Phật giáo & Tuổi trẻ
THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO HOẰNG PHÁP TOÀN QUỐC 2011
Giúp giới trẻ hôm nay tìm được nguồn vui sống
Sư cô Thích nữ Hương Nhũ Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh
23/03/2011 11:24 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỦA GIỚI TRẺ THỜI NAY:

Qua nhiều câu chuyện về giới trẻ, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy giới trẻ Việt Nam đang có nhiều vấn đề rất đáng quan ngại. Rất nhiều em không biết phải định hướng cuộc sống như thế nào? Những nghiên cứu đánh giá của nhiều chuyên gia về tâm lý học, xã hội học, lịch sử học đã giúp chúng ta, những người làm công tác hoằng pháp hiểu rõ hơn và có cái nhìn chính xác hơn về giới trẻ. Theo một nghiên cứu về não bộ con người, những người trẻ tuổi thường không mấy khi kiểm soát được hành vi của mình. Bởi những vùng thần kinh điều chỉnh hành vi bộc phát và cảm xúc chưa được phát triển hoàn thiện, kể từ tuổi vị thành niên đến giữa độ tuổi 20.

Các nhà nghiên cứu cho biết ở lứa tuổi vị thành niên và đầu thành niên chưa thể có sự ổn định nghề nghiệp và hôn nhân. Trong khi đó, chính những sự ổn định này có khuynh hướng làm giảm đi những hành vi nguy hiểm bộc phát ở con người. Một giáo sư chuyên nghiên cứu về tâm lý học tại trường đại học Denver của Mỹ cho biết, rất nhiều người đã đưa ra những quyết định lớn trong đời với phương châm “Phải tận dụng tuổi 20 triệt để” từ việc học tập, nghề nghiệp cho đến quan hệ tình dục và chọn bạn đời. Nhưng qua thực tế, có thể nói đó là một quan điểm sai lầm bởi vì khi đời sống vật chất ngày càng phát triển thì đồng thời, con người cũng dễ dãi hơn với chính bản thân và nhiều bạn trẻ cũng đang sống hết sức buông thả và đang lạc lối.

Nếu trong mỗi bước đi, lớp trẻ có được sự giúp định hướng của các bậc thiện trí thức, sẵn sàng đến với các em bằng tình yêu thương thì có lẽ xã hội cũng giảm đi nhiều tệ nạn từ giới trẻ, nhưng tiếc thay sự tự do thái quá hiện nay đang là điều quá nguy hại cho thanh thiếu niên. Điển hình là: sống thử, sống vội, thị hiếu văn hóa thấp kém, bạo lực học đường (1), nghiện game online, bỏ học (2), tỷ lệ nạo phá thai của Việt Nam vẫn đang cao nhất thế giới trong những năm gần đây, đặc biệt là ở lứa tuổi vị thành niên (3). Từ thực tế đang diễn ra với một số lớn giới trẻ hiện nay khiến chúng ta, những người sứ giả của Như Lai không tránh khỏi những ưu tư.

II. Chúng ta đang làm gì để giúp giới trẻ Việt Nam định hình một hướng đi?

1. Ai sẽ giúp các em?: Thật ra, nói đến giới trẻ thì ai cũng quan tâm cả, vì giới trẻ là mùa xuân xã hội, là mầm non đất nước nên mọi người đều yêu thương, từ xã hội, gia đình, nhà trường, các nhà làm công tác giáo dục…tuy nhiên trong phạm vi tham luận này sẽ đề cập đến những tu sĩ Phật giáo giúp gì cho các em có thể định hình một hướng đi tốt đẹp cho cuộc sống hôm nay.

2. Lứa tuổi nào đang cần sự quan tâm giúp đỡ của chúng ta?

a. Lứa tuổi vị thành niên: Thường được các nhà nghiên cứu tâm sinh lý giới hạn trong khoảng từ 10-11 tuổi đến 19-20 tuổi, là một giai đoạn chuyển tiếp của sự phát triển từ tuổi thơ sang người lớn: “Tuổi không còn là trẻ con nữa, nhưng cũng chưa phải là người lớn”. Đây là giai đoạn đặc biệt, duy nhất của cuộc sống vì đồng thời xảy ra một loạt những thay đổi, bao gồm: sự chín muồi về thể chất, sự biến đổi tâm lý và sự biến đổi các quan hệ xã hội. Đây cũng là giai đoạn nảy sinh nhiều rối nhiễu tâm lý nhất so với các lứa tuổi khác.

b. Lứa tuổi đầu thành niên (khoảng 17 - 19 tuổi): Giai đoạn lứa tuổi đầu thanh niên này, các em đã trở nên giống người lớn hơn về nhiều phương diện. Về các mục đích sống của bản thân có tính thực tế hơn. Các em được thừa nhận về mặt xã hội như người lớn. Tuy nhiên, các em vẫn cần được quan tâm giúp đỡ để thực sự trưởng thành theo chiều hướng tốt đẹp nhất.

c. Lứa tuổi từ 20 đến 26: Lứa tuổi đã trưởng thành nhưng thực tế ngày nay rất nhiều em bị chao đảo, thất vọng, mất phương hướng sống và rất cần sự hỗ trợ về tinh thần của Phật pháp và xã hội.

3. Qua nghiên cứu, tiếp cận và tìm hiểu, chúng ta có thể nhận thấy:

Các em thiếu khả năng định hướng cuộc sống vì trong giai đoạn hiện nay:

a. Xã hội có khuynh hướng coi trọng tiền tài, danh vọng, thích hưởng thụ xa hoa.

- Con người có nhiều đổi thay khó lường, ẩn tàng nhiều nguy cơ và tệ nạn xã hội.

b. Các em thất bại trong việc học

- Do bị mất căn bản nên dù phấn đấu vẫn thua sút bạn đồng học,

- Áp lực thành tích trong học tập.

- Số em ở vùng sâu vùng xa thiếu phương tiện học tập do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, đành phải bỏ học giữa chừng.

- Con nhà giàu lại được sự chiều chuộng thái quá, không dạy con lối sống tự lập, chỉ biết ỷ lại và đòi hỏi hưởng thụ, không biết giá trị của sự lao động.

c. Các em bị thất bại trong đời sống tình cảm vì:

- Cha mẹ thường trách mắng vì không hiểu con, do tâm lý lứa tuổi mới lớn có nhiều biến đổi và xáo trộn.

- Cha mẹ bất hòa, cha mẹ ly hôn, hay cha mẹ không chung thủy với nhau mặc dù vẫn sống chung.

- Cha say sưa, cộc cằn thô lỗ, mẹ cờ bạc, lười biếng…

- Gia đình làm ăn sa sút, thất bại.

d. Bất mãn nhà trường trong việc giảng dạy hoặc bất mãn những thầy cô giáo không xứng đáng là nhà mô phạm, thiên vị, không tự mình nêu gương đạo đức …

- Chán ghét sự học, chỉ muốn bỏ học và liều mạng vào những cuộc chơi để tạm quên tất cả.

e. Có những em do rối loạn tâm sinh lý nhất thời đưa đến khủng hoảng tinh thần, cộng với những bất mãn không giải quyết được đưa đến trầm cảm.

Điều cần lưu ý là trước những bế tắc cuộc sống hoặc những vấn nạn của xã hội, một số thanh thiếu niên thật sự muốn tìm hiểu về đời sống người tu sĩ Phật giáo để định hướng cuộc đời mình – chọn con đường xuất gia. Đây cũng là một mảng đề tài sống động và bổ ích.

4. Phương pháp và biện pháp:

Chúng ta cần tìm phương pháp và biện pháp làm sao các em có được một hướng đi nhằm đem lại hạnh phúc thật sự, hạnh phúc từ chính nội tâm trong sáng và trí tuệ hiểu biết. Làm sao các em có thể sớm nhận ra rằng người ta có thể rất giàu sang nhưng vẫn đau khổ thật nhiều nếu không có sự bình yên và định tĩnh của tâm hồn. Rõ ràng hạnh phúc không phải do đời sống vật chất, nhưng vì do lầm tưởng, con người luôn tìm kiếm hạnh phúc ở bên ngoài. Phần lớn giới trẻ bây giờ khát vọng sự thỏa mãn trong những cuộc tình chóng vánh, mong muốn một công việc dễ dàng nhưng lại hái ra hàng đống tiền để có một cuộc sống hưởng thụ. Và làm sao các em khác được nếu có những bậc thầy cô và cha mẹ cũng chỉ hướng đến sự ổn định gia đình bé nhỏ, và danh, lợi riêng chính là mục tiêu của cuộc sống.

Người tu sĩ Phật giáo luôn cảm nhận sâu xa chân lý: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mích bồ đề, kháp như cầu thố giác”. (Pháp Bảo Đàn Kinh- Lục Tổ Huệ Năng). Vậy thì trước bất cứ hoàn cảnh nào của dân tộc và xã hội, chúng ta vẫn quyết dấn thân đem hạnh phúc và an vui cho chúng sanh mà ở đây là thanh thiếu niên Việt Nam.

Nền văn hóa và đạo đức của dân tộc VN mang đặc tính “Tam giáo đồng nguyên” cộng với tinh thần duy lý, yêu tự do, trọng sự bình đẳng, công bằng xã hội của nhiều dân tộc tiến bộ phương Tây. Do đó, khi trợ duyên cho lớp trẻ nên quan tâm giữ gìn, khôi phục và phát huy các phẩm chất, giá trị mang tính nhân bản trước tiên. Trước hết phải biết khơi dậy, nuôi dưỡng “khí phách làm người”. Trong kho tàng lịch sử, triết học, đạo đức của nhân loại có vô số những tấm gương sống động, người tu sĩ Phật giáo nên vận dụng những gương ấy để khơi dậy trong thanh thiếu niên “nguyên khí”, lòng tự trọng và đức hy sinh, dám xả thân vì lẽ phải, sự công bằng, vì tha nhân, vì tiền đồ dân tộc.

Ngoài thời gian hướng dẫn các em tập ngồi thiền, niệm Phật, tịnh tu, thì phần pháp thoại, giáo dục đạo đức rất quan trọng với những nội dung căn bản tùy duyên mà chúng ta triển khai như sau:

1. Giảng giáo nghĩa lời Phật dạy thông qua Kinh điển, dẫn chứng cuộc đời đức Phật và chư Bồ tát.

2. Chỉ ra những nhân cách cao đẹp thể hiện qua gương sáng của người xưa như chư Hiền Thánh Tăng, Thánh tử vì đạo… (Hư Vân Hòa thượng, Bồ tát Quảng Đức…)

3. Dẫn chứng những châm ngôn, danh ngôn, những gương chí sĩ, anh hùng liệt sĩ, trung thần hiếu tử, trung quân ái quốc…

4. Điển hình nhân cách trong lịch sử Phương Tây, những tấm gương hy sinh, đạo đức và tài năng của thanh thiếu niên Việt Nam ngày nay.

Một thiếu niên, sau khi nghe kể một gương sáng trong xã hội loài người, một tư tưởng đầy tính minh triết (tuy không phải lời Phật dạy), nếu họ xúc động thì người kể đã thành công; sự giáo dục đã theo tinh thần ứng hóa thân của đức Bồ-tát Quan Thế Âm. (Có điều đáng tiếc cho chúng ta là khi thuyết giảng hầu như không để ý cách giáo dục đạo đức “mở rộng” này một phần lớn là do chưa tích lũy được phương tiện thích ứng). Không nhất thiết phải dùng “biểu tượng thành công” của các đại gia thời cạnh tranh thị trường kinh tế. Thực tế cho biết những người có văn hóa và có “tâm”, dù theo tôn giáo nào, chính kiến nào khi về già họ vẫn xúc động khi nghe kể lại những gương tuyệt vời về nhân cách trong xã hội loài người. Có lẽ chúng ta nên suy nghĩ thêm, và không ngại vận hành giáo dục theo hướng này, song song với việc giảng giáo lý nhà Phật.

Chúng ta phải cảm ơn các khóa tu mùa hè tại chùa Hoằng pháp và một số chùa ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đã quyết tâm tổ chức những khoá tu dành cho thanh thiếu niên. Nhờ đó mà nhiều nội dung giáo dục Phật giáo đã đến với các em. Gia đình và nhà trường đều nhìn nhận các khóa tu dành cho người trẻ tuổi do các chùa tổ chức là một sân chơi bổ ích cho tinh thần và sức khỏe của các em. Điều quan trọng hơn là từ sau những khóa tu ấy, các em có nhân duyên được tiếp cận với quý thầy, quý sư cô để học hỏi nhiều hơn.

Riêng cá nhân chúng tôi, sau bài giảng “Tìm lại chính mình” dành cho lứa tuổi sinh viên tại chùa Hoằng pháp vào đầu mùa hè năm 2010, rất nhiều sinh viên học sinh đã tìm đến chúng tôi mạnh dạn giãi bày những tâm sự riêng tư, có những uẩn khúc do hoàn cảnh gia đình, xã hội hoặc chính các bạn trẻ đã tạo nên do sự vụng dại của chính mình. Với sự thân thiện, lòng yêu thương, chịu lắng nghe và thông cảm thì các em sẽ yên tâm tin tưởng và nương tựa quý thầy cô như người mẹ hiền, thậm chí không sợ hãi giấu giếm điều gì. Sau một thời gian tiếp cận với nhiều kiên nhẫn, đã có những lúc các em ấy về chùa cùng với cha hoặc mẹ để nói lời cảm ơn vì các em đã quyết tâm trở lại trường đại học, làm lại cuộc đời với niềm tin “tất cả tương lai vẫn còn ở phía trước”. Hiện nay, hàng tuần, một nhóm sinh viên đầu tiên là 1 em nay đã là trên 30 em thường xuyên về chùa lễ Phật công quả và học hỏi Phật pháp. Có em còn muốn tập sự để xuât gia. Điều đáng nói ở đây là trong số đó không ít em đang bước ra ánh sáng từ bóng tối cuộc đời.

Từ thực tế trên, quý thầy cô và các bậc cha mẹ không thể chờ đợi đến khóa tu do chùa hay các tự viện thiền viện tổ chức dành cho người trẻ tuổi một năm chỉ có một vài lần. Trái lại, chúng ta cần thu ngắn khoảng cách với giới trẻ bằng cách hãy giáo dục các em thường xuyên đến chùa ngay từ bây giờ. Và khi có cơ hội, chương trình hoằng pháp của chúng ta sẽ bắt đầu. Những buổi nói chuyện không phải là lúc nào cũng là những bài giảng cuộc đời là vô thường, khổ, không, vô ngã khi trình độ các em chưa thể nhận thức được. Với các em đời là màu hồng rất đẹp với nhiều ước mơ tuổi trẻ nhưng khi bị thất bại trong một vấn đề nào đó, các em mất tất cả niềm tin và đôi khi đưa đến buông trôi cuộc đời. Bằng sự kiên nhẫn lắng nghe với tất cả tình yêu thương, và bằng phương pháp giảng dạy theo tinh thần ứng hóa thân của Bồ tát Quan Âm, các sứ giả Như Lai sẽ giúp các em xới tung mảnh đất tâm khô cằn và chai lỳ kia, rồi tưới lên đó những giòng nước mát để ươm mầm sống cho hoa thơm trái ngọt, cho màu xanh yêu thương lan rộng khắp quê hương.

Chúng ta tin tưởng rằng, với trái tim nhân ái, sự lắng nghe và đôi bàn tay hết lòng nâng đỡ các em, cuối cùng có một sự thật mà các em sẽ nhận ra, đó là trong cuộc sống này những hạt giống tuyệt vời bao giờ cũng được nảy nở từ nước mắt và cay đắng. Những tấm gương xuất chúng kia, họ đến với thành công từ chính những thử thách của số phận, sự hạn chế của bản thân, thậm chí là sự hiểu lầm và ruồng bỏ của xã hội. Sẽ là điều đáng tiếc nếu như ta đầu hàng điều không may và cho đó là sự an bài của số phận. Nhưng sẽ rất đáng trân trọng nếu như với niềm tin, các em sẽ dũng cảm đối mặt với mọi thử thách của cuộc sống mới, băng qua khó khăn để cuối cùng tìm lại chính mình.

Chú thích:

(1) Kết quả nghiên cứu về hành vi bạo lực trong nữ sinh trung học (với 200 phiếu khảo sát tại 2 trường THPT ở Hà Nội) được chúng tôi tiến hành cho thấy: có đến 96,7% số học sinh trả lời ở trường các em học có xảy ra hiện tượng nữ sinh đánh nhau, mức độ là 44,7% rất thường xuyên, 38% thường xuyên... Trả lời quan niệm của các em về hiện tượng đánh nhau giữa các học sinh nữ: hơn 45% cho rằng đó là "bình thường".

(2) Theo http://vietbao.vn (20/03/2008)..

(3)Theo hội Kế hoạch hóa gia đinh Việt Nam (VINAFPA) thì Việt Nam có tỷ lệ nạo phá thai ở độ tuổi sinh sản cao nhất ở Đông Nam Á và là một trong những nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới (thông tin vào tháng 11/ 2010).

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch