh hưởng đến các lớp học khác.
Chỉ cho chúng tôi xem lịch học văn hóa của các em nhỏ, Quỳnh cho
biết, khó khăn lớn nhất của lớp học này là số lượng sinh viên tình
nguyện đứng lớp còn mỏng, các em chưa được tách lớp rõ ràng nên chưa
thể phụ đạo thêm nhiều môn, bên cạnh đó lớp học lại chưa có đủ giáo
viên đứng lớp, các bạn sinh viên tình nguyện phải rất vất vả để có thể
duy trì. Hơn nữa, nhà chùa không có giảng đường trong khi số lượng học
sinh đăng ký học lại rất đông. Vì vậy, mỗi lớp tương đương mỗi nhà
hiện có trong chùa. Lớp thì học ở nhà Tổ, lớp thì học nhà Mẫu, phòng
khách,... lấy kệ kê Kinh làm bàn học.
Ngoài những giờ học trên lớp, những em nhỏ của xã Tân Lập lại có một
địa chỉ mới để học tập nâng cao kiến thức cho mình. Cứ đến những ngày
cuối tuần, tiếng đọc bài lại vang lên trong không gian tĩnh mịch nơi
vùng quê nghèo, làm ấm lòng những "thầy cô trẻ”. Mô hình này đáng được
nhân rộng để có thể tiếp thêm hành trang cho các em vững tâm bước vào
đời.
Nguồn: Đại Đoàn Kết