Phật giáo & Tuổi trẻ
Hằng thuận - Nét đẹp trong đời sống lứa đôi
09/02/2010 22:51 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Lễ hằng thuận là một "thuật ngữ" khá thông dụng dùng để chỉ cho nghi thức tổ chức lễ cưới ở chùa. Tại buổi lễ, nếu đôi bạn trẻ được vị chủ lễ trao truyền Tam quy, Ngũ giới thì buổi lễ sẽ được gọi thêm là Lễ hằng thuận quy y. 
Hiện nay, đám cưới ở chùa không còn là một "hiện tượng lạ" khi ngày càng có nhiều bạn trẻ muốn khởi sự đời sống lứa đôi của mình bằng một lễ thức thiêng liêng thay vì một lễ hội. Hôn nhân, vì vậy, đã trở thành một lời phát nguyện dưới sự chứng minh của chư Phật và chư Tăng: một đời sống chung với ý thức và trách nhiệm được bắt đầu bằng hai chữ "hằng thuận"...
 
 Lên chùa làm lễ thành hôn...
"Đây là điều rất mới đối với đạo Phật!", TT Thích Viên Giác, trụ trì chùa Từ Tân, khẳng định. "Từ ngày chấn hưng Phật giáo, một số Phật tử đã nghĩ đến việc lên chùa tổ chức lễ cưới cho con em mình dưới sự chứng minh của Tam bảo. Thế nhưng, cho đến nay, trải qua hai phần ba thế kỷ, có người vẫn cho rằng việc cử hành hôn lễ ngay trước bàn Phật là đi ngược lại với mục đích giải thoát của đạo Phật", TT cho biết thêm.

Image
Tuy nhiên, trên thực tế, những suy nghĩ như thế không nhiều, vì vậy, nhiều Phật tử đã nghĩ đến việc lên chùa cung thỉnh chư Tăng hộ niệm cho hôn lễ của mình. Trong khói trầm ngào ngạt, trong lời kinh nhiệm mầu, trong sắc y vàng rực rỡ và lời khuyến nhủ của chư Tăng, hôn lễ diễn ra với tất cả sự trang nghiêm, thành kính - chắp cánh cho đời sống hôn nhân bay bổng giữa đôi bờ thiêng liêng và trần tục. "Hôn nhân là một bước ngoặt lớn trong đời; hạnh phúc là sự hòa hợp giữa đời sống tâm linh và vật chất, giữa tình thương yêu và sự hướng thượng… nên một buổi lễ phát nguyện hằng thuận tại chùa là điều cần thiết đối với một Phật tử", một bạn trẻ cho biết.
Quả thật, ngày càng có nhiều Phật tử lên chùa xin tổ chức lễ thành hôn. Đám cưới tại chùa trở thành một nét văn hóa đối với Phật giáo nói riêng và xã hội nói chung. "Chúng ta không nên áp đặt giới luật của người xuất gia lên hàng cư sĩ tại gia. Khi Đức Phật còn tại thế, chính Ngài cũng đã nhiều lần khuyến nhủ hàng Phật tử tại gia sống đời sống gia đình theo đúng Chánh pháp cũng như đạo đức xã hội qua qua các bài kinh Thiện Sanh, kinh Đảnh lễ sáu phương…", nhiều vị trụ trì cho biết như vậy khi chúng tôi đặt vấn đề: nên hay không việc cử hành hôn lễ cho Phật tử tại chùa? Các ngài còn cho biết: "Chứng minh và hộ niệm cho hôn lễ của Phật tử là việc làm tùy thuận của chư Tăng. Hơn nữa, việc làm này cũng chính là một trong những nhân tố quan trọng giúp cho người Phật tử tại gia Phật hóa gia đình, xây dựng đời sống gia đình hướng thiện".
Nghi thức hôn lễ tổ chức tại chùa được tiến hành như một buổi lễ cầu an với những tên gọi như: Nghi thức cầu an lễ thành hôn; Nghi thức lễ thành hôn; Nghi thức hộ niệm hôn lễ…; đơn giản hơn, nhiều người gọi là lễ thành hôn hay lễ đám cưới tại chùa. Trong nghi thức này, phần "lễ thức" thường được chú trọng hơn phần "nghi lễ" - phần chính của lễ hằng thuận chính là bài pháp ngắn của vị chủ lễ trước khi trao nhẫn cho cô dâu chú rể, khuyên đôi bạn trẻ sống đúng với Chánh pháp và đạo lý ở đời…
Thử truy tìm nguồn gốc và tên gọi của lễ hằng thuận
Ai cũng biết rằng nghi thức hằng thuận ra đời trong khoảng sáu, bảy mươi năm gần đây. Nhưng cụ thể, đó là vào thời điểm nào, do ai đặt ra, ai là người đầu tiên đến chùa làm lễ hằng thuận… thì điều đó, ngay cả những nhân vật gắn liền với Phong trào Chấn hưng Phật giáo như cư sĩ Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm,… vẫn không thể trả lời chính xác. Phải chăng, đó chỉ là những sự kiện nhỏ trong một thời kỳ đầy biến động nên đã mờ đi trong ký ức của mọi người? 
Trong số những người con của bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, hiện chỉ còn duy nhất người con trai út là bác Lê Đình Lực, 72 tuổi, sống tại số 194, đường Giải Phóng, Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội. Trò chuyện với chúng tôi, bác cho biết: "Vào khoảng năm 1939 hay 1940 gì đấy, lúc đó tôi còn quá nhỏ, gia đình tôi ở Bến Ngự, tôi nhớ bố tôi đã tổ chức lễ cưới cho chị Lê Thị Hoành, chị đầu của tôi, tại chùa Từ Đàm. Nhưng bây giờ chị ấy mất rồi, chỉ còn lại anh Hoàng Văn Tầm, anh rể tôi, đang ở đường Trung Liệt, TP.Hà Nội…". Cụ Hoàng Văn Tầm, rể cả của cụ Lê Đình Thám, năm nay cũng đã 90. Hiện cụ rất yếu, giao tiếp khá khó khăn, nhưng trí nhớ của cụ vẫn còn khá tốt. Cụ cho biết: "Đó là ngày 3-3-1940, lễ cưới của tôi và cô Hoành được tổ chức ở chùa Từ Đàm. Tôi không khẳng định được chúng tôi có phải là người đầu tiên lên chùa làm lễ cưới vào thời ấy hay không, nhưng… có lẽ chúng tôi là người đầu tiên thật, bởi trước đó, tôi chưa nghe ai lên chùa làm lễ cưới cả!".
Là một trong những cư sĩ tiên phong và có công rất lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo vào những thập niên đầu thế kỷ XX, người sáng lập nên Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục - Gia đình Phật hóa phổ (1940), tiền thân của Gia đình Phật tử (1951), phải chăng bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám cũng chính là người nghĩ đến việc Phật hóa gia đình bằng cách cung thỉnh chư Tăng cho phép những cận sự nam, nữ được tổ chức lễ cưới tại chùa với sự chứng minh của Tam bảo, và người con gái đầu lòng của bác sĩ chính là người Phật tử đầu tiên thực hiện lễ thức này?
Riêng đối với hai chữ "hằng thuận", tuy được sử dụng khá rộng rãi, nhưng qua tìm hiểu từ sách vở cũng như tham vấn trực tiếp chư tôn đức và những cư sĩ lớn tuổi, chúng tôi vẫn chưa xác định được "hằng thuận" nguyên nghĩa là gì, do ai đặt ra? Bởi theo cụ Hoàng Văn Tầm và Lê Đình Lực thì: "Tôi chưa nghe đến hai chữ hằng thuận như thế bao giờ!". Cư sĩ Võ Đình Cường và cư sĩ Tống Hồ Cầm cũng cho rằng: "Tôi không nhớ rõ lắm… nhưng hình như vào thời điểm chấn hưng Phật giáo, chúng tôi chưa từng nghe đến hai chữ hằng thuận…".
Trong ba bản: Nghi thức lễ thành hôn của HT Thích Thiện Hòa, Nghi thức cầu an lễ thành hôn của HT Thích Trí Thủ và Nghi thức hộ niệm hôn lễ của HT Thích Nhất Hạnh mà chúng tôi hiện có được, bản của HT Thiện Hòa được viết và in thành sách sớm nhất, năm 1971, trong đó, hai chữ "hằng thuận" được HT nhắc đến một lần duy nhất ở phần hồi huớng: "Hằng thuận công đức thù thắng hạnh…", hai bản còn lại không hề nhắc đến chữ này. Vậy phải chăng HT Thiện Hòa là người đầu tiên xác nhận "hằng thuận" chính là nghi thức cử hành hôn lễ tại chùa bằng văn bản? 
Về ý nghĩa của hai chữ "hằng thuận", qua tham vấn chư vị tôn túc, chúng tôi ghi nhận được hai quan điểm: 1. Hằng thuận nghĩa là tùy thuận chúng sanh mà thực hiện (theo hạnh Bồ tát của chư Tăng); 2. Hằng thuận nghĩa là thường sống với nhau hòa thuận (theo đạo vợ chồng). Trong Hoa ngọc lan, HT Thích Chơn Thiện viết: "nhà chùa đã phương tiện thực hiện theo yêu cầu của các gia chủ, và gọi đó là lễ hằng thuận. Hằng thuận vừa mang ý nghĩa phương tiện "hằng thuận chúng sanh" của nhà chùa, vừa mang ý nghĩa hướng dẫn người đời sống hằng thuận". Riêng TT Viên Giác còn đặt vấn đề: "Chữ hằng trong quẻ dịch là đạo vợ chồng. Hằng thuận, nếu hiểu theo nghĩa ấy chính là sống thuận theo đạo vợ chồng, một đạo lý sống chung hòa hợp. Đạo lý sống chung đó nhà Phật thiết lập để cung cấp cho những cặp vợ chồng sống chung hạnh phúc theo năm nguyên tắc đạo đức của người Phật tử (5 giới cấm). Tuy nhiên, theo tôi được biết, nhiều vị trụ trì vẫn ngại dùng chữ hằng thuận vì hiện nay từ ngữ này vẫn chưa được đặt một cơ sở lý giải vững vàng để trở thành thuật ngữ của Phật giáo".
Đôi điều suy nghĩ
Hằng thuận là một nét đẹp trong đời sống lứa đôi. Đối trước Tam bảo, đôi bạn phát nguyện sống chung hạnh phúc theo 5 nguyên tắc đạo đức cơ bản của Phật giáo, một mặt, tạo nền tảng tâm linh hướng thượng cho đời sống gia đình, mặt khác, "lời hứa" trước Tam bảo sẽ có sức mạnh nâng đỡ cho đôi bạn vượt qua những trắc trở trong đời sống sau hôn nhân. Đứng trên bình diện nào đó, việc làm này cần nên khuyến khích và vị trụ trì cũng nên tạo điều kiện cho Phật tử đến chùa làm lễ hằng thuận. Tôn giáo hợp thức hóa đời sống lứa đôi, tôn giáo giúp cân bằng đời sống tâm linh và vật chất, tạo nên một đời sống hướng thượng. Trong khi gia đình là một tế bào của xã hội - một tế bào tốt sẽ là điều kiện tốt để cấu tạo nên một cơ thể lành mạnh.
Tuy nhiên, hằng thuận chỉ thật sự có ý nghĩa khi đôi bạn trẻ cùng muốn hướng đến một đời sống hôn nhân tốt đẹp. Cùng với tình yêu thương, ý thức trách nhiệm và mục đích sống, đôi bạn trẻ cùng nhau xây đắp ngôi nhà hạnh phúc trên nền tảng đạo đức Phật giáo cho hạnh phúc được bền lâu. Nếu không như vậy, quả thật, hằng thuận chỉ là một việc làm "tùy thuận" theo xu thế thời đại, đánh mất đi tinh thần và trí tuệ của Phật giáo - hằng thuận, như thế, quả thật, không nên tổ chức ngay trước bàn Phật!
Xuất phát từ mục đích tốt đẹp đó, lễ hằng thuận là một cầu nối giữa đạo và đời, giữa hạnh nguyện giải thoát và ước nguyện xây dựng một xã hội tốt đẹp của chư Tăng và hàng Phật tử tại gia.
Quảng Kiến (Báo Giác Ngộ)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch