Phật giáo & Tuổi trẻ
Bước thật êm giữa dòng đời vạn biến…
25/10/2010 03:44 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tác giả bài viết mà quý độc giả đọc dưới đây là một bạn trẻ 20 tuổi (ảnh) nhiều suy tư về sự sống, đang học Trường ĐH Hoa Sen (TP.HCM). Bạn cho biết: "Từ năm lớp 10 mình đã thực tập "hiện pháp lạc trú" và ngộ ra nhiều điều. Cũng từ đó, mình chuyển hóa rất nhiều nỗi khổ, niềm đau nơi tự thân mình…".


1. Tôi nghĩ, nếu nơi cõi ta bà này, mình không sống trọn vẹn với nhau từng giây phút của tình thân, của chia sẻ và yêu thương thì nơi cõi Bụt, mình cũng sẽ vẫn loay hoay, vẫn sẽ thơ thẩn bên những vết thương của ký ức. Rồi mình lại hẹn nhau ở một cõi khác nữa. Cứ thế, mình lại là khách trọ nơi các cõi ấy, vì chưa bao giờ mình uống cạn và thưởng thức được vị ngọt của hiện tại.

Dòng vô thường cứ trôi, dòng quanh quẩn sống và chết cứ cuồn cuộn chảy. May cho mình, có người chỉ cho mình thấy ngoài khổ đau ra mình còn có khả năng chế tác ra hạnh phúc. Mình quên đi mình có khả năng chuyển hóa chốn đau thương này, và làm nơi này biến thành vùng đất của niềm hoan hỷ vô lượng. Một câu ái ngữ, một mắt lành trông chúng sanh, một hơi thở có ý thức, chỉ bấy nhiêu đó thôi mình đã chạm được vào bản nguyện của chư Bụt và Bồ tát rồi.

2. Mỗi lần, mình cúi đầu lạy một vị Bụt, một vị Bồ tát mình hãy nguyện như vầy: Con nay có đủ hết tứ chi để làm thành 5 vóc. Con xin lạy bậc Vô thượng trí, bậc Chiến thắng phiền não, bậc Từ bi Vi diệu giùm những loài súc sanh vì chúng không có trí tuệ để nhận biết chư Bụt; những loài ngạ quỷ vì họ không có giây phút nào ngơi sự đói khát để nhận biết chư Bụt, và những loài địa ngục vì ngoài những đau khổ, nóng rát, kinh hoàng họ không có không gian nào để nhớ nghĩ đến Bụt. Xin lạy thay họ, và nguyện cho họ được mát mẻ, soi sáng và đủ đầy. Nếu thực tập như vậy đến lúc nào đó, mình sẽ không còn thấy mình và Bụt là hai thực thể riêng biệt nữa. Mình ở trong tim Bụt, và Bụt ở trong tim mình. Không còn những đối tượng nữa mà chỉ còn lại lòng bi mẫn bao phủ khắp mười phương cõi đất này. Như thế là mình sống trọn vẹn trong từng động tác lễ lạy, mình sống và thưởng thức tịnh độ hiện tiền bằng tâm từ bi của Bồ tát lắng nghe, bằng nguyện lực oai hùng của Ngài Địa Tạng và sự tỉnh thức an nhiên của mười phương chư Bụt.

Mỗi lần, mình ngắm nhìn Bụt, hay Bồ tát mình đừng xem đó là người có thể ban phước giáng họa, người có thể cứu độ mà là những huynh trưởng, những tiền bối để mình học hỏi, noi gương và hòa điệu cùng các Ngài với tâm thành kính. Đó là mình ngắm Bụt, hiểu Bụt và nhìn Bụt với con mắt của trí tuệ, yêu thương chứ không còn hễ nhìn thấy Bụt là nghĩ đến tiền tài, danh vọng, vật chất nữa. Mình đã khoác lên Bụt những lớp màn của sự huyền bí, của cầu tài lộc từ rất lâu rồi, hôm nay chính tay mình sẽ gỡ những rèm che ấy để thấy Bụt tinh tuyền đến nhường nào, thấy tựa hồ như mình là đứa con nhỏ gọi cha ơi, mẹ ơi!

Mỗi ngày lễ tết, cả gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau cố gắng giữ chánh niệm, nói lời ái ngữ vì ai cũng mong năm mới sẽ có nhiều niềm vui, hạnh phúc. Ngay lúc đó, gia đình trở thành tịnh độ, để mọi người biết tu tập. Tịnh độ không nằm ở phương Tây xa xăm, tịnh độ có khả năng được thiết lập tại đây nơi những người dễ thương hội tụ. Tịnh độ có được, khi mỗi người nơi cõi giới ấy thành thục về pháp tùy duyên, để tha thứ cho nhau, hỗ trợ nhau tu tập. Mình không thấy việc tôi quan trọng hơn việc anh, mình không thấy tôi gồng gánh cõi này nhiều hơn anh, mình lại càng không thể thấy rằng vì mình tu giỏi, được gần gũi chư Phật mà tỏ ra ngạo mạn. Hay tệ hơn nữa là tôi ôm ấp nhiều nỗi khổ niềm đau hơn anh nên anh phải hiểu tôi chứ! Sẽ không ai hiểu mình, nếu mình không tùy duyên mà hiểu người. Bụt Di Đà hiểu điều đó rất sâu sắc, nên Bụt hóa thành các loài chim quý ngày đêm hót vang. Những tiếng hót ấy là bài giảng pháp. Bụt hóa thành gió xao động hàng cây. Tiếng xào xạc của lá trở thành bài giảng pháp. Từ Nhất phẩm đến Cửu phẩm sen đều hiểu theo cách riêng. Bài pháp không dành riêng cho bất cứ phẩm nào mà thực sự lại dành riêng theo một cách đặc biệt. Chỉ cần hiểu như vậy về Bụt Di Đà, mình sẽ hiểu người đứng đầu Tịnh độ phải có một tâm từ bi, và trí tuệ rộng lớn đủ hiểu tâm tánh của chúng sanh như trong lòng bàn tay. Và ý tứ đến mức sợ chúng sanh phát tâm phân biệt lớn nhỏ, nặng nhẹ mà phải chọn cách giảng pháp vi diệu như vậy.

Học ở Bụt Di Đà, mình sẽ thấy tình thương mình đưa ra hơi vô tư đôi khi trở thành sự kiêu mạn của người này, và sự tủi thân của người kia nếu như mình ở cương vị của một vị thầy, một người lớn. Thì với địa vị càng lớn, tình thương và cách thể hiện tình thương càng phải có chánh niệm, tỉnh giác. Tình thương gây ra đau khổ, và ngã mạn là tình thương của thế gian, đó không phải là từ bi mà chỉ là những luyến ái đời thường.

3. Niệm Bụt ánh sáng, ta phải thấy được Bụt đang ở trong ta, và đang cùng ta niệm. Từ niệm rất hay, không phải là kêu tên. Pháp môn niệm Bụt được gọi là Tịnh độ tông, Độ có thể hiểu là cứu thoát, giải thoát, Tịnh là thanh tịnh. Vậy tức là một pháp môn dùng sự thanh tịnh mà giải thoát chúng sanh. Do vậy, trước phải làm sao thanh tịnh tâm và thân này. Hãy thở với Bụt, hãy đi đứng nằm ngồi với Bụt. Để thấy Bụt là năng lượng rất lành, rất mát mẻ và sâu sắc. Bồ tát lắng nghe dạy rằng khi niệm Bụt miên mật và đạt được thành tựu, ta sẽ có khả năng ấn ngón chân cái xuống đất và cõi ta bà trở thành tịnh độ trang nghiêm. Đó không phải là khả năng của riêng vị Bồ tát ấy, mà cũng là của ta, của tất cả hữu tình này nếu chúng ta biết gọi : Bụt ánh sáng ơi! Con mời Bụt về nơi đây cho con được phép ngồi thở với Bụt và Bụt cùng con niệm danh hiệu của Bụt nha!

4. Ta có thể chọn một phút giây nào đó, thật yên tĩnh và bình an, và tập thủ thỉ tâm sự với Bụt, Bụt ơi con không biết cách đi, cách đứng cho vững chãi và thảnh thơi. Bụt dạy con, và đi cùng con nhé! Bụt sẽ vui lòng lắm. Không phải cứ ở chùa, ở tịnh độ là chắc chắn ta sẽ bước chân có tỉnh thức. Tỉnh thức nằm ở trong tim ta. Mỗi bước chân chạm xuống mặt đất là một lần ta phát khởi hạnh phúc. Vì ta có đôi chân này để bước đi, vậy xin dùng đôi chân này để mang đến lợi lạc cho tha nhân, cho hữu tình. Đi tỉnh thức không phải là đi cho thật chậm, mà càng không phải là đi nhanh. Mà đi phải có oai lực, và kiểm soát được đôi chân này, đôi tay này. Có những đứa trẻ bị bại liệt, chúng không có đôi chân để đi trên đất nhưng chúng vẫn là những thành viên của cõi Bụt, vì chúng đến đó bằng tâm vươn lên khỏi nghịch cảnh như đóa sen vượt thoát bùn nhơ. Trong khi ta có đôi chân là có thêm một phương tiện nữa để vào cõi của Bụt ánh sáng ngay khi ta còn hiện diện ở ta bà này. Vì đường sá nơi cõi ấy toàn là pha lê, dát vàng bạc nên bước chân ta sẽ phát khởi được chánh niệm. Nếu ngay thời điểm này, ta không có chánh niệm trong từng bước đi, thì khi về cõi ấy ta sẽ luýnh quýnh, ngượng ngùng biết chừng nào?

5. Khi ở chùa, ở cõi Cực lạc, chắc chắn cũng sẽ có những vị thầy, vị Bụt giao cho ta công việc. Mình gọi là Phật sự. Phật sự là làm công việc cho Phật. Vậy mình không thể làm công việc ấy với cái tâm, cái ý hệt như làm thế sự được. Không thể để chút lửa sân, chút kiêu mạn vào từng động tác nhỏ. Phải ý thức, bình đẳng, và từ tâm; ấy mới là ý nghĩa thật sự của Phật sự. Không phải làm vì công việc, mà làm vì lợi ích của hữu tình, không phải làm vì bản ngã mà làm vì Bồ đề tâm của mình và tha nhân, không phải làm vì ông Bụt ngồi trên điện thờ mà làm vì hàng ngàn, hàng vạn vị Bụt đang ẩn tàng trong mỗi người xung quanh. Nếu làm với tâm như vậy, ta sẽ thấy việc nào cũng vừa sức, việc nào cũng sẽ thành công, việc nào cũng đẹp lòng chư Bụt mười phương.

Danh hiệu Bụt không phải chỉ là tên gọi đơn thuần. Mỗi danh hiệu gắn liền với nguyện lực sâu dày của vị Bụt ấy. Cho nên khi ta niệm Nam mô A Di Đà Phật thì ta phải hiểu đó là tập hợp của nhiều yếu tố mà điển hình là trí tuệ, từ bi, an lạc… và ta cho chúng mặc nhiên theo hơi thở này ngấm vào trong từng tế bào của ta…


CAO HỒNG ÂN - GNO

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch