Phật giáo & Tuổi trẻ
Tuổi trẻ chùa Đình Quán (HN) với đạo Phật
Chùa Đình Quán
07/01/2011 23:14 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nhân dịp xuân Tân Mão đang về, chùa Đình Quán tổ chức khóa tu 3 ngày “Ngày nay bên nhau” cho các bạn trẻ trong CLB Về Nguồn và sinh viên tình nguyện...


Nguồn suối phát sinh của đạo Phật là một sự giác ngộ về sự thật của cuộc đời (tứ diệu đế), vì vậy đạo Phật có tính cách vượt lên trên cuộc đời. Sự vượt lên ở đây là một kết quả tất nhiên của giác ngộ, vì mọi giác ngộ đều đưa tới một sự thức tỉnh và giải phóng.

Con người giác ngộ không còn là con người bị sai sử và chìm đắm trong cuộc đời nữa. Con người giác ngộ là con người tự do, vượt ra khỏi những tối tăm, quên lãng và phó mặc của cuộc đời.

Nhưng vượt lên trên cuộc đời không có nghĩa là phủ nhận cuộc đời, ghét bỏ cuộc đời. Nếu chỉ có một sự ghét bỏ, xa lánh, trốn chạy thì chưa có thể gọi là vượt lên. Đó chỉ là một sự chán nản hoặc khiếp sợ.

Vượt lên ở đây bao hàm một ý chí khỏe mạnh, một ý thức giải thoát, một thái độ khinh thường khổ đau. Và được trang bị đầy đủ những bản lĩnh ấy rồi, con người giác ngộ đi vào cuộc đời với tất cả can đảm và thiện chí để chuyển hóa cuộc đời.

Cuối thế kỷ thứ sáu, một vị tăng sĩ Ấn Độ tên Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) sau khi vân du Trung Hoa, tới kinh đô Luy Lâu ở lại chùa Pháp Vân và thành lập phái thiền tông đầu tiên tại nước ta gọi là phái TỲ NI ĐA LƯU CHI. 

Vào đầu thế kỷ thứ chín, một vị thiền sư Trung Hoa tên là Vô Ngôn Thông sang nước ta, trú tại chùa Kiến Sơ và thành lập phái thiền tông thứ hai tại  nước ta gọi là phái VÔ NGÔN THÔNG. 

Giữa thế kỷ thứ mười một cùng với Tháo Đường Thiền Sư, vua Lý Thánh Tông thành lập một phái thiền tông thứ ba gọi là phái THẢO ĐƯỜNG. 

Vào thế kỷ thứ mười ba, vua Trần Nhân Tôn sau khi xuất gia, lập một phái thiền tông thứ tư nữa gọi là phái TRÚC LÂM YÊN TỬ.

Người Phật tử Việt Nam nhìn rõ thực tại tâm lý, kinh tế và xã hội của thời đại và áp dụng giáo lý đạo Phật một cách thông minh vào đời sống mới, không bị ràng buộc bởi thành kiến và thói quen. 

Đức Phật là một bực Đại Đạo Sư. Thâm hiểu những điều kiện tâm lý, kinh tế và xã hội con người của thời đại ngài, Đức Phật đã truyền dạy những giáo lý thích hợp với con người của thời đại ấy. 

Giáo lý của Đức Phật phù hợp với các điều kiện sinh hoạt tâm lý, kinh tế và xã hội của con người cho nên được gọi là một giáo lý KHẾ CƠ. 

Trong suốt lịch sử của Phật giáo, ta thấy xuất hiện nhiều hệ thống giáo lý mới  phát xuất từ Phật Giáo Nguyên Thỉ, như giáo lý Tịnh Độ, giáo lý Thiền, giáo lý Duy Thức, giáo lý Thiên Thai. 

Những giáo lý này vừa khế hợp với căn bản đạo Phật vừa khế hợp với những điều kiện tâm lý và xã hội của con người đương thời. 

Phật giáo là một tôn giáo không báo thù, biết cởi mở và khai phóng để mở rộng chân trời tương lai. 

Tuy cởi mở, khai phóng và tiếp tục được truyền thống từ bi, khoan dung, vô úy và giải thoát. 

Thái độ bảo thủ vì thói quen vì thành kiến và cố chấp là một thái độ trái ngược với tinh thần cởi mở và tiến bộ của đạo Phật. 

Người Phật tử không thể nhắm mắt làm theo tất cả những điều mà người xưa đã làm, lấy cớ “xưa bày nay làm”.  Người Phật tử phải xét xem những điều do người xưa bày ra hiện còn có giá trị trong hoàn cảnh hiện tại hay không. 

Nếu còn thì ta vẫn tiếp tục thi hành.  Nhưng nếu những điều ấy không còn giá trị nữa thì ta phải bỏ và tìm ra những điều khác thích hợp với ta hơn. 

Ngày xưa khi còn tại thế Đức Phật và các môn đệ cùng thời với ngài đã áp dụng pháp chế khất thực chẳng hạn.  Ở các nước Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, trong suốt mười thế kỷ, tăng sĩ ít khi thực hành pháp chế tri bất khất thực đó, tại vì điều kiện phong thổ và tập quán ở các nước này khác với Ấn Độ thủa xưa. 

Như thế không có nghĩa là Phật Giáo các nước đó chống với Phật Giáo Ấn Độ.  Như thế chỉ có nghĩa là Phật Giáo tại các nước đó đã biết chuyển biến để khế hợp với những điều kiện sinh hoạt tại các nước đó mà thôi. 

Lấy ví dụ ấy mà xét thì nếu ta muốn cho đạo Phật có sinh khí, ta phải biết áp dụng đạo Phật một cách thông minh vào những điều kiện sinh hoạt tâm lý, kinh tế và xã hội của đời sống chúng ta. 

Đạo Phật không phải là của riêng của một số người ẩn dật nơi tư viện.  Đạo Phật là của mọi lớp người: của thiếu nhi, của thanh niên, của phụ nữ, của lao động trí thức và lao động chân tay. 

Đạo Phật chỉ có sinh lực khi nào giáo lý đạo Phật được áp dụng trong đời sống hàng ngày, trong các lãnh vực giáo dục, y tế, chính trị, kinh tế, tổ chức, trong đời sống cá nhân cũng như trong đời sống gia đình, quốc gia và xã hội. 

Người Phật tử phải đặt những câu hỏi tương tự như sau đây: Trong một xã hội mà con người bị lôi cuốn theo guồng máy kinh tế và chính trị đến nỗi con người khó có thể bảo tồn tự do và nhân tính của mình, thì đạo Phật dạy con người áp dụng thái độ nào và hành động những gì để khôi phục tự do và nhân tính ấy? 

Đối với những cuộc chiến tranh diệt chủng và tàn phá sinh mệnh và giá trị con người, đạo Phật dạy ta hành động thế nào?  Trước hiểm họa mà nhân loại đang phải đương đầu, đạo Phật dạy ta con đường nào để có thể tự cứu? 

Nếu đạo Phật không trả lời được những câu hỏi như thế, thì ta không thể nói rằng đạo Phật là đạo của sự sống. 

Kỳ thực, người Phật tử tin rằng trong đạo Phật có hàm chứa những nguyên lý căn bản có thể trả lời được mọi vấn đề của sự sống; và do đó, đem những nguyên tắc kia áp dụng vào đời sống cá nhân và xã hội hiện tại ta sẽ tìm thấy những câu trả lời thích hợp. 

Bản thân ta và sự sống của ta chính là môi trường thực nghiệm từ đó được tìm ra những câu giải đáp, gọi là ĐẠO PHẬT ỨNG DỤNG.  Những điều kiện sinh hoạt tâm lý, kinh tế và xã hội luôn luôn thay đổi cho nên mỗi thời đại và mỗi địa phương cần có một đạo Phật ứng dụng thích hợp. 

Thành kiến và thói quen thường khiến cho người ta sợ hãi sự thay đổi và sự sáng tạo.  Đạo Phật là một đạo sống động, do đó cần sự đổi thay và sáng tạo liên tục.  Phật tử đừng để cho thành kiến và thói quen bó buộc. 

Phật tử cần luôn luôn nhận định lại về sự sống để mà thực hiện những thay đổi và sáng tạo cần thiết làm cho đạo Phật luôn luôn là một đạo sống động chứ không khô chết trong những cái vỏ hình thức và thiếu sinh khí

Chính vì vậy tại chùa Đình Quán đã có những khóa tu tập cho mọi tầng lớp, mà tuổi trẻ luôn tiên phong dấn bước phục vụ, đó là các bạn trẻ trong CLB Về Nguồn, sinh viên tình nguyện...

Nhân dịp xuân Tân Mão đang về chùa Đình Quán tổ chức khóa tu 3 ngày “Ngày nay bên nhau”

“ Tuổi xanh như nắng thơm- tuổi xuân như hoa thắm.
Tuổi đá như thầm lặng- Tuổi đời như giấc mơ.
Em mơ về trong nắng- Nghe rung động con tim.
Hiểu thương thêm sức sống- Tỉnh thức hết đi tìm.
Tìm đâu nơi cuối phố? Tìm chi tận chân trời?
Sự sống trong hiện tại- Hạnh phúc trên bờ môi” 
(Thơ Tuyết Sơn- Chân Pháp Đăng)

Hình ảnh này toát lên rõ ràng đạo Phật là đạo chung tất cả, nhưng thích hợp nhất là tuổi trẻ.  Vì tuổi trẻ mới có đủ phương tiện thực hiện triệt để giáo lý của Đức Phật, và tuổi trẻ mới đủ bầu nhiệt huyết hăng hái quả cảm trên con đường tự giác, giác tha, dù gặp mọi gian nguy khó khổ.

Do đó nên Phật dạy bốn pháp kiên cố đến quả Bồ-đề, “tuổi trẻ biết mộ đạo tu hành” là một trong bốn điều ấy vậy.

Tuổi trẻ là tuổi thích hợp với đạo Phật, vậy những bạn thanh niên không nên luống phí thời giờ, phí thời kỳ quí báu ấy, đợi đến khi sức kiệt hơi tàn, có hối tiếc cũng không kịp.

Phật dạy: “Ngươi nói: ‘Tôi còn trẻ cần phải chơi bời vui vẻ, đến ngày già sẽ tu’. Nhưng cái chết có khác nào kẻ cướp cầm gươm bén theo rình rập ngươi, một miếng mồi ngon của nó; như vậy làm sao ngươi chắc mà đợi đến ngày già đặng đưa tâm trí qua đường Ðạo đức?”.

Giáo lý đạo Phật chủ trương rằng con người chịu hoàn toàn trách nhiệm về bản thân mình và xã hội mình, rằng con người có thể thay đổi được bản thân và hoàn cảnh xã hội theo ý mình muốn.  Những điều kiện hiện tại của sự sống, những gì đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ xảy ra đều do hành động (nghiệp hay Karma) của mình tạo thành và thúc đẩy. 

Không có một đấng thần linh nào có quyền năng cứu rỗi được con người.  Phật tử, nhất là các bạn trẻ theo lời Phật dạy, phải tự mình thắp đuốc lên mà đi.  Con người phải tự cứu lấy mình bởi vì Đạo Phật luôn là “đạo của thanh xuân đang căng đầy nhựa sống và tha thiết yêu đời”.

Dưới đây là một số hình ảnh của khóa tu:

Source: PTVN

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch